Mùa Đông Ất Dậu 2005, tôi trong tốp trò cũ tháp tùng Thầy Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) sang Tiên Điền viếng mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Trưa ấy Thầy trò về Vinh dùng cơm tự biên tự diễn tại nhà vợ chồng người cháu nội tộc của Thầy. Trước và trong bữa cơm Thầy nói về một lĩnh vực khoa học khá mới, được giới nghiên cứu xã hội nhân văn ở Nga và nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, đó là địa phư­­ơng học. Thầy nhắc đi nhắc lại mấy lần “họ quan niệm chưa hiểu đủ về mình thì cũng chưa hiểu thế giới”.
   Lại muốn nghe về “Nghệ học”, nhân lúc Thầy tạm dừng tôi xen vào:
– Thưa thầy, Thầy nhận xét thế nào về văn hoá xứ Nghệ?
– Tôi không phải ngư­­ời nghiên cứu về Nghệ Tĩnh nên rất khó đáp ứng yêu cầu của em, nói một cách nghiêm túc khoa học là tôi chư­­a biết. Tôi sinh ra ở Nghệ Tĩnh như­­ng sống ở Nghệ Tĩnh không nhiều. Xư­­a chỉ đọc một số bài lẻ tẻ của cụ Bùi Dương Lịch viết về Nghệ An, mà đọc mỗi cụ Bùi Dư­­ơng Lịch là chư­­a đủ, thế nên biết quá ít về quá khứ của vùng Nghệ.
Nguồn gốc tôi phải tìm đọc là nhờ con điểm zêrô của ông thầy ngư­­ời Pháp dạy Địa lý Quốc học Huế dành cho tôi. Ông Thầy ấy gọi lên bảng hỏi:
– Anh quê ở đâu?
– Tôi là ngư­­ời Nghệ!
– Thành Diễn Châu xây bằng đá gì?
-Tôi chư­­a đi qua Diễn Châu nên không biết!
– Trời ơi! Học địa lý mà lại là ng­­ười Nghệ, thành Diễn Châu xây bằng đá gì cũng không biết?
Điểm zêrô của ông Thầy ấy tôi nhớ suốt đời, từ đó về sau tôi tạo thói quen quan sát là vì vậy.
***
Mùa Thu Bính Tuất 2006 tôi làm hoa tiêu đưa 4 nhà báo quê xứ khác, thực địa mấy chục cây số tuyến đường ven sông Lam còn gọi là “tuyến đường xanh”, “tuyến đường trong mơ”. Núi Dũng Quyết là một trong mấy điểm chúng tôi dừng chân. Từ đỉnh núi nhìn ra 4 phía, các đồng nghiệp chung cảm nhận tuyến đường ven sông Lam như dải lụa khổng lồ Cha Trời Mẹ Đất vừa dệt xong, đem nhúng nhuộm vào thứ nước màu lam và trải phơi trên mấy chục cây số bờ bắc phía hạ lưu.
Chúng tôi có 3 tiếng đồng hồ “cưỡi ngựa xem hoa” giữa sơn thủy hữu tình của vùng quê Đan Nhai và nắng thu vàng, rồi tập kết tại nhà hàng hải sản trên bãi biển Cửa Hội. Thả hồn nơi cửa sông – cửa biển bao la sóng nước lồng lộng mây trời, nơi điểm cuối của dòng Lam – cũng là một trong vô số điểm đầu của Biển Đông, chú em đồng nghiệp quê Bắc có cụ tổ nhiều đời gốc Nghệ hứng chí đọc thơ:
Sông đặt tên sông Lam
Mộng trùm xanh biển cả
Núi thì kêu rú Quyết
Chí vững tựa thạch bàn.

Ôi! Xứ Nghệ, xứ Nghệ
Đất vàng của xưa sau
Giữa mưa rừng bão biển
Lung linh vẫn giữ màu.
Tôi nghe chú ấy trưng ra một loạt câu hỏi về sông Lam, về thành Vinh mà choáng, thầm nghĩ phải siêu như lão Gu Gồ (google) may ra mới trả lời hết xêri câu hỏi của đồng nghiệp trẻ. Đành nói mấy điều cất trong bộ nhớ.
Năm sáu mốt (1961) người lớn đang ngất ngây ngắm “đỉnh cao muôn trượng”, nhóc tôi 7 tuổi lần đầu được bố cho bám theo lên Vinh. Lẽo đẽo cuốc bộ 13 cây số, dọc đường bố kể, từ khi người Pháp lập đô thị Vinh cho tới khi Chính phủ Cụ Hồ tiêu thổ kháng chiến, Vinh 9 chục năm chưa được trọn vẹn một ngày hòa bình. Lệnh tiêu thổ kháng chiến ban ra hôm trước, hôm sau 3 vạn người dân Vinh đã nhất loạt bỏ nhà bỏ cửa ra đi.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Cả thị xã Vinh như cây tre trăm đốt, khắc xuất khắc nhập thành chiến lũy lòng dân. Còn người còn của, 3 vạn người Vinh tự tay đập bỏ nhà cửa của mình, đập bỏ mồ hôi công sức qua nhiều đời gây dựng. Họ dắt díu nhau ra đi mà chưa biết nơi đến, chưa biết sống chết ra sao, chưa biết bao giờ hết đao binh, nếu sống cũng chưa biết lấy gì để che nắng che mưa. Ý chí dám hy sinh tất cả vì thắng lợi cuối cùng của 3 vạn người Vinh là không gì ngăn nổi!
Chú đồng nghiệp nhìn tôi lộ vẻ ngạc nhiên. Tôi bảo những điều chưa biết thì không nói, những điều nói ra là điều có thật mà tôi biết. Tôi từng đến đầu nguồn 2 dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn lắm thác nhiều ghềnh, xin bổ sung một vài ý nhỏ:
Từ điểm đầu là Ngã ba Cửa Rào, dòng lớn của xứ Nghệ ma-ra-tông thủy trình theo hướng tây bắc – đông nam, về đến Đan Nhai – Cửa Hội thì hết mình vào Biển Đông. Dòng lớn sông Lam chưa biết đã hình thành bao nhiêu vạn năm, chỉ biết nó thao thiết trong lịch sử hình thành phát triển của vùng đất vùng người xứ Nghệ. Trên suốt thủy trình chừng 200 cây số kỳ vĩ, nó đắp bồi dọc đôi bờ ngút ngát ruộng đồng nương bãi thẳng cánh cò bay; Nó góp phần kiến tạo môi trường sống cho một vùng người vùng đất của trấn Nghệ An (địa danh dưới thời Lý – Trần) rồi của xứ Nghệ (địa danh từ thời vua Lê Thánh Tông). Qua bao thế hệ sinh sống, đến nay dọc đôi bờ ấy ước chừng có gần một triệu con người gồm 6 dân tộc anh em hấp thụ tinh túy của văn hóa dòng lớn sông Lam.

Sông Lam. Ảnh: Trung Hà

Trước khi hết mình vào Biển Đông vĩ đại, sông Lam bồi tụ cho nơi đầu sóng mũi gió phía cuối nguồn một vùng quê mênh mang sóng nước, một vùng người hào hiệp nghĩa tình. Vùng quê vùng người ấy trải dọc đôi bờ cửa biển Đan Nhai với hàng chục ngôi làng cổ. Đan Nhai, có sách chép là Đan Thai, sau thuần Việt gọi là Cửa Hội, do công việc viết lách tôi lọ mọ tra tìm nghĩa của tên chữ Đan Nhai mà chưa gặp. Thôi đành gom mấy mảnh vụn về nghĩa của từ “đan nhai” nhặt được, tạm hiểu là “bến đậu thuyền, đôi bờ không núi non che chắn, địa thủy bằng phẳng hữu tình”.
Tìm cái hiểu tạm để mà quấy hồ, vẫn hơn là chẳng có gì. Từ mấy nét nghĩa mờ mờ ấy, hễ nghe ai tự giới thiệu người vùng Cửa Hội, tôi hiểu làng cố hương của người ấy nằm trong phạm vi chừng vài chục cây số đôi bờ phía hạ lưu, đoạn từ khu vực Bến Thủy ra đến cửa lạch. Dường như điều tôi tạm hiểu để viết lách cũng được đất trời minh chứng bằng cảnh quan của hàng chục ngôi làng cổ trải kín đôi bờ, từ cửa biển Đan Nhai đến khu vực Bến Thủy ngày nay.
Quy luật người đẻ đất không đẻ, nhà đông con khi các con trưởng thành lần lượt tách ra ở riêng. Vùng đất vùng người Đan Nhai cũng vậy, trong hàng chục ngôi làng có nhiều ngôi làng cổ tên gọi gắn chữ “Đan” – từ gốc của “đan nhai”. Ở mạn tả Lam bên Nghệ An có Cổ Đan (xã Phúc Thọ), Đan Hải (xã Nghi Hải), Đan Trang (xã Nghi Xuân), xa về phía thượng nguồn chừng vài chục cây số thủy trình, có Đan Nhiễm thuộc huyện Nam Đàn – quê của Nhà yêu nước Phan Bội Châu. Ở mạn hữu Lam bên Hà Tĩnh có Đan Hội (xã Xuân Hội), Đan Trường (còn gọi Đan Tràng xã Xuân Trường), xã Xuân Đan, Đan Phổ (xã Xuân Phổ)…
Nhiều làng ra đời sau trên đất Đan Nhai hầu hết tên làng không gắn chữ “đan” gốc. Sự gắn kết thể hiện đậm nét trong đời sống văn hóa cư dân các làng cổ với các làng mới, sự hữu cơ huyết thống gia đình dòng tộc, sự cố kết quần cư nghề nghiệp, sự tương trợ quan hệ tình nghĩa xóm làng. Sự gắn kết dân cư liên tục được duy trì phát triển qua nhiều thế hệ, xuyên suốt hàng ngàn năm, là điều kiện cần và đủ cho việc tôn đắp văn hóa đậm chất sông nước, tạm gọi là Văn hóa dòng lớn – sông Lam.
Từ thăm thẳm lòng sông và bao la mặt biển, từ bồi lắng của dòng chảy văn hóa Đại Việt qua khúc xạ sóng nước mênh mang, kết hợp với những điều hiện hữu giữa đời, giúp ta cảm nhận – lượng định để có thể nói rằng: Vùng nào được cha Trời mẹ Đất chọn làm cửa sông – cửa biển, vùng quê ấy có địa mạo trù phú tôn nghiêm, có bề dày đời sống nhân văn phong phú với bản sắc không thể hòa tan.
Dòng lớn – sông Lam bồi tụ “địa linh” Đan Nhai – Cửa Hội, các thế hệ cư dân trong vùng sinh dưỡng nhiều danh nhân, hào kiệt, anh tài. Mỗi làng cổ phía hạ lưu dòng Lam như một tổ kén, được xâu kết bằng những “sợi” văn hóa sông nước lung linh chuẩn mực. Ví von ấy giúp tôi nghĩ về mọi giọt nước, từ khi hình thành trong tự nhiên đều tinh khiết về bản chất, đều mang đặc tính gặp ánh sáng là lung linh huyền ảo. Dù đang trong sông, suối, ao, hồ, hoặc góp mặn nơi biển cả, mọi giọt nước đều độ lượng bao dung; Chúng không tranh giành chỗ cao thấp, không chen lấn giẫm đạp lên nhau, chúng vô tư cống hiến vì sự sống muôn loài, vậy nên nước được muôn loài tự nguyện tìm đến kết bạn thủy chung.
Biển Đông đón nhận mọi giọt nước của trăm sông nghìn suối, dung nạp muôn vàn độ lượng bao dung. Biển Đông hội tụ sự vô tư mà thành mênh mông, vĩ đại.
Độ lượng bao dung, vô tư cống hiến, những giá trị cao quý của nước làm nên sức mạnh “nhất thủy nhì hỏa” đã được người xưa xếp hạng. Sức mạnh của nước đến nay vẫn bất khả kháng đối với loài người và muôn loài. Thông điệp dễ hiểu của nước: Hỡi loài người và muôn loài nơi trần gian! Muốn yên ấm, muốn được tự nhiên tôn trọng, các ngươi hãy hòa hiếu với mẹ Đất cha Trời, hãy tôn trọng tuân theo quy luật sinh tồn của thế giới tự nhiên.
Tiến sỹ Dương Thúc Hạp (1835-1920) người làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu. Trong tập thơ chữ Hán “An Tĩnh sơn thủy vịnh” của ông có bài “Hội Hải”. Năm 2005, Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Nghệ An chuyển ngữ, dịch thơ, công bố “An Tĩnh sơn thủy vịnh”, bài “Hội Hải” được mấy cụ hội viên chuyển ngữ, dịch thơ. Dẫn bản phiên âm, dịch thơ của nhà giáo lão thành Phạm Nhượng:
Phiên âm:
HỘI HẢI
Hải quốc yên ba song nhãn khoát
Chân Hưng địa hạt như cương giao
Thượng lưu Lam thủy thiên trùng hội
Ngoại diện Ngư sơn lưỡng đảo cao
Phù phiếm ngư nhi triêu mộ đĩnh
Vãng lai thương khách bắc nam tào
Thận lâu tự hữu ba thần chưởng
Mạc khiển kình nghê cổ nộ đào
Dịch thơ:
CỬA HỘI
Một vùng trời nước bao la
Chân – Nghi hai huyện giao hòa bắc, nam
Ngàn trùng sóng nước sông Lam
Thao thao từ chốn sơn lâm đổ về
Song Ngư hai ngọn gần kề
Cao cao trước mặt bốn bề gió ru
Sớm chiều thuyền cá nhấp nhô
Tàu buôn qua lại bốn mùa đó đây
Từ ngày thần sóng ra tay
Kình nghê hết quấy hết gây sóng cồn.
Nói về dòng Lam, không thể không nhắc đến bài thơ “Sông Lam” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, cuốn hút tôi ngay từ lần đầu xuất hiện:
Sông bổ đôi Nghệ Tĩnh/Sông nằm hóa lục bát Nguyễn Du/Sông đứng thành Hồng Lĩnh/ Sông đi thành ví giặm trời xanh/Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi/ Sông ẩn hồn trong vại cà,vại nhút/Một củ khoai cũng lấp ló mây trời/ Con cò mặc áo tơi đi học Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi.
Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài/Trời hào phóng mây trắng/ Đất tằn tiện ngô khoai/Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/Đồ Nghệ Sông Lam dạy biển cả học bài…
Sông thao thức sóng tràn bờ bắc/Sông nằm mơ tĩnh lặng khói bờ nam/Thúy Kiều đến Tiên Điền tìm họ mạc/Hai trăm năm Tiền Đường mê mẩn nước Lam Giang/Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước/Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng…
Tại điểm đầu điểm cuối sông Lam có 2 công trình kiến trúc – 2 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, thờ 2 danh tướng thời Lý thời Trần. Năm 2007, tôi lên dự khánh thành cầu treo Cửa Rào, sau lễ khánh thành tôi vào đền Vạn dâng hương kính viếng Ngài Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) danh tướng danh thần thời Trần. Tọa trên cù lao chàm ngã ba Cửa Rào – hợp lưu đầu nguồn dòng lớn sông Lam, nên đền Vạn còn gọi là đền Cửa Rào.
Tướng Đoàn Nhữ Hài người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương); Thân phụ là tướng Đoàn Phúc Trung dưới trướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tướng Đoàn Phúc Trung trực tiếp tham chiến các trận chiến lược Vân Đồn 1281, Bạch Đằng 1288.
Thời trẻ Đoàn Nhữ Hài lên kinh đô Thăng Long theo học, trọ tại chùa Tư Phúc. Một lần vua Trần Anh Tông tình cờ gặp và nhờ nho sinh Đoàn Nhữ Hài thảo bài biểu mà thoát được cơn tức giận của Thượng hoàng Trần Nhân Tông.
Trở về kinh đô vua phong Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán, chức quan đứng hàng thứ hai ở Ngự sử Đài, có nhiệm vụ can gián, đàn hặc nhà vua. Năm ấy Nhữ Hài chưa tới 20 tuổi. Việc một thư sinh trẻ chưa đỗ đạt gì, lại không phải hoàng thân quốc thích được đưa lên cương vị trọng yếu như vậy khiến nội bộ triều đình và thiên hạ râm ran đàm tiếu.
Nhữ Hài được vua tin giao lần lượt qua các chức Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An. Bấy giờ phía tây Đại Việt có tiểu quốc Bồn Man (kinh đô Xiêng Khoảng). Năm 1335, Bồn Man xua quân tràn sang cướp phá giết hại lương dân ấp Nam Nhung (trung tâm Nam Nhung là xã Bồng Khê, huyện Con Cuông hiện nay). Để giữ yên bờ cõi, Thượng hoàng Trần Minh Tông dù tuổi cao vẫn đích thân cầm quân vào biên ải trấn Nghệ đẩy đuổi quân Bồn Man. Đoàn Nhữ Hài đang kiêm chức Kinh lược Địa sứ Nghệ An, được Thượng hoàng giao làm Đốc tướng trực tiếp chỉ huy quân sỹ chiến đấu.
Trận chiến lớn chống quân Bồn Man diễn ra tại khu vực Ngã ba Cửa Rào, địch lợi dụng sương mù dày đặc che mắt đối thủ, chúng bao vây từ nhiều hướng bất ngờ đánh úp đội hình quân nhà Trần, tướng Đoàn Nhữ Hài cùng nhiều binh sỹ hy sinh. Sau khi đẩy đuổi quân Bồn Man ra khỏi bờ cõi, thương tiếc vị tướng tài năng trung nghĩa bỏ mình nơi đầu nguồn sông Cả, Thượng hoàng và Vua Trần Anh Tông cùng cư dân các làng dọc đôi bờ thượng nguồn sông Lam tiến hành trọng thể Lễ tế hương linh, lập đền thờ vị danh tướng danh thần Đoàn Nhữ Hài đã xả thân tại điểm đầu dòng lớn sông Lam.
Từ đền Vạn – Cửa Rào xuôi về khoảng 200 km đường thủy, tôi vào đình làng Hội Thống (dựng năm 1659, nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), thắp hương tưởng niệm Thái úy Tô Hiến Thành (1102-1179) vị đại quan quyền lực nhất trong triều vua Lý Anh Tông. Thái úy Tô Hiến Thành nổi tiếng văn võ song toàn, công minh chính trực, ông không phải tôn thất nhà Lý vẫn được Vua đặc cách phong tước Vương.
Tiếp nối phát huy tấm gương Thái úy Lý Thường Kiệt anh hùng, Tô Hiến Thành cùng vua Lý Anh Tông nhiều lần mang đại quân chống Chiêm Thành, Chân Lạp xâm lược, mở mang bờ cõi, đến một số địa phương trong nước dẹp nạn cát cứ phản loạn. Vị thế quốc gia Đại Việt không ngừng lớn mạnh, năm 1164 nhà Tống buộc phải công nhận Lý Anh Tông là Vua của Đại Việt. Sự tin tưởng tuyệt đối của vua Lý Anh Tông dành cho Tô Hiến Thành được lưu giữ ở hai bức Hán Nôm treo trong Đình Hội Thống: “Thánh trạch Quân ân” (Lộc Thánh ơn Vua), đôi liễn “Vạn cổ ân quang viễn/Thiên thu huệ trạch trường” (Muôn thuở ơn sáng rọi/ Ngàn thu huệ trạch ngời).
Hai nhân vật lịch sử thời Lý thời Trần, được ngư dân sinh sống làm ăn ở điểm đầu điểm cuối dòng lớn sông Lam lập thờ, có lẽ vì vậy mà khi đến vùng Đan Nhai – Cửa Hội nước dòng Lam trong xanh đến lạ. Như thể sau bao lên thác xuống ghềnh, vượt qua vô vàn giăng mắc ngáng trở phía thượng nguồn, chuẩn bị hết mình vào Biển Đông, dòng Lam rũ bỏ mọi vinh hoa phú quý, những mỹ từ ồn ào cao ngạo ai đó từng dành cho nó. Trước lúc hết mình vào Biển Đông, dòng Lam chỉ muốn lưu lại cho đời vẻ đẹp mộc mạc hiền hòa không chút kiêu sa.
Ai người đi ra bể
Ai người ngược lên rừng
Vẫn đậm chất xứ Nghệ
Nóng nẩy đầy bao dung.
    Từ dòng nước màu lam từng trải mà trong trẻo lạ lùng, ai đứng trên bãi ngang Cửa Hội dõi ánh nhìn ra Song Ngư, cũng đều cảm nhận hóa thạch của tình yêu son sắt thủy chung, chỉ cần vươn ra 4 cây số là chạm tới. Cũng ánh nhìn từng trải của dòng lớn màu lam, hướng ánh nhìn xa gấp 6 lần so với ra Song Ngư, ta chạm đảo Mắt, tên chữ là Mục Sơn – mắt biển.
Mắt biển – mắt của kẻ sỹ luôn tỉnh táo, mắt của chiến binh vệ sỹ kiên cường, ngày đêm canh giữ yên bình cho xứ Nghệ.

Giao Hưởng
(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 9/chào năm mới 2021)