Chuyện làng văn

     Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 21/7/1923, người xã Diễn Minh huyện Diễn Châu, Nghệ An. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ông là cán bộ Sở tuyên truyền Liên khu 4, từng phụ trách Chi hội Liên khu 4. Ông là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, cán bộ Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Ngày 31/7/1999 vào lúc 18h20, Nhà thơ nhà nông Trần Hữu Thung lặng lặng mang tuổi 77 cùng cút rượu túi thơ lên vãn cảnh tìm thi hứng trên chốn bồng lai.

    Nghĩ lại mấy chục năm “phu chữ”, tôi còn duyên 2 lần được diện kiến nhà thơ – nhà nông Trần Hữu Thung tại nhà riêng vợ chồng ông ở xã Diễn Minh. Chuyện là dịp trước tết Nguyên đán Đinh Sửu (1997) và tết Nguyên đán Mậu Dần (1998), tôi đi cùng các anh: Nguyễn Hồng Nam, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ tỉnh), kiêm Tổng biên tập Báo Lao động Nghệ An (đang trong giai đoạn 3 năm thử nghiệm); các phó tổng và Chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh, đến chúc tết nhà thơ. Nhân thể chúng tôi xin ông mấy cặp câu đối mang về để các Họa sỹ Hải Thọ, Đào Phương (được Ban biên tập mời cộng tác trình bày) làm đẹp Báo Lao động Nghệ An số Xuân.

Chân dung nhà thơ Trần Hữu Thung. Ký họa: Tạ tâm.

Căn nhà một lồi một lõm kiểu phổ biến ở nông thôn xứ Nghệ còn nồng vôi vữa. Anh Nguyễn Hồng Nam nói lời chúc Tết nhà thơ và gia đình, anh Lê Huy Diến (đồng hương xã) cùng mọi người trân trọng tiến hành trao quà. Nhà thơ đồng quê không dài dòng sáo rỗng, ánh mắt ông nhìn khắp mọi người cảm động:

– Về hưu còn được anh em bạn hữu nhớ đến thăm, đi qua về lại ghé tặng quà thế này, đời còn gì sướng bằng.

Nhiều năm rồi, gia đình ông “ngự” trong một gian của dãy nhà tập thể thuộc Bệnh viện huyện, nhờ những tấm lòng thơm thảo gần xa, cuối đời ông mới có nổi chút nhà chừng 40m2 còn nồng vôi vữa. Thấy khách chúng tôi “tham quan” căn nhà, với ông thì đã là “tòa” biệt thự, nhà thơ lóng nga lóng ngóng, giọng ông chùng xuống, tôi nhận ra ông đang xúc động:

– Nhờ các anh trên tỉnh, trên huyện tài trợ 40 triệu đủ làm nhà, cứ lương hưu và nhuận bút cả một đời cũng khó có được.

Từ lúc nào đã không còn ranh giới chủ – khách, ông bảo vợ mang hũ rươụ ra “để uống một chén xuân sớm với các anh. Rượu bạn làng biếu mà”.

Ông tâm đắc với khoản rượu nhà quê ngâm rễ đinh lăng, thứ cây dễ trồng. Bà Bùi Thị Phương vợ ông, ngồi ngắm chồng tửu nhập ngôn xuất với tốp khách hầu hết là tuổi em, tuổi con. Bà Phương cho biết, là y sĩ bệnh viện huyện nên bà quá rõ, đến hộ pháp đô vật cũng bị rượu phản thùng nữa là, vậy nên mấy năm nay bà dành quyền “quản hũ rượu”. Chúng tôi biết ý “khà” với ông chầm chậm để cuộc vui kéo dài hơn, ông thì “nỏ can chi mô, rượu làng tự nấu, càng uống càng mê mà”. Tính ông vốn thế, có bạn có bè là tửu lượng luôn vượt ra ngoài quy định rất chi là nghiêm ngặt của bà Phương. Anh Lê Huy Diến chủ động lái cuộc vui chung sang phía… không rượu:

      – Xin anh cho Báo Lao động Nghệ An một ít câu đối để về in số Xuân.

Ông cười:

     – Mấy bữa ni các báo tạp chí đến chơi đã lấy khá nhiều. Tui vẫn để dành mấy câu cho báo của Công đoàn và công nhân lao động Nghệ An.

Tôi chưa kịp mở sổ tay thì ông đã “xuất kho” ngay 4 đôi câu đối có sẵn trong đầu kèm chú thích:

       – Chưa gửi cho ai cả, các anh cứ chọn mà dùng.

Nhiều năm rồi, cứ vào quý cuối năm ông đều làm sẵn câu đối, dịp tháng Một, tháng Chạp anh em ở các báo tạp chí Trung ương, các địa phương quen biết ông đến chúc Tết sớm, và cũng “nhân thể” xin ông mang in số báo Xuân để hội đủ hương vị  “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” của Tết cổ truyền dân tộc. Cứ sau chầu rượu nhắm với “lạc Diễn Châu quê tui”, khách báo chí văn chương trong Nam ngoài Bắc đều vui vẻ ra về mang theo sản phẩm câu đối của ông.

  Một đời cày cuốc trên cánh đồng văn chương chữ nghĩa lắm gian nan và lắm vinh quang, ở ngưỡng bát tuần ông vẫn cần mẫn không mỏi mệt. Ông nghỉ hưu theo tuổi tác chứ không “hưu trí”. Chưa kể những giải thưởng văn chương tầm cỡ quốc gia, riêng sau khi nghỉ hưu ông còn để lại 2 công trình: “Từ điển tiếng Nghệ” (NXB Nghệ An 1998) với 3066 mục từ và 18 mục từ mở rộng, trên 300 trang in; “Giai thoại nhà nho xứ Nghệ” (một phần đã đăng tải rải rác trên các báo, tạp chí ở Nghệ An). Nhiều người cầm bút tâm phục khẩu phục với thành quả lao động sáng tạo của ông, xếp ông vào đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam.

Suốt đời cầm bút với khối tác tác phẩm kính nể, người đời không tìm ra dù là một câu ông tự nói về mình, cũng như về nỗi buồn thế thái nhân tình.

Nhân lúc đang vui, tôi chủ động tìm hiểu hoàn cảnh xuất xứ bài Thăm lúa ông làm năm 1950, năm 1953 tác phẩm đoạt Giải thưởng thơ tại Liên hoan Thanh niên thế giới. Nghe tôi hỏi ông bật cười:

        – Anh nhà báo hỏi, tôi nói thật hí…

Những điều ông vắn tắt vào chiều đông ấy thật đến mức tôi cũng không ngờ, nó khác hoàn toàn với những bàn luận xung quanh bài Thăm lúa mà tôi từng được/bị học thời phổ thông, từng được/bị đọc trên các sách, báo, tạp chí. Thì ra xuất xứ hoàn cảnh ra đời của bài Thăm lúa mộc mạc chân chất như cốt cách, như cuộc đời dân dã của nhà nông cầm bút Trần Hữu Thung.

Nhà thơ Trần Hữu Thung ( trái) . Ảnh tư liệu báo Nghệ An.

  Ông kể: Ngày ấy cơ quan tuyên truyền Liên khu 4 sơ tán đóng trên đất Đô Lương, trưa ấy anh bạn đồng niên cùng cơ quan, rủ anh Thung cuốc bộ sang làng bên dự đám cưới người bạn của anh ấy. Đến dự đám cưới mà tay không thì khó coi, anh bạn đồng niên gợi ý anh Thung làm thơ tặng cô dâu chú rể. Anh Thung viết một lèo như lên đồng đọc tặng đám cưới. Bài thơ được nhiều người khen, tác giả chỉnh sửa một số chữ rồi gửi Thăm lúa in báo, vậy thôi.

Cũng như sau này- ông tiếp tục ngược dòng ký ức, giữa hừng hực khí thế cả nước lên đường đánh Mỹ, ông viết bài thơ “Anh vẫn hành quân”. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình cờ ông nghe Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phát ca khúc “Anh vẫn hành quân”, bấy giờ mới biết bài thơ của mình được ông Nhạc sỹ Huy Du phổ thành ca khúc, tên của nhạc phẩm vẫn giữ nguyên “Anh vẫn hành quân” tiêu đề bài thơ.

     – Bác Thung ơi, từ hồi cháu học phổ thông và sau này đọc mấy bài giới thiệu về hoàn cảnh ra đời bài “Thăm lúa” của bác. Bữa ni trực tiếp được nghe bác kể thì cháu mới hay, trí tưởng tượng của nhiều “nhà phê bình” quả đáng nể, họ có biệt tài dàn dựng bối cảnh ra đời bài “Thăm lúa”, điều mà ngay cả tác giả sinh ra nó cũng không ngờ.

Nghe tôi nói, nhà thơ – lão nông không bình luận gì. Nhìn cái miệng của ông nửa như muốn cười nửa như muốn mếu, tôi cảm nhận dường như trong tâm hồn ông không có chỗ cho những chuyện tầm phào, không có chỗ cho những thứ vi rút chữ nghĩa thường lợi dụng ẩn náu ăn theo.

  Nay thì trái tim của ông vĩnh viễn hoà trong hương lúa, trong nhịp thở, trong sức sống mãnh liệt phi thường của đồng quê Việt Nam.

Giao Hưởng 

(Bài đã đăng trên Tạp Chí Sông Lam, Số 1/Bộ mới/2020)