LTS: Đó là bốn nhà báo: Vương Đình Quang (quê Nam Đàn), Nguyễn Đức Giảng (quê Hà Nội), Võ Quý Huân (quê Thanh Chương), Nguyễn Đức Bính (quê Nghi Lộc). Là người Nghệ, hoặc không phải người Nghệ nhưng họ đã sống và gắn bó với Vinh, và đều là những nhà báo đầy tâm huyết, đầy bản lĩnh, hoạt động báo chí rất năng nổ dưới thời thuộc Pháp, trong 9 năm trường kỳ chống Pháp, và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Qua những hoạt động báo chí, văn chương của các nhà báo, chúng ta phần nào hiểu được bối cảnh xã hội của Vinh với những sự kiện, những biến động lớn làm thay đổi biết bao số phận con người, trong đó có các nhà báo nói trên; hiểu được không khí hoạt động báo chí, văn chương, in ấn tại Vinh trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn trở ngại khách quan từ bối cảnh lịch sử, họ đã kiên cường theo đuổi nghiệp bút nghiên và góp phần làm nên diện mạo báo chí Nghệ An trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Họ là những tấm gương nhà báo dám dấn thân vì lý tưởng, vì xã hội, vì con người.

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu bài viết về bốn nhà báo ở Vinh thời thuộc Pháp (04 kỳ) của tác giả Phạm Xuân Cần – người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu về “Vinh xưa”.

Kỳ 1: Vương Đình Quang – Nhà báo Nghệ từng làm thư kí cho cụ Phan và cụ Huỳnh

Ở Nghệ An thời thuộc Pháp có một người vừa là ông chủ, vừa là chủ bút một tờ báo, nhưng ít người biết rằng: ông chủ báo trẻ tuổi đó đã từng là thư ký cho cụ Phan Bội Châu và sau đó là thư ký tòa soạn cho cụ Huỳnh Thúc Kháng ở báo Tiếng Dân. Đó là Vương Đình Quang, bút hiệu Quan Chi.

1. Cha chán quan trường, con lận đận

Chân dung Vương Đình Quang thời trẻ

Vương Đình Quang sinh năm 1908[1], trong một gia đình danh gia vọng tộc, ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cha ông là tiến sĩ đình nguyên Vương Hữu Phu (1880- 1941), từng làm quan đến chức Thừa chỉ hậu bổ, Trước tác xung Cơ mật viện. Ông nội của Vương Đình Quang là Vương Danh Thân, cử nhân, làm quan đến chức giám sát ngự sử. Bác ruột là Vương Đình Trân, sau đổi là Vương Đình Trác, đỗ Phó bảng khoa Ất Mùi (1895), làm quan đến chức Tri phủ.

Những tưởng với xuất thân như vậy, cậu ấm Vương Đình Quang sẽ được sống trong nhung lụa. Nhưng không, cuộc đời đã đưa đẩy anh vào một cuộc dấn thân lận đận và bí bách, chẳng khác gì “cá quẫy trong lưới”.

Vốn chẳng mặn mà gì chốn quan trường, lại không tỏ rõ lòng trung với nước mẹ bảo hộ, cha ông sau khi học xong trường Hậu bổ, liền bị bị đẩy vào huyện Tân Định thuộc vùng Thuận Khánh (Bình Thuận, Khánh Hòa) có tiếng là nơi ma thiêng cọp dữ, nơi mà những ông quan được bổ nhậm đến coi như những người xấu số phải đi đày. Cậu ấm Quang cùng mẹ cũng được đưa vào đây sinh sống với cha, trong một ngôi nhà “công vụ” lợp tranh, bên cạnh huyện đường. Tuy là con quan, nhưng cậu cùng gia đình sống cũng không khác gì bạn bè cùng lứa. Ngay một bộ quần áo mới cậu cũng không được quan cha cho mặc. Cuộc sống ở đây chỉ kéo dài hai năm. Sau đó quan huyện Phu được triệu về Huế, lần lượt sung vào Quốc sử quán và Tàng cổ viện, với hàm Thị độc học sĩ. Gia đình cậu ấm Quang lại khăn gói cùng cha về Huế, sống cuộc sống thanh bần của một vị học quan. Cũng không chịu đựng được sự tù túng của chốn quan trường lâu hơn, đúng 40 tuổi, ông Phu từ chức, sau 10 năm ngồi “ghế nóng”. Ông về quê, kiếm sống bằng nghề thuốc. Cậu Quang và các anh chị cũng thôi phải mang danh “cậu ấm” mà nghèo rớt mồng tơi.

Nhưng cũng từ đó cậu dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bất tận. Mười sáu tuổi, với mảnh bằng tiểu học Pháp – Việt trường huyện cậu bắt đầu ra đi. Thực ra, cậu ra đi không phải vì có máu me xê dịch, mà đơn giản vì gia đình vị hưu quan lâm vào cảnh túng quẫn, lại đông con. Bạn bè đồng khoa trong Huế nhắn ra nếu khó khăn quá thì gửi vào họ nuôi hộ cho một đứa. Sau khi tính toán, Quang được cha mẹ gửi vào làm gia sư cho một gia đình người bạn làm quản đạo Ninh Thuận (tương tự như tỉnh trưởng). Không chỉ là gia sư, cậu còn phải làm các việc khác trong nhà như một người ở, thế nhưng ăn cũng không đủ no, mặc không đủ ấm. Có đêm rét quá, cậu phải đổ cả bao tải than ra, chui vào bao tải cho đỡ rét. Cực quá, sau đó cậu chuyển sang nhà một người bạn khác của cha. Ở đây, ngược lại cậu lại quá sung sướng và nhàn hạ, do đó nguy cơ “nhàn cư vi bất thiện” lại cận kề…

2. Thư ký riêng cho Cụ Phan

Lúc này cụ Phan Bội Châu được đưa về giam lỏng ở Bến Ngự. Dân chúng, nhất là đám thanh niên, nô nức tìm đến, ban đầu chỉ tò mò rồi khâm phục. Quang cũng lân la tìm đến thăm cụ Phan.

“Ông già hiên ngang ấy với chòm râu quai nón, vừng trán cao, mặc bộ quần áo Tàu (cụ bị bắt ở Trung Quốc), bôn ba hải ngoại mưu đồ sự nghiệp giải phóng dân tộc, không may bị giặc bắt đưa về giam lỏng – ông già ấy, chúng tôi sùng bái như một vĩ nhân.

Chúng tôi được Cụ Phan tiếp rất niềm nở, thân mật như cha với con. Cụ hỏi từng người một: tên tuổi, quê quán, bố mẹ. Đặc biệt cụ để ý đến người Nghệ Tĩnh hơn”[2]

Là đồng hương Nam Đàn, lại là con nhà khoa bảng danh giá, nên Quang nhanh chóng được cụ Phan quý mến. Không chịu sống cảnh nhàn rỗi ở nhà ông quan bạn của cha, cậu tự nguyện đến làm thư ký cho cụ Phan. Công việc thường ngày của cậu là đọc báo chữ Pháp và báo quốc ngữ cho cụ nghe, chép lại các sáng tác bằng quốc âm của cụ.

“Cụ Phan được hầu hết các báo chí trong Nam ngoài Bắc gửi biếu. Đủ các loại. Đủ các màu sắc chính trị.

Về báo chữ Việt, tôi có nhiệm vụ chọn lọc những bài quan trọng đọc cho cụ nghe. Về báo chữ Pháp, tôi chỉ dịch đại khái một số bài liên quan đến thời cuộc.

Tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh đăng một bài xã luận đề nghị chính phủ Pháp trao trả mọi quyền nội trị cho dân Việt Nam, trừ ngoại giao và quốc phòng. Cụ Phan đùng đùng nổi giận. Cụ nói: “Hai cái quan trọng nhất mà giữ lại thì còn gì? Chết! Chết ”.

Dạo ấy báo Argus[3] (Minh Trí) của Clémenti xuất bản ở Hà Nội đăng một loạt bài nói về vụ tai tiếng giữa D’Elloy (Đê-loa) với hoàng hậu vợ góa Khải Định. Cụ Phan thở dài, lẩm bẩm: “Nhục ơi là nhục!” và bảo tôi đừng đọc những chuyện ấy nữa.

Báo L’Humanité (Nhân đạo) cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp cũng gửi biếu. Tờ báo này luôn luôn tỏ thái độ bênh vực các dân tộc thuộc địa và thỉnh thoảng có bài ủng hộ “nhà cách mạng Phan Bội Châu”.

Tờ báo được Cụ Phan ưa thích nhất là tờ Cloche fêlée (Chuông rè) của luật sư Phan Văn Trường, xuất bản ở Sài Gòn. Trong nước ta hồi đó chỉ có tờ báo này dám công nhiên chống chế độ thực dân Pháp. Nó đả kích mạnh những chủ trương chính sách vô nhân đạo của bọn thống trị.

Tờ báo này mở một cuộc lạc quyên kêu gọi đồng bào Nam bộ kẻ nhiều người ít giúp đỡ nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong tuổi già. Kết quả số tiền thu được tổng cộng trên 2.000 đồng Đông Dương. Từ số tiền ấy, những bạn bè của cụ trích ra một khoản để mua một khoảnh vườn trên dốc Bến Ngự và dựng lên một ngôi nhà tranh để ổn định nơi ăn chốn ở cho cụ[4].

“Tết Nguyên đán năm ấy (1926), cụ Phan dậy sớm hơn mọi ngày và đánh thức tôi dậy luôn. Cụ bảo đưa bút giấy ra để chép “Bài thơ chúc Tết”. Bằng cái giọng ồ ồ của xứ Nghệ, cụ đọc:

Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa đó
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi! Xuân có biết chăng
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với chát
Trời bể may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây với bạn đầu xanh.
Thưa các cô, các cậu, lại các anh…”

Việc làm thư ký cho cụ Phan không được lâu, vì ở quê bọn mật thám từ Vinh kéo lên khám nhà cha mẹ Quang để kiếm chuyện. Mặt khác, cha của Quang lại có nhiều điểm bất đồng chính kiến với cụ Phan, nên nhắn cậu về Nam Đàn. Lưu luyến chia tay người thư ký, người đồng chí trẻ tuổi, Cụ Phan dặn có dịp rỗi cứ đến cụ chơi.

Tuy chỉ ở với Cụ Phan một thời gian ngắn, nhưng đó sẽ là hành trang quý giá mà suốt đời cậu mang theo.

3. Gian nan lập nghiệp…

Từ giã Cụ Phan, về Nam Đàn một thời gian ngắn, Quang lại vào Tuy Hòa, nơi anh trai cả của Quang được bổ dụng làm thư ký công chánh. Ở Tuy Hòa ít lâu, anh theo bạn rủ rê vào Sài Gòn chơi và tìm việc. Anh đến hiệu vẽ Đặng Văn Ký xem và học mót nghề vẽ truyền thần. Mới quen với cây bút vẽ, chưa thạo nghề, anh đã xuống Nhà Bè mở hiệu. Nhưng rồi, tay nghề non, anh phải bỏ nghề vẽ đi chăn vịt, nhưng cũng chỉ đủ “tay vo miệng lúm”.

Quang trở về Sài Gòn rồi ra Phan Thiết. Tại đây quan tri phủ Hàm Thuận vì mến tài mà nhận anh vào làm gia sư.

Ở Phan Thiết, Quang bắt đầu tập tọng viết sách cho nhà in Quy Nhơn. Cuốn sách đáng giá nhất thời đó của anh được in là cuốn “Truyện Cung Nghĩa và tích Hằng Nga”, bán bản quyền được 50 đồng.

Hết hè năm đó, anh theo bạn làm đơn xin vào hãng dầu làm. Anh được nhận ngay vào làm chân điều vận. Nhưng vì công việc thường phải dang ngoài nắng, không hợp với sức khỏe, nên một lần nữa Quang lại bỏ việc.

Đang thất nghiệp, anh lại được bạn giới thiệu vẽ chân dung cho quan tuần vũ, rồi vẽ chân dung cho một vị sư trụ trì một ngôi chùa cũng được một ít tiền.

Ở Phan Thiết không tìm được sinh kế lâu dài, Quang lại về Nam Đàn sống chung trong cảnh túng bấn với gia đình.

Một lần lảng vảng xuống Vinh, thấy báo đăng quảng cáo hãng đường sắt mở cuộc thi tuyển nhân viên nhà ga ngoài Hà Nội, ai muốn đi thi cứ việc viết đơn ra ga Vinh đóng dấu mà đi, miễn phí vé tàu. Anh thi và đỗ ngay, được bổ dụng ra ga Đò Lèn ở Thanh Hóa thay chỗ một viên chức đang nghỉ phép. Lương tháng ở ga Đò Lèn là 20 đồng, tuy đủ sống, nhưng anh vẫn chán vì hay bị quan chức hoạnh họe đến bực mình. Không lâu sau, anh bỏ luôn nghề đường sắt.

Bỏ nghề đường sắt về nhà, anh bị cha mắng rất gay gắt. “Thời buổi ni chỉ cần làm được 4 hào mỗi ngày đã tốt rồi, đây được những hai chục đồng một tháng, bở rứa mà cũng bỏ mất!”. Anh thưa: “Con chịu không được nhục. Trước cha cũng vì ghét Tây, không chịu được nhục mà xin từ chức, nay con cũng vậy”.

4. Tờ Trung Kỳ và ông chủ trẻ

Sau khi bỏ nghề đường sắt, Quang có một ý định mới thật táo bạo: Tự ra một tờ báo ở Vinh. Ngày 5/3/1935 anh gửi đơn cho Khâm sứ Trung Kỳ xin mở báo.

Đơn của Vương Đình Quang xin mở báo Trung Kỳ

“Vinh, ngày 5 tháng 3 năm 1935
Gửi Ngài Khâm sứ An Nam (Trung Kỳ) tại Huế
Đồng gửi Ngài Công sứ Pháp tại Vinh.

Tôi ký tên dưới đây là Vương Đình Quang, nguyên quán làng Vân Sơn, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Vinh.

Tôi kính đề nghị Ngài Khâm sứ cho phép xuất bản tại Vinh một tờ tuần báo phản ánh dư luận và thông tin văn chương dưới cái tên “TRUNG KỲ”. Trong khi chờ đợi quyết định của Ngài về lời đề nghị này, tôi xin bày tỏ tới Ngài Khâm sư Trung Kỳ, tình cảm chân thành của tôi…

Vương Đình Quang (ký tên)”
Chỉ mấy tháng sau, Vương Đình Quang đã được cấp phép.

Tuy nhiên, muốn ra báo cần có một số tiền tương đối lớn. Cả nhà chạy đôn đáo khắp nơi vay tiền cho anh mở báo. Rồi cũng kiếm được hơn một trăm đồng, đủ để lo thủ tục và thuê nhà, trả tiền công. Báo được đặt tên là “Trung Kỳ”, đóng ở nhà số 184-186 avenue Maréchal Foch, nay là đường Quang Trung, thành phố Vinh. Ban đầu một mình Quang kiêm cả chủ nhiệm, chủ bút và phát hành.

Con dấu báo Trung Kỳ

Báo Trung Kỳ ra số đầu tiên vào ngày 9/10/1935. Trong ngày trọng đại đó, báo Nam Phong, một tờ thuộc hàng “chiếu trên” trong làng báo ở Hà Nội gửi thiệp chúc mừng với một câu nhại Kiều dí dỏm: “Bấy lâu nức tiếng cầm đài/ Nước non luống những lắng tai TRUNG KỲ”.

Thật tình cờ, báo Phong Hóa, cũng sử dụng câu này trong mục điểm báo, nhưng với ý châm biếm. Họ nhắc lại việc cách đó chưa lâu, ở trong Nam báo “Non Nước” vừa mới đình bản, nay ở miền trung lại ra mắt Trung Kỳ, đúng là “Nước non luống những lắng tai… Trung Kỳ”.

Là tờ báo về chính trị, xã hội và văn chương, ông chủ trẻ, giàu nhiệt huyết đã mạnh miệng tuyên bố Trung Kỳ là tờ báo “trung lập”, “văn chương của tôi nó chỉ dùng để giúp cho sự nhân sinh, chớ nó không làm nô lệ cho manh cơm tấm áo”[5] , thậm chí “dù có phải nói lời phạm thượng cũng không từ”[6].

Trung Kỳ đã có những bài nghị luận về tự do dân chủ. Báo đòi hỏi trong nghị viện phải có đảng Bảo hoàng, đảng Dân chủ và các đảng Tự do[7].

Ngay số đầu tiên và số 4, Trung Kỳ đã đăng bài tiểu luận nổi tiếng “Nghệ thuật với nhân sinh” của nhà văn, nhà báo Mác xít Hải Triều, trong loạt bài bút chiến “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” kéo dài mấy năm thời đó. Về văn chương báo cũng đăng thơ, văn phản ánh cuộc sống lầm than của các tầng lớp nhân dân. Bài thơ sau đã được nhà sử học Trần Huy Liệu trích dẫn:

“Riêng túp lều tranh chịu thiệt thòi
Tai mù mắt điếc hỡi ai ơi
Bát cơm đổi với bàn tay lấm
Manh áo thay vào lớp áo tơi
Nắng hạn khô khan vườn ruộng mất
Phong ba bão táp cửa nhà trôi
Tình này cảnh ấy thêm cay đắng
Soi thấu cho chăng họa có trời?”

Đặc biệt, tờ Trung Kỳ có sự cộng tác của một nhân vật lịch sử đặc biệt. Để cổ vũ, giúp đỡ cho người đệ tử trẻ tuổi và giàu nhiệt huyết của mình, cụ Phan Bội Châu đã viết mấy truyện ngắn cho báo, trong đó có câu chuyện về con chó mang tên “Vá” nổi tiếng của mình, đó là  bài “Lịch sử con Vá” đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14, ra ngày 15/4/1936 [9]. Một điều cũng thú vị đặc biệt không kém là Cụ Phan không nhận nhuận bút cho những mẩu truyện này.

Với nội dung phong phú và khá gai góc như vậy, báo Trung Kỳ bán khá chạy và được sự quan tâm của bạn đọc gần xa. Thế nhưng, nó cũng đã nhanh chóng được sự “quan tâm” của chính quyền. Có lần báo đã được chánh mật thám của tỉnh “ghé thăm” và “nhân tiện bảo nhỏ” rằng: “Đừng đăng những bài và tranh về việc rượu”, để “Phủ Toàn quyền dễ làm việc”, nếu không sẽ không tránh khỏi “nỗi buồn về sau”[10]. Ngược lại, cũng có những quan chức muốn tranh thủ, lấy lòng báo đã tài trợ cho báo. Tổng đốc Thanh Hóa là Nguyễn Bá Trác từng ủng hộ 20 đồng, viên tổng đốc Quảng Nam khi đó cũng ngỏ ý muốn tài trợ. Tuy nhiên, báo Trung Kỳ và ông chủ trẻ cũng phải đối phó với sự cạnh tranh của các tờ báo khác, mà đặc biệt là tờ “Thanh Nghệ Tĩnh”, một “ông lớn” trong làng báo Trung Kỳ khi đó, có sự hậu thuẫn của chính quyền ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Ngay trên một số ra ngày 22/11/1935, Thanh Nghệ Tĩnh đã có tới hai bài chê bai Trung Kỳ rất nặng nề.

Báo bán chạy, nhưng ông chủ trẻ không có vốn để tăng lượng phát hành, cũng như thuê thêm người để quản lý và lo các khâu, nên cứ sa sút dần. Báo phải ra cầm chừng không đúng kỳ, dần dà tiền thuê nhà cũng không trả nổi. Một số người có tiền của ở Huế biết sự tình, bàn với Vương Đình Quang nên chuyển tờ Trung Kỳ vào Huế, để họ đầu tư và chia nhau lợi nhuận. Vương Đình Quang đã gửi đơn lên Khâm sứ Trung Kỳ để xin chuyển tờ Trung Kỳ vào Huế. Các cơ quan chức năng của chính quyền bảo hộ đã trao đi đổi lại mấy tháng trời về lá đơn của ông. Trong đó, văn bản của mật thám Trung Kỳ đã giành cho tờ Trung Kỳ và Vương Đình Quang những nhận xét khá nặng nề. Họ cho rằng Vương Đình Quang chỉ là người đứng tên chủ báo, còn thực chất Trung Kỳ được vận hành bởi những phần tử cực đoan. Nếu tờ Trung Kỳ chuyển vào Huế sẽ càng thuận lợi hơn cho nhóm cộng sản của Nguyễn Khoa Văn, tức nhà báo mác xít Hải Triều.

“Họ không dự kiến được hết những khó khăn mà ông ta gặp phải trong quá trình in ấn tờ báo “Trung Kỳ” mà thật ra ông chỉ người đứng tên mà thôi. Sự thật là tờ báo này được “vận hành” bởi các phần tử cực đoan đang lạm dụng sự ngây thơ của ông ta. Tờ báo này dường như rất bất bình thường, nó được cấp phép cho ông Vươnng Đình Quang, một người Bắc Kỳ sống lâu năm ở Vinh, nơi ông rất có uy tín và được ngưỡng mộ. Nhưng sở Liêm Phóng đã nhanh chóng nhận ra (sự bất thường) từ nội dung các bài báo của tờ “Trung Kỳ”. Nếu tòa soạn của tờ báo này đóng ở Huế càng giúp cho nhóm phía Bắc gần hơn với Đảng của Nguyễn Khoa Văn”[11].

Khi mật thám Pháp đã nhận xét như vậy thì Khâm sứ Trung Kỳ cũng không có cách nào khác là từ chối.

Không thể chuyển báo vào Huế, cùng bất đắc dĩ, tháng 7 năm 1937, Vương Đình Quang đành tự đình chỉ tờ Trung Kỳ, sau hai năm dấn thân vào chốn “rừng văn trận bút”.

4. Từ thư ký cụ Phan đến “đệ tử” cụ Huỳnh

Sau khi tự đình bản báo Trung Kỳ, Vương Đình Quang vào Huế. Ông “tái khởi nghiệp” bằng nghề dạy học tư, đồng thời thử viết báo bằng tiếng Pháp. Các bài báo của ông được báo đăng đều đặn. Từ năm 1939, một cơ duyên lớn đã đưa ông đến giữ chân thư ký tòa soạn cho báo Tiếng Dân và có bốn năm gắn bó với một tượng đài nữa của lịch sử Việt Nam: cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Báo Tiếng Dân ra đời từ năm 1927, là tờ báo đầu tiên của Trung Kỳ, do Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ chủ trương. Đây được coi là tờ báo đối lập với chính quyền, nêu cao tinh thần dân tộc, công khai đấu tranh bảo vệ dân chúng, chống áp bức, bóc lột. Cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn đã biết Vương Đình Quang từ hồi anh còn làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu, nên hết lòng tin tưởng. Trong tòa soạn khi đó còn có một người đồng hương đáng kính khác là ông Trần Đình Phiên, con trai của tiến sỹ Trần Đình Phong, quê làng Yên Mã, huyện Yên Thành. Ông Phiên làm chủ nhiệm báo Tiếng Dân giúp cụ Huỳnh suốt 16 năm, từ khi ra đời (1927) đến khi bị đình bản (1943). Ông lại là anh ruột của bác sỹ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim, cũng là một ngời bạn vong niên thân thiết của cụ Huỳnh. Gặp lại cụ Huỳnh, được làm việc ở báo Tiếng Dân, Vương Đình Quang như cá gặp nước, như hổ về rừng. Đây là bốn năm tài năng báo chí và văn chương của ông thực sự thăng hoa. Ngoài công việc của một thư ký tòa soạn, ông còn viết văn, làm thơ. Hơn hai chục năm sau có bạn đọc còn gửi thư cho ông, nhắc lại những tiểu thuyết của ông đăng nhiều kỳ trên báo khi đó mà họ rất thích, như “Chuyến xe ngựa”, “Khách viễn phương”, “Thủ phạm”…

Nhưng, thời kỳ đắc ý của Vương Đình Quang cũng không kéo dài được lâu. Báo Tiếng Dân bị chính quyền Nhật đóng cửa, rồi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Năm 1946, sau khi tự tay mình xuất bản cuốn sách đầu tiên về cụ Huỳnh Thúc Kháng, dưới chế độ mới, “Huỳnh Thúc Kháng – Chân dung và Tiểu sử”, Vương Đình Quang lại dắt díu vợ con về quê Nam Đàn tham gia kháng chiến.

Bút tích thư cụ Huỳnh gửi Vương Đình Quang năm 1946
Bản khắc gỗ chân dung cụ Huỳnh, do Vương Đình Quang khắc để in sách “Huỳnh Thúc Kháng – Chân dung và Tiểu sử” năm 1946

Đầu năm 1946, Vương Đình Quang ra Hà Nội thăm cụ Huỳnh, bấy giờ đã là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

“Điều làm cho tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên là được thấy cụ khỏe hơn hồi ở Huế, phấn khởi và hoạt bát hơn, trái với ý nghĩ rằng sống ở Thủ đô trong những ngày gay cấn này và bận rộn bao công việc, cụ có yếu đi chăng.

Cụ Huỳnh cùng Hồ Chủ tịch ở Bắc Bộ phủ, hiện nay là nhà khách Chính phủ. Hai cụ ở hai phòng riêng cách nhau. Cụ Huỳnh đưa tôi sang chào Hồ Chủ tịch. Lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp vị lãnh tụ kính mến lúc đó tuy hơi gầy nhưng râu tóc chưa bạc, phong độ ung dung.

Một hôm, khi chúng tôi vừa ăn cơm xong, Hồ Chủ tịch đưa sang một đĩa ba chiếc bánh gai và nói: “Một đồng bào ở phố Hàng Đào vừa gửi cho tôi bánh gai. Xin biếu cụ và hai anh người một cái ăn cho vui». Cụ Huỳnh vừa ăn vừa nói chuyện. Hồ Chủ tịch ngồi ngay bên cạnh, chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu. Khó mà quên được cái hình ảnh hai cụ già tuổi tác chênh lệch, gần gũi nhau, trìu mến nhau bởi một lòng vì dân vì nước.

Tôi ở với cụ Huỳnh được gần một tuần. Có ngờ đâu lần này tôi chào từ biệt cụ là lần cuối cùng!“[12]

Trong kháng chiến chống Pháp, đã có một thời gian ngắn Vương Đình Quang tái xuất làng báo, khi làm thư ký tòa soạn báo “Đại đoàn kết” cho Mặt trận Liên Việt tỉnh Nghệ An. Nhưng, mối lương duyên đó kéo dài không lâu, ông lại trở về quê, làm thuốc, làm nông, làm nón, làm kế toán hợp tác xã… Cuộc sống rất khó khăn, không làm Vương Đình Quang nhụt chí văn chương. Nhiều năm ông là cộng tác viên của Viện Văn học và Tạp chí Văn học. Trong đó, ông dành nhiều tâm huyết cho hai người thầy lớn của mình, với những tác phẩm: Huỳnh Thúc Kháng, chân dung và tiểu sử (Nxb Ích Trí, Huế, 1946); Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng (Nxb Văn học, Hà Nội, 1965); Huỳnh Thúc Kháng, con người và sự nghiệp (lưu trữ tại Viện Văn học, chưa xuất bản); Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh (Nxb Văn học, 1992). Ngoài ra, ông còn để lại một cuốn nhật ký và nhiều ghi chép có giá trị nghiên cứu về lịch sử và văn học. Ông có lối hành văn rất hiện đại, trong sáng, khúc chiết, với những câu ngắn, rất ít gặp ở những người thế hệ ông.

Vương Đình Quang mất năm 1987, tại quê nhà.

Có thể nói gia đình và cuộc đời Vương Đình Quang đã phản chiếu sinh động lịch sử dân tộc Việt Nam suốt hơn 100 năm qua. Vừa là người dấn thân, vừa là nhân chứng lịch sử, lại là người đóng vai “thư ký của thời đại”, Vương Đình Quang là hình mẫu một trí thức, một nhà báo hết sức đặc sắc.

 Phạm Xuân Cần

[1] Theo Từ điển Nhân vật xứ Nghệ của Ninh Viết Giao, Vương Đình Quang sinh năm 1908, nhưng các tài liệu khác đều viết ông mở báo Trung Kỳ năm 1935, khi 25 tuổi.
[2] Vương Đình Quang, Hồi ký vè Cụ Phan và Cụ Huỳnh
[3] Argus Indochinois (Minh Trí Đông Pháp)
[4] Vương Đình Quang, Hồi ký về Cụ Phan và Cụ Huỳnh
[5] Theo Thanh Nghệ Tĩnh số 68, ngày 22 tháng 11/1935
[6] Theo Thanh Nghệ Tĩnh số 68, ngày 22 tháng 11/1935
[7] Theo Thanh Nghệ Tĩnh, số 68, ngày 22 tháng 11/1935
[8] Theo Trần Huy Liệu: Phong trào cách mạng VN qua thơ văn
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/69221/1/22%281961-1%29%286%29.pdf
[9]https://baomoi.com/thuong-cho-nhu-nguoi-cu-phan-boi-chau-lap-mo-phan/c/32277107.epi
[10] Theo báo Phong hóa, số 166, tháng 12/1935.
[11] Văn bản của Sở Liêm phóng Trung Kỳ gửi Khâm sứ Trung Kỳ, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4. Đà Lạt. Trong văn bản này mật thám Pháp có một số nhầm lẫn: Vương Đình Quang không phải là người Bắc Kỳ sống lâu năm ở Vinh và ông cũng không phải là chủ nhà in. Họ cũng không đưa ra bằng chứng nào về mối liên hệ giữa Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) và Vương Đình Quang.
[12] Vương Đình Quang, Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh, NXB Văn học.