Hơn 40 năm trước, hàng vạn cậu tú cô tú quê Nghệ An (từ 1976-1990 là Nghệ Tĩnh), hầu hết biết thầy Nguyễn Tài Đại qua chữ ký của Trưởng ty Giáo dục trong tấm bằng tốt nghiệp hệ phổ thông và cả hệ bổ túc cấp 3 (hệ 10/10). Từ 1965 – 1975 và 6 năm tiếp đó, hàng vạn tấm bằng tốt nghiệp ấy cùng chữ chữ ký của thầy Đại chắp cánh cho họ đi khắp bốn phương trời. Rất đông cậu tú cô tú chân cứng đá mềm vào chiến trường tham gia dập lửa chiến tranh, đồng thời cũng rất đông các cậu tú cô tú vào các trường đại học trong ngoài nước chuẩn bị cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Hàng vạn cậu tú cô tú quê xứ Nghệ ấy nay đã “lão giả an chi”, trong đó không ít “ông nọ, bà kia” đến nay cũng đã hết quan hoàn dân, vậy nhưng nhiều người vẫn chưa biết chuyện thầy Nguyễn Tài Đại từng làm Chủ tịch xã, từng công tác ở Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN trên chiến khu Việt Bắc, từng sinh hoạt cùng chi bộ với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Cơ Thạch, và từng “một phát” từ Hiệu trưởng Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng được điều lên làm Trưởng ty Giáo dục kiêm phụ trách khối văn hóa xã hội của tỉnh. Đúng là “cán bộ nào phong trào ấy”, trong 8 năm chiến tranh ác liệt (1965 – 1972), mặt trận giáo dục của “đất học” Nghệ An vẫn thăng hoa trong đạn lửa.

Chân dung thầy Nguyễn Tài Đại (1921-2005) 

Thầy Nguyễn Tài Đại (1921-2005) người làng Thượng Thọ, xã Trí Tường (về sau là xã Thanh Văn, gần đây là xã Đại Đồng) huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thầy học trường Quốc học Vinh, đồng thời bí mật tham gia Việt Minh. Trong Cách mạng Tháng Tám, thầy cùng các cốt cán Việt Minh lãnh đạo nhân dân xã Trí Tường giành chính quyền, cấp trên cử thầy làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Trí Tường. Hơn một tháng sau, lãnh đạo Huyện ủy Thanh Chương lại điều động thầy lên làm Thường vụ tổ chức Việt Minh huyện Thanh Chương. Làm Thường vụ Việt Minh được mấy tháng thì cả nước bầu cử năm 1946, thầy được bầu làm Ủy viên thư ký Ủy ban Hành chính huyện Thanh Chương.

Tháng 7/1946 thầy trúng Ủy viên Huyện ủy dự khuyết, cấp trên điều động thầy đi học khóa Tô Hiệu do Trung ương Đảng mở tại Việt Bắc. Học xong Trung ương điều thầy về làm cố vấn Huyện ủy Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, phụ trách xây dựng căn cứ địa cách mạng chuẩn bị cho công cuộc trường kỳ kháng Pháp. Ít lâu sau Trung ương điều thầy về làm việc tại Phòng Bí thư Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam do đồng chí Bế Văn Quý (tức Nguyễn Cơ Thạch) làm Bí thư phòng. Không lâu sau trên lại điều thầy thay đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (phải đi dưỡng bệnh dài hạn tại Tam Đảo).

Từ thiếu thời thầy bị bệnh thấp khớp hoành hành, nay lại chung sống với buốt giá nơi đại ngàn Việt Bắc, chứng thấp khớp rất đau càng hành hạ thầy. Làm thay vị trí của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là vinh dự được làm việc trực tiếp với Bác Hồ. Một hôm em Trúc liên lạc viên của Bác Hồ đến bảo thầy chuẩn bị nội dung công việc, để một ngày sắp tới chưa biết cụ thể là ngày nào, Bác sẽ cho gọi đến gặp làm việc với Bác trong 30 phút.

Phấn khởi quá, lo lắng quá, thầy chuẩn bị rất cẩn thận, rất chu đáo và chờ lên gặp Bác. Hồi đó các cơ quan Trung ương đóng cách xa nhau. Từ chỗ Bộ Tổng tư lệnh đến chỗ Bác ở phải đi bằng ngựa mất gần 3 tiếng đồng hồ, đến nơi đã thấy Bác đang ngồi chờ, được Bác gọi vào hỏi:

– Cháu bao nhiêu tuổi?
– Dạ thưa Bác, cháu 27 tuổi.
Bác cười vui vẻ:
– Trẻ. Thanh niên. Rất tốt.

Thế rồi thầy bắt đầu báo cáo các vấn đề đã chuẩn bị rất kỹ. Sau khi nghe thầy báo cáo xong, nét mặt Bác hiền từ nhưng nghiêm nghị, Bác nói nhẹ nhàng:

– Cháu làm quá 15 phút thời gian của Bác quy định, cháu có hiểu vì sao không?
Thầy lúng túng, Bác tiếp:
– Vì sau một vấn đề, cháu liên tục dừng xin ý kiến Bác, thế là không được. Mỗi một vấn đề cháu đều phải đề xuất ý kiến của mình, sai, đúng Bác sẽ bổ khuyết cho. Báo cáo dài dòng lại không có ý kiến đề xuất của mình, vậy là không được. Thế cháu làm việc với chú Hai (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) có làm như hôm nay làm với Bác không?
– Dạ, anh Hai cũng bắt cháu phải làm như Bác dạy. Nhưng hôm nay được làm việc với Bác, cháu lo quá nên quên mất!

Bác tiếp:
– Đây là lần đầu cháu gặp Bác, lần sau thì không được như thế nữa. Bác phải đi công tác ngay bây giờ.

Thấy chú Lộc phụ trách ăn uống của Bác bê ra một bát chè đỗ xanh, Bác bảo:
– Cháu ăn đi rồi về!

Đó là kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc nhất đối với thầy suốt trong gần 60 năm công tác. Đó cũng là dấu ấn quyết định sự trưởng thành của thầy được làm việc trực tiếp với đồng chí Võ Nguyên Giáp, lại còn được Bác trực tiếp chỉ dạy. Về sau thầy được điều về làm Bí thư Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An (tiền thân của Chánh văn phòng ngày nay). Vẫn với phong cách làm việc ấy, thầy được các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, các anh em cùng công tác tín nhiệm, và chỉ vài tháng được đại hội Đảng bộ tỉnh bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy chính thức.

Đầu năm 1950, thầy lại bị thấp khớp rất nặng, Tỉnh ủy cho thầy rút khỏi Ban Chấp hành và chuyển sang ngành giáo dục, làm hiệu trưởng một trường cấp 2. Sau cải cách ruộng đất, do một số sai lầm nghiêm trọng, phần lớn những gia đình tích cực ủng hộ kháng chiến và nhiều gia đình đảng viên trung kiên trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã bị “nhất trời nhì đội” cải cách ruộng đất xử bắn oan. Nỗi đau ngút trời không tả hết, tình hình chính trị – an ninh trật tự xã hội của tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Bọn phản động lợi dụng mâu thuẫn mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, trong dòng họ và cả trong anh em gia đình nội tộc kích động, xúi dục Nhân dân chống chính quyền, gây mất lòng tin của Nhân dân vào thành quả cách mạng. Để ổn định tình hình chính trị, lấy lại lòng tin cho cán bộ nhân dân và đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, tháng 10/1957 Bác Hồ và Trung ương Đảng cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Nghệ An chỉ đạo Đảng bộ tỉnh về “Tổng kết công tác sửa sai cải cách ruộng đất, gắn công tác sửa sai với việc chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân”. Xong công việc, trước khi trở về Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trương Khoát (1913-2008) quê xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc:

– Đồng chí có biết hiện anh Nguyễn Tài Đại làm gì, ở đâu không? Thời ở Việt Bắc anh ấy làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, sinh hoạt chi bộ với tôi, anh Đại làm việc hay lắm.

Sau lần ấy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trương Khoát điều động thầy (đang làm hiệu trưởng trường cấp 2) về Vinh dạy môn chính trị Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng, năm 1960 đề bạt làm Hiệu trưởng Trường Huỳnh, đến ngày 19/5/1965 thầy chính thức nhận chức Trưởng ty Giáo dục Nghệ An mà không phải qua Trưởng phòng, Phó Trưởng ty. Thời gian 15 năm thầy làm Trưởng ty, được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh và hầu hết cán bộ trong ngành giáo dục và các ngành khác mến phục. Năm 1981, nghỉ hưu với chức Trưởng ty Giáo dục kiêm phụ trách khối văn xã tỉnh Nghệ Tĩnh (tiền thân của Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã sau này).

Thầy tâm sự, công tác giáo dục lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh ác liệt. Trong thời kỳ này, ấn tượng sâu sắc nhất đối với thầy là lãnh đạo ngành thực hiện Chỉ thị 81 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Trong bất cứ tình huống nào cũng phải đẩy mạnh công tác giáo dục cả về số lượng và chất lượng”. Thầy phải triệu tập một cuộc họp toàn ngành để bàn việc thực hiện chỉ thị này. Tại hội nghị hầu hết mọi người đều phát biểu “sơ tán trường, giữ được số lượng đã là khó, chứ đừng nói đến nâng cao chất lượng”. Thậm chí có nhiều ý kiến cho là ảo tưởng. Thế nhưng với truyền thống ham học, khổ học, học giỏi của xứ Nghệ, với tinh thần “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận giáo dục đào tạo cán bộ”, thế là một cuộc vận động trường sơ tán lên các huyện miền núi rẻo cao được thực hiện rất tốt. Thầy nhớ mãi và rất cảm động trước hình ảnh “đôi hài vạn dặm” của đông đảo thầy trò của tất cả các cấp học (kể cả mầm non, kể cả con em các lớp của đồng bào đặc khu Vĩnh Linh) đi bộ lên các nơi sơ tán.

Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, giáo dục Nghệ An vẫn được Bộ Giáo dục xếp vào loại khá, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về giáo dục phổ thông, Huân chương Lao động hạng Nhì về giáo dục bổ túc văn hóa, dẫn đầu toàn miền Bắc về phổ cập cấp 1 bổ túc văn hóa. Huyện rẻo cao Quế Phong được Bác Hồ gửi thư khen và là lá cờ đầu về Đảng lãnh đạo giáo dục toàn miền Bắc (cùng với Trường Bắc Lý và Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tỉnh Hòa Bình). Nhiều xã được công nhận là điển hình theo kiểu xã Cẩm Bình ở Hà Tĩnh.

Trong ngành giáo dục lúc đó, thầy chăm lo săn sóc đến học sinh; trò thì chăm chỉ học tập lao động; xã hội thì chăm lo nuôi, tạo điều kiện. Môi trường giáo dục lành mạnh, các tệ nạn xã hội chưa có trong nhà trường; học sinh hư cá biệt chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tháng 10/1968, Bác Hồ đã có thư cho ngành giáo dục. Trong thư Bác khẳng định: Chúng ta không những thắng Mỹ trên mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, mà cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ. Bác dạy: Phải làm sao trong một thời gian không xa đạt được đỉnh cao khoa học kỹ thuật hiện đại.

Nhưng cũng trong hoàn cảnh như vậy, có một điểm làm cho thầy băn khoăn, ân hận là các điều kiện dạy, học lúc bấy giờ rất thiếu thốn. Học sinh đông, trường lớp phát triển nhưng cơ sở vật chất quá nghèo nàn, giáo viên rất thiếu buộc phải bố trí “dạy kê”, thậm chí có số thầy không qua đào tạo hoặc đào tạo “cấp tốc” cho nên giai đoạn “học sư phạm đứng”, “sư phạm gốc mít” (nghĩa là tập hợp lại để truyền đạt, công nhận là giáo viên, có nơi tập hợp dưới gốc mít). Hiện tượng này không chỉ ở Nghệ An, các tỉnh, thành phố khác cũng có tình hình tương tự. Giáo dục chưa được coi trọng như bây giờ. Dân gian có câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Biện pháp này lúc bấy giờ bắt buộc phải làm, có chủ trương từ Bộ nhưng để lại hậu quả không hay, buộc ngành hiện nay phải có biện pháp cho số giáo viên từng “cấp tốc” đi học thêm, đi đào tạo lại để chuẩn hóa đội ngũ, bố trí thầy dạy đúng cấp, trò học đúng lớp, tránh được tình trạng mà chính ông Trưởng ty Giáo dục thời đó đã mắc sai lầm “để thầy dạy nhầm cấp, trò học nhầm lớp”!

Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, ngành giáo dục có nhiều thuận lợi. Nghị quyết Trung ương 6 khóa VIII đã đặt giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, công tác xã hội hóa giáo dục đã có những chuyển biến tốt. Sự quan tâm đến giáo dục đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm hơn trước nhiều; đội ngũ cán bộ, giáo viên được bố trí sắp xếp lại, các điều kiện dạy, học được xây dựng, v.v….

Giáo dục đào tạo đang đứng trước nhiều thời cơ lớn nhưng cũng nhiều thách thức lớn, mà theo tôi có những thách thức lớn như: chương trình học quá nặng, có phần lạc hậu so với yêu cầu; thầy giáo đang dạy theo kiểu thầy truyền đạt trò ghi chép, chưa phát huy được nội lực tự học của cả người dạy và nhất là người học; công bằng trong giáo dục còn có nhiều điều phải suy nghĩ, tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn tham nhũng, hối lộ, học sinh lười học, đua đòi ăn chơi, trụy lạc, nếp sống lai căng, sống không có hoài bão nhất là trong thanh niên, đang có xu hướng phát triển. Gần đây đã nẩy sinh hiện tượng bằng cấp giả, chứng nhận giả,…

Để đẩy lùi chấm dứt các hiện tượng trên, bằng tâm huyết của một đời hoạt động trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Tài Đại đã kiến nghị:

1. Mạnh dạn cải cách chương trình sách giáo khoa. Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời luôn đề cập vấn đề cải tiến chương trình, nội dung và phương pháp dạy và học. Tại cuộc họp của ngành giáo dục toàn miền Bắc, Thủ tướng nói rất gay gắt. Đồng chí Thứ trưởng Lê Liêm phải lên phát biểu xin lỗi. Một tháng trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Thủ tướng lại có bài về vấn đề này đăng tải trên báo Nhân dân. Kiên quyết cắt bỏ các kiến thức khoa học đã lỗi thời, đưa kiến thức khoa học hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, từng cấp học, nhất là đối với cấp học cơ sở, vì thời đại ngày nay khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, cái tiên tiến của ngày hôm qua đã trở thành cái bình thường của ngày hôm nay và là cái lạc hậu của ngày mai. Phải khơi dậy tinh thần say mê, nhất là say mê tự học, nội lực bản thân của người học vì kinh nghiệm đã cho thấy rằng, xưa nay những người tài phần lớn đều do tự học mà nên. Chấm dứt tình trạng thầy truyền đạt, trò ghi chép, thầy dạy ở lớp qua loa dành vốn kiến thức để mở lớp dạy thêm tràn lan, không có sự quản lý như hiện nay.

2. Kiên quyết bố trí cán bộ giáo viên đủ phẩm chất, năng lực, trình độ dạy các cấp đúng tiêu chuẩn, kiên quyết sắp xếp lại mạng lưới cán bộ quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu từ trường đến sở. Về đội ngũ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, cháu ngoan phải tránh hiện tượng “làm láo báo cáo hay”, phải khen thưởng thật thích đáng. Một vận động viên thể thao giỏi được thưởng hàng chục triệu đồng, trong lúc thầy giỏi trò giỏi chỉ mấy trăm  ngàn đồng! Thiếu hẳn công bằng xã hội!

3. Sắp xếp lại hợp lý các trường đại học. Một tỉnh rộng, đông dân, có truyền thống học giỏi chỉ có một trường, trong lúc có tỉnh lại có 2 – 3 trường. Học sinh các tỉnh phải đi đến các trường ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để học đại học. Gia đình phải chi phí cho một em mỗi tháng tối thiểu 2 triệu đồng. Một gia đình có 2 – 3 em phải tìm trường để học như thế thì chi phí thế nào? Thi tốt nghiệp đại học xong xin về quê công tác lại gặp khó khăn trong tuyển dụng. Thế thì công bằng trong giáo dục để đâu?

4. Cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa không chỉ đóng khung lại trong việc xây dựng cơ sở vật chất, lập các hội cha mẹ học sinh, mà phải là trách nhiệm của toàn xã hội, của các ngành, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, làm sao như điển hình Cẩm Bình trước đây “cả xã là một trường học. Mỗi người dân Cẩm Bình vừa là người thầy vừa là người học”. Phải tạo cho được môi trường giáo dục tốt.

5. Cuối cùng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng không chỉ có Trung ương, tỉnh, huyện, thành, mà cấp ủy xã phường cũng phải thường xuyên có nghị quyết về giáo dục. Các chỉ thị, nghị quyết đó đều phải được tổ chức học tập chu đáo, có liên hệ, kiểm điểm trong các trường, chấm dứt tình trạng chỉ phổ biến qua loa một buổi, không tổ chức học tập, thảo luận, tự kiểm điểm liên hệ gì cả như mấy lâu nay. Phải quan tâm đặc biệt công tác xây dựng Đảng, làm sao tất cả các trường của các cấp đều có chi bộ Đảng, tránh tình trạng trường chưa có đảng viên, trường có đảng viên lại phải sinh hoạt ghép với chi bộ cơ sở xã, phường, hoặc với một cơ sở kinh doanh khác.

Tài năng, nhân cách của thầy Nguyễn Tài Đại luôn được các đồng nghiệp, học trò trân trọng. Năm 2005, thầy quy tiên, nhà giáo Phạm Nhượng kính viếng câu đối:

“Lớn lên trên đất tùng mai, luôn sáng đẹp một trang cốt cách
Ra đi giữa mùa hoa trái, để u buồn hai ngả âm dương”.

Giao Hưởng