Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Nhà xuất bản Nghệ An đã ấn hành cuốn sách “Vân Anh – Tuyển tập thơ” tuyển chọn những thi phẩm của nữ sĩ Vân Anh trong chặng đường thơ của chị từ trước đến nay với mục đích tôn vinh và lan tỏa những thông điệp tích cực của tác giả, tác phẩm. Tạp chí Sông Lam xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về tác giả Vân Anh cũng như tuyển thơ vừa xuất bản của chị.

Tập tuyển thơ của nhà thơ Vân Anh gồm những bài thơ được chị sáng tác trong một thời gian rất dài. Có những bài thơ chị viết khi tôi chỉ là một cậu bé lên mười và bây giờ tôi đã là một ông già. Mỗi bài thơ là một cột mốc trên con đường đời, đường thơ của chị. Tất cả những gì chứa đựng trong những câu thơ của chị không phải chỉ nói về những riêng tư của chị, mà qua chị để nói về bao con người và nói về dân tộc này trong thời đại chị sống. Một con đường đầy gió bụi, đầy nước mắt và máu, nhưng là một con đường đã dựng lên vẻ đẹp nhân tính mà những người đi trên con đường đó có quyền kiêu hãnh. Và tôi hình dung một nhà thơ mang tên Vân Anh đã đi xuyên qua chặng đường dài với những riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn nhưng hòa cùng số phận của đồng loại, của dân tộc và cụ thể hơn số phận một vùng đất đặc biệt về mọi nghĩa: XỨ NGHỆ. Có lẽ bởi thế mà bài thơ mở đầu trong tuyển thơ này của chị mang tên “XỨ NGHỆ”. Hai chữ “XỨ NGHỆ” đã chứa đựng đầy đủ về vùng đất này: thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người. Có thể nói, bài thơ “XỨ NGHỆ” là “bản tuyên ngôn” của một nhà thơ về mảnh đất quê hương mình. Đấy là một bản tuyên ngôn về một vùng văn hóa và về lương tri con người sinh ra và lớn lên trong vùng văn hóa ấy.

Đây là khổ thơ mở đầu của bản tuyên ngôn đó:
Gió Lào hất tung bãi cát
sang bờ bắc sông Lam
Sông Lam dải lụa xanh

đọng phù sa thái âm mát lành địa linh
dòng đời trong đục thắt ngang lở bồi
Con thuyền ví, giặm đầy vơi
Chở mai sau cập về nơi cội nguồn.
Chín chín ngọn Hồng Lĩnh nén linh khí thái dương
miên viễn mùa xanh nhân kiệt.

Và khổ cuối:
Bao hiền tài được vỏ thời gian cất giữ trầm hương.
Giữa bầu trời giông bão vô thường
Người xứ Nghệ – chim phượng hoàng bốn phương sải cánh.
Nếu có kiếp sau
Ta lại về xứ Nghệ đầu thai.

Chỉ hai khổ mở đầu và kết thúc của bài thơ đã dựng lên chân dung xứ Nghệ: gian nan, thách thức, kiêu hãnh và tự hào. Bài tiếp theo trong tập thơ là bài “Tổ quốc”. Tôi thấy cách mở đầu tập thơ với hai bài như vậy là một cấu trúc mang tinh thần văn hóa và lịch sử. Khởi nguồn là nơi mỗi người sinh ra và lớn lên. Rồi từ đó hình thành Tổ quốc trong tâm khảm họ. Và cả tập thơ của chị đã dựng lên một con đường như thế: từ một ngôi nhà, một làng quê đi tới.
Tổ quốc. Mỗi bước chị đi, mỗi ngày chị sống và mỗi khoảnh khắc chị suy ngẫm về cuộc đời này và về mảnh đất này. Trong mỗi bài thơ, tôi thấy cái nhìn của chị, nỗi giày vò của chị,
giấc mơ của chị, thái độ của chị trước mọi điều diễn ra ở trong tâm hồn chị và bên ngoài xã hội chị sống.

Thơ ca là sáng tạo và sáng tạo của mỗi nhà thơ phải tạo ra sự khác biệt. Chỉ khi làm ra sự khác biệt thì những câu thơ mới trở thành tài sản riêng của nhà thơ. Chị viết về miền Trung của chị vừa đau đớn, vừa yêu thương, vừa lộng lẫy. Có những câu thơ của chị viết về xứ sở mình, tôi nghĩ, có thể khắc vào những vách núi sừng sững của miền Trung:

Người miền Trung
mười ngón chân hóa rễ cây bám đất
mười ngón tay hóa cành lá hút cạn mặt trời
nuôi mùa xanh trồi lên từ sỏi đá
phồn sinh!

Nhà thơ Vân Anh viết nhiều thể loại thơ: lục bát, bốn chữ, hai chữ, tự do. Mỗi thể loại, chị đều thấu hiểu nghệ thuật của nó. Chính vậy mà chị đã khai thác được những đặc tính ưu việt của từng thể loại. Tính suy tưởng trong thơ Nguyễn Thị Vân Anh là một đặc điểm tạo nên phong cách thơ chị. Những khổ thơ hoặc những câu thơ kết của chị luôn tạo ra sự bất ngờ và độ lắng sâu triết lý. Dưới đây là những ví dụ trong rất nhiều ví dụ có thể trích ra trong rất nhiều bài thơ của chị:

Những thần tượng dối lừa nhào nặn
ngã chỏng chơ mưa bão thời gian.
***
Trước Ngôi Nhà Lịch Sử mấy ngàn năm
Những ai…
tự mình kiểm toán hành trang?
***
Bóc dần lớp vỏ thời gian
Hồn quê ngàn ngạt hương trầm lòng con.
***
Trước biển
Ta tự mình thanh lọc
Trầm lắng hóa ngọc trai
Nông nổi thành bọt bã!
***
Em linh cảm một điều cay đắng
Mình đã thành cổ tích trong anh.

Những câu thơ ấy sinh ra từ một trải nghiệm sống hết mình và một trải nghiệm văn hóa sâu sắc, giống những hạt muối được tinh kết từ biển cả đời sống mênh mông mà chị đã đi qua với bao sóng gió. Chị đã thấu hiểu cái giá đích thực của cuộc đời. Và đó cũng là cái giá của thơ ca. Tính triết lý đậm đặc trong các bài thơ của chị cho dù chị viết về bất cứ điều gì: sự đau đớn trong tình yêu, sự nổi giận trong thái độ sống trước những điều giả dối, nguồn cội của đạo lý, sự thiêng liêng của lịch sử…

Bài thơ “Ta tìm Ta” là bài cuối của tập thơ. Tôi không biết nhà thơ Vân Anh có ý đồ sắp xếp các bài thơ trong tuyển tập này không. Nhưng bài thơ mở đầu và bài thơ kết thúc đã tạo ra một tuyên ngôn về sự sống này.

con tàu “Hành Tinh Trái Đất”
chìm vào lỗ đen vũ trụ
nhưng những bản tình ca
vẫn vang vọng không trung.

Đúng vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đời sống tựa những bản tình ca mãi mãi còn, cho dù tất cả tan vào gió bụi. Đây là chân lý của đời sống và cũng là chân lý của nghệ thuật. Chân lý đó đã luôn vang lên trên con đường thơ ca của nhà thơ Vân Anh. Nó làm nên tính thống nhất của tư tưởng thơ chị và làm phong phú đề tài cũng như sự biến hóa trong nghệ thuật ngôn từ của chị. Và khi đọc khổ thơ trong bài thơ cuối cùng ấy thì mọi vẻ đẹp trong tất cả những bài thơ từ thuở khởi đầu của chị lại hiện ra. Và tôi thấy một nhà thơ mang tên Vân Anh đi trên con đường đó. Chị đi tìm chính con người chị, tìm những giá của đời người và đấy chính là tìm những giá trị của thơ ca.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều