LTS: Đó là bốn nhà báo: Vương Đình Quang (quê Nam Đàn), Nguyễn Đức Giảng (quê Hà Nội), Võ Quý Huân (quê Thanh Chương), Nguyễn Đức Bính (quê Nghi Lộc). Là người Nghệ, hoặc không phải người Nghệ nhưng họ đã sống và gắn bó với Vinh, và đều là những nhà báo đầy tâm huyết, đầy bản lĩnh, hoạt động báo chí rất năng nổ dưới thời thuộc Pháp, trong 9 năm trường kỳ chống Pháp, và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Qua những hoạt động báo chí, văn chương của các nhà báo, chúng ta phần nào hiểu được bối cảnh xã hội của Vinh với những sự kiện, những biến động lớn làm thay đổi biết bao số phận con người, trong đó có các nhà báo nói trên; hiểu được không khí hoạt động báo chí, văn chương, in ấn tại Vinh trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn trở ngại khách quan từ bối cảnh lịch sử, họ đã kiên cường theo đuổi nghiệp bút nghiên và góp phần làm nên diện mạo báo chí Nghệ An trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Họ là những tấm gương nhà báo dám dấn thân vì lý tưởng, vì xã hội, vì con người.
Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu bài viết về bốn nhà báo ở Vinh thời thuộc Pháp (04 kỳ) của tác giả Phạm Xuân Cần – người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu về “Vinh xưa”.
Kỳ 2: Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Đức Bính – Nguyễn Thị Du
Ở Vinh, những năm 1930, 1940 có một cặp vợ chồng khá nổi tiếng và có ảnh hưởng xã hội khá lớn, đó là cặp vợ chồng Nguyễn Đức Bính – Nguyễn Thị Du.
Nguyễn Đức Bính, sinh năm 1906, quê xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, con của chí sĩ Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu), anh họ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh (tức Nguyễn Đức Nguyên).
Nguyễn Đức Bính học trường Quốc Học Vinh và nổi tiếng học giỏi. Chính Hiệu trưởng nhà trường, học giả H. Le Breton trong cuốn khảo cứu nổi tiếng “An Tĩnh cổ lục” đã mấy lần nhắc đến người học trò của mình. Ông đã trích dẫn bài luận của Nguyễn Đức Bính sau cuộc tham quan di tích họ Nguyễn Tiên Điền, của học sinh đệ tứ Quốc Học Vinh năm học 1927-1928: “Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Du: người đã có những vần thơ kiệt xuất để nói lên số phận đau xót của nhân vật chính trong tác phẩm của mình, ngày nay đang yên giấc dưới một ngôi mộ vắng tanh bị cỏ dại lấn chiếm. Đứng trước mộ của người tôi vừa cảm động vừa tức tối. Hỡi ôi, đây có phải là nơi yên nghỉ cuối cùng của một nhà thơ lớn hay không? Tác giả tập thơ “Những sự trừng phạt”[1] thì có mộ ở điện Pathéon, còn tác giả “Kim Vân Kiều” thì chỉ có một nấm đất nhỏ để làm nơi yên nghỉ”[2].
Sau khi đậu thành chung, ông ra dạy ở trường Tiểu học Pháp- Việt Vinh. Năm 1929, như nhiều trí thức đương thời ở Vinh, ông gia nhập Đảng Tân Việt. Một số đảng viên Tân Việt như Phan Kiêm Huy, Hoàng Đức Thi bị Pháp bắt. Riêng Nguyễn Đức Bính, tuy không bị bắt, nhưng bị chính quyền thực dân đuổi, không cho dạy Trường Tiểu học Pháp- Việt là trường công nữa. Năm 1930, Nguyễn Đức Bính ra Hà Nội làm báo Phổ Thông, cùng với Ngô Tất Tố và em họ mình là Hoài Thanh (tức Nguyễn Đức Nguyên).
Những bài viết của Hoài Thanh, Nguyễn Đức Bính có giọng chống đối chính quyền thực dân Pháp nên thường bị kiểm duyệt cắt bỏ. Lúc bấy giờ chủ trương của chính quyền thực dân là không kiểm duyệt các báo ra bằng tiếng Pháp. Vậy là Hoài Thanh bàn với chủ báo ra tờ Le Peuple (Dân Chúng) để tha hồ đả kích thực dân Pháp và tay sai. Đây là tờ báo tiếng Pháp đầu tiên ở miền Bắc. Báo bán rất chạy. Tuy nhiên, báo mới ra được 3 số, số 4 đang in thì có lệnh của Pháp trục xuất ông Nguyễn Đức Bính và Hoài Thanh. Cả hai bị giam ở Sở mật thám Hà Nội rồi bị giải về Vinh giao cho huyện và lý trưởng quản thúc tại quê nhà. Thời điểm đó là cuối năm 1930, phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh đang vào lúc cao trào.[3]
Cũng trong thời gian này, ở Vinh vừa ra đời báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn. Về danh nghĩa đây là tờ báo của Hội Pháp – Việt văn học, nhưng trên thực tế nó được chính quyền ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh ủng hộ. Ngay cái tên cũng đã được chính quyền ba tỉnh đồng tình. Trên số 2, chính chủ bút báo này cũng thừa nhận Thanh Nghệ Tịnh tân văn là tờ báo “vừa công vừa tư”. Về Vinh, Nguyễn Đức Bính đã nhanh chóng cộng tác với Thanh Nghệ Tịnh tân văn. Tại đây, với bút danh Tân Nam Tử, Tiêu Viên…, ngoài các phóng sự xã hội đăng dài kỳ trên báo, như “Trăng gió Hương Bình” viết về các kĩ nữ trên sông Hương, Tiêu Viên còn nổi tiếng với các tiểu phẩm về văn chương, xã hội rất sắc sảo về nội dung và trào lộng về bút pháp. Trong cuộc tranh luận trên báo chí đương thời về Truyện Kiều giữa Lưu Trọng Lư và Huỳnh Thúc Kháng, Tiêu Viên đã “tham chiến” với hai bài “Tôi phỏng vấn cô Kiều” (TNTTV số 187, ra ngày 16/2/1934) và “Con đĩ Kiều” (TNTTV số 189, ra ngày 2/3/1934). Với lập luận sắc sảo và cách viết hài hước, Tiêu Viên đã có một cái nhìn rất hiện đại, biện chứng và nhân văn đối với nhân vật Thúy Kiều, khác với Lưu Trọng Lư coi Thúy Kiều là anh hùng, hay cụ Huỳnh Thúc Kháng gọi Kiều là “đĩ thõa”. Gần ba mươi năm sau, với cách tiếp cận này, một lần nữa Nguyễn Đức Bính lại gây sóng dư luận với tiểu luận “Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương” (Tạp chí Văn nghệ 65 – 10 – 1962).
Năm 1934, doanh nhân kiêm dân biểu Trung Kỳ Trần Bá Vinh mở báo Sao Mai và mời Nguyễn Đức Bính cộng tác. Báo chưa ra thì giữa Trần Bá Vinh, Hoàng Hy Tuần và Nguyễn Đức Bính đã xẩy ra xích mích về quan điểm, tôn chỉ, nội dung báo, nên sự hợp tác không thành.
Năm 1935, ông ra tờ báo “Le canard déchainé” (“Vịt sổ dây”), là một tuần báo trào phúng bằng tiếng Pháp. Báo Thanh Nghệ Tịnh cũng quảng cáo cho tờ “Vịt sổ dây” rất hài hước: “Năm xu một con vịt”, đồng thời thỉnh thoảng vẫn trích đăng các biếm họa của “Vịt sổ dây”.
Năm 1936, báo Thanh Nghệ Tịnh đình bản, thay vào đó báo Ý Dân ra đời. Ý Dân do Lê Hữu Nhơn làm chủ nhiệm và Tiêu Viên là tổng biên tập (Rédacteur en chef). Ngay những số đầu tiên, Tiêu Viên đã cho đăng trên tờ Ý Dân những bài xã luận sắc sảo về chính trị xã hội.
Với những hoạt động báo chí và xã hội sôi nổi, Nguyễn Đức Bính là người có uy tín trong giới trí thức và dân chúng. Kỳ bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ tháng 8 năm 1937, ông đã đắc cử và có nhiều hoạt động tích cực tại diễn đàn này. Điều đặc biệt là tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, Nguyễn Đức Bính chủ yếu phát biểu về những vấn đề kinh tế. Tại kỳ họp ngày 12/9/1938 ông được cử làm cố vấn cho Ban thường trực Viện Dân biểu Trung Kỳ[4]. Những năm 1938-1940 là quãng thời gian Nguyễn Đức Bính hết sức bận rộn. Ông vừa làm chủ bút cho tờ “Thời vụ báo” xuất bản ở Hà Nội, do Phạm Toàn là chủ nhiệm, đồng thời, ông cũng chủ trương và làm chủ nhiệm tờ Tuần lễ xuất bản ở Vinh, do Nguyễn Triệu Luật làm chủ bút. Cũng chính trong thời gian này, một cơ hội mới lại đưa ông trở lại với nghề giáo.
Năm 1937, một số chính trị phạm ở Vinh, vốn là những trí thức được ân xá. Họ cùng nhau lập nên một trường trung học tư thục đầu tiên ở Vinh, đó là trường Minh Tân, do nhà giáo Hoàng Đức Thi làm hiệu trưởng. Trường nhanh chóng thu hút được rất đông học sinh vì có chất lượng đào tạo tốt. Thế nhưng, vì nhiều lí do, năm 1939 Minh Tân buộc phải giải thể. Sau khi trường tư thục Minh Tân giải thể, Phan Kiêm Huy và một số giáo viên tâm huyết khác mời Nguyễn Đức Bính đứng ra làm hiệu trưởng, để thành lập trường tư thục Lễ Văn. Trường Lễ Văn mau chóng trở nên nổi tiếng ở Vinh, nhờ có một đội ngũ thầy giáo giỏi và đức độ, như Phan Kiêm Huy, Đỗ Đức Chước, Nguyễn Năng Độ, Ngô Đức Mậu… Các thầy này đều nguyên là chính trị phạm. Nhận lời làm hiệu trưởng trường Lễ Văn, Nguyễn Đức Bính đã mời Nguyễn Triệu Luật, giáo viên cũ của trường Minh Tân, chủ bút báo Tuần Lễ, đồng thời là nhà văn nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết lịch sử về dạy lịch sử. Đồng thời, Nguyễn Triệu Luật cũng được giao nhiệm vụ ra Hà Nội mời một số giáo viên trẻ, nhưng rất giỏi như Hữu Ngọc, Vũ Tuấn Sán, Bế Ngọc Bảo, Nguyễn Thanh Tùng về dạy ở trường.
“Lễ Văn”, như chính tên gọi của nó đã đề cao phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”, nên rất được phụ huynh và học sinh xứ Nghệ yêu mến. “Có người nói với thầy tôi rằng cái tên “Lễ Văn” nghe cổ quá, “không thu hút mấy”, thầy tôi cười bảo: “Tôi không nghĩ vậy. Chắc rằng cả sau khi tôi chết, người ta vẫn không quên phương châm ấy”[5]
Bên cạnh đó, trường lại có một đội ngũ giáo viên rất giỏi, tâm huyết và mô phạm, cho nên Lễ Văn nhanh chóng trở nên một địa chỉ nổi tiếng, thu hút được đông đảo học sinh không chỉ ở Nghệ – Tĩnh. Đặc biệt, vừa là hiệu trưởng một trường tư thục, vừa là chủ báo Tuần Lễ, nên Nguyễn Đức Bính đã cho đăng rất nhiều văn, thơ của học trò trường Lễ Văn trên báo này. Có số cả trang báo đều là bài của học trò Lễ Văn. Trường Lễ Văn tồn tại đến Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Vợ thầy Nguyễn Đức Bính là cô giáo Nguyễn Thị Du, sinh năm 1904, ở Quảng Ngãi, nhưng gốc gác cũng là người Nghệ. Nguyễn Thị Du thuộc thế hệ nữ học sinh đầu tiên ở Trung Kỳ theo học trường tây hồi đó. Học xong tiểu học ở Quảng Ngãi, cô là một trong vài ba cô gái ít ỏi của tỉnh này ra Huế thi vào trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng. Sau một thời gian ngắn bỡ ngỡ, bằng ý chí và nghị lực rất cao, cô gái tỉnh lẻ đã sớm nổi tiếng là người học giỏi và khảng khái. Năm 1924, sau khi đỗ thành chung ở Huế, vì hoàn cảnh gia đình, không đủ điều kiện học tiếp nghề thuốc theo nguyện vọng lúc đầu, Nguyễn Thị Du đã nhận quyết định bổ nhiệm làm giáo viên. Theo Niên giám Đông Dương năm 1928, cô Nguyễn Thị Du đã được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường nữ học sinh ở Đồng Hới, Quảng Bình. Chính trong khoảng thời gian ở Quảng Bình, cô đã làm quen với Nguyễn Đức Bính, một nhà báo ưa xê dịch. Khoảng năm 1930, cô ra Vinh công tác và dạy ở trường tiểu học Nguyễn Trường Tộ[6]. Sau đó Nguyễn Thị Du là hiệu trưởng cuối cùng của trường Nguyễn Trường Tộ, trước khi trường này kết thúc sứ mệnh lịch sử, tháng 8 năm 1945. Ngoài dạy học ở trường, Nguyễn Thị Du cũng năng nổ tham gia các hoạt động xã hội. Cô là thành viên ban quản trị của hội Dục Anh, một tổ chức chuyên nuôi dạy trẻ mồ côi, rất có uy tín ở Vinh thời thuộc Pháp. Báo chí cũng đôi lần đưa tin cô diễn thuyết về nữ quyền ở một số diễn đàn trong thành phố. Nhưng trước hết, cô là một giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề nghiệp, đăc biệt rất nghiêm khắc với học sinh. Bốn mươi, năm mươi năm sau, các thế hệ học trò của cô vẫn nhớ đến cô là một giáo viên tâm huyết, mô phạm và nghiêm khắc.
Năm 1941, một nữ học sinh khi ra trường đã viết thơ tặng cô giáo Du:
“Nhớ ngày học tập ở trường
Cô chăm trò nhỏ như ươm cây trồng
Cô mong học giỏi, học thông
Nết na con gái má hồng thêm duyên”.
Thậm chí cô học trò này còn nhắc đến cô Du vẫn thường dùng phương ngữ Quảng Ngãi “con gái leẻng” để nói “con gái hư”:
“Không đùa, nói chuyện huyên thiên
Như “con gái leẻng” ra tuồng gái hư
Cô nghiêm nhưng rất hiền từ
Rời trường em nhớ cô như mẹ hiền”[7]
Đặc biệt cô rất cẩn trọng, tỉ mỉ trong chấm bài, chữa bài cho học sinh. Cô thường nói với con: “Mẹ cho các con quà không công bằng, các con còn khóc. Đây là chuyện cho điểm, điểm đối với học trò còn hơn quà nhiều, mẹ phải công bằng thì các chị ấy mới tin mẹ được”[8].
Đặc biệt, với trí tuệ và nhân cách của mình, Nguyễn Thị Du cũng thể hiện bản lĩnh của mình khi đối mặt với các quan chức của Pháp, hoặc của Nhật sau này, để bảo vệ lợi ích và nhân phẩm của học trò. “Cô Đốc Bính là một người có khả năng chinh phục mọi người. Tất cả các cô giáo đều tôn trọng cô. Cấp trên của cô cũng vì nể cô. Mỗi lần quan trên xuống thanh tra cô giao tiếp bằng tiếng Pháp làu làu, chúng tôi phục lắm”[9]
Năm 1939 Nguyễn Thị Du là nữ nhà giáo duy nhất trong tám giáo viên Trung Kỳ được chính quyền bảo hộ tặng Học chính Bội tinh, một phần thưởng cao quý giành cho nhà giáo[10]
Khi ra dạy học, Nguyễn Thị Du đã mang theo một mối tình đẹp với một người bạn học, đồng thời là một chiến sĩ cách mạng. Khi người yêu hy sinh trong một trận đấu tranh ở trong nhà tù thực dân, cô hết sức đau đớn và định sẽ không bao giờ kết hôn. Thế nhưng, gặp Nguyễn Đức Bính là một thanh niên tài ba, có lý tưởng, lại có chung chí hướng yêu nước, hai người đã đến với nhau, khi đó Nguyễn Thị Du đã gần ba mươi tuổi. Ngày 17 tháng 8 năm 1933 họ làm lễ thành hôn. Báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn đã đăng một mẩu tin chúc mừng.
Đó là mối tình rất đẹp và thủy chung của hai nhà giáo tài năng, nhân cách và có lý tưởng. Thầy Bính viết trong một bài thơ:
“Thế kỷ cho anh một chữ tài
Cho em cả một trái tim tươi
Lại cho hai đứa đôi con mắt
Để bước đi theo hướng mặt trời
Tình em như mảnh trăng trong ấy
Vằng vặc không vương chút bụi đời
Tình anh như thể lò hương đượm
Nghi ngút dâng lên đến tận trời
Ta đốt cho cao ngọn lửa lòng
Cho trời đất hết giá đêm đông
Cho đời giữ mãi màu xanh biếc
Cho cõi nhân gian bớt lạnh lùng”
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, cả hai trường Lễ Văn và Nguyễn Trường Tộ đều phải giải thể. Sau khi thành phố Vinh tiêu thổ kháng chiến, gia đình thầy cô sơ tán về quê. Tại đây hai thầy cô tiếp tục dạy học. Thầy vừa dạy học ở hai trường Trung học Nghi Lộc và Nguyễn Công Trứ ở Vinh, vừa tham gia công tác văn hóa của thành phố. Có thời kỳ ông là Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Nghệ An, đồng thời là chủ nhiệm tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp “Vent d’est, vent d’ouest” (“Gió đông, gió tây”) của Liên khu 4[11]. Sau ngày hòa bình lập lại, 1954 Nguyễn Đức Bính là hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 2 Vinh mới thành lập. Năm học 1957-1958 ông được điều lên làm hiệu trưởng trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1961 thầy Nguyễn Đức Bính chuyển công tác ra Hà Nội, làm Hiệu trưởng trường cấp III Đống Đa cho đến khi nghỉ hưu. Cô Nguyễn Thị Du cũng chuyển ra công tác tại Bộ Giáo Dục.
Cả hai vợ chồng thầy Bính, cô Du đều là hiệu trưởng, thầy Bính lại là nhà báo, nhà văn có tiếng, nên gia đình thầy Bính và cô Du có một cuộc sống hạnh phúc và khá giả ở Vinh những năm 1930, 1940. Theo ông Nguyễn Đức Nhật (tức nhà văn Nguyễn Đức Tình), là con trai của thầy cô cho biết, những năm đó gia đình thầy có nhà rộng rãi khang trang, nhà vừa có xe tay, vừa có ô tô riêng, có đến 4,5 người giúp việc. Trong thơ của một cựu nữ sinh Nguyễn Trường Tộ viết năm 1941 có nhắc đến việc cô Du tự lái xe đến lớp:
“Ô tô đỗ dưới rặng thông
Trên xe bước xuống áo hồng nhẹ bay
Ví bên nách, cặp cầm tay
Không quên hình dáng người thầy kính thương”
Thế nhưng, khi bước vào kháng chiến với biết bao kham khổ, thầy cô vẫn gắn bó với nghề giáo. Khi đó, đi dạy học, thù lao mà cô Du nhận được được tính bằng gạo, chỉ bằng một phần bốn mươi thu nhập khi cô là hiệu trưởng trường Nguyễn Trường Tộ, rồi sau này trong chiến tranh phá hoại cuộc sống vô cùng thiếu thốn, nhưng cô vẫn thủy chung với nghề.
Đặc biệt, là gia đình nhà giáo thầy cô hết sức nghiêm khắc với các con. “Có điều thày không cho phép chúng tôi để sách vở bừa bãi bất cứ nơi đâu, hay để một trang sách rời ra mà không dán lại. Thầy thường kể xưa kia bà nội từng bán ngót một cót thóc để mua cho thầy một cuốn “Văn phạm”. Suốt những năm trung học, thầy đã đào đi xới lại trên những trang sách Văn phạm thấm từng giọt mồ hôi nước mắt đó của bà”[12].
Gia đình sung túc, dư giả nhưng thầy cô muốn các con mình phải thấy được cuộc sống của những người nghèo. Bởi vậy, nhà thầy cô bao giờ cũng cho rất nhiều học sinh nghèo ở quê trọ học trong nhà. Không chỉ để giúp đỡ họ, mà thầy cô còn muốn lấy những người này làm tấm gương vượt khó cho các con noi theo. Bởi vậy, các con của thầy cô đều là những người có nhân cách và ý chí, dám chấp nhận khó khăn, gian khổ, nguy hiểm để trưởng thành. Và, họ đều theo nghề báo, nghề văn.
Phạm Xuân Cần
[1]Tác giả muốn nhắc đến Vitor Hugo, tác giả của Châtiments
[2] An Tĩnh cổ lục, NXB Nghệ An, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005
[3] Theo từ Sơn, https://baonghean.vn/hoai-thanh-voi-que-huong-xu-nghe-34.html
[4] Theo báo Ý Dân, số ra ngày 29/9/1938
[5] Nguyễn Chí Tình, Kỷ yếu “Lễ Văn một thời để nhớ” của Ban liên lạc đồng môn trường Lễ Văn, 2004
[6] Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ là trường công lập, vốn được tách ra từ trường Tiểu học Pháp- Việt. Từ năm 1925, trường giành cho nam được mang tên Cao Xuân Dục, còn trường nữ sinh được mang tên Nguyễn Trường Tộ.
[7] Phạm Thị Sâm, Kỷ yếu Kỷ yếu “Dưới mái trường Nguyễn Trường Tộ” của Ban liên lạc nữ sinh trường Nguyễn Trường Tộ, năm 2008.
[8] Nguyễn Chí Tình, Kỷ yếu “Dưới mái trường Nguyễn Trường Tộ” của Ban liên lạc nữ sinh trường Nguyễn Trường Tộ, năm 2008.
[9] Trần Kim Loan, Kỷ yếu Kỷ yếu “Dưới mái trường Nguyễn Trường Tộ” của Ban liên lạc nữ sinh trường Nguyễn Trường Tộ, năm 2008.
[10] Tràng An báo, số ra ngày 17/11/1939.
[11] Ninh Viết Giao, Từ điển Nhân vật Xứ Nghệ, NXB THTPHCM, 2008.
[12] Nguyễn Chí Tình, Kỷ yếu “Lễ Văn một thời để nhớ” của Ban liên lạc đồng môn trường Lễ Văn, 2004.
Xem thêm kỳ 1: https://tapchisonglam.vn/bon-nha-bao-o-vinh-thoi-thuoc-phap-bai-1/