Vinh xưa có một doanh nhân, một dân biểu Trung Kỳ không có nhiều tiếng tăm, thậm chí đến nay con cháu trong nhà cũng biết về ông rất ít. Thế nhưng, với những “dấu vết” còn để lại trên báo chí đương thời, cho thấy đây là một con giao long khổng lồ, nhưng ẩn mình, thầm lặng. Đó là ông Nguyễn Văn Tịnh.

“Nhà đại tư bản”

Nguyễn Văn Tịnh, còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Khang, quê gốc ở xã Đại Nài, nay là phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh. Chưa rõ ông sinh năm nào, nhưng nếu người con trai của ông là Nguyễn Văn Thanh (thường gọi là Hàn Thanh) sinh năm 1900, thì suy ra ông có thể sinh ra từ 20-30 năm trước đó. Những năm 1920, 1930 ông đã thực sự thành danh, có sự nghiệp vững vàng ở Vinh.

Như mọi người đều biết, Pháp chiếm thành Nghệ An năm 1885, sau đó mở ra một trào lưu đầu tư vào Vinh, Bến Thủy của chính quyền, của các nhà tư bản nước ngoài và một số doanh nhân đến từ các địa phương phía bắc. Từ đây, lứa doanh nhân người Việt đầu tiên, trong đó có người Nghệ cũng ra đời và trưởng thành ở Vinh. Ông Nguyễn Văn Tịnh thuộc lứa doanh nhân này, bên cạnh những cái tên như Phạm Văn Phi, Trần Ngọc Thiện, Vương Đình Châu, Nguyễn Đức Tư…

Trên các tài liệu tiếng Pháp chức danh của Nguyễn Văn Tịnh được ghi là doanh nhân (Entrepreneur). Sách Địa chỉ Đông Dương 1933-1934 (Indochine addresses 1933-1934), ghi địa chỉ nhà ông cùng nhóm các công sở và định danh ông cụ thể là “doanh nhân xây dựng công trình công cộng” (Entrepreneur des Travaux Publics)[1]. Nhà ở số 85, đường Maréchal Foch (đường Quang Trung ngày nay), số điện thoại 39.

Địa chỉ Nhà in Châu Tịnh và địa chỉ nhà ông Nguyễn Văn Tịnh, trong sách Địa chỉ Đông Dương

Trong một số tài liệu tiếng Việt, nghề nghiệp của ông được ghi bằng một danh từ Hán – Việt, nay ít dùng là “lãnh trưng”, còn tuyệt đại bộ phận trên báo chí, ông được gọi bằng danh xưng rất phổ biến và dễ hiểu là “nhà thầu khoán”.

Như vậy, có thể biết ông Nguyễn Văn Tịnh làm nghề thầu khoán, chuyên nhận thi công các công trình công cộng, giống như các công ty xây dựng hiện nay. Hiện chưa biết nhiều về những công trình, dự án mà ông đã xây dựng. Chỉ biết năm 1925, khi chính quyền cho xây dựng lại tòa nhà Bưu điện ở Vinh, thì ông Tịnh đã trúng thầu. Báo Trung Hòa nhật báo ngày 27 tháng 5 năm 1925 đưa tin ông Tịnh trúng thầu xây dựng tòa nhà Bưu điện và dự tính sau khoảng 9, 10 tháng sẽ hoàn thành. Cũng báo này, 9 tháng sau, ngày 25/2/1926 đã đăng bài “Lễ khánh thành nhà giây thép”, cho biết tòa nhà đã khánh thành ngày 7/2/1926. Buổi lễ có sự tham dự của Công sứ Vinh Châtel cùng nhiều quan chức. Tòa nhà Bưu điện là một công trình lớn, hai tầng, theo kiến trúc Đông Dương, tọa lạc trên đường Maréchal Pêtain (nay là khu vực siêu thị BigC, trên đường Trần Phú). Cùng với vườn hoa Bưu điện trước mặt, đây là một trong những địa điểm đẹp nhất thành phố Vinh đương thời. Theo bài báo, công trình này xây dựng hết ba vạn sáu nghìn đồng. Tại buổi lễ, con ông Tịnh là Nguyễn Văn Thanh đã đọc diễn văn.

Tòa nhà Bưu điện do ông Nguyễn Văn Tịnh xây dựng năm 1926

Năm 1931, khi chính quyền đầu tư và khởi công công trình đại thủy nông Bắc và Nam Nghệ An, thì Nguyễn Văn Tịnh trúng thầu một trong hai gói thầu đầu tiên của dự án thủy nông Nam Nghệ An, từ Nam Đàn về Hưng Nguyên và Vinh. Thông tin này do chính kỹ sư công chánh Trung Kỳ Girard đưa ra trong bài phát biểu tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, ngày 7/10/1931[2].

Bên cạnh đó, theo thông tin từ gia đình, ông Nguyễn Văn Tịnh từng có xưởng dệt ở thành phố Vinh, đồng thời có nhiều ruộng đất ở vùng Nghi Liên (thành phố Vinh) hiện nay. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ông Tịnh là một trong những doanh nhân có hình thức kinh doanh rất mới lúc đó. Kiếm được nhiều tiền từ thầu khoán các công trình công cộng, ông Tịnh không để những đồng tiền đó nằm yên, mà bắt nó sinh sôi nẩy nở, bằng cách đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ do các doanh nhân khác làm chủ. Ngày nay chúng ta gọi hoạt động đó là đầu tư. Nguyễn Văn Tịnh là một nhà đầu tư khá hiếm hoi thời đó. Điều đáng nói là ông đã mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực rất mới mẻ về công nghệ, hoặc về dịch vụ. Những năm 1920, in ấn mới phát triển ở Trung Kỳ. Năm 1924, ông Nguyễn Đức Tư mới mở xưởng in Tân Hóa ở Vinh, tiền thân của nhà in Nguyễn Đức Tư sau này. Ba năm sau, ông Vương Đình Châu, khi đó đang quản lý kinh doanh của hãng vận tải Phạm Văn Phi, đã cùng ông Nguyễn Văn Tịnh mở nhà in mang tên hai người: “Châu Tịnh”. Báo Tiếng Dân số ra ngày 23/11/1927 tường thuật: “Hai ông Vương Đình Châu và Nguyễn Văn Tịnh là hai nhà đại tư bản ở Vinh, mới chung nhau mở một nhà in ở phố La Ga, đặt tên chữ nho là Châu Tịnh ấn quán, còn bằng chữ Tây lại là Imppmerie du Nord Annam. Sáng hôm 9 Novembre, lối 10 giờ, hai ông đã thiết tiệc sâm banh tại ấn quán để mời các quan khách đến dự lễ khai trương. Trong khi dự lễ, nào đọc dit-cua, nào đốt pháo, nào vỗ tay, vân vân, đã là những cái thói quen ở xã hội nửa Tây nửa ta ngày nay rồi, không cần kể cho dài chuyện. Duy lễ khai trương này có vẻ rực rỡ hơn các lễ khai trương khác là có quan Công sứ, quan Bố chánh, quan Án sát và nhiều quan Tây khác đến chứng kiến cho. Nghe đâu hai ông Châu và Tịnh dự định mở nhà in rồi, sẽ xin phép mở một tờ báo hay tạp chí ở Vinh nữa”.

Nếu Nguyễn Đức Tư xây dựng nhà in trên cơ sở từ hiệu đóng xén và bán sách vở nhỏ, vốn liếng do tích cóp mà thành, thì nhà in Châu Tịnh do hai nhà “đại tư bản” đầu tư, cho nên có quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ. Phạm vi kinh doanh và mức độ quảng giao của hai vị này xem ra cũng rộng hơn ông chủ Nguyễn Đức Tư.

Đến giữa những năm 1930, Châu Tịnh đã là một nhà máy in lớn, cơ ngơi bao gồm cả ba số nhà 65-67-69 đại lộ Maréchal-Foch (tức đường Quang Trung ngày nay). Nhà in có máy in từ 8 trang đến 32 trang, có bản đúc chì, máy xén giấy cỡ lớn, có tới 30 công nhân làm việc. Nhà in Châu Tịnh đủ điều kiện để in các tờ báo bằng chữ Pháp, Quốc ngữ hoặc chữ Hán, trong đó có những tờ báo in hai thứ tiếng, như Thanh Nghệ Tịnh tân văn (Quốc ngữ và chữ Hán), hoặc ba thứ tiếng như Đông Dương hoạt động (Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán).

Nhà in Châu Tịnh, do ông Nguyễn Văn Tịnh và Vương Đình Châu hùn vốn xây dựng

Thời kỳ này các nhà in lớn thường cũng là những nhà xuất bản, Châu Tịnh ấn quán cũng là một nhà xuất bản có danh tiếng. Châu Tịnh ấn quán đã in và xuất bản khá nhiều cuốn sách có nội dung tốt như các sách về Phan Bội Châu, Vua Duy Tân của Sinh Minh thư quán, hoặc Dư địa chí Nghệ An của Đào Đăng Hy, các sách về thuốc nam của lương y Phó Đức Thành… Ở đây cũng đã từng in báo “Sông Hương tục bản” của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, phát hành ở Huế.

Quảng cáo của nhà in Châu Tịnh trên báo Hà Tĩnh tân văn, số ra ngày 15/4/1929

Đặc biệt, năm 1932, khi An Nam tạp chí gặp khó khăn về kinh phí, không thể in ở Hà Nội, nhà thơ, nhà báo Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã đưa tạp chí vào in ở nhà in Châu Tịnh. Không chỉ in An Nam tạp chí, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã liên tục in và xuất bản ở Châu Tịnh ấn quán một số sách, như Khối tình con, Trần ai tri kỷ, Tản Đà văn tập

Không chỉ đầu tư, hay hùn vốn cùng bạn doanh nhân người Việt, điều đặc biệt là Nguyễn Văn Tịnh còn đầu tư lớn vào các doanh nghiệp do các nhà tư bản người Pháp làm chủ. Có lẽ Nguyễn Văn Tịnh là doanh nhân người Việt duy nhất ở Vinh có hoạt động đầu tư này. Cho đến nay, chúng tôi phát hiện tài liệu cho thấy Nguyễn Văn Tịnh đã đầu tư vào hai công ty do người Pháp làm chủ có trụ sở ở Vinh. Đó là Công ty Garage Bắc An Nam (Garage du NordAnnam) và Công ty Cổ phần Rạp chiếu phim An Nam – Lào (Société anonyme des Cinémas Annam-Laos. S. A. C. A. L).

Công ty Garage Bắc An Nam (Garage du Nord Annam) là công ty chuyên về vận tải và sửa chữa ô tô, do ông Monier Gustave Joseph làm chủ. Năm 1928, nhân có một số cổ đông của công ty thoái vốn, ông Nguyễn Văn Tịnh đã mua lại cổ phần của ông Jam và ông Đàm Ninh. Tại cuộc họp cổ đông đặc biệt ngày 8/3/1928, sự chuyển nhượng này đã được công nhận[3].

Sau đó, tại cuộc họp cổ đông đặc biệt của Công ty Garage du Nord-Annam, được tổ chức vào ngày 22/7/1928 tại trụ sở của công ty, ở Vinh, đã thống nhất điều chỉnh số cổ phần của công ty là 76, số vốn xã hội là 38.000 đồng. Có tất cả 10 người nắm giữ 76 cổ phần, với tổng giá trị 38.000 đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Tịnh được hưởng quyền lợi của hai cổ đông, là của ông Jam (Paul-Albert) 2.500 đồng (5 cổ phần) và của ông Dam-Ninh 2.500 đồng (5 cổ phần)[4]. Như vậy, tuy ông Tịnh có số vốn 5000 đồng, trong số 38.000 đồng của công ty, chiếm 10 trong số 76 cổ phần, nhưng ông Tịnh được tính là hai cổ đông, cho nên không phải là cổ đông lớn nhất của công ty này. Cổ đông lớn nhất được tính là ông Monier Gustave Joseph, 8 cổ phần, với 4.000 đồng. Nhưng, điều này cũng cho thấy tầm vóc của ông trong các doanh nhân ở Vinh.

Công ty Cổ phần Rạp chiếu phim An Nam – Lào (Société anonyme des Cinémas Annam-Laos. S. A. C. A. L), có tiền thân là Công ty Chiếu phim, giải trí Cotin và cộng sự (Entreprises cinématographiques d’audition et d’attraction Cotin et Cie), có trụ sở ở Vinh. Năm 1927, Công ty này đã xây dựng rạp chiếu phim Annamcine, ở khu vực phía tây chợ Vinh, là rạp chiếu phim đầu tiên ở Vinh. Năm 1930, công ty chuyển thành công ty cổ phần. Công ty có phạm vi hoạt động bao gồm cả Nghệ An, Hà Tĩnh và Lào.

Tạp chí Kinh tế Đông Dương, ngày 5/1/1931 đưa tin: ông Cotin đã thành lập Công ty Cổ phần Rạp chiếu phim An Nam – Lào (S. A. C. A. L.), là sự tiếp nối của công ty đối tác có tên “Công ty Chiếu phim giải trí Cotin và Cộng sự”. Vốn: 90.000 piastres, chia thành 4.650 cổ phần trị giá 20 piastres mỗi cổ phần. Hội đồng quản trị của công ty gồm có năm người”[5]. Chưa biết ông Nguyễn Văn Tịnh có bao nhiêu cổ phần, nhưng chỉ riêng việc ông có tên trong hội đồng quản trị đã cho thấy ông có số cổ phần lớn và đóng vai trò rất quan trọng trong công ty này.

Vừa làm thầu khoán xây dựng các công trình công cộng, vừa đầu tư có hiệu quả vào các công ty lớn, hoạt động trên những lĩnh vực mới mẻ, cho thấy Nguyễn Văn Tịnh là một doanh nhân có tầm cỡ ở khu vực. Mặc dù trong lập ngôn ít tỏ ra cấp tiến, nhưng trong đầu tư Nguyễn Văn Tịnh là một người có đầu óc tiên phong, biết và dám đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ. Ngày 15/8/1931, khi cùng ông Nguyễn Trác, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ đi khảo sát công trình thủy nông ở Nam Đàn, thấy đất đào lên có màu đen, giống như than bùn. Ông Tịnh đã bỏ tiền thuê đào lấy một gánh, đem về gửi đi phân tích[6]. Có lẽ, nếu đúng là than bùn thì ông cũng đã không ngần ngại dấn thân vào một lĩnh vực mới.

“Ông Hội Tịnh”

Viện Dân biểu Trung Kỳ hay Trung ỳ Nhân dân Đại biểu viện (Chambre des Représentants du Peuple de l’Annam) là cơ quan tư vấn cho chính quyền Pháp ở Trung Kỳ về các vấn đề kinh tế, tài chính, xã hội. Tiền thân của viện là Hội đồng Tư vấn bản xứ Trung Kỳ (Chambre consultative Indigène l’Annam). Thực chất cơ quan này hoạt động với tư cách cơ quan tư vấn cho chính quyền thực dân Pháp, chứ chưa phải cơ quan đại diện của dân, càng không phải là cơ quan quyền lực, có chức năng lập pháp. Tuy vậy, trong lúc thường phê phán, châm biếm hai viện ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, thì báo chí đương thời lại dành cho Viện Dân biểu Trung Kỳ nhiều sự tôn trọng hơn.

Ngay từ năm 1920, khi Hội đồng Tư vấn bản xứ Trung Kỳ được thành lập, ông Nguyễn Văn Tịnh đã được bầu làm đại biểu khóa đầu tiên. Năm 1926, khi Hội đồng Tư vấn được đổi thành Viện Dân biểu Trung Kỳ, ông tiếp tục được bầu là một trong bốn đại biểu công thương. Từ năm 1933, sau khi kiện toàn, trong thành phần của Viện, ngoài 33 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, còn có 6 đại biểu công thương, đại diện cho các nhà doanh nghiệp ở Trung Kỳ. Và, ông Tịnh tiếp tục được bầu là đại biểu công thương của khu vực Thanh Nghệ Tịnh trong Viện này. Kỳ bầu cử năm 1937, có lẽ vì tuổi đã cao, nên ông Tịnh không ra ứng cử nữa. Mười tám năm liên tục là đại biểu trong cơ quan tư vấn của Trung Kỳ cũng là một kỷ lục đối với các doanh nhân ở Vinh thời đó. Điều này cho thấy tầm vóc và uy tín của Nguyễn Văn Tịnh trong giới công thương của Trung Kỳ. Ở Vinh, ngoài Nguyễn Văn Tịnh, còn có Trần Bá Vinh cũng là dân biểu bốn khóa liền. Tuy nhiên, trong đó khóa cuối cùng (1938 – 1942) Trần Bá Vinh không trúng cử, nhưng được chính quyền bảo hộ chỉ định, nên vẫn tiếp tục là dân biểu.

Thời đó, dân biểu Trung Kỳ thường được dân gian gọi bằng cái tên “ông Hội”, với nghĩa là “ông Hội đồng”. Ông Tịnh được gọi là “Ông Hội Tịnh”, tương tự như ông Lê Viết Lới được gọi là “Ông Hội Lới”.

Với tư cách là dân biểu, quan điểm của Nguyễn Văn Tịnh về các lĩnh vực chính trị, giáo dục, kinh tế thể hiện khá rõ qua bài trả lời phỏng vấn của báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, nhân dịp sắp mãn khóa dân biểu năm 1933[7]. Ông không tỏ ra cấp tiến, hoặc cách mạng, mà thậm chí có thể nói là bảo thủ, đề cao sự ổn định. Từ năm 1928, dưới thời Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng, vấn đề đấu tranh đòi có hiến pháp cho Trung Kỳ đã trở thành vấn đề nóng của nghị trường và công luận. Thế nhưng, ngay trong Viện Dân biểu, nhiều dân biểu cũng chưa hẳn đã đồng tình. Ông Nguyễn Văn Tịnh nằm trong số đó. “Ý kiến của ông về vấn đề hiến pháp ở Trung Kỳ như thế nào? Nước mình mấy nghìn năm văn hiến, theo chế độ quân chủ. Tôi chủ trương để chế độ cũ, mà cải lương đôi điều cần thiết cho dân được nhờ ơn Chính phủ Bảo hộ và Nam triều”.

Về giáo dục, dù vẫn dè dặt, nhưng ông đã nêu lên những vấn đề khá mới và thiết thực. “Vấn đề giáo dục khó khăn lắm mà cũng hệ trọng lắm. Ý kiến của tôi đại khái như thế này:

a/ Xin Chính phủ cho dân tự do nuôi dạy thầy dạy như thuở trước dạy chữ Hán, tức như ông Trần Bá Vinh đã thỉnh cầu đức Bảo Đại khi ngài tuần sát phía bắc Trung Kỳ.
b/ Mở rộng niên hạn thi cử, đừng nhất định mười mấy tuổi mới được thi bằng nọ bằng kia, để cho đừng có nhiều học trò thất nghiệp.
c/ Dạy chữ Nho từ đẳng ấu học, nhưng mỗi tuần lễ phải dạy mấy giờ và dạy cho kỹ lưỡng, chứ đừng như ngày nay, tuần lễ dạy một giờ ngày thứ năm mà sơ sài quá. Phải tùy sức của học trò, chứ đừng tùy lớp mà dạy. Vậy các thầy giáo phải lựa sức học trò các lớp rồi chia ra từng hạng mà dạy”.

Riêng về thuế khóa và tài chính, ông Nguyễn Văn Tịnh lại có những ý kiến rất sáng tạo và cách tân, ngược với các suy nghĩ thông thường. Đặc biệt, để tăng thu cho ngân sách trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, ý kiến ông Tịnh rất độc đáo: “Tôi nghĩ Chính phủ không những không nên tăng giá điện tín, điện thoại, môn bài, mà nên giảm xuống cho rõ rẻ, để nhiều người dùng, tức là thu vào công quỹ được nhiều hơn bây giờ. Còn về môn bài cũng thế, nếu hạ giá thì không đến nỗi nhiều người đóng cửa về thôn quê như bây giờ”.

Theo dõi trên nghị trường Viện Dân biểu, cũng như trên báo chí đương thời có thể thấy có hai dân biểu ở Vinh hoạt động rất sôi nổi là Trần Bá Vinh và Lê Viết Lới, đặc biệt là Trần Bá Vinh. Không chỉ tham gia rất hăng hái ứng cử vào các chức danh trong Viện, tham gia ý kiến vào hầu hết các chủ đề tranh luận, Trần Bá Vinh thường có các hoạt động vận động trước bầu cử khá lộ liễu, khi trúng cử thì đăng bài cám ơn trên báo, khi được bầu vào chức danh nào đó trong Viện thì tổ chức tiệc mừng linh đình… Cái tên Trần Bá Vinh thường xuyên nổi trên truyền thông đương thời, với nhiều khen chê trái hẳn nhau. Nguyễn Văn Tịnh là một hình ảnh gần như trái ngược với Trần Bá Vinh. Ông hầu như không ứng cử vào các chức danh của Viện, cho nên suốt 18 năm tại vị, chỉ có một lần ông được bầu vào Tiểu ban Ngân sách (1932)[8] và một lần được bầu là thành viên Ban Cố vấn cho Viện (1936)[9]. Ông có vẻ rất kiệm lời. Trong các biên bản của Viện Dân biểu Trung Kỳ có rất ít ý kiến của ông. Nếu có, cũng chỉ là những ý kiến rất cụ thể, thiết thực. Ví dụ, kỳ họp năm 1928 ông cùng dân biểu Trần Đình Diệm cho rằng lương giáo viên đứng lớp đầu cấp tiểu học thấp quá, không đủ sống, cần phải trả lương cho xứng đáng, vì họ là người tạo nền tảng trí thức cho trẻ con[10]. Kỳ họp năm 1930, ông Nguyễn Văn Tịnh cho rằng trong ngân sách có dành 13.000 đồng để thưởng cho nông dân mua máy cấy. Nhưng trên thực tế, ở Trung Kỳ chưa có ai dùng máy đó cả. Cho nên ông đề nghị bỏ khoản này để dành cho những nhu cầu khác thực tế hơn[11]. Có thể, không phải ông Tịnh không nghĩ đến những điều to tát, mà bằng trải nghiệm mười mấy năm của mình trong Viện, ông biết thực quyền của Viện Dân biểu đến đâu, và nên đề xuất những vấn đề gì thì may ra giải quyết được.

Tháng 11/1932, trong chuyến thăm Nghệ An lần đầu tiên của Vua Bảo Đại, ông Nguyễn Văn Tịnh và ba dân biểu khác đã vào yết kiến riêng và trình lên nhà vua các thỉnh cầu về những vấn đề dân sinh rất thiết yếu. Như về dẫn thủy nhập điền, cho dân vay dài hạn, vấn đề khẩn hoang ở Nghệ An. Các ông cũng thỉnh cầu nhà vua về việc bãi bỏ dùng chữ Hán trong công việc của chính quyền mà chuyển sang dùng Quốc ngữ. Đặc biệt, các ông cũng thỉnh cầu nhà vua quan tâm đến việc giáo dục, cải cách mạnh mẽ để mở rộng giáo dục cho dân.

Báo Tiếng Dân đưa tin ông Nguyễn Văn Tịnh bị khám nhà

Khi sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp đẫm máu, các dân biểu Trung Kỳ đã ký chung đơn: “Vừa rồi vì có mấy cuộc biểu tình ở hai tỉnh Nghệ, Tĩnh, nên chính phủ đã dùng tàu bay liệng trái phá và bắn súng cối xay để trừng trị dân, nên có rất nhiều người thiệt mạng. Viện chúng tôi xin chính phủ bảo hộ và chính phủ Nam triều rộng lượng bỏ cái lối trừng trị quá nghiệt ngã ấy đi cho dân được nhờ”.[12]

Các dân biểu Thanh Nghệ Tĩnh đã tích cực kiến nghị về xây dựng hệ thống thủy nông ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngoài lợi ích to lớn, lâu dài, các ông coi việc sớm khởi công công trình này để giúp cho dân có việc làm, có tiền để chống đói là việc rất cấp thiết. Ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1931, ông Nguyễn Trác, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ đã đi khảo sát việc thi công công trình thủy nông ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Nam Đàn. Ông Nguyễn Văn Tịnh đã đi cùng. Họ đã đến tận các công trường, thăm hỏi người dân đào sông, tham gia phát chẩn ở Nghi Lộc. Tại đây ông Tịnh đã trực tiếp ủng hộ một bì gạo. Hai người cũng đã gặp Công sứ Nghệ An, trao đổi những công việc cụ thể để chống đói cho dân và thúc đẩy công việc thủy nông[13].

Ông Hàn Tịnh

Trong bài phỏng vấn Nguyễn Văn Tịnh khi gần kết thúc nhiệm kỳ dân biểu, năm 1933, báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn ghi chức danh đầy đủ của ông là “Ông Nguyễn Văn Khang, tức Tịnh, thầu khoán, Hàn lâm viện kiểm thảo, trước làm Tư vấn Nghị viên, mấy khóa nay làm dân biểu, tính từ năm 1920 đến nay là 13 năm”[14]. Như vậy, không rõ được phong tặng bao giờ, nhưng ông Tịnh có hàm “Hàn lâm viện kiểm thảo”. Sau này, con trai ông là Nguyễn Văn Thanh cũng được phong chức “Hàn lâm” và dân gian cũng gọi là “ông Hàn Thanh”.

Theo quan chế từ xưa bên Tàu, cũng như các triều đại phong kiến của ta đều có hàm “Hàn lâm viện”. Đây vốn là hàm dành cho những ông quan chuyên về chữ nghĩa. Thế nhưng, dưới Triều Nguyễn, từ đời Tự Đức về sau, “Hàn lâm” trở thành một thứ hư hàm, dành tặng cho những người có công quyên góp tiền bạc dùng vào quân phí hay chi phí xã hội. Tất nhiên, ngạch, trật cao thấp của hàm sẽ tỷ lệ thuận với số tiền của, tài sản đóng góp cho nhà nước và xã hội. Với hàm “Hàn lâm viện kiểm thảo”, mức đóng góp của ông Tịnh cho các hoạt động từ thiện xã hội ở mức cao, nhưng chưa phải là cao nhất. Mức cao nhất ở Vinh thuộc về ông Trương Đắc Du, chủ sự Nhà máy Diêm Bến Thủy, người được tặng hàm Hàn lâm ở ngạch cao nhất “Hàn lâm viện thị độc”.

Tuy nhiên, hoạt động từ thiện xã hội của ông Nguyễn Văn Tịnh cần phải được đánh giá cả về tâm huyết, công sức, chứ không phải chỉ là tiền bạc. Nhiều người biết rằng, ở Vinh thời thuộc Pháp có một hội từ thiện lớn nhất, tổ chức quy củ và hoạt động hiệu quả nhất, đó là Hội Tập Phúc (Vĩnh thành Tập Phúc Hội). Ông Nguyễn Văn Tịnh và ông Đàm Văn Cung (quản lý kỹ thuật của hãng vận tải ô tô Phạm Văn Phi) là hai người có công lớn nhất trong việc lập ra Hội Tập Phúc. Báo Tiếng Dân số ra ngày 1/2/1928 viết: “Mới đây ông Cung chủ hiệu Phạm Văn Phi và ông Tịnh thầu khoán cùng mấy người khác đã được phép quan Khâm sứ Trung Kỳ lập một Hội Tập Phúc ở Vinh. Mục đích là để mua đất làm nghĩa địa và làm đền chùa để coi việc khói hương cho các cô hồn”. Khi Hội Tập Phúc được thành lập, ông Nguyễn Văn Tịnh được bầu làm Chủ tịch hội ở nhiệm kỳ thứ 2, từ ngày 27/4/1930 đến 18/1/1931. Chính trong nhiệm kỳ này, Hội đã quyên góp đủ tiền và thương lượng mua được 40 mẫu đất của dân xã Yên Dũng để xây dựng nghĩa trang Tập Phúc. Nghĩa trang Tập Phúc khánh thành ngày 8/2/1931. Những nhiệm kỳ sau đó, ông Tịnh đóng vai trò là Phó Chủ tịch hội. Sau khi khánh thành nghĩa trang, Hội Tập Phúc tiếp tục quyên góp, vận động xây dựng chùa. Đầu năm 1934 chùa Tập Phúc đã được khánh thành.

Năm 1930 – 1931, khi Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, cũng là những năm Nghệ Tĩnh mất mùa liên tiếp, nạn đói diễn ra hết sức trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Tịnh đã chủ động bàn bạc với các nhà doanh nghiệp lập ra ban cứu tế, để cứu đói. Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số ra ngày 1/5/1931 viết: “Lập ban hội đồng cứu tế. Tối 26 avril ở nhà ông Nguyễn Văn Tịnh, Nhân dân đại biểu Trung Kỳ đã thấy đủ mặt các ông Trần Bá Vinh, Hoàng Hữu Tri, Bang Tá, Trương Đắc Du, Trần Đình Quán, Vĩnh Hưng Tường, Nguyễn Đức Ký, Vương Đình Châu, Nguyễn Văn Thanh cùng nhau hội họp định lập ban trị sự tạm thời, làm giấy đệ lên quan trên xin phép. Được phép để đi khuyến cáo khắp nơi. Nhờ tấm nghĩa hiệp, tấm lòng nhân đức của các quan, các ông, các bà, cậu, các cô thập phương, kẻ ít người nhiều vo cho tròn quả phúc thì dân đói sẽ được cầm chừng hơi thở mà chờ đến mùa sau”.

Trong thời gian này Nguyễn Văn Tịnh và Trần Bá Vinh cũng được báo chí khen ngợi vì một nghĩa cử với dân trong mùa đói kém. “Từ tháng Sáu năm ngoái đã biết rồi thể nào Nghệ An cũng có nạn đói kém, nên ông Nguyễn Văn Tịnh và ông Trần Bá Vinh là nhân dân đại biểu Trung Kỳ cùng nhau mua được một vạn đồng bạc lúa để trữ ngoài Cầu Giát. Nay gặp đói kém nên hai ông đã bằng lòng bỏ cả vạn bạc lúa ra cho dân năm hạt Phủ Diễn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc vay tạm thời ít nhiều trong lúc ngặt nghèo này. Đến mùa tháng Mười gặt được lúa trả lại. Hai ông vui lòng cho vay không lấy một đồng lời nào cả”[15].

Nếu tính trung bình giá gạo thời kỳ này là 5 xu một cân, thì số tiền một vạn đồng tương đương 200 tấn gạo. Một con số không nhỏ.

Theo gia đình cho biết, có năm đói kém ông Tịnh còn cho cả đoàn 15 chiếc xe ca-mi-ông chở ngô lên cứu đói cho huyện Đô Lương.

Thế nhưng, nhà chính trị bảo thủ, vị dân biểu tận tụy và nhà doanh nghiệp tiên phong ấy thế mà cũng có lúc bị chính quyền nghi ngờ, thậm chí suýt rơi vào vòng lao lý. Chuyện xẩy ra trong những ngày Xô viết Nghệ Tĩnh đang nổ ra.

Báo Tiếng Dân số ngày 30/5/1931 cho biết: “Hồi 8 giờ sáng hôm vừa rồi, viên thanh tra khố xanh là M. Petit cùng với 20 người lính khố xanh đến khám xét nhà M. Nguyễn Văn Tịnh, dân biểu ở Vinh. Sau đó, ông Nguyễn Văn Tịnh và người con trai là Nguyễn Văn Thanh bị đòi lên Sở Mật thám. M. Roberi cho biết rằng năm giờ sáng hôm ấy có một người trẻ tuổi cắp một cái cặp đến nhà ông Tịnh, nếu ông không khai ra thời sẽ bị giam. Ông Tịnh nói tin đó là tin báo sai, rồi ông cùng người con trai lên hầu quan Chánh Sứ, kêu về việc ấy. Ông bị giữ lại ba hôm để xét rồi lại được tha về”.

Quả thật, nếu không thuộc diện “vua biết mặt, chúa biết tên” thì cha con ông Tịnh khó lòng thoát khỏi sự oan khuất, như rất nhiều người khác trong giai đoạn khốc liệt này.

Ông Nguyễn Văn Tịnh đã qua đời từ trước Cánh mạng tháng Tám, 1945 với một đám tang lớn, kéo dài cả mấy cây số. Dưới nấm mộ cỏ khiêm nhường, ông không biết rằng, mười mấy năm sau, một may mắn hiếm có cũng đã một lần nữa cứu con trai ông, ông địa chủ Hàn Thanh khỏi án tử hình, trong cải cách ruộng đất…

Phạm Xuân Cần 

Indochine addresses 1933- 1934
Báo Tiếng Dân, số 439, ngày 25/11/1931
L’Avenir du Tonkin, 11 août 1928
L’Avenir du Tonkin, 11 août 1928
L’Indochine : revue économique d’Extrême-Orient, 5 janvier 1931
Thực nghiệp Dân báo, ngày 9/9/1931
Thanh Nghệ Tịnh tân văn, ngày 15/9/1933
Báo Tiếng Dân, ngày 22/10/1932
Tràng An báo, ngày 13/10/1936
Trung Kỳ nhân dân đại biểu Viện, kỳ họp 1928
Tiếng Dân, số 24/9/1930
La Revue Franco- Annamite 14/10/1930
Thực nghiệp Dân báo, các số ra ngày 6,7,8, tháng 9 năm 1931
Thanh Nghệ Tịnh tân văn, ngày 15/9/1933
Thanh Nghệ Tĩnh tân văn số ra ngày 17/4/1931