Tháng 10 bắt đầu bằng những ngày không mấy êm ả khi liên tục trong nước và quốc tế đều dội về những tin tức đau lòng. Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, sạt lở, lũ quét ở nhiều tỉnh miền Trung để lại thiệt hại nặng nề; lốc xoáy khiến 2 tàu cá tỉnh Quảng Nam bị chìm, 13 ngư dân mất tích. Thế giới đang oằn mình gánh chịu những hậu quả do xung đột Nga – Ukraine kéo dài gây ra nay lại tiếp tục rúng động khi chiến sự bùng nổ tại dải Gaza. Số phận con người vốn dĩ đã mong manh trước tự nhiên, nay lại càng trở nên mỏng giòn với những toan tính của chính mình. Nhìn những dòng người tị nạn kéo dài, tiếng gào khóc, sự hoảng loạn trước bao mất mát, đau thương,… ta càng hiểu và thấm thía hơn giá trị của hai chữ bình yên.

Ngày 07/10, lực lượng Hamas của Palestine phát động một cuộc tấn công vào miền Nam Israel. Ngay sau đó, Israel đã mở chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” đáp trả. Dải đất Gaza nhỏ bé và lắm đau thương ấy, một lần nữa chìm trong khói lửa chiến tranh, bom đạn. Xung đột ngày càng có dấu hiệu leo thang, khả năng đẩy nơi đây rơi vào thảm họa nhân đạo và đáng ngại hơn, nó có thể là mồi lửa châm ngòi cho “thùng thuốc súng” Trung Đông. Đặc biệt, việc đánh bom vào một bệnh viện ở dải Gaza khiến hơn 500 người thiệt mạng đã thổi bùng lên làn sóng phản đối, biểu tình giận dữ trên khắp Bắc Phi và Trung Đông. Đến nay, chiến sự đã gây ra hàng chục nghìn thương vong và một giải pháp hòa bình trong tương lai gần là điều khó có thể xảy ra.

Người dân tháo chạy khi tên lửa bắn vào từ dải Gaza ngày 7/10. Ảnh: REUTERS/Amir Cohen

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước lớn, ngay lập tức đã có phản ứng trước cuộc giao tranh; lên tiếng kêu gọi các bên ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, không gây tổn hại cho dân thường. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những chia rẽ, bất đồng trong quan điểm giữa các nước khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vào ngày 18/10 vừa qua. Liệu có là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến đắng cay không khi tháng 10 là tháng nhắc nhớ kỷ niệm ngày thành lập chính thức của Liên Hợp Quốc (24/10/1945), một tổ chức ra đời với nhiệm vụ duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện hợp tác quốc tế; một tổ chức mà 76 năm về trước (1947) đã tham gia phân chia lãnh thổ, phân định “số phận” của Palestine và Israel nhưng cho đến nay vai trò vẫn thực sự mờ nhạt trong giải quyết các xung đột?! Vị trí địa lý cùng những vấn đề trong lịch sử đã đặt vào mảnh đất này một vận mệnh đầy đau thương để nhắc đến dải Gaza là người ta nghĩ ngay đến một vùng đất nhỏ bé, đông dân, bất ổn, nghèo khó, tỷ lệ thất nghiệp cao hàng đầu thế giới… Ở đó có khoảng 1 triệu trẻ em đang sinh sống, ở đó có hàng triệu người dân thường vô tội, họ xứng đáng được hưởng hòa bình, được tìm kiếm một cuộc sống bình yên như bao đất nước, dân tộc khác trên thế giới.

Chứng kiến bao tổn thất mà xung đột Nga – Ukraine gây ra kể từ tháng 2/2022 đến nay và những gì đang bùng lên tại dải Gaza vừa qua, chúng ta thực sự thấm thía rằng không một cá nhân, một gia đình nào có thể có được bình yên, hạnh phúc nếu tổ quốc của họ không bình yên. Có thể, vẫn còn những cá nhân, gia đình không tìm được bình yên cho riêng mình trong một đất nước hòa bình, hạnh phúc nhưng chắc chắn rằng không một ai có thể có được bình yên trong một đất nước đang oằn mình trước bom đạn, chiến tranh. Lịch sử đấu tranh của con người trên khắp hành tinh này bao nhiêu thế kỷ qua là gì, nếu không là để tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc, bình yên cho mình? Chiến tranh, xung đột vốn dĩ khởi phát từ những toan tính lợi ích, thậm chí có khi còn là trò chơi của người cầm quyền nhưng hậu quả, nỗi đau mà nó mang lại thì dân thường luôn phải gánh chịu. Nếu được chọn lựa, không một người dân nào muốn chọn lựa cuộc sống chìm trong chiến tranh, xung đột, bất ổn. Đó là lý do trên thế giới, những dòng người vẫn ùn ùn kéo nhau rời bỏ quê hương, chấp nhận đối mặt với bao khó khăn, hiểm nguy để đến xin tị nạn ở các quốc gia khác.

Người mẹ Ukraine thăm mộ con trai mình. Ảnh: AP

Những tin tức rúng động quốc tế hôm nay hẳn khiến chúng ta không quên cũng trong tháng 10 này của 106 năm về trước, lịch sử thế giới đã chứng kiến một bước ngoặt mà Cách mạng tháng Mười Nga (10/1917) mang lại. Cuộc cách mạng ấy mang nhiều ý nghĩa thời đại nhưng trên hết nó vẫn là minh chứng cho khao khát tự do, bình yên của các dân tộc nhỏ bé, bị áp bức. Vậy mà bao nhiêu thời gian trôi qua, nếm trải đủ những đau thương chiến tranh mang đến, chứng kiến bao cuộc đấu tranh và tiếng kêu thống thiết của thân phận con người nhưng mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết vẫn luôn là bài toán khó khi những toan tính về lợi ích, quyền lực vẫn được đặt lên trên khát vọng cuộc sống bình yên của người dân.

Là một dân tộc đi qua nhiều cuộc chiến tranh, trải bao đau thương, mất mát, Việt Nam hiểu rõ ý nghĩa của tự do và thấm thía giá trị của bình yên. Bao nhiêu lớp người đã ngã xuống trên mảnh đất này, đã không tiếc máu xương của mình vì tự do, hạnh phúc và bình yên của Nhân dân. Chúng ta sẽ không quên, cũng trong những ngày tháng 10 lịch sử (ngày 31/10/1968), 13 thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống tại Truông Bồn (Nghệ An) để bảo vệ cho bình yên của quê hương. Họ cũng như hơn 1 triệu liệt sĩ khác trên đất nước này, đã không tiếc tuổi xuân, tính mạng của mình; đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Và có lẽ, không chỉ Việt Nam, người dân ở bất cứ dân tộc nào cũng sẵn sàng đánh đổi máu xương của mình để bảo vệ bình yên cho quê hương; để các thế hệ sau không phải lớn lên trong đau thương, trong nỗi bất an và mất mát.

Khu di tích Truông Bồn (Nghệ An), nơi 13 thanh niên xung phong đã hy sinh vào ngày 31/10/1968. Ảnh: Hoàng Nguyên

Đáng tiếc thay, thế giới hôm nay chúng ta đang sống lại đầy rẫy nguy cơ và bất an. Hàng ngày những tin tức khủng bố, xả súng, biểu tình, bạo loạn,… vẫn liên tục dội về. Bao vùng đất vẫn chìm trong nghèo đói, bất ổn; nhiều người dân không được đáp ứng những mưu cầu và giá trị sống cơ bản. Tại sao bao nhiêu tổ chức quốc tế được thành lập, bao Hiệp ước được ký kết, bao nhiêu nỗ lực cho quá trình toàn cầu hóa, thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác quốc tế… vẫn không thể mang lại được bình yên cho thế giới này? Tại sao thế giới ngày càng văn minh và dân chủ nhưng việc học cách tôn trọng sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng; tôn trọng sắc tộc, văn hóa của nhau lại luôn khó khăn đến vậy? Tại sao kỷ nguyên thông tin giúp chúng ta xóa nhòa khoảng cách, kết nối với nhau dễ dàng và thuận tiện hơn nhưng ngày càng khó chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau? Albert Einstein từng nói hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua sự thấu hiểu lẫn nhau. Một khi chúng ta không ngồi lại để lắng nghe, để thấu hiểu và chấp nhận những khác biệt thì tương lai về một thế giới hòa bình, yên ấm sẽ mãi còn xa vời. Chỉ có sự thấu hiểu mới mang chúng ta đến với yêu thương và sẻ chia; chỉ có sự thấu hiểu và tôn trọng mới giúp chấm dứt được bạo lực trên hành tinh này.

Thật đáng buồn khi ứng xử của thế giới ta đang sống sau rất nhiều những đau thương vẫn không có gì thay đổi. Máu, nước mắt và vô vàn nỗi đau khắp nơi chưa nhận lại được bài học đáng giá, chưa khiến chúng ta thức tỉnh và điều chỉnh lại hành vi, suy nghĩ của mình. Bao giờ các bên mới biết dừng lại? Bao giờ những chia rẽ mới kết thúc? Câu hỏi đó có lẽ mãi sẽ không có trả lời khi lòng người vẫn còn vô vàn những tính toan, chia cắt; khi niềm tin ngày càng mỏng giòn; khi hợp tác chỉ vẫn luôn là tảng băng với một phần nổi và rất nhiều phần chìm; khi lợi ích, quyền lực vẫn được các chính phủ đặt lên trên hết.

Một cuộc sống yên bình là khát vọng chính đáng và cần được tôn trọng của bất kỳ dân tộc nào. Ảnh: Trang Đoan

Một cuộc sống yên bình – đó là khát vọng chính đáng và cần được tôn trọng của bất kỳ dân tộc, bất kỳ cá nhân nào. Mahatma Gandhi từng nói: “Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sợ hãi.” Thế giới văn minh không chấp nhận những kẻ đi gieo rắc chiến tranh, sợ hãi để tìm kiếm sức mạnh. Bao nhiêu thế kỷ đấu tranh của người dân trên khắp hành tinh này không phải để nhận lấy một thế giới ngày càng chia rẽ vì những toan tính riêng. Điều mỗi người dân cần lãnh đạo đất nước làm là đặt lợi ích và bình an của họ lên trên hết. Điều sau cùng đáng để chúng ta đấu tranh trên cuộc đời này không gì khác là tự do, là tình yêu và một cuộc sống bình yên!

Trang Đoan