Trong ảnh là một cậu bé bụ bẫm, kháu khỉnh vừa 4 tháng tuổi. Góc bên phải, phía dưới dập nổi hai chữ “Bình An”. Cậu bé trong ảnh nay đã là một cụ già quắc thước tuổi U90, đó là nhà giáo Tôn Hy, nghỉ hưu ở Đà Nẵng. Cụ Tôn Hy kể: Cụ sinh năm 1935, được bốn tháng tuổi thì gia đình đưa đến chụp hình kỷ niệm ở hiệu ảnh Bình An, trên phố Ga. Sau này cụ mới biết bức ảnh này đã được hiệu phóng rất to để làm ảnh quảng cáo. Thấy ảnh quá đẹp, gia đình cụ Hy đến xin mua lại, nhưng rất tiếc bức ảnh đã được bán cho một người Pháp.

Lần tìm qua nhiều manh mối, mới biết hiệu ảnh Bình An do cụ Phạm Huy từ Thái Bình vào Vinh lập nghiệp mở ra.

Trên cuốn Địa chỉ Đông Dương, 1933, tìm thấy địa chỉ “Pham Huy, photogr. 114, rue Maréchal Joffre”. Phố Joffre nay là đường Lê Hồng Sơn. Đây là địa chỉ nhà ở của nhiếp ảnh gia Phạm Huy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đình Quán cũng có địa chỉ nhà ở trên phố này.

Quảng cáo của hiệu ảnh Bình An trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn

Lục lại hàng trăm số báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn của mấy năm, thì tìm được mẩu quảng cáo của hiệu ảnh Bình An ở số báo ngày 29/12/1933. Điều đáng nói là thay vì quảng cáo liên tục trên hàng chục số báo như nhiều nhãn hàng khác, thì cụ Huy chỉ quảng cáo hiệu ảnh Bình An trên hai số Thanh Nghệ Tịnh tân văn.

Vì vậy, nếu không để ý là có thể bỏ qua, không tìm thấy. Theo quảng cáo thì hiệu ảnh Bình An đóng ở 114 phố Ga, tức đường Maréchal Foch. Nội dung quảng cáo rất khác biệt, nói việc hiệu ảnh đã trang bị các thiết bị điện phục vụ việc chụp và xử lý ảnh. “Tài lực bất cập (chữ Hán). Sức người không thể sánh kịp. Chụp ảnh bằng điện, giời mưa hay tối đều chụp được cả. Phơi ảnh, sấy ảnh cũng dùng bằng điện, rất là lanh chóng, vừa đẹp lại vừa bền. Vậy các ngài chú ý! Những ảnh cần kíp thực rất là tiện lợi. Xin tới hiệu Bình An photo”. Tại thời điểm đó thì việc ứng dụng điện trong nhiếp ảnh được coi là một tiến bộ lớn về công nghệ.

Cũng vào quãng thời gian đầu những năm 1930, sau khi đã mở hiệu ảnh và hành nghề thuận lợi, ông Phạm Huy mới về Thái Bình đưa con trai là Vượng và một người cháu (con em ruột) mới trên dưới 10 tuổi là Văn Đồng vào Vinh, vừa cho đi học vừa kèm cặp nghề nhiếp ảnh. Những năm sau, anh Vượng là người chụp ảnh chính thay cha mình ở hiệu Bình An. Chính vì vậy, một số người sống ở Vinh những năm 1940 vẫn nhớ hiệu ảnh Bình An là “hiệu ảnh anh Vượng”.

Qua những bức ảnh chân dung còn được lưu lại, có thể thấy ảnh của Bình An không chỉ đạt chất lượng rất cao về kỹ thuật, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Bức ảnh bé trai bốn tháng tuổi nói trên cho thấy bố cục, ánh sáng, góc độ chụp cũng như chọn thời khắc bấm máy để ghi lại được thần thái của nhân vật đã đạt đến trình độ kinh điển.

Bức ảnh ba bé Tây trên xe dê do hiệu ảnh Bình An chụp

Bức ảnh ba bé Tây trên xe dê lại là một bức ảnh lạ. Nếu không có nhãn hiệu “Bình An photo – Vinh” dập nổi dưới góc phải, có lẽ cứ tưởng bức ảnh được chụp đâu đó bên Tây! Bức ảnh cho thấy sự chỉn chu, sáng tạo về đạo cụ và tay nghề rất cao, khi chớp được khoảnh khắc ba cháu bé bụ bẫm vừa ngây thơ, vừa chăm chú, trên chiếc xe do hai chú dê kéo rất độc đáo.

Hội đồng nhà trường Quốc học Vinh với vợ chồng ông hiệu trưởng do hiệu ảnh Bình An chụp

Một bức ảnh khác, chụp hội đồng nhà trường Quốc học Vinh với vợ chồng ông hiệu trưởng, không chỉ có giá trị lớn về nội dung lịch sử, mà còn là một tác phẩm hoàn mỹ về chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật.

Đương thời, những năm 1930, 1940 ở Vinh đã có khá nhiều hiệu ảnh, thế nhưng, chúng tôi chỉ tìm thấy hai hiệu ảnh có ảnh đăng báo là Trần Đình Quán và Bình An. Điều này cho thấy Bình An không chỉ chụp ảnh dịch vụ, mà còn quan tâm đến mảng ảnh thời sự.

Đáng lưu ý Bình An đã để lại những bức ảnh có giá trị lịch sử và gần như là duy nhất, như bức Vua Bảo Đại thăm Đồn Rạng (18/11/1932) trong chuyến tuần du Bắc Trung Kỳ đầu tiên sau khi hồi loan. Hoặc bức ảnh trận lụt ở Vinh năm 1933. Đặc biệt thú vị là bức ảnh chụp cuộc thi sắc đẹp ở Vinh năm 1932, cho thấy từ năm đó ở Vinh đã có những cuộc thi về sắc đẹp!

Vua Bảo Đại thăm Đồn Rạng, ảnh do hiệu ảnh Bình An chụp đăng trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn

Như vậy, có thể nhận định: cụ Phạm Huy đã mở hiệu ảnh Bình An từ khá sớm và hiệu ảnh Bình An cũng khá nổi tiếng, đã có một số ảnh đăng báo. Đó là những bức ảnh có giá trị lịch sử. Những năm sau này người quản lý và chụp ảnh chính là anh Vượng, con trai cụ Huy.

Sau 1954, anh Vượng không theo nghề ảnh, mà mở hiệu cà phê Bình Minh, cũng là một hiệu cà phê nổi tiếng ở Vinh, mà đến nay nhiều người còn nhớ. Thế nhưng, hiệu ảnh Bình An đã có một hậu duệ xứng đáng, đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Đồng, người cháu được cụ Phạm Huy nuôi dạy và kèm cặp nghề ảnh năm nào.

NSNA Văn Đồng

Được học và được kèm cặp một cách tử tế và tỉ mỉ, lại hành nghề ảnh từ nhỏ, nên Văn Đồng có tay nghề rất vững. Nhưng, cao hơn ông có đam mê cháy lòng và sức sáng tạo của một nghệ sĩ lớn. Năm 1959, ông đã có tác phẩm “Hợp tác xã Tiền Phong cày trong sương sớm” được tặng bằng khen cuộc thi ảnh quốc tế Bifota – Cộng hòa Dân chủ Đức.

Nhưng, sự nghiệp của Văn Đồng gắn với mảng ảnh thời sự, chính luận. Ông được mệnh danh là người chép sử Nghệ An và Vinh bằng ảnh. Văn Đồng đã để lại một gia tài đồ sộ, trong đó có những bộ ảnh lịch sử, như các bộ ảnh về hai chuyến thăm quê của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1957 và 1961; bộ ảnh về chiến tranh chống Mỹ; bộ ảnh về thành phố Vinh những năm 1950 – 1970.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Xuân Lương cho biết: Trong cả hai lần Bác Hồ về thăm quê (1957 và 1961), Văn Đồng đều được đích thân lãnh đạo tỉnh cử đi tác nghiệp. Cơ duyên đó đã giúp cho Văn Đồng để lại cho hậu thế, cho lịch sử những khuôn hình kinh điển về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương và tình cảm của quê hương đối với Người. Bức ảnh Bác Hồ về thăm quê, ghi lại khoảnh khắc Người tần ngần bên hàng dâm bụt, trước mái nhà tranh, sau mấy chục năm xa cách đã trở thành bức ảnh kinh điển, biểu tượng cho tình cảm của Bác Hồ đối với quê hương. Bên cạnh đó, Văn Đồng còn có hàng chục bức ảnh quý khác về hai chuyến thăm quê của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được “nhân bản” hàng nghìn lần qua báo chí và xuất bản mấy chục năm qua.

Tác phẩm “Người về thăm quê của NSNA Văn Đồng

Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Văn Đồng được bầu là Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa 7 phụ trách tuyến lửa Khu 4. “Trong chiến tranh chống Mỹ, ông đội mũ sắt trên đầu, máy ảnh to nhỏ với tê lê lắp sẵn được ngành văn hóa trang bị, lại thêm khẩu súng hơi, con dao và bình tông rượu, chiếc xe đạp cà tàng. Với từng đó hành trang ông đã đi khắp các nẻo đường chênh vênh xứ Nghệ, ghi vào ống kính không khí lao động sản xuất “tay liềm tay súng”, “tay búa tay súng” của những người nông dân, công nhân hoặc các chiến sĩ trên mâm pháo nhằm thẳng quân thù bắn, những máy bay Mỹ như ngọn đuốc trên bầu trời quê hương…”(1).

Văn Đồng đã sống một cuộc đời giản dị, kham khổ và ra đi khi tuổi mới 63. Ông mất, nhưng hình ảnh của ông, đặc biệt là gia tài đồ sộ của ông để lại vẫn tiếp tục đời sống của mình trong các viện bảo tàng, sách báo và các bộ sưu tập ảnh về lịch sử Việt Nam, lịch sử Nghệ An và thành phố Vinh hiện đại. Ông thực sự xứng đáng là hậu duệ hiệu ảnh Bình An nổi tiếng của Vinh xưa.

Pham Xuân Cần

  1. Bùi Xuân Lương, Vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ về thăm quê, https://baonghean.vn/vinh-du-duoc-chup-anh-bac-ho-ve-tham-que-post48393.html