Gần 2 tháng trở lại đây, nhiều địa phương tại Nghệ An phải đối mặt với bệnh đau mắt đỏ. Bệnh nhân tăng đột biến. Các triệu chứng của bệnh nặng nề hơn khi xuất huyết kết mạc và biến chứng trên giác mạc.

Chị L.T.N (40 tuổi, trú tại xã Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An) là tiểu thương buôn bán tại chợ Phủ Diễn. Gia đình chị có 3 con nhỏ. Ngày 2/9, cháu lớn 14 tuổi bị đau mắt đỏ, rồi lây cho các thành viên khác trong gia đình. Theo thói quen, chị N ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng. Trong khi 3 con khỏi nhanh thì diễn biến bệnh của chị lại khá nghiêm trọng. “Sang đến ngày thứ 3 thì hai mí mắt của tôi sưng vù, đau nhức, mắt đỏ, chảy dịch. Tôi đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm kết mạc cấp”, chị N chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: Việt Hà

Theo số liệu từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, 2 tháng nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Nghệ An, mỗi ngày có 100-120 bệnh nhân đến khám thì có tới 30-40 bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp bị biến chứng do người bệnh tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Thống kê của khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Nghệ An, từ ngày 18-21/9, có 168 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, chiếm 30% số bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú tại viện. Bác sĩ Nguyễn Sa Huỳnh – Trưởng phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Nghệ An cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện tuyến huyện còn cao hơn do Bệnh viện Mắt Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh chuyên tiếp nhận ca nặng có giấy chuyển tuyến đến. Người bị đau mắt đỏ có biến chứng mới đến khám.

Bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, chuyên môn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt do cương tụ (giãn) các mạch máu nông nên được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, bệnh còn có dấu hiệu: nhiều tiết tố (ghèn, dử mắt), kèm theo sưng nề mi mắt, cộm xốn, chảy nước mắt,…

Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, hóa chất hoặc các tác nhân vật lý… nhưng hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân: do vi khuẩn và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau, trong đó khoảng 80% viêm kết mạc hiện nay là do Adenovirus. Viêm kết mạc do Adenovirus, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm, tuy nhiên vẫn thường có những đợt dịch bùng lên vào thời điểm hè – thu hoặc thu – đông. Adenovirus ngoài việc gây nên bệnh đau mắt đỏ còn gây nên các bệnh như viêm mũi họng, viêm phổi ở trẻ.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường kéo dài trong khoảng hai tuần và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp diễn biến bất thường và có thể gây ra các biến chứng như: viêm kết mạc nặng có giả mạc, viêm giác mạc, trợt, loét giác mạc… phải nhập viện điều trị. Điều trị đau mắt đỏ không quá khó khăn, chủ yếu là vệ sinh mắt, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cùng với các thuốc nhỏ tại chỗ làm giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh…

“Khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ, người bệnh cần tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tránh những tai biến đáng tiếc. Tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người này điều trị cho người khác, đặc biệt là những thuốc có Corticosteroid khi không có chỉ định của bác sĩ. Không nên điều trị theo các kinh nghiệm dân gian: xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm và nguy cơ bội nhiễm. Khi các trường học, gia đình phát hiện trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ cần cho trẻ nghỉ ở nhà tránh sự lây lan rộng” bác sĩ Nguyễn Sa Huỳnh khuyến cáo.

Cách phòng tránh lây lan của bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: nguồn TTXVN

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ:
– Để phòng tránh lây lan, bệnh nhân đau mắt đỏ cần: Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
– Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.
– Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn-uống, chậu-khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
– Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…
– Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
– Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.
– Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Kiều Nga tổng hợp