Bóng đá Nghệ An được cho là bắt đầu từ năm 1921, khi đội bóng đầu tiên của người Việt được lập ở trường Quốc Học Vinh, mang tên “Lam Thành túc cầu đội”. Tuy vậy, Lam Thành mãi mãi cũng chỉ là đội bóng của học sinh. Đến những năm 1944, 1945 Lam Thành vẫn thi đấu trong giải hạng ba của Vinh – Bến Thủy. Từ năm 1921 đến năm 1945, ở Vinh có tới hàng chục đội bóng tham gia các giải đấu nội tỉnh, hoặc Bắc Trung Kỳ, rồi Trung Kỳ. Thậm chí giải quán quân Trung Kỳ năm 1943 thành phố Vinh có tới 4 đội tham gia. Thế nhưng, trong vài chục năm ấy, nổi tiếng nhất vẫn là đội ASNA của Hội Thể dục Nghệ An (Association sportive Nghe An), được thành lập năm 1928. Đội thường gọi theo tên viết tắt là ASNA, hoặc S.V (Sport de Vinh). Thế nhưng, trong dân gian thường không gọi như vậy. Vì trang phục chính thức của ASNA là áo vàng (cổ áo và tay áo màu đỏ), quần trắng, nên dân ta thường gọi là hội “Áo Vàng”. Sân bóng của đội mặc dù cũng được mang tên là sân vận động thành phố Vinh, nhưng cũng được gọi là “bãi Áo Vàng”. Tuy nhiên, trong thời gian đầu chưa có trang phục thống nhất. Trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn ngày 12 tháng 12 năm 1930 có bài tường thuật về trận đấu giữa hai đội S.V và Comete, chiều 30/11/1930. Trận này S.V thắng 3-1, nhưng bài báo vẫn than phiền: “Nhưng hiềm vì hai bên quần áo đang lộn xộn khiến cho con mắt nhà hâm mộ thể thao khó phân biệt”. Trong đội hình của S.V hôm đó đã thấy có tên “Khánh”, ở vị trí trung phong.

Đội hình Áo Vàng và Comete ngày 30/11/1930

Đó chính là Tống Viết Khánh, thủ quân của đội Áo Vàng.

Tống Viết Khánh sinh năm 1912, quê ở Huế, nhưng cùng gia đình lập nghiệp ở Vinh. Chàng trai ấy lớn lên, cao to, vạm vỡ, đúng lúc ở đô thị trẻ Vinh – Bến Thủy, bóng đá bắt đầu phát triển. Mười tám tuổi đã là thủ quân của đội Áo Vàng, chàng trai ấy đã tung hoành trên các sân cỏ Trung Kỳ. Không chỉ thi đấu với các đội trong thành phố, mà Áo Vàng cũng thường xuyên du đấu, hoặc tiếp các đội mạnh ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ trên sân nhà, như Auto Hall của Hà Nội, Olympique của Hải Phòng, SEPSH của Huế, Spports Touranais (Đà Nẵng), ASGF Nha Trang, Kiến Hương (Thanh Hóa), AS Faifo (Hội An)… Hầu như trận đấu nào của Áo Vàng anh cũng có mặt và cũng đều là niềm hy vọng của đội nhà và người hâm mộ. “Con mắt của nhà hâm mộ thể thao ở Vinh đây thường hy vọng ở những cái sút thần công của Khánh” (Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, ngày 4/12/1932). Mỗi khi anh thi đấu thăng hoa, báo chí cũng dành cho anh những lời có cánh. Ngược lại, có trận, vì nhiều lí do, anh thi đấu không như mong muốn, báo chí lại tiếc rẻ. Trận Áo Vàng đấu với Auto Hall, một đội bóng hàng đầu ở Hà Nội vào Vinh du đấu, Áo Vàng bị dẫn 2-3. Báo chí tiếc rẻ: “Khánh hôm nay chơi không có lúc nào xuất chúng. Thật đáng tiếc!”.

Một trận bóng của đội Áo Vàng trên sân Vinh

Tháng 9 năm 1932, Áo Vàng nhận lời mời của ban tổ chức ngày hội ở Đà Nẵng vào thi đấu. Mặc dù thiếu nhiều nòng cốt, nhưng vì “muốn kéo dài sợi dây tình cảm”, thủ quân Khánh cùng đội vẫn lên đường vào Tourane. Trận đó, Khánh đá thăng hoa, ghi một cú đúp bàn thắng. Báo Thể thao Bắc Kỳ ngày 20/9/1932 tường thuật: “Lựu được ban đưa lên chuyền cho Khánh, cập ten (capitaine, đội trưởng) Vinh ngoài 10 thước sút một quả trái phá làm Chaubert phát hoảng bó tay. Phút thứ ba bóng vào chân tả dực mới của Vinh, Kiếm được dịp may lập công ra mắt, tạt quả ban vào giữa để cho Khánh đưa vào lưới của Chaubert. Thế là trong non ba phút, Vinh gỡ hòa lại ăn thêm một ván”. Mặc dù sau đó Áo Vàng không giữ được tỷ số và để thua ngược, nhưng thủ quân Áo Vàng vẫn được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất. “Một hội đồng luận công các đấu thủ và tặng các vật dùng làm kỷ niệm. “Khánh, cập ten Vinh, công đầu. Tú, cập ten Tourane công nhì”.

Những năm này Tống Viết Khánh nhiều lần được gọi lên đội tuyển Trung Kỳ. Trận đấu ngày 10/11/1933 trên sân Stade Magin ở Hà Nội, Trung Kỳ hòa với Bắc Kỳ 3-3. Báo nhận xét: “Các tay xuất sắc của Trung Kỳ: Tương, Khánh, Dược, Tớt”.

Cũng như các đội bóng thời đó, Áo Vàng chỉ là đội bóng nghiệp dư. Các cầu thủ cũng phải có nghề nghiệp và công việc khác, để sinh sống và nuôi dưỡng đam mê bóng đá của mình. Chính vì vậy, phong độ các đội bóng cũng trồi trụt theo đồ thị mưu sinh của các cầu thủ. Sau những năm đầu thập kỷ ba mươi phát triển rầm rộ, mấy năm sau bóng đá Thành Vinh cũng lên xuống thất thường. Trong các đội bóng thì Áo Vàng vẫn được cho là chăm chỉ tập luyện hơn cả. Mãi đến năm 1939 và đầu những năm 1940, phong trào thể thao Doucuroy lan đến Thành Vinh, không chỉ bóng đá, mà các môn khác như Quyền Anh, bơi lội, bóng bàn, bóng rổ, điền kinh… cũng phát triển. Riêng bóng đá, nhiều đội bóng mới xuất hiện. Ngoài bãi Áo Vàng ở gần Thành, một sân thể thao hiện đại khác cũng được xây dựng trong khu vực của Nhà máy Xe lửa Trường Thi. Đội Áo Vàng được tái lập, hay nói đúng hơn, được củng cố, kiện toàn. Một ngôi sao khác của bóng đá Bắc Kỳ là trung ứng Trần Xuân, cựu cầu thủ của Olympique Hải Phòng, sau khi giải ngũ cũng đưa vợ con vào Vinh lập nghiệp. Sau một thời gian ngắn đá cho đội Croix Rouge, Trần Xuân được mời về Áo Vàng giữ vai trò thủ quân. Tống Viết Khánh cũng trở lại với Áo Vàng. Mặc dù đã ở tuổi “lão tướng” với môn bóng đá đỉnh cao, nhưng cặp đôi Xuân – Khánh vẫn là trụ cột của đội. Với thể lực, thể hình lý tưởng, chiều cao 1m80, lại giàu kinh nghiệm trận mạc, hai anh tiếp tục tung hoành trên các sân cỏ Trung Kỳ, từ Thanh Hóa đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… Trong giải Trung Kỳ năm 1942, có trận Áo Vàng đã “vùi dập” AS Faifo (Hội An) đến 6 – 1. Không chỉ là trụ cột, hai anh còn là niềm cảm hứng, là người thầy đào tạo ra những hảo thủ trẻ hơn, như Bùi Nghẽn, Quang Hòa… Trong đó, Bùi Nghẽn, tức Sinh sau này là một cầu thủ nổi tiếng của đội Công an Hà Nội.

Báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương (Sports jeunesse d’Indochine), ngày 23/4/1944, mục “Mỗi tuần mỗi đầu” có bài về trung phong Tống Viết Khánh.

“Cách đây chín, mười năm về trước, hồi mà phong trào thể thao còn mới nhóm ở Vinh đã thấy xuất hiện một đội bóng tròn lấy tên là “Nghệ An Thể dục”. Có nhiều cầu thủ lợi hại và tiếng tăm, đội ban ấy đã ghi lại trong lịch sử túc cầu một thời kỳ oanh liệt mà người ta không quên nhớ kẻ cầm đầu là trung phong Tống Viết Khánh. Hồi ấy nói đến nhà thủ quân họ Tống trong giới túc cầu không một ai là không biết tiếng.

Báo Bắc Kỳ thể thao ngày 20/9/1932

Người to cao, vạm vỡ, thoạt bước chân ra sân công chúng đã đặt chắc sự thắng ở chàng.

Có những quả sút mạnh như súng thần công và những quả đội đầu chắc chắn, dù ở các trận tranh đấu giao hữu, hay các trận đấu tranh chức vô địch, bao giờ một mình chàng cũng phá thủng lưới bên địch ít nhất là một vài lần. Chàng là tấm gương phản chiếu của hàng tiền đạo, nhờ tài nghệ ấy, chàng đã khoác áo hội tuyển mấy lần”.

“Ngày nay tuy đã có vài nét nhăn trên trán, nhưng chàng vẫn giữ được lối chơi xưa, những quả đội đầu, những đường bóng của chàng phát ra đã khởi sự thế công cho hàng tiền đạo. Sức lực tuy có giảm đi ít nhiều, vì thời gian thay đổi, người ta có thể bảo rằng tài nghệ của chàng đã trở lại với thời xưa.

Tổng cục Thể thao Trung Kỳ vừa rồi có chọn nhà trung ứng Trần Xuân đi Hội tuyển, thật là một sự vẻ vang cho đội bóng ASNA. Nhưng, nó còn vẻ vang hơn nữa, nếu người ta để ý đến nhà trung phong họ Tống bất hủ của thành Vinh”.

Bài báo về Tống Viết Khánh trên báo Thể thao và Thanh niên Đông Dương 1944

Đầu những năm 1940, Đội Thanh niên thể thao Vinh được danh thủ Trần Xuân thành lập, với nhiều môn thể thao khác nhau, trong đó bóng đá và đội Áo Vàng vẫn là chủ lực. Khi Nhật hất cẳng Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, đội Thanh niên Thể thao cũng hưởng ứng các hoạt động của phong trào thể thao Phan Anh, có xu hướng thân Nhật. Chính lúc này, ông Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và nhà cách mạng Mười Uyển đã móc nối và hướng lái Đội Thanh niên thể thao Vinh đi theo cách mạng. Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, đội được mang tên Đội Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng và được giao nhiệm vụ là đội tự vệ chiến đấu. Không phụ lòng tin của cách mạng, đội Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng đã trở thành lực lượng chủ chốt trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền ở Vinh. Cũng như nhiều cầu thủ khác của đội Áo Vàng trứ danh, Tống Viết Khánh cũng trải qua những ngày tháng sục sôi của Cách mạng Tháng Tám ở Vinh.

Cuối tháng 9 năm 1945, Tống Viết Khánh lên đường Nam Tiến. Cuộc trường kỳ kháng chiến đã đưa anh đến với chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Từ cán bộ phường Đức Thắng, thị xã Phan Thiết, anh lần lượt giữ các chức vụ ở thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận. Năm 1953, anh được điều động, bổ sung vào ban cán sự Đảng Tỉnh ủy Lâm Đồng và một số công tác khác. Tuy môi trường khác, nhưng Tống Viết Khánh vẫn là một tiền đạo, có mặt ở những điểm nóng nhất của chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Chiến trường gian khổ và hiểm nguy, chắc Tống Viết Khánh không có cơ hội để chơi bóng đá. Thế nhưng, chính trong thời gian này, anh đã ghi được một bàn thắng quan trọng nhất cuộc đời. Bàn thắng mang tên bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hường, một cô gái có vẻ đẹp mặn mà, khỏe khoắn của nắng, gió và sóng biển Phan Thiết. Năm 1955, anh tập kết ra Bắc và không bao giờ nghĩ rằng một cơ hội để trở lại bóng đá đỉnh cao đang chờ anh trước mắt, khi tuổi đã 43.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo chủ trương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đoàn thể thao quân đội (gọi tắt là Thể Công) được thành lập tháng 9 năm 1954. Coi thể thao như một binh chủng đặc biệt, những cán bộ giỏi thể thao, quân sự và vững vàng về chính trị được tuyển chọn về đây để gây dựng phong trào. Chính vì vậy, vừa đặt chân lên đất Bắc, Tống Viết Khánh cùng với những danh thủ một thời của bóng đá Nam Kỳ, Trung Kỳ như Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Hồ Quang Quới, Huỳnh Văn Len, Diệp Phú Nam… được điều ngay về đội Thể Công. Tại đây, với tư cách là một danh thủ, một cựu tỉnh ủy viên, Tống Viết Khánh được giao giữ chức chính trị viên của đội. Sau đó, năm 1956, ông giữ chức Trưởng đoàn, kiêm chính trị viên đội Thể Công. Với bản lĩnh và kinh nhiệm của một danh thủ, nhiều năm là thủ quân đội bóng, lại kinh qua kháng chiến, Tống Viết Khánh đã có công lớn, góp phần xây dựng Thể Công từ những năm tháng đầu thành lập. Được tuyển chọn kỹ càng, huấn luyện bài bản, lại có kỷ luật cao của quân đội, Thể Công nhanh chóng trở thành một cái tên lừng lẫy trên khắp các sân cỏ miền Bắc. Tống Viết Khánh đã cùng lãnh đội đưa Thể Công lên ngôi vô địch các năm 1956, 1957, 1959. Trong những năm này, phong trào thể thao quân đội các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cũng phát triển mạnh. Giải bóng đá giữa quân đội các nước XHCN (SKDA) ra đời. Tống Viết Khánh từng là trưởng đoàn đưa đội bóng quân đội đi dự các giải giao hữu ở Trung Quốc (1956); giải SKDA giữa quân đội các nước XHCN ở CHDC Đức (1958) và nhiều trận giao hữu quốc tế khác. Ngày 13/12/1962, Tống Viết Khánh đã có vinh dự đưa đội bóng đá quân đội CHDC Đức vào Phủ Chủ tịch gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đội tuyển bóng đá Quân đội CHDC Đức, ngày 13/12/1962. (Tống Viết Khánh đứng hàng sau, bên phải)

Năm 1966, ông chuyển công tác khác, nhường lại vị trí Đoàn trưởng Thể Công cho một danh thủ đầy tài năng và tâm huyết khác. Đó cũng là một người Nghệ, danh thủ Ngô Xuân Quýnh. Năm 1970, ông chuyển ngành sang làm Vụ phó tại Ủy ban TDTT. Khoảng năm 1974, ông bị tai biến và mất năm 1984.

Năm 2004, Tống Viết Khánh là một trong bảy cái tên được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề cử để đề xuất tặng Huân chương Kỷ niệm thế kỷ của FIFA.

Từ “cập ten” của Áo Vàng xứ Nghệ trứ danh, Tống Viết Khánh đã trở thành thủ lĩnh Thể Công, một cái tên bất hủ của bóng đá Việt Nam hiện đại. Tống Viết Khánh cùng với các danh thủ khác đương thời, không chỉ là những tượng đài, mà còn là những đường chuyền kết nối bóng đá Việt Nam từ sơ khai đến hiện đại.

Phạm Xuân Cần