LTS: Nhà thơ Lê Thái Sơn (1949 – 2013) quê làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1997 đến 2005; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam… người đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thơ ca trên quê hương xứ Nghệ.

Ông là tác giả của nhiều tập thơ như: Sao Hôm sao Mai (1984); Gốc cây rừng trong mơ (1990); Mùa na chín (1997); Tháng Giêng xanh (2000); Cất nắng (2005), tập truyện thiếu nhi “Cổ tích ở làng” (2005)… Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Lê Thái Sơn đã gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý về VHNT như: Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (năm 1987); Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (các năm 1997; 2002; 2005) và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Lê Thái Sơn (2013 – 2023), Tạp chí Sông Lam trân trong giới thiệu một số bài viết, bài thơ của những người bạn thiết thân của ông nhớ về ông.

 NHỮNG NGÀY CUỐI CỦA NHÀ THƠ LÊ THÁI SƠN 

Chân dung nhà thơ Lê Thái Sơn qua nét ký hoạ của hoạ sĩ Phương Bình.

Chiều đó Văn rủ tôi đi thăm anh Sơn. Tôi bảo mai, nhưng Văn cứ khăng khăng như có một sự linh cảm nào đó, may quá, nếu không, tôi bỏ lỡ cơ hội cuối cùng gặp nhà thơ mà mình kính quý như anh trai.

Tôi rất ấn tượng về quãng thời gian hơn hai năm, khi anh phát hiện mang trong mình bạo bệnh. Anh viết thơ tình rất nhiều, có bài mới là đọc ngay cho tôi và một số bè bạn. Tâm hồn anh như được “tân trang”, trẻ trung đến lạ lẫm. Câu lạc bộ “Phụ nữ với VHNT” của chị em chúng tôi mà anh với cương vị Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh đã ký quyết định thành lập vào năm 2000. Anh đã tạo cho nữ văn nghệ sĩ tỉnh nhà một sân chơi bổ ích, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống và lao động sáng tạo. Chị em vô cùng may mắn được đón anh đi du lịch và giao lưu thơ nhạc với Thị đội Cửa Lò (dịp 27/7/2013). Anh cười, bừng lên khí sắc tươi tắn, nói như đùa: “Tôi là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhưng dạo này rất thích viết thơ tình…” Anh đọc một lúc 3 bài. Bữa đó, anh cứ lần lượt chụp ảnh với từng người. Hôm 29/7, tôi nhận một tin nhắn dặn dò: “Vân Anh nhắc mấy người chụp ảnh cho CLB nữ ở Cửa Lò là phải lưu giữ ảnh lại nhé. Lúc cần lại đi tìm hết hơi”.

Dịp Hội LH VHNT tỉnh tổ chức đại hội (2013) anh yếu lắm mà vẫn cố đến dự đại hội, mệt quá, anh sang phòng bên cạnh hội trường để nghỉ, nhưng vẫn gọi điện cho tôi hỏi tình hình đại hội ra sao.

Anh coi thi ca của mình là nấm mồ gói hồn cốt đời mình. Và anh gửi thông điệp cho nhân loại về tình yêu sẽ hồi sinh sự sống: “Ta như lại oa oa cất tiếng chào đời/ trong kỳ ảo vòng tay miền 8X/ trong vũ trụ hoang vu và bí hiểm/ Trầm tích người ào ạt vỡ. Và dâng” (“Tin nhắn từ miền 8 X” – Thơ Lê Thái Sơn).

Rất hiếm gặp thái độ đón nhận cái chết thanh thản như anh. Có lẽ anh am tường bản chất triết học của sự sống, lẽ vô thường của chúng sinh. Hay là anh muốn cho người vợ tào khang đã một đời thầm lặng đồng hành cùng trang viết của anh và những người con hiếu kính của anh lưu giữ vẻ đẹp của tâm hồn anh, coi như để cho họ có phần được yên lòng về anh, vì họ đã tận tụy chăm sóc anh, động viên anh, bởi sự an nhiên hoan hỉ của người chồng, người cha, người ông bao dung, nhân hậu… Và nữa, bạn đời thường, bạn văn chương anh từng yêu quý, từng dìu dắt, từng chung chén rượu, thơ phú bảng lảng vui vì thấy anh an nhiên đến phút 90 của cuộc đời… Anh đã sống với mọi người như nhà thơ Trần Hữu Thung, đồng hương của anh từng quan niệm: đối với người thân, bè bạn, điều TỐT để mà QUÝ, điều CHƯA TỐT để mà THƯƠNG.

Căn phòng Chủ tịch Hội của anh chưa nổi 20m2 nhưng luôn rộng mở đón bạn bè văn nghệ trong tỉnh và cả nước. Anh sống hiền lành, điềm đạm, quảng giao, hình như chưa làm tổn thương ai dù một lời nói. Thơ anh đậm chất đời thường đi đến với những phận đời yếu thế trong xã hội, tỉ như cháu bé bán kem, bác đạp xích lô… Anh trân quý những tấm thịnh tình của bạn bè và cả fan hâm mộ thơ mình. Anh tâm đắc quan niệm của tôi về tình yêu đôi lứa và đạo nghĩa phu thê: Tình yêu là tia chớp, đạo nghĩa vợ chồng yêu, thương, hiểu, chia sẻ mới là núi sông. Tôi từng nghe anh tâm sự: Chị Hồng nhà anh riêng việc gánh vác giang sơn nhà chồng cũng giống bà vợ của thi sĩ Tú Xương, chỉ khác: nuôi đủ ba con với một chồng. Anh cười và nói thêm: Giá xin cho chị một danh hiệu về người vợ chịu thương chịu khó nuôi chồng, nuôi con thì hay biết mấy…

Một bạn cũ đã 40 năm mới gặp lại trước ngày anh đi xa đến thăm, anh xúc động lắm. Đó là ngày 15/8/2013. Khi bạn về, anh viết bài thơ gửi vào tin nhắn cho nhà văn Nguyễn Thế Quang và anh Quang đã chuyển tiếp cho tôi. Hẳn đây là thi phẩm chót đời thơ của anh mà tôi lưu giữ được.

Tiễn bạn cũ đến thăm ở bệnh viện

Em đừng ở lại đây lâu
Bốn mươi năm vẫn còn nhau… Lạy giời!
Cũ xưa ai cũng vậy thôi
Còn mai sau mặc những người mai sau.
Đừng rung nữa… vai gầy nào
Thêm hơi ấm bàn tay nhau một lần.
Trời đang rây rắc mưa xuân
Xem như vạt áo thấm dần bụi mưa.

14h43 ngày 15/8/2013

Khi hay tin anh mất, tôi và nhà văn Nguyễn Thị Phước ra Hà Nội và gặp ngay nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đến từ trước cùng tiễn anh chặng đường cuối. Tại lễ truy điệu của anh, nhà thơ Hữu Thỉnh đọc lời điếu văn thật xúc động. Tôi miên man tưởng như anh đang mỉm cười bảo: Mình đi chơi xa một chuyến thôi mà.

Vân Anh

ĐÂU CÓ TRẮNG TAY

Em còn tắm nữa hay thôi
Dòng sông khờ dại của người đời xưa”*

Vui tràn cả một sân chơi
Anh người cầm chịch tuyệt vời hôm qua
Thương người đã vội đi xa
Vẫn còn để lại thiết tha nhân tình
Cho đi trọn cuộc đời mình
Yêu thương là của để dành đó thôi
Tỉnh say cuộc rượu tàn rồi
Trăm năm thoảng chốc kiếp người vụt qua
Chân cầu bảng lảng giấc mơ
Gia tài còn cả miền thơ đong đầy

Lương Khắc Thanh

  • Thơ của nhà thơ Lê Thái Sơn