LTS: Đó là bốn nhà báo: Vương Đình Quang (quê Nam Đàn), Nguyễn Đức Giảng (quê Hà Nội), Võ Quý Huân (quê Thanh Chương), Nguyễn Đức Bính (quê Nghi Lộc). Là người Nghệ, hoặc không phải người Nghệ nhưng họ đã sống và gắn bó với Vinh, và đều là những nhà báo đầy tâm huyết, đầy bản lĩnh, hoạt động báo chí rất năng nổ dưới thời thuộc Pháp, trong 9 năm trường kỳ chống Pháp, và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Qua những hoạt động báo chí, văn chương của các nhà báo, chúng ta phần nào hiểu được bối cảnh xã hội của Vinh với những sự kiện, những biến động lớn làm thay đổi biết bao số phận con người, trong đó có các nhà báo nói trên; hiểu được không khí hoạt động báo chí, văn chương, in ấn tại Vinh trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn trở ngại khách quan từ bối cảnh lịch sử, họ đã kiên cường theo đuổi nghiệp bút nghiên và góp phần làm nên diện mạo báo chí Nghệ An trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Họ là những tấm gương nhà báo dám dấn thân vì lý tưởng, vì xã hội, vì con người.

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu bài viết về bốn nhà báo ở Vinh thời thuộc Pháp (04 kỳ) của tác giả Phạm Xuân Cần – người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu về “Vinh xưa”.

Kỳ 3: Nguyễn Đức Giảng – một nhà báo, nhà văn viết bằng tiếng Pháp

Vinh xưa từng có một nhà báo, nhà văn viết bằng tiếng Pháp và một tạp chí văn chương bằng tiếng Pháp có uy tín ở cả Đông Dương và ở Pháp. Nhà văn, nhà báo đó là Nguyễn Đức Giảng, con trai trưởng của ông chủ nhà in đầu tiên ở Vinh – Bến Thủy.

Ông chủ nhà in

Ông Nguyễn Đức Tư có tên thật là Nguyễn Đăng Ngạc, sinh năm 1885 tại xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Nguyễn Đức Tư được một thầy tu nhận làm con nuôi và đưa về Thái Bình, cho ăn học nên người. Lớn lên, Nguyễn Đức Tư kết hôn với Phạm Thị Hà, sinh năm 1888, quê ở Thái Bình. Từ năm 1920, hai ông bà kéo nhau vào Vinh lập nghiệp. Nhận thấy Vinh là đất học hành, trường Quốc Học Vinh cũng vừa mới thành lập, ông bà đã khởi nghiệp bằng việc mở một cửa hàng nhỏ để đóng và bán sách vở. Công việc làm ăn thuận lợi, bốn năm sau, năm 1924, ông bà mở một xưởng in nhỏ lấy tên là Tân Hóa.

Trên một bức ảnh còn lưu lại, chắc là chụp trong một dịp trọng đại nào đó, cho thấy xưởng in chỉ là một ngôi nhà đơn sơ, phía trước có một tủ và một giá trưng bày sách, bên trên có một tấm biển đề “Tân Hóa Imprimerie, Reliure Librairie”, hai bên còn có hai dòng chữ Hán: “Tân Hóa ấn quán”. Cho thấy, đây không chỉ là xưởng in, mà còn là nơi đóng và bán sách, vở. Trước nhà xưởng, đồng thời là cửa hàng có 9 người đàn ông, tất cả đều khăn đóng, áo dài đứng nghiêm trang. Trong đó, ngoài cha con ông chủ, còn lại là những người làm công trong nhà in.

Xưởng in Tân Hóa

Từ cơ sở ban đầu này, Tân Hóa phát triển dần lên. Những năm 1930 nó mang tên nhà in Nguyễn Đức Tư, là một nhà in lớn, khang trang, tọa lạc trên khu đất rộng tới 1200m2, ở số 5, đại lộ Maréchal Foch, nay là đường Quang Trung, một đường phố thương mại lớn nhất, ở trung tâm đô thị Vinh – Bến Thủy. Nhà in có tới 23 máy in, có thể in ấn được các tài liệu, sách vở, báo chí nhiều khổ khác nhau, số trang khác nhau, bằng các ngôn ngữ Việt, Pháp, Hoa.

Trên báo chí đương thời, những năm 1930 khi nói đến nhà in Nguyễn Đức Tư đều viết là do ông Nguyễn Đức Giảng, con trai trưởng của ông Nguyễn Đức Tư quản lý.

Quảng cáo Nhà in Nguyễn Đức Tư trên báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn năm 1933

Nguyễn Đức Giảng là con trai đầu của ông chủ nhà in Nguyễn Đức Tư. Anh sinh năm 1910, tại Thái Bình, khi ông bà Nguyễn Đức Tư mới cưới nhau ở đây. Năm 1918, ông bà Nguyễn Đức Tư làm ăn ở Thanh Hóa, Nguyễn Đức Giảng cũng theo học tiểu học ở đây. Năm 1920, gia đình chuyển vào Vinh lập nghiệp, Nguyễn Đức Giảng theo học tiếp tại trường tiểu học Pháp – Việt Vinh. Tại đây cậu được xếp ngồi cùng bàn với một cô bạn học rất nhút nhát, ngồi học mà cứ sợ chạm vào người bạn nam, vì quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”. Sau này ông Giảng vẫn không hiểu nổi tại sao một cô gái nhút nhát như vậy lại có thể trở thành chiến sĩ cộng sản gan góc Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhà in Nguyễn Đức Tư

Năm 1924, để chuẩn bị hành trang tiếng Pháp và kiến thức vững chắc cho con trai, ông chủ nhà in gửi cậu Giảng ra Hà Nội theo học tại trường Trí Tri, ở phố Hàng Quạt. Đây là ngôi trường nổi tiếng về dạy tiếng Pháp và các môn tân học, do Hội Trí Tri Hà Nội lập ra. Không những quy tụ các giáo viên giỏi, mà Trí Tri còn là nơi các trí thức hàng đầu của Hà Nội và đất nước đến diễn thuyết và giao lưu. Sau hai năm học tập tại đây, Nguyễn Đức Giảng trở về Vinh, học trường Quốc Học. Trong bốn năm Quốc Học, chàng thanh niên có vầng trán rộng và đôi mắt sáng thông minh, không chỉ nổi tiếng học giỏi, mà còn được biết đến trong toàn thành phố với vai trò một “kịch sỹ” nghiệp dư. Mãi nhiều năm sau, khi đã ra trường, trở thành ông chủ nhà in, thành nhà báo, nhà văn viết tiếng Pháp nổi tiếng, Nguyễn Đức Giảng vẫn góp mặt trong các vai kịch của trường Quốc Học, cũng như của các hội khác, diễn để quyên góp tiền vì mục đích từ thiện. Anh đóng được nhiều vai, già, trẻ, trai, gái, mà đặc biệt là các vai giả gái. Hiện gia đình vẫn còn giữ được bức ảnh trong đó Nguyễn Đức Giảng hóa trang thành nữ, vai Cẩm Hà, trong vở kịch Uyên ương của Vi Huyền Đắc. Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn số ra ngày 17/1/1933 tường thuật về các buổi diễn kịch của Quốc học Vinh: “Trong hai tối hát người xem đến đông ngào ngạt. Rạp Vịnh Xuân Đài to gấp hai ba lần nữa thì chứa mới vừa. Vở kịch “Lòng này ai tỏ” tuy không hay lắm, nhưng những người sắm trò đã lột hết tinh thần của các vai, theo đúng ý tứ của tác giả, nên vở kịch diễn ra vui từ đầu chí cuối. M. Nguyễn Đức Giảng quản lý nhà in Nguyễn Đức Tư lâu nay hay giúp vào việc ấy, lại là cựu học sinh trường ấy, chia nhau sắm các vai như sau này: M. Giảng sắm vai cụ Giáo và bà Thông Giụ. M. Giảng sắm vai cụ Giáo ở cảnh thứ nhất hay hơn ở cảnh cuối cùng, được khán giả hoan nghênh lắm”. Không chỉ đóng kịch bằng tiếng Việt, Giảng cũng đóng nhiều vai trong các vở kịch bằng tiếng Pháp. Trong các kì gala của hội Pháp Nam Nghệ An (AFANA), anh cùng với các nghệ sĩ nghiệp dư quen thuộc ở Vinh như Kim Vinh, Tín Bình, Thân Trọng Lạc…thường diễn các vở của các tác gia người Pháp. Ngoài ra, trong các buổi diễn thuyết bằng tiếng Pháp ở Vinh, kể cả nói chuyện về khoa học như về vô tuyến điện, Nguyễn Đức Giảng cũng thường là người phiên dịch.

Nguyễn Đức Giảng hóa trang nữ, vai Cẩm Hà trong vở kịch Uyên Ương của Vi Huyền Đắc

Sau khi học xong chương trình cao đẳng tiểu học ở Quốc Học Vinh, năm 1930 Nguyễn Đức Giảng tiếp tục ra Hà Nội học chương trình tú tài. Một kì nghỉ hè anh đi chơi Sầm Sơn, gặp hai cô gái xinh đẹp và có học thức, Giảng ngỏ lời làm quen. Rất tiếc vì đã có chốn, có nơi, họ giới thiệu cho anh một người em chung, đang học ở trường nữ sinh Đồng Khánh, Huế. Đó là Nguyễn Thị Phú, một cô gái con nhà giàu xứ Thanh, tuy nhan sắc bình thường, nhưng rất thông minh và tháo vát. Năm 1933, hai người làm lễ thành hôn. Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đã đăng một mẩu tin chúc mừng hỷ sự của trưởng nam ông chủ nhà in Nguyễn Đức Tư.

Sau khi kết hôn, Nguyễn Đức Giảng làm quản lý nhà in Nguyễn Đức Tư, giúp cho cha lúc này cũng đã luống tuổi.

Vợ chồng ông Nguyễn Đức Giảng – Nguyễn Thị Phú

“Tuổi hai mươi”

Theo pháp luật đương thời, nhà in cũng có thể là nhà xuất bản. Theo đó Nhà in Nguyễn Đức Tư không chỉ in sách, báo, đóng và buôn bán sách vở, mà còn là một nhà xuất bản, có quyền xuất bản các ấn phẩm. Việc này phù hợp với sở nguyện và đam mê văn chương của Nguyễn Đức Giảng. Những năm 1930, 1940 Les presses Annamites Nguyễn Đức Tư đã xuất bản nhiều ấn phẩm như các ấn phẩm của chính quyền, hoặc các sách sử, chính trị xã hội và văn học. Năm 1936, mới 26 tuổi, Nguyễn Đức Giảng đã cùng với người bạn Pháp của mình, là nữ văn sĩ Christiane Fournier làm một việc hiếm có trong lịch sử dòng văn học Pháp ở Đông Dương: Ra một tạp chí chuyên về văn chương bằng tiếng Pháp. Đó là tạp chí “La Nouvelle Revue Indochinoise” (NRI, Đông Dương tân tạp chí). Tờ tạp chí do bà Christiane Fournier là tổng biên tập và Nguyễn Đức Giảng là chủ nhiệm. Tuy nhiên, cũng có một số số tạp chí, Nguyễn Đức Giảng kiêm luôn chức Tổng biên tập. Tạp chí in tại nhà in Nguyễn Đức Tư, ra mỗi tháng một kì, 50 trang. Số đầu ra ngày 1/1/1936, số cuối (số 49) ra ngày 1/1/1940. Thật bất ngờ, một tạp chí chuyên về văn chương và học thuật, do hai người trẻ, chưa thật có tên tuổi, lại xuất bản ở tỉnh lẻ, nhưng đã mau chóng trở thành một không gian giao lưu văn hóa, văn học Pháp- Việt có uy tín ở Đông Dương và Pháp.

Đông Dương tân tạp chí

Trong Hội thảo khoa học quốc tế: “Giao lưu văn hóa Việt-Pháp: Thành tựu và triển vọng” (Échanges culturels Franco-vietnamiens : réalisations et perspectives ) diễn ra vào ngày 16-17/4/2018 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Phạm Văn Quang đã có báo cáo khoa học: “Đông Dương Tân Tạp chí: Một không gian chuyển giao văn hóa” (La Nouvelle Revue Indochinoise : un vecteur de transfert culturel).

Theo TS Phạm Văn Quang trong báo cáo khoa học nói trên, NRI đã quy tụ được đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu Pháp, đó là những người đang trên hành trình khám phá một nền văn hóa mới hoặc đang làm nhiệm vụ truyền bá văn minh đến Đông Dương, một nơi rất lôi cuốn đối với họ, như Clotilde Chivas-Baron, Geneviève Hurel, Jeanne Leuba, Yvonne Netter, Yvonne Schultz, Kikou Yamata, Raphael Barquisseau, Marcel Berger, Henry Daguerches, Roland Dorgelès, Pierre Foulon, R. Guy Issartier, Marius-Ary Leblond, Louis Malleret, Pierre Mille, Albert de Pouvourville, Gibert Saron, Franz Toussaint, Georges Galinier… Ví dụ, Albert de Pouvourville (1861-1939), cộng tác với NRI ngay từ lúc mới khai sinh Tạp chí cho đến khi ông qua đời. (Số cuối cùng của NRI cũng là số đăng tin buồn Albert de Pouvourville qua đời). Ông đã thấm nhuần tư tưởng Đạo giáo trong thời gian sinh sống tại Đông Dương, ông còn lấy bút danh Việt Nam là Mặt giời. Đối với ông, Đông Dương là nguồn cảm hứng: “Vì tình yêu với Đông Dương, tôi trở thành nhà văn” (La Nouvelle Revue Indochinoise, “Albert de Pouvourville n’est plus”, số 49, năm 1940). “Là một trong những nhà bảo trợ cho Đông Dương và một trong những nhà văn tuyệt vời nhất của nước Pháp, Albert de Pouvourville là một ví dụ điển hình của sự trao đổi văn hóa. Tinh thần đối thoại của ông đã đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển của NRI”[1].

Đặc biệt, NRI cũng là nơi gặp gỡ của các trí thức trẻ, những người đang và sẽ tỏa sáng trên chính trường và văn đàn Việt Nam, như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhà văn viết tiếng Pháp Nguyễn Tiến Lãng, nhà thơ Phạm Văn Kỳ, bác sĩ Trần Đình Nam…NRI ngoài đăng các sáng tác văn, thơ, tiểu thuyết, còn có các chuyên mục mang tính lý luận về triết học, văn hóa, văn học. Một số người trẻ đã biết sử dụng NRI như là nơi thể hiện và rèn dũa tài năng, như Phạm Văn Kỳ hay Nguyễn Tiến Lãng. Nguyễn Tiễn Lãng nổi tiếng trong giới báo chí, vì tham gia cộng tác với nhiều tạp chí, đồng thời là tổng biên tập của “Nam Phong Tạp chí”. Nguyễn Mạnh Tường (1909-1992) là một nhân vật quan trọng trong giới trí thức bản địa, ông đã bảo vệ thành công hai luận án tiến sĩ ngành luật và ngành văn học ở tuổi 23 ở trường đại học Montpellier. Quay trở lại Việt Nam năm 1936, ông giảng dạy tại trường trung học Protectorat của Hà Nội. Kể từ lúc này ông bắt đầu việc giới thiệu các giá trị nhân đạo của phương Tây, đặc biệt qua các bài viết đăng tại NRI[2].

Trần Đình Nam vốn được biết đến là một bác sĩ giỏi, giàu tâm huyết đối với vận mệnh đất nước (sau này là Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim), lại xuất hiện trên NRI với tư cách một nhà triết học. Ông công bố một sê ri bài viết về triết học, dưới một cái tên chung như một chuyên mục “Instantanés philosophique” (tạm dịch “Ống kính chụp nhanh về triết học”). Trong đó, Trần Đình Nam thường đi từ những hiện tượng, câu chuyện cụ thể để đưa ra những nhận xét, so sánh về sự tương đồng và khác biệt về triết học và văn hóa giữa phương tây và phương đông.

Bằng việc mời gọi, quy tụ và giữ chân được những cây viết tên tuổi đó, NRI đã chứng tỏ uy tín của mình trong giới học thuật. Trong đó “Nguyễn Đức Gỉảng, người tiếp nối Christiane Fournier làm tổng biên tập của NRI, có vai trò rất quan trọng trong sự thành lập và quản lý tờ Tạp Chí”[3]. Không chỉ quản lý, tổ chức biên tập, Nguyễn Đức Giảng cũng đã viết nhiều bài cho tạp chí. Đặc biệt, trên NRI anh đã cho đăng tải trong nhiều số cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là duy nhất bằng tiếng Pháp của mình, cuốn “Vingt ans” (Tuổi hai mươi).

Có lẽ cuộc Thế chiến II ngày càng khốc liệt đã không cho phép cuộc giao  lưu văn chương và học thuật của Nguyễn Đức Giảng và những người bạn Pháp, Việt kéo dài. Sau bốn năm, ngày 1/1/1940 NRI ra số cuối cùng. Trong số từ biệt này, những người làm báo đã hẹn gặp lại bạn đọc thông qua những ấn phẩm mà họ sẽ cho xuất bản trong thời gian tới, trong đó có tiểu thuyết “Vingt ans” (Tuổi hai mươi) của Nguyễn Đức Giảng. Thậm chí trên đó còn in mẫu đăng kí mua cuốn sách với giá 20frs. Và, đúng như lời hứa, tháng 8/1940 cuốn sách ra đời. Trong lời nói đầu nhà xuất bản đã phải xin lỗi bạn đọc vì nạn khan hiếm giấy mà sách đã buộc phải in bằng nhiều loại giấy khác nhau, trong đó có một số lượng lớn phải in trên giấy báo.

Sách Vingt ans (Tuổi hai mươi) in năm 1940

“Tuổi hai mươi” là cuốn tiểu thuyết ái tình, nhẹ nhàng và đẹp như thơ. Truyện lấy bối cảnh bãi biển Sầm Sơn, để anh chàng thư sinh gặp và đem lòng yêu một cô gái trẻ, khi làm gia sư cho cô ta trong những ngày nghỉ ngắn ngủi ở đây. Mặc dù không phải là tự truyện, nhưng chắc Nguyễn Đức Giảng đã lấy cảm hứng từ cuộc đi chơi Sầm Sơn năm nào của mình. Trang đầu “Tuổi hai mươi”, ông Giảng trang trọng đề  “Cho tuổi 20 của Kim Thoa, Thiên Kim và Đức Hạnh”. Đó chính là ba cô con gái của ông, lúc này hãy còn đang rất nhỏ tuổi. Có lẽ ông hy vọng tuổi trẻ của các con ông sẽ đẹp như tiểu thuyết chăng?

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét:

“Tuổi hai mươi” là một cuốn truyện bằng tiếng Pháp.

“Tuổi hai mươi” là một cuốn truyện viết theo lối Pháp.

Lối Pháp ở đây là có truyện trong truyện. Tưởng như là truyện về cô Xuân lại hóa ra truyện về cô Thoa.

Truyện được kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, thông qua các bức thư của người đưa tin.

Nhưng truyện chính vẫn là ở ngôi thứ nhất. Nhân vật chính xưng tôi kể câu chuyện đã diễn ra. Và chỉ là chuyện kể theo sự kiện, không có diễn biến tâm lý của nhân vật. Và sự kiện chính xảy ra ở Sầm Sơn.

 Trước truyện này đã có “Tố Tâm” của Song An Hoàng Ngọc Phách (1922) kể chuyện một đôi lứa tình yêu ngược lễ giáo, và cũng có một cảnh ở biển Đồ Sơn. Cũng lấy khung cảnh Đồ Sơn là truyện “Trống mái” (1936) Khái Hưng cho cô gái tân thời mê say một anh chàng miệt biển có thân hình đẹp.

Như vậy, đặt trong bối cảnh văn chương này, “Tuổi hai mươi” của Nguyễn Đức Giảng là một nỗ lực phấn đấu cho cái sống tân thời của người trẻ An Nam.      Nhưng tác giả đã không dám đi quá quy phạm đạo đức truyền thống. Lối viết của tác giả vẫn nặng lối giáo hóa truyền thống, với những trích dẫn cả Đông và Tây.

Tuy nhiên, chính trong sự ngập ngừng đạo đức của nhân vật chính, cuốn truyện lại gây được sự tò mò.

Đặt trong dòng văn chương Pháp ngữ (Francophone) của người Việt, “Tuổi hai mươi” có thể được xem là một nỗ lực đưa cuộc sống Việt cho người Pháp biết”[4].

Như vậy, Nguyễn Đức Giảng đã mượn ngôn ngữ tây, thủ pháp nghệ thuật của tây để chuyển tải câu chuyện, tình cảm và tư tưởng của người Việt trong thời đoạn đang có sự giao lưu mạnh mẽ về văn hóa tây – đông. “Tuổi hai mươi” như thời đó người ta vẫn gọi là một cuốn “tâm lý tiểu thuyết”. Chỉ có điều nó không trực tiếp mô tả diễn biến tâm lý nhân vật, mà diễn biến đó được thể hiện qua sự kiện.

Trong lời tựa cho cuốn sách của bạn mình, nữ văn sĩ Christiane Fournier cho rằng “nếu tôi không nhầm, đấy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên do một tác giả Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng Pháp”[5]. Và, bà bất chợt nhận ra rằng té ra tình yêu có ngôn ngữ quốc tế:

 “Chúng ta hãy dượt theo anh, tóm bắt cái bóng dáng nhẹ tựa sợi tơ hồng mà vào tuổi hai mươi chúng ta gọi là tình yêu. À ra thế! Chúng ta tưởng xa nhau nghìn dặm, nhưng bỗng nhiên như đã xích lại bên nhau qua hai trăm trang phân tích. Cười và đau khổ vì những nguyên nhân giống nhau, nâng niu trên đôi bàn tay non trẻ chén ngọc diệu kỳ, chứa đựng cái ảo mộng lộng lẫy và thật hơn cả cái kho từng trải mà chúng ta đã phải trả cái giá đắt biết bao trong suốt quãng đường từ tuổi thiếu thời đến tuổi thành niên.

Bỗng nhiên chúng ta đã trở thành đồng tộc trong tâm hồn. Một cuốn sách nhỏ dí dỏm và duyên dáng đã có phép màu tạo nên điều kì diệu đó”[6].

Sau khi cuốn sách xuất bản, Hội Nhà văn Pháp đề nghị Nguyễn Đức Giảng gửi cho họ 40 cuốn để xét thưởng. Tuy nhiên, chiến tranh ngày càng khốc liệt, thủ đô Paris thất thủ, việc đó đã không thực hiện được.

“Đời văn còn một chút này…”

Sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Đức Giảng cùng với gia đình và những người em trai của mình, như Nguyễn Đức Thuyết, Nguyễn Đức Thi hăm hở bước vào cuộc sống mới. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Đức Giảng tham gia làm báo Truyền Thanh. Đây là tờ báo Truyền Thanh của ty Tuyên truyền và thông tin, có trụ sở đóng trên đường Phan Đình Phùng, thành phố Vinh ngày nay. Ty Thông tin tuyên truyền lúc này do nhà văn Bùi Hiển phụ trách. Theo một số tài liệu tờ Truyền Thanh lúc đầu do nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi làm chủ bút, nhưng ngay từ ngày đầu kháng chiến, Nguyễn Đổng Chi đã có mặt ở Hà Nội và tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Nhà văn Nguyễn Chí Tình, tức Nguyễn Đức Nhật, con trai nhà giáo, nhà văn Nguyễn Đức Bính nhớ lại: Cha ông và Nguyễn Đức Giảng cùng làm tờ Truyền Thanh, hai người thường qua lại, trao đổi công việc với nhau. Báo in tại nhà in Nguyễn Đức Tư. Mỗi tuần hai buổi sáng, ông Nhật cùng hàng chục đứa trẻ khác vẫn đến chầu chực trước cửa nhà in, để mang báo đi các nơi trong thành phố. Nhật ký của Bùi Hiển cũng cho biết chính ông cũng viết bài cho báo này. Nhà văn Hoàng Ngọc Anh trong cuốn “Xóm thợ Trường Thi” cũng đề cập đến báo Truyền Thanh. Được làm ra bởi những cây bút chuyên nghiệp, nên Truyền Thanh được đánh giá cao về nội dung và nghiệp vụ, dù chỉ được in trên giấy xấu. Lịch sử Nghệ An (tập II)[7] viết: “ Trong điều kiện thiếu thốn, báo Truyền Thanh vẫn xuất bản mỗi tuần hai số, phát hành đến cơ quan cấp tỉnh, một số ngành cấp huyện và xã. Báo Truyền Thanh có cấu trúc tin bài, nội dung khá đầy đủ như: Xã luận, bình luận, thời sự trong tỉnh, tin vắn trong nước và thế giới. Báo Truyền Thanh trở thành tài liệu của các buổi phát thanh ở thôn xóm”.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ ít lâu, thành phố Vinh thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Như nhiều gia đình khác, sau khi tự tay phá hủy ngôi nhà và xưởng máy của mình, đại gia đình ông Nguyễn Đức Tư gồng gánh nhau lên vùng Bạch Ngọc, huyện Đô Lương ngày nay sinh sống và làm việc. Xưởng in, với một số máy móc gọn nhẹ cũng được chuyển lên, để tiếp tục in báo Truyền Thanh và các tài liệu phục vụ kháng chiến. Giấy in khan hiếm, gia đình ông phải mở xưởng tự sản xuất giấy từ tre nứa có sẵn trong vùng. Tiền nong, của nả cứ vơi dần đi, mấy cây vàng dành dụm mang theo cũng bán ăn dần. Khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Năm 1951 báo Truyền Thanh đình bản, ông Giảng lại đau dạ dày nặng, nên cả nhà quay về Vinh, dựng tạm lên một ngôi nhà ở tạm. Lúc này mấy cái máy in lớn nhà nước đã trưng thu, ông gom nhặt dựng lại một xưởng in nhỏ ở vùng Cổng Chốt để làm kế sinh nhai.

Trong những tháng này kham khổ ấy, khi ở Bạch Ngọc cũng như khi đã về Vinh, đã đôi ba lần bạn bè rồi người nhà từ Thanh Hóa vào vận động, khuyên nhủ ông nên chuyển ra Hà Nội. Nhìn vợ con nheo nhóc, ông Giảng cũng chạnh lòng và không khỏi đắn đo. Có lần cả nhà đã lên xe bò đi ra đến Đền Cuông thì ông Giảng bắt quay lại. Lần khác cả nhà đã ra đến Thanh Hóa, đang chờ đi thì một mình ông Giảng đạp xe trở lại Vinh. Thế rồi, cả nhà cũng trở về theo ông. Lần này cả nhà phải ở nhờ nhà bà Tống Gia Liêm ở Cổng Chốt một thời gia. Một lần nữa xưởng in lại được dựng lên…Nhưng lúc này cũng chỉ in những thứ như vé đò, vé xe, hóa đơn linh tinh, đủ sống qua ngày.

Hòa bình lập lại, dân Vinh tản cư các nơi lục tục chuyển về. Ông Giảng nhặt nhạnh gạch vụn khắp nơi, dựng lại một ngôi nhà, lợp tranh, thưng bằng vách nứa, trên nền nhà cũ ở đường Quang Trung, vừa làm nhà ở, vừa là nơi đặt xưởng in. Ông bà vừa là chủ, vừa là thợ, làm công chỉ có vài ba người, trong đó có ông Nguyễn Thể, sau này là giám đốc Công ty In Nghệ An.  Rồi cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng, ông Giảng không ngờ những biến cố khác đang chờ ông ở phía trước.

Năm 1959 nhà nước tiến hành công cuộc cải tạo công thương nghiệp. Nhà in Nguyễn Đức Tư thuộc diện được công tư hợp doanh. Được đánh giá có giá trị 745 đồng, nhà in Nguyễn Đức Tư cùng với 5 nhà in nhỏ khác hợp thành Xí nghiệp In công tư hợp doanh Thống Nhất, có trụ sở đặt dưới khu vực Ngã Sáu. Được cho là tư sản tiến bộ, ông Nguyễn Đức Giảng được cơ cấu tham gia Mặt trận Tổ quốc Thị xã Vinh, được dự hội nghị toàn quốc ở Hà Nội. Chính vì vậy, khi xí nghiệp công tư hợp doanh Thống Nhất được thành lập, ông là nhà tư sản duy nhất khi đó của thành phố được bổ nhiệm làm phó giám đốc xí nghiệp. Các nhà tư sản khác tương tự như ông đều xuống làm công nhân. Bà Phú, vợ ông Giảng cũng trở thành công nhân của xí nghiệp in Thống Nhất. Kể lại những ngày tháng đó, ông Nguyễn Thể, công nhân cũ của ông Giảng vẫn còn bùi ngùi, cho biết ông Giảng từ một con người sôi nổi, ham hoạt động lúc này trở nên lầm lì, ít nói, chỉ đốt thuốc lá liên tục.

Nhưng, sóng gió cuộc đời chưa dừng ở đó. Năm 1961 một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã gần như thiêu cháy cả thành Vinh. Nhà ông và xưởng in cũng chung số phận. Khi trận cháy xẩy ra, vốn là người vụng về trong cuộc sống hàng ngày, ông Giảng chỉ biết dắt con chạy lên phía Công Chốt, mọi việc phó mặc cho bà Phú lo.

Từ ông chủ một nhà in lớn nhất thành phố, với 23 chiếc máy in hiện đại, được nhà nước trưng thu, hoặc tiêu tán dần qua mấy năm tản cư, nay chỉ còn một chiếc để góp vào xí nghiệp hợp doanh. Thế mà, giờ đây cả gia tài một lần nữa lại biến thành đống tro tàn, hoàn toàn theo nghĩa đen.

Trong cơn thất vọng cùng cực đó, không có con đường nào mở ra cho bài toán áo cơm, nhưng không ngờ, một cánh cửa cho ông trở lại với văn chương lại hé mở. Người bạn thân của ông là Nguyễn Đức Phiên, tức nhà phê bình Hoài Chân, đồng tác giả của “Thi nhân Việt Nam”, lúc này là Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa, đang cần một biên tập viên tiếng Pháp. Thế là, tháng 8/1962 Nguyễn Đức Giảng một mình khăn gói ra Hà Nội, bỏ lại cái chức phó giám đốc xí nghiệp hợp doanh, vốn đã được ưu ái “cơ cấu” cho một “nhà tư sản tiến bộ”, để trở thành một viên chức mẫn cán, ngày ngày cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa, văn chương. Tạm quên đi những khó khăn cơm áo thường nhật, Nguyễn Đức Giảng lại được đắm mình trong không khí văn chương và học thuật. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị được đến với bạn đọc qua bàn tay ông, với tư cách người dịch, biên tập hoặc hiệu đính, như tập truyện Alioca (Liên xô), Truyện cổ châu Phi, Truyện cổ Andecxen, Truyện ngắn Hunggari, Chiếc bình vỡ và Tỉnh nhỏ (Đức)… Rất tiếc, bản dịch Ba chàng ngự lâm đang dịch dở thì ông bị đau nặng, phải dừng lại.

Một năm sau khi ra Hà Nội, ông cũng thu xếp để đưa vợ con ra. Hôm ấy cả nhà, bao gồm cả người và của chất gọn lên hai chiếc xích lô để ra ga. Bác xích lô quen biết và vui tính nói: “Công ty Nguyễn Đức Tư còn được hai xích lô là khá, có nhà chỉ còn một thôi”.

Tiếp theo đó là bảy năm liền vợ ông và bảy đứa con chen chúc nhau trong một căn phòng mượn của người em, chỉ có bảy mét vuông. Bà Phú phải làm rất nhiều việc từ chẻ rau muống, đến đóng sách vở, dán hộp để kiếm thêm thu nhập, nuôi gia đình. Nhưng cũng thật kỳ lạ và kỳ diệu, trong muôn trùng khó khăn, thiếu thốn, bảy đứa con ông cứ lớn lên. Hầu như càng khó khăn con cái ông càng có nghị lực, đứa nào cũng thông minh, học giỏi và phương trưởng như có phép màu.

Nhà chật, ông Giảng chủ yếu ở chung với hai cán bộ khác trong căn phòng tập thể ở cơ quan. Khi ông gần về hưu, lo cho ông không có chỗ ở, có người mách cho ông chỉ cần biếu cho ông giám đốc mới nghiện rượu hai chai cuốc lủi, là sẽ giữ lại được căn phòng. Ông không nói gì, chỉ lẳng lặng thu vén đồ đạc về ở cùng vợ con trong căn phòng nhỏ.

Một hôm con gái lớn đi Thư viện Quốc Gia, mượn về cho ông một cuốn sách. Cầm trên tay cuốn sách nhỏ, in trên giấy báo, đã úa màu thời gian, Nguyễn Đức Giảng ngậm ngùi thốt lên: “Đời văn còn một chút này”.

Đó chính là “Vingt ans”, là “Tuổi hai mươi” của ông…

Phạm Xuân Cần

[1] TS Phạm Văn Quang, “Đông Dương Tân Tạp chí: một không gian chuyển giao văn hóa” (La Nouvelle Revue Indochinoise : un vecteur de transfert culturel).
[2] TS Phạm Văn Quang, “Đông Dương Tân Tạp chí: một không gian chuyển giao văn hóa” (La Nouvelle Revue Indochinoise : un vecteur de transfert culturel).
[3] TS Phạm Văn Quang, “Đông Dương Tân Tạp chí: một không gian chuyển giao văn hóa” (La Nouvelle Revue Indochinoise : un vecteur de transfert culturel).
[4] Phạm Xuân Nguyên đọc và gửi nhận xét cho tác giả “Tìm dấu Vinh xưa”.
[5] Tuổi hai mươi, bài Tựa của Christiane Fournier do chính Nguyễn Đức Giảng dịch.
[6] Tuổi hai mươi, bài Tựa của Christiane Fournier do chính Nguyễn Đức Giảng dịch.
[7] Lịch sử Nghệ An tập II từ năm 1945 đến năm 2005, NXB Chính trị Quốc gia, 2012.

Kỳ 1: Vương Đình Quang – Nhà báo Nghệ từng làm thư kí cho cụ Phan và cụ Huỳnh

Kỳ 2: Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Đức Bính – Nguyễn Thị Du