Hướng đến kỷ niệm 60 năm thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, Tạp chí Sông Lam phối hợp với Nhóm “Vinh xưa” đăng tải một số hình ảnh về đô thị Vinh xưa qua những tấm ảnh tư liệu được nhà “Vinh học” Phạm Xuân Cần sưu tầm. Nhiều bức ảnh không đề tên tác giả, một số đề tên kèm chú thích trên ảnh, trong đó có các nhiếp ảnh gia người Pháp và nhiếp ảnh gia Trần Đình Quán – con của tiến sỹ Trần Đình Phong. Thông qua những bức ảnh đó, độc giả sẽ được nhìn thấy diện mạo đô thị Vinh xưa, một đô thị đa văn hóa với hệ thống các công trình văn hóa tín ngưỡng cổ kính, với quỹ kiến trúc Pháp khá phong phú.

Từ đầu thế kỷ XX, khi người Pháp xây dựng các thị xã rồi sau đó hợp nhất nó ở khu vực Vinh ngày nay, cùng với các hoạt động khai thác thuộc địa, xây dựng bộ máy chính quyền cai trị, mở rộng các hoạt động kinh tế, đã khiến không gian đô thị và đời sống cư dân nơi này có nhiều thay đổi. Những bức ảnh về Vinh đầu thế kỉ XX có giá trị lớn về văn hóa và lịch sử. Qua những bức ảnh này có thể hình dung được diện mạo của đô thị Vinh xưa.

Trước hết đó là đó là đô thị có nhiều công trình văn hóa cổ. Có thể hình dung qua các bức ảnh về các đền, chùa, thành cổ như chùa Diệc, Chùa Tập Phúc, Võ Miếu (Đền Hồng Sơn), Văn Miếu, Cổng Thành Nghệ An, Hội quán Hoa kiều, Nhà thờ Cầu Rầm, Tu viện… Trong đó, có những di tích lịch sử văn hóa nay chỉ còn là phế tích, thậm chí không còn nữa.

Đặc biệt ở Vinh đã có khá nhiều công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp. Có thể nhìn thấy điều đó qua những bức ảnh về Câu lạc bộ hay còn gọi Nhà Xéc, Tòa án, Phố Ga, Ngã Tư, Tòa Công sứ, các khách sạn,… và hàng dãy phố dài với những dãy nhà cao hai, ba tầng giống các khu phố cũ ở Hà Nội. Kiến trúc Pháp đặc trưng đã mang lại cho Vinh xưa một vóc dáng một đô thị được thiết kế theo phong cách tân cổ điển. Đây là phong cách hàn lâm thịnh hành ở Pháp và được người Pháp phổ biến ở nước ta những năm đầu thế kỉ XX.

Thành phố Vinh vốn đã là một đô thị có lịch sử phát triển lâu đời, với công nghiệp, kỹ nghệ và thương mại bậc nhất Trung Kỳ. Thời điểm đó, cơ sở hạ tầng đô thị khá hoàn thiện, các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại và quy mô tầm cỡ Đông Dương. Chúng ta có thể nhìn thấy qua những bức ảnh về Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy Diêm Bến Thủy, nhà máy điện Bến Thủy; về sự sầm uất, tấp nập của thương cảng Bến Thủy một thời. Nơi đây cũng là đô thị của trí thức, giáo dục, văn hóa, báo chí, thể thao của cả vùng. Đặc biệt, Vinh đã từng là một đô thị đa văn hóa, với tỷ lệ người nước ngoài, người ngoại tỉnh đến đầu tư, làm ăn, sinh cơ lập nghiệp rất cao. Tuy nhiên, do lớp bụi thời gian, do chiến tranh, tiêu thổ kháng chiến, cho đến nay hầu như mọi di sản văn hóa cũng như hạ tầng đô thị xưa đã gần như mất dấu.

Chiêm ngưỡng những bức ảnh về Vinh xưa giúp chúng ta có một cái nhìn sâu rộng hơn về một thành phố khi đi qua bao lớp lang của thời gian, của lịch sử, để hiểu và càng thêm yêu quý, tự hào về thành phố của quê hương.

Nội dung: Lê Nhung

Tư liệu: Phạm Xuân Cần cung cấp

Ca khúc “Vinh thành phố Bình Minh”. Tác giả: Lê Hàm