Sáng 29/9, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ nhiếp ảnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Thành phố Vinh – xưa và nay”. Đây là một trong những hoạt động của Bảo tàng hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Thành phố Vinh (10/10/1963 -10/10/2023), 235 năm Phượng Hoàng Trung đô (1788-2023).

Các đại biểu dự lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Thành phố Vinh – xưa và nay”.

Tham dự có ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo thành phố Vinh; cùng các nhà nghiên cứu, sưu tầm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh và đông đảo người dân.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc trưng bày chuyên đề, bà Trần Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh: “Thành phố Vinh là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt, gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển đất nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Mảnh đất này đã chứng kiến, ghi dấu các sự kiện quan trọng:  năm 1788, Hoàng đế Quang Trung chọn vùng đất Yên Trường, huyện Châu Lộc nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh là “nơi có khí tượng tươi sáng” để xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô; Vinh cũng là nơi khởi đầu của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong tiếng trống sục sôi cùng khí thế xung thiên của đoàn quân ra trận: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước, nọ Thanh Chương tiếp bước theo sau”; một thành Vinh đồng lòng sẵn sàng tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947; Vinh quả cảm, kiên cường trong chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ,…”

Một số hình ảnh, hiện vật lưu dấu về chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của thành phố Vinh.

Thời gian trôi qua, những chứng tích hào hùng, nhiều công trình, kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của thành Vinh đã bị phá hủy. May mắn thay, từ một số tấm ảnh tư liệu, một số chứng tích về Vinh qua nguồn hiện vật tại Bảo tàng Nghệ An, của các nhà sưu tập tư nhân và những câu chuyện xưa vẫn sống trong ký ức của những con người gắn bó với thành Vinh, đã lưu dấu về chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của thành phố.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Thành phố Vinh – xưa và nay”.

Tại buổi trưng bày chuyên đề, ông Phạm Xuân Cần – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, người được mệnh danh là “nhà Vinh học” chia sẻ về quá trình nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu về thành phố Vinh; đồng thời khái quát, nói rõ thêm các hình ảnh Vinh xưa từ quy hoạch, địa lý, văn hóa, giao thương… “Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Vinh nay đã có nhiều đổi thay từ những góc phố, những con đường hay các công trình xây dựng. Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự đổi thay ấy qua những tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật “Vinh xưa và nay” Tất cả đã tái hiện phần nào về thăng trầm lịch sử của thành phố để qua đó chúng ta có thể tìm thấy hình bóng của thành Vinh với người xưa phố cũ; có thể thấy được Vinh đổ nát trong chiến tranh, kiên cường trong chiến đấu, để rồi hôm nay, chúng ta có quyền tự hào về một thành phố Vinh hồi sinh phát triển mạnh mẽ, là đô thị loại 1 của tỉnh Nghệ An, với không gian ngày một mở rộng, thành phố sầm uất và thay đổi từng ngày để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ”.

Ông Phạm Xuân Cần, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, nhà “Vinh học” chia sẻ về quá trình nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu về thành phố Vinh tại buổi lễ.

Tại buổi trưng bày, đại diện lãnh đạo Bảo tàng Nghệ An đã thay mặt Ban tổ chức tặng hoa cho nhà “Vinh học” Phạm Xuân Cần và nhà sưu tầm Đào Tam Tỉnh vì đã có những đóng góp cho thành công của chuyên đề trưng bày.

Lãnh đạo Bảo tàng Nghệ An tặng hoa cho nhà Vinh học Phạm Xuân Cần và nhà sưu tầm Đào Tam Tỉnh.

Chuyên đề trưng bày “Thành phố Vinh – xưa và nay” gồm 2 chủ đề: Chủ đề 1 – “Vinh trong ký ức” giới thiệu hình ảnh những con phố, nẻo đường của thành Vinh xưa như: phố Khách (phố Cao Thắng nay), Hàng Gạo (phố Lê Huân nay), đường Toà Sứ…; các di tích lịch sử – văn hóa như: chùa Diệc, đền Võ Miếu, Văn Miếu, Thành cổ Vinh; hình ảnh thành phố Vinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ. Chủ đề 2 – “Vinh – thành phố bình minh” giới thiệu về quá trình xây dựng lại thành phố sau chiến tranh đến nay, hướng đến trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại du lịch, khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục – đào tạo.

Các đại biểu tham quan trưng bày.

Với hơn 200 tư liệu tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị trong đó có nhiều bộ sưu tập quý thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ An và các nhà sưu tập yêu mến thành Vinh như: sưu tập kỉ vật chiến tranh, sưu tập đồ dùng sinh hoạt,… đã mang đến cho công chúng một cái nhìn khái quát về lịch sử của Vinh, thành phố bên dòng sông Lam thơ mộng – nơi hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Nghệ.

Các em học sinh tham quan các tư liệu, hiện vật tại khu vực trưng bày.

Chuyên đề cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân thành phố giao lưu, gặp gỡ, trao đổi về những kỷ niệm, những kí ức về thành Vinh; là cơ hội để ghi nhớ về những thành tựu của thành Vinh trong quá khứ, từ đó phát huy các giá trị truyền thống cho hiện tại và tương lai, giúp cho thế hệ trẻ hiểu thêm về “thành phố đỏ” đầy thơ mộng và rất đỗi tự hào, giới thiệu cho bạn bè, du khách gần xa về một điểm đến văn hoá, du lịch hấp dẫn của tỉnh Nghệ An.

Tin, ảnh: Kiều Nga