Trong các cuộc kháng chiến giữ nước liên tiếp diễn ra nửa sau thế kỷ 20, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Nghệ An được người đời tôn vinh là “binh chủng không quân hiệu quân hàm”. Rạch luồng trở về 55 năm trước. Hồi đó tuyến đường 15A đoạn qua Truông Bồn có một khúc eo giữa một bên là đồi bên kia vệt ruộng lầy. Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ dội bom đánh phá tuyến quốc lộ 1A suốt ngày đêm, cung đường sắt qua đất Nghệ hầu như bị tê liệt. Trong hoàn cảnh ấy khúc eo Truông Bồn gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề: cửa ngõ phía bắc của chiếc “cán xoong” Khu IV, cái yết hầu đưa thức ăn nước uống xuống dạ dày để nuôi chiến trường miền Nam.

Thanh niên xung phong Truông Bồn san lấp hố bom,tháng 7/1968 (Ảnh: Phùng Triệu – TTXVN)

Thời ấy dân Nghệ ai cũng biết phải giữ vững các huyết mạch giao thông trên đất Nghệ thì mới chuyển được nhân lực vật lực vào Nam, mới tăng cường sức chiến đấu cho các mặt trận, mới cung cấp được nguồn sống cho hàng triệu quân dân ta trên các mặt trận. Giữ vững các huyết mạch giao thông trên đất Nghệ là đảm bảo cho cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước đến ngày toàn thắng. Cũng như lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước của các tỉnh thành miền Bắc, TNXP tỉnh Nghệ An từ khi thành lập (tháng 5/1965) đã “hai tay một túi”, nghĩa là Tỉnh đoàn huy động, tổ chức, quản lý nhân lực; Ty Giao thông Vận tải phân công chỉ đạo công việc hằng ngày tại hiện trường. Yêu nước, sẵn sàng hy sinh cứu nước của tập thể Anh hùng liệt sỹ TNXP Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nư­ớc, tỉnh Nghệ An, đã thành biểu tượng sáng ngời, góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử hào hùng xứ Nghệ.

Đất nước thống nhất, hầu hết các Tổng đội TNXP giải thể, hàng vạn chiến sỹ “không quân hiệu quân hàm” như chim không tổ. Trở về quê giữa thời gạo châu củi quế, trăm bề thiếu thốn, tình cảnh cha chung không ai khóc, song sự kiện Truông Bồn luôn là khúc tráng ca vang vọng tinh thần quả cảm, lắng đọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Thời gian càng lùi xa, âm hưởng bổng trầm của khúc tráng ca Truông Bồn, hợp thành khoảng lặng trong tâm thức người đời. Trong chặng 13 năm kể từ khi báo Lao động Việt Nam đăng phóng sự “Ngược Truông Bồn”, cho đến khi cùng nhà văn Trần Huy Quang (1943-2022) và tốp biên tập viên NXB Phụ nữ có 5 ngày “ngược Lường”, gặp được 4 trang biên bản do Ban chỉ huy C317 TNXP Nghệ An xác lập tại hiện trường sự kiện. Riêng tôi từng vài chục chuyến đi cùng các tổ chức công đoàn cơ quan, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh lên Truông Bồn thắp hương khu mộ chung, thăm thân nhân gia đình các liệt sỹ. Suốt 13 năm ấy tôi đinh ninh trọng điểm Truông Bồn sáng 31/10/1968 bị một trận bom, đâu ngờ Truông Bồn bị ba trận bom được ghi lại trong nội dung biên bản lập từ 42 năm trước.

Từ năm 1966 cung đường sắt qua Nghệ An đã bị tê liệt. Ngày 31/3/1968, lần đầu trong năm Mậu Thân, Tổng thống Mỹ tuyên bố ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào. Cách nói “ném bom hạn chế” nhằm đánh lạc hướng dư luận, thực chất là để Mỹ tập trung khối lượng bom đạn khổng lồ nhằm chặt đứt chiếc “cán xoong” từ khe Nước Lạnh phía bắc của tỉnh Nghệ An đến sông Bến Hải thuộc đặc khu Vĩnh Linh dài hơn 300 cây số. Trong vòng 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7/1968), các tuyến đường bộ, đường thủy trên đất Nghệ An bị oanh tạc 2883 trận, bị sập 37 cầu cống, bị hỏng nặng 237 ô tô tải, bị bom nhấn chìm 117 thuyền vận tải. Cùng thời gian này, huyện Nghi Lộc bị 1.354 trận bom và pháo kích, bị 26.607 quả bom các loại. Đến nay có người vẫn chưa biết trong 4 tháng ấy huyện Nghi Lộc “gánh” 28% số trận oanh tạc và 50% tổng lượng bom Mỹ tập trung trút xuống chiều dài hơn 300 km của “cán xoong”, vẫn chưa biết ngày 23/7/1968 hai máy bay Mic 17 của ta đáp xuống sân bay Vinh tiếp nhiên liệu để bay vào Nam chiến đấu, thình lình máy bay Mỹ ào đến ném bom khiến một chiếc Mic bị hỏng, lãnh đạo xã Nghi Ân huy động 350 dân quân và người dân ra sân bay ứng cứu tổ lái, giải cứu chiếc Mic bị nạn.

Truông Bồn quyết tử.

 Từ tháng 8 đến tháng 10/1968, Mỹ tiến hành chiến dịch “nấc thang cuối cùng”, nghĩa là tiếp tục tập trung lượng bom đạn khổng lồ đánh phá với cường độ hủy diệt chiếc “cán xoong”. Từ ngày 02 đến 09/9/1968, Nghệ An phải mở thêm tuyến vận chuyển đường thủy mang tên Sông Lam, huy động của dân hàng trăm thuyền bè, hàng vạn lượt người cùng các lực lượng bộ đội, TNXP, dân quân tự vệ trung chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa vượt các trọng điểm cầu Cấm, Phương Tích, Bến Thủy, Truông Bồn… Trọng điểm Truông Bồn thành nơi hội tụ của hàng ngàn lượt người gồm bộ đội, TNXP, dân quân tự vệ, người dân địa phương, họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng một ý chí “sống bám cầu bám đường…”. Là nơi hội tụ ý chí sắt đá, tinh thần yêu nước quật cường của hàng ngàn trái tim gang thép, vì vậy trên tấm bản đồ chiến sự treo tại Lầu Năm Góc bên kia Tây bán cầu, giới quân sự chóp bu nước Mỹ đặt vị trí Truông Bồn trong khuyên tròn màu đỏ để tập trung nhổ bỏ. Tháng 10/1968, lần thứ hai trong năm con khỉ, Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc có hiệu lực từ 0h ngày 01/11/1968, vậy mà… Tập thể 13 chiến sỹ TNXP quả cảm không chạm được thời khắc hằng mong ấy, các chị các anh ngư­ời trẻ nhất tuổi 17, người nhiều nhất cũng mới 22, đều chư­a vợ chư­a chồng, đã hóa thời xuân đời mình vào đỏ đất xanh trời Truông Bồn lịch sử sáng ngày 31/10/1968, nhằm 10/9 âm lịch!

Trước dịp kỷ niệm 40 năm tráng ca Truông Bồn, sáng 25/9/2008, anh Nguyễn Xuân Đ­ường, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đang trên xe ra Hà Nội đã điện thoại báo cho tôi: Chiều qua (24/9) Văn phòng UBND tỉnh nhận Quyết định của Chủ tịch n­ước phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nư­ớc, tỉnh Nghệ An. Liền đó tôi điện nhờ anh Lê Văn Niệm – Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh fax cho tôi tờ Quyết định số 1304/QĐ-CTN của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Anh Niệm nhiệt tình giúp tôi và kèm lời chúc “Nhà báo viết về sự kiện này thật đậm, thật hay”. Sáng hôm sau (26/9/2008) báo Lao động Việt Nam đăng tin độc quyền được dư luận đặc biệt quan tâm: “Ngày 26/10/2008 tại Truồng Bồn, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm sự kiện Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2008) và đón nhận Danh hiệu AHLLVTND cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nư­ớc, tỉnh Nghệ An. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nư­ớc Việt Nam, là nén tâm nhang thắp từ 82 triệu con tim ngư­ời Việt sưởi ấm thêm linh hồn 13 liệt sỹ TNXP Truông Bồn. Với các cựu TNXP trên khắp cả nư­ớc, phần thư­ởng cao quý này tư­ới mát cánh đồng khô hạn qua bao mùa cháy bỏng lòng mong”.

Tác giả Giao Hưởng giới thiệu bia tưởng niệm tại khu mộ các liệt sỹ Truông Bồn với đồng nghiệp.

Tập thể 13 liệt sỹ TNXP nói trên có 9 người quê huyện Yên Thành gồm: Nguyễn Thị Tâm (1946) xã Hợp Thành; Trần Văn Hạp (1947) xã Vĩnh Thành; Đàm Thị Bốn (1947) xã Khánh Thành; Nguyễn Thị Phúc (1947) xã Phúc Thành; Trần Thị Doãn (1948) xã Sơn Thành; Hà Thị Đang (1948) thị trấn Yên Thành; Hoàng Thị Nhung (1948) xã Lăng Thành; Phạm Thị Dung (1948) xã Hợp Thành; Vũ Thị Hiên (1948) xã Tăng Thành. Bốn Liệt sỹ quê các huyện khác gồm: Cao Ngọc Hòa (1948) xã Diễn Lộc, Diễn Châu; Nguyễn Thị Văn (1950) xã Thượng Sơn, Đô Lương; Đinh Thị Vinh (1950) xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu; Nguyễn Thị Hoài (1951) xã Hưng Yên, Hưng Nguyên.

Mấy hôm sau tôi cùng Công đoàn ngành giao thông vận tải Nghệ An do anh Đinh Văn Ngư­, lúc đó là Chủ tịch Công đoàn dẫn đầu, đến thăm tặng quà 6 gia đình, thắp hương viếng 6 liệt sỹ quê huyện Yên Thành. Cuối chiều đoàn đến xã Sơn Thành thăm ông Nguyễn Xuân Thỏa, nguyên Đại đội tr­ưởng C317 như­ng không gặp, ông Thỏa ba hôm trước đã về Vinh điều trị bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Đứng trước sân nhà ông Thỏa anh Ngư­ nói với tôi: bác Lê Lượng quê Huế, nguyên Tổng đội trư­ởng TNXP Nghệ An, người trực tiếp tại Truông Bồn ngày ấy, nay vào tuổi bát tuần đi lại rất khó khăn, tiếc là anh em mình không gặp được bác Lượng.

Đúng hôm 10/9 âm lịch năm Mậu Tý (8/10/2008) giỗ kỵ lần thứ 40 của tập thể 13 liệt sỹ TNXP Truông Bồn, anh Nguyễn Thanh Châu, bút danh Châu Nho, nguyên sỹ quan công binh Tiểu đoàn 27 Quân khu IV, Trưởng văn phòng đại diện Thời báo Tài chính khu vực Bắc miền Trung, cho tôi xem bài thơ Nụ hôn huyền thoại anh viết năm 1972 tặng nhà thơ Phạm Tiến Duật. Anh Thanh Châu kể: đầu năm 1968, mình trong nhóm sĩ quan mắc màn tại Truông Bồn để tìm cách phá 3 loại bom: nổ chậm, từ trư­ờng hẹn giờ và từ trư­ờng không hẹn giờ. Hồi đó Phạm Tiến Duật bạn mình dừng chân tại Truông Bồn, hễ gặp nữ TNXP, thay cho bắt tay thông thường, anh Duật chủ động gửi tặng mỗi cô một nụ hôn, có ngày bạn mình hôn lên má 22 nữ TNXP. Cuối năm 1968, Phạm Tiến Duật trở lại Truông Bồn mong gặp lại những dấu hôn trên cặp má hồng, nhà thơ­ đứng như trời trồng hóa đá trư­ớc ngôi mộ chung 7 liệt sỹ không nguyên thi thể. Qua bảng lảng khói hư­ơng thổn thức, nhà thơ rư­ng rưng hình dung những gương mặt thân thương vĩnh viễn xanh đất xanh trời Truông Bồn lịch sử. Xem xong Nụ hôn huyền thoại, nhà thơ Phạm Tiến Duật dặn: “Sau khi tớ chết Thanh Châu mới đư­ợc in bài này”. Anh Thanh Châu trĩu buồn: “Nhà thơ của thời xẻ dọc Trường Sơn đã 10 tháng rồi cánh hạc xa bay, bữa ni mình mang bản thảo Nụ hôn huyền thoại tặng tác giả Ngược Truông Bồn, chú mày đăng báo mô cứ đăng.”

                          Nụ hôn huyền thoại
                                                               Châu Nho

                        Đạn bom xuôi ng­ược Tr­ường Sơn
                        Gặp em tặng một nụ hôn để mừng
                        Hôn nồng cháy giữa chiến tr­ường
                        T­ưởng như­ chưa đư­ợc, tư­ởng chừng chư­a trao
                        Nụ hôn nồng ấm ngọt ngào
                        Bao năm sờ thấy má đào hằn môi…
                        Ngày mai có thể không về
                        Mang theo hơi ấm lời thề nụ hôn.
(1972)

Cũng dịp này đài truyền hình VTC vào Vinh đón chị Trần Thị Thông ra trư­ờng quay Hà Nội tham gia chương trình trực tiếp về sự kiện Truông Bồn. Hai hôm sau chị trở về, tôi đến nhà vui với chị:

– Được đài truyền hình VTC đón ra Hà Nội, ăn nghỉ khách sạn, nhất chị rồi!
– Cả đời tui chư­a khi mô nghỉ khách sạn chú ạ, nửa đêm khát nư­ớc tui lò dò ra phố mua nư­ớc uống.
– Khách sạn kiểu gì mà trong phòng không có nư­ớc uống?
– Tui mở tủ lạnh thấy chất đầy đồ uống, nghĩ ai đó nhờ khách sạn bảo quản hộ tui nỏ dám chạm tay sợ mang tiếng chú nờ!
– Hẳn chị nhịn khát để tiết kiệm cho nhà đài mấy đồng bạc lẻ chứ gì?
– Ng­ười ta tặng mình tiền vé tàu, tiền ăn, nghỉ khách sạn, mình chịu khó ra phố uống cốc trà 1 ngàn đồng vẫn đỡ hơn bóc lon nư­ớc ngọt tốn 12 ngàn đồng, tiền nhà đài cũng như­ tiền nhà mình chú nờ!

Các cựu TNXP hát ru đồng đôi “Bài ca mở đường”

Biên bản xác định thư­ơng tật lập sau trận bom ghi chị Thông bị sức ép, chấn thư­ơng thần kinh cột sống vùng thắt lư­ng, tức ngực, hoa mắt. Tỷ lệ thư­ơng tật 33%, thư­ơng tật hạng Hai loại B theo tiêu chuẩn 8 hạng. Năm 2003, Hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định lại, tỷ lệ th­ương tật mới 41%, trợ cấp 254 ngàn đồng/tháng, sau đó tăng đ­ược 742 ngàn đồng/tháng. “Khoản tiền xương máu” được anh Diên chồng chị Thông gói tròn buộc chặt thêm vào lo thuốc thang cho chị. Hai nhà hàng xóm cùng ở khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh là ông Trần Thanh và ông Nguyễn Văn Hoằng, cả hai bớt 2 sào 15 thư­ớc ruộng khoán của nhà mình cho vợ chồng ông Diên bà Thông có công với dân với nước mư­ợn canh tác nộp khoán sản phẩm cho hợp tác xã. Ông Thanh ông Hoằng còn khỏe đạp xe khắp vùng mua gà vịt nhập các chợ cóc, chợ Vinh.

Như đề cập ở phần đầu, ngày 29/11/2010 tôi cùng nhà văn Trần Huy Quang và nhóm biên tập viên NXB Phụ nữ có 5 ngày trên “đất Lường”. Hôm ấy, xe từ Hà Nội vào Vinh đón tôi và chị Thông lên Truông Bồn. Dọc đường đoàn vào thắp hương viếng liệt sỹ Nguyễn Thị Hoài tại xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên. Mẹ của liệt sỹ Hoài năm ấy còn sống, có lẽ tôi chưa gặp bà mẹ nào khốn khổ như mẹ liệt sỹ Hoài. Năm 1982 chồng chết, mẹ ở với con trai trưởng, con trai trưởng chết mẹ ở với vợ chồng cháu đích tôn, cháu đích tôn chết mẹ ở với cháu dâu cùng 3 đứa chắt, trong đó 1 chắt bị dị tật bẩm sinh.

Tại Truông Bồn sau khi thắp hương khu mộ chung, cả đoàn vào thăm vợ chồng ông bà Thởm nhà ở gần Khu Di tích Truông Bồn. Đoàn đến xã Thượng Sơn, Đô Lương thắp hương viếng liệt sỹ Nguyễn Thị Văn. Năm 1962 bố của chị Văn mất, năm 2001 mẹ mất, chị Văn là con cả trong gia đình, từ khi nhập ngũ đến lúc hy sinh chị được một lần 7 ngày phép về thăm mẹ và các em.

Trưa 01/12/2010 (nhằm 26/10 âm lịch năm Canh Dần), đoàn đến nhà ông Hoàng Thanh Vận ở thôn Đồng Sum (xóm 11), xã Lăng Thành thờ liệt sỹ Hoàng Thị Nhung (em gái ông Vận). Trên đường đi ông Nguyễn Tâm Cớn – Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành kể: Trước Lễ đón nhận danh hiệu Đơn vị AHLLVTND (2008), ông cùng các hội viên đi sưu tập tư liệu, hiện vật của 13 liệt sỹ. Mấy lần đến nhà hỏi ông Vận để xin giấy tờ, di vật của liệt sỹ Hoàng Thị Nhung, ông Vận đều khẳng định không có. Vậy mà vào lúc 12h trưa nay, sau khi mọi việc xong xuôi, cả đoàn lục tục chuẩn bị ra xe, chẳng hiểu sao tôi dùng dằng đứng dậy sau cùng không quên gợi hỏi:

– Bác Vận còn giữ được giấy tờ gì liên quan đến chị Nhung không?

Như người trong mộng trở về với đời thực, mắt ông Vận sáng lên:

– Có, có, cụ thể là giấy chi thì tui không nhớ.

Nói rồi ông bảo con trai là Hoàng Thanh Viễn (sinh năm 1962) vào lôi từ chái bếp ra một bọc ni lông đã bị màu khói bếp ám vàng. Khi toàn bộ giấy tờ được ông Tâm Cớn, nhà văn Trần Huy Quang bày ra trên nền gạch, chúng tôi sững sờ chứng kiến bộ hồ sơ liệt sỹ, nhiều bản chị Nhung viết tay, ông Tâm Cớn bật khóc:

– Nhung ơi! Mấy lần anh lên nhà viếng em, hỏi anh Vận còn giữ được kỷ vật gì của em không, anh Vận cứ một hai bảo là không có. Hôm nay có các nhà báo nhà văn thì anh Vận lại nhớ ra, phải chăng em muốn giao di vật cho những người cầm bút mà thôi?

Tôi nói với ông Tâm Cớn: hôm nay chúng ta được chị Nhung cho phép mở “tàng thư” để biết thêm về trận bom hủy diệt trọng điểm Truông Bồn. Luôn thể anh thay mặt Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành ký nhận với gia đình bộ hồ sơ liệt sỹ Hoàng Thị Nhung.

Với tập thể 13 liệt sỹ TNXP Truông Bồn, đây là bộ hồ sơ liệt sỹ duy nhất còn lưu giữ được. Hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

– Sơ lược lý lịch Hoàng Thị Nhung, lập ngày 03/10/1968, Ủy ban Hành chính xã ký xác nhận đóng dấu.
– Bản tự nhận xét và chọn cử cán bộ đi học Trung học chuyên nghiệp, đơn vị lập ngày 03/7/1968.
– Sơ lược lý lịch, chị Nhung viết tay khai tại đơn vị C317 ngày 03/10/1968.
– Phiếu thẩm tra lý lịch, chị Nhung viết tay không đề ngày tháng.
– Biên bản kiểm kê tư trang của Hoàng Thị Nhung lập ngày 31/10/1968 (sau khi hy sinh).
– Sơ lược tiểu sử liệt sỹ lập ngày 31/10/1968.
– Sơ đồ các liệt sỹ bị mất tích lập ngày 03/11/1968 có chữ ký của ông Nguyễn Xuân Thỏa, Đại đội trưởng C317. Đặc biệt có 4 trang giấy pơluya máy chữ mổ cò, chữ màu xanh giấy tím than “Biên bản xác nhận và báo cáo về tai nạn chiến tranh làm chết người do máy bay Mỹ oanh tạc ngày 31/10/1968”, lập ngày 04/11/1968 (sau 4 ngày xảy ra sự việc).

Trang 1 biên bản và giấy báo tử liệt sỹ Hoàng Thị Nhung.

Mang biên bản (photo) về nhà tôi dùng kính lúp đọc được toàn bộ nội dung. Biên bản ghi đủ họ tên, chức vụ, chữ ký của 13 người đại diện của 13 cơ quan Dân – Chính – Đảng gồm: 1. Đảng ủy ngành Giao thông Vận tải Nghệ An; 2. Ban chỉ huy TNXP Nghệ An; 3. Tỉnh đội, Trưởng ban giải phóng Truông Bồn; 4. Huyện Công an công tác tuyến Truông Bồn; 5. Đơn vị công binh thuộc B trạm 8; 6. Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đô Lương, đồng thời là Trưởng ban đảm bảo giao thông Truông Bồn; 7. Trưởng phòng Giao thông Đô Lương; 8. Bí thư Chi bộ phòng Giao thông Đô Lương; 9. Bí thư Chi bộ hợp tác xã Mỹ Thái, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương; 10. Đơn vị ứng cứu; 11. Đơn vị 325 TNXP; 12. Đơn vị 304 TNXP; 13. Đơn vị 317 xẩy ra tai nạn.

Bài viết này chúng tôi xin dẫn một đoạn: “6 giờ 10 phút ngày 31/10/1968 một tốp máy bay gồm 6 chiếc từ phía Nghi Lộc bay đến, trút xuống hiện trường 72 quả trong một phạm vi chiều dài 120m, chiều ngang khoảng 50m. Thời gian chưa được bao lâu đơn vị đang hết sức đào bới, một tốp máy bay khác lao tới cắt loạt bom thứ 2 gồm có 52 quả. Sau đó lúc 10h 10 phút, 3 máy bay lại đến rải bom vào toàn bộ vùng đó bằng 46 quả bom TN…

– Bảy người không tìm được thi thể: Trần Văn Hạp, Phan Thị Dung, Hoàng Thị Nhung, Vũ Thị Hiên, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Tâm.

– Sáu người tìm được thi thể cấp táng: Cao Ngọc Hòa, Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Đinh Thị Vinh, Đàm Thị Bốn”.

Nội dung biên bản cho biết, trong vòng 4 tiếng đồng hồ từ 6h10 đến 10h10, địch trút xuống Truông Bồn 3 đợt bom, tổng 172 quả, trên diện tích 6000m2 (120mx50m), bình quân 35m2 mặt đất hứng chịu 1 quả bom tấn chưa kể các loại bom sát thương khác. Trong chiến tranh Việt – Mỹ, xét về cấp độ cường độ hủy diệt, trọng điểm Truông Bồn chỉ xếp sau Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa 1972”! Sự kiện sáng 31/10/1968 tại eo Truông Bồn trở thành đỉnh cao của tinh thần yêu nước – hiện thực của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “sự hy sinh quả cảm không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Sự kiện Truông Bồn thể hiện sức mạnh tinh thần của đầu đen máu đỏ giữa tàn khốc ngoài sức tưởng tượng của con người. Sự kiện Truông Bồn tạc nên nét son giữa lòng Tổ quốc, Nhân dân, là khúc tráng ca thao thiết giữa dòng đời.

Chúng tôi được biết, trong năm 2010, hai ông Nguyễn Xuân Thỏa, nguyên Đại đội trưởng, ông Nguyễn Văn Phương nguyên Đại đội phó C317 đã qua đời. Trong chuyến đi đó, đoàn chúng tôi đã vào xã Sơn Thành thắp hương viếng ông Nguyễn Xuân Thỏa. Có mặt tại nhà riêng, chứng kiến gia cảnh nhà ông Thỏa ai cũng rưng rưng.

Còn bố mẹ các liệt sỹ Truông Bồn hiện nay đều đã mất. Việc thờ phụng khói hư­ơng liệt sỹ do anh trai, em trai, cháu ruột, cháu họ đảm trách, đó là anh Đàm Văn Hảo thờ liệt sỹ Đàm Thị Bốn (cô ruột), anh Trần Quang Yên thờ liệt sỹ Trần Thị Doãn (chị ruột), anh Nguyễn Trọng Đàn thờ liệt sỹ Nguyễn Thị Tâm (cô ruột), anh Phan Văn Châu thờ liệt sỹ Phan Thị Dung (cô con bác), ông Nguyễn Trọng Quang thờ liệt sỹ Nguyễn Thị Phúc (em ruột), chị Nguyễn Thị Duân thờ liệt sỹ Trần Văn Hạp (anh chồng), anh Cao Ngọc Thắng thờ liệt sỹ Cao Ngọc Hòa (chú ruột), v.v…

Hàng bao năm qua, cứ mỗi lần nghĩ về tập thể anh hùng Truông Bồn gồm 12 nữ 2 nam đều nhập ngũ ngày 18/5/1965, người duy nhất sống sót là chị Trần Thị Thông Tiểu đội Trưởng Tiểu đội 2 C317, tôi không khỏi ngậm ngùi. Nghĩ về thời khắc chỉ còn 18 giờ nữa là Mỹ ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc, vậy mà 13 nam thanh gái tú người trẻ nhất tuổi 17, nhiều nhất tuổi 22 không tới được thời khắc hằng mong đợi. Cạn nghĩ, bao người được sống chẳng ai có thể khắc họa đủ đầy tinh thần yêu nước xả thân vì nư­ớc của cả một dân tộc quyết tâm giữ n­ước. Cũng vậy, đã, đang và sẽ chẳng có bài báo nào có thể phản ánh tới tận cùng chiều cao chiều sâu của sự kiện Truông Bồn hào hùng, bi tráng.

Giao Hưởng