Hồn thơ thơm thảo tình mẹ, tình quê (Đọc “Vầng trăng mẹ” của Nguyễn Thị Kim Cúc) 

Ngay từ tiêu đề tác phẩm, tác giả đã tạo ấn tượng về chủ đề tư tưởng của toàn tập thơ. Hình tượng  “Vầng trăng mẹ” soi rọi vào những mảng sâu thẳm, có khi chìm khuất đáy tâm tư của người đàn bà trong hành trình đời & thơ. Tập thơ là những dòng cảm xúc về mẹ, về quê hương được Nguyễn Thị Kim Cúc chắt chiu từ những thể nghiệm của chính mình.

Trang bìa tập thơ “Vầng Trăng mẹ”.

Vầng trăng của thiếu phụ trong thơ cụ Nguyễn Du xưa là vầng trăng của đôi lứa yêu xa: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (Truyện Kiều). Thời gian đằng đẵng, không gian cách biệt, nhưng sự cô đơn lẻ bóng của thiếu phụ chỉ một. Trong thơ Nguyễn Thị Kim Cúc, vầng trăng làm nhân chứng cho “lời nguyện cầu bình dị” của mẹ, làm nhân chứng cho mẹ “hao khuyết cuộc đời/ lặng lẽ vai gầy” chống đỡ những đêm đời khô khát, một mình “nhìn di ảnh chồng con/ tim ứa” giọt buồn đau.

Cảm thức thơ của Kim Cúc về người mẹ liệt sĩ làm lay động tâm tư bạn đọc bởi chị đã nhập thân từ tình cảm đối với mẹ ruột của mình. Đó là một người mẹ như bao bà mẹ Việt Nam khác: tảo tần, bươn bả mưu sinh, “Chong đèn thổn thức vai gầy/ Bát cơm, manh áo ken dày nắng mưa”. Một chữ “ken” đã đủ giúp ta hiểu nỗi cực nhọc của bà mẹ nghèo lam lũ mà cuộc đời dãi nắng dầm mưa, lo cơm áo cho đàn con. Nỗi cực nhọc ấy chẳng thấm vào đâu khi mẹ phải gồng mình lên chịu cảnh lứa đôi xa cách giữa thì xuân xanh: “Xuân tàn, gối chiếc màn thưa/ Hằn lên khốn khó đủ thừa héo hon”.

Nỗi buồn đời mẹ tăng theo cấp số nhân của những lần đợi chồng, đợi con đi chiến trận trở về: “Bão trời quăng quật bão lòng/ Lịm trong lốc xoáy khát mong con về”. Cách so sánh của Nguyễn Thị Kim Cúc có khả năng biểu cảm cao: “bão trời” thì chỉ trong một thời gian ngắn còn “bão lòng” của người mẹ có chồng con ra trận thì lịm đi trong cuồng phong lốc xoáy suốt đời. Trải bao cuộc trường chinh giữ nước, các thế hệ đàn bà Việt đợi chồng con trong vô vọng. Họ đã đi hết đời mình trong một cuộc chiến không đạn bom mà cam go, quyết liệt với những khổ đau, mất mát.

Nguyễn Thị Kim Cúc lại thêm một lần hóa thân thành người con bần thần đứng trước mộ mẹ mà bật lên vần thơ ám ảnh: “Mồ hôi giọt mặn, giọt cay/ Khúc ru mẹ những tháng ngày đợi mong”.

Những đứa con chính là vầng trăng của mẹ nhưng vầng trăng còn đó mà mẹ đã viễn du. Tác giả Kim Cúc làm người đọc “Rưng rưng, nghẹn ríu bờ môi/ Nén hương trước mộ, cháy lời tâm can”. Một hình ảnh thơ độc đáo, từ ngữ đắc địa – “nghẹn ríu bờ môi”. Giá như người con cứ gào khóc vật vã thì nỗi đau có thể sẽ vợi đi nhưng Kim Cúc đã chạm khắc nên một nét chân dung của người con khóc mẹ, “ríu bờ môi”; người con rối lòng không cất nổi nên lời, chỉ nấc lên, nghẹn lòng, lặng lẽ. Hay hình ảnh “nén hương trước mộ, cháy lời tâm can” thì tác giả giúp người đọc, tùy vào “cơ địa” tâm hồn của mình, mà hóa thân vào những cung bậc buồn thương của người con mất mẹ. Hai câu thơ đúng nghĩa “thi trung hữu họa” đã đặc tả nỗi đau mất mẹ của đứa con mồ côi như hóa đá trước mắt độc giả.

Tập Vầng trăng mẹ của Nguyễn Thị Kim Cúc thể hiện khá phong phú đề tài, chủ đề. Nhà thơ viết về miền quê Thanh Chương với cảnh đảo Chè đẹp đến nao lòng; niềm thi cảm về người lính biên phòng; những khoảnh khắc nhớ về một cuộc tình trong veo, tinh khôi và lãng mạn hoặc bỏ ngỏ tinh tế tâm trạng đợi của trái tim đang yêu… Cảm thức thơ trong toàn tập thơ tỏa hương thơm thảo: tình mẹ, tình quê hương đất nước và tình nhân ái cùng cộng hưởng. Nhà thơ đã có dịp phóng bút với nhiều thể thơ: lục bát, Đường luật, thơ tự do.

Khai mở tứ thơ trong bài “Đợi” là không gian người đi, kẻ ở. Tác giả chỉ dùng hai từ “người đi” đã mở ra một không gian nghệ thuật của đôi lứa chia xa. Tứ thơ gợi nhiều hình dung cho độc giả: có thể là một cuộc tiễn đưa thường tình của đôi lứa tạm xa nhau, cũng có thể là một cuộc chia tay vĩnh viễn khi tình cạn, duyên ôi… Nhưng không, hai trạng huống ấy đều không đúng bởi “người đi” nhưng tín chấp một “lời ước hẹn” cho người ở lại; người ở lại nạp năng lượng cho trái tình yêu hóa calo chờ đợi…

Có nhiều cách đo thời gian đôi lứa cách xa: bóng mặt trời; đồng hồ cát; đồng hồ báo giờ… Thế nhưng, người ở lại trong bài thơ lại có cách đo thời gian của riêng mình: “rêu phong lời ước hẹn”. Cách đo này đã cho người đọc thẩm nhận sự xa cách không phải là rất lâu về thời gian vật lý mà là xúc cảm của cuộc tình đã nhạt nhòa, lời hẹn ước bị thời gian rêu phong phủ kín. Và tác giả gạt “rêu” thời gian để “lộ sáng” trạng huống ĐỢI của người ở lại. Kim Cúc mượn khách thể để biều đạt chủ thể – nhân vật trữ tình, “em”, theo từng cặp hình tượng vừa đối lập, vừa thống nhất để biểu đạt: “gối chiếc” thì “cuộn tròn nỗi em”; “lối cũ” thì “sương giăng lạnh”; “cỏ” thì “khát vầng trăng”; “họa mi” thì “nghẹn hót bên thềm”… Một vòng tuần hoàn khép kín của tâm tư, khi hướng ngoại chạm cảnh xưa bao nhiêu thì hướng nội càng nhớ người cũ thao thiết bấy nhiêu.

Một sự biến thiên bất ngờ trong mạch thi cảm tăng theo cung bậc của ĐỢI. Từ khách thể “rêu phong lời hẹn ước” đến cơn mộng du của chủ thể với bao hoài niệm đẹp về cuộc tình lứa đôi quấn quýt. Cảnh sắc thiên nhiên như còn vảng vất hình ảnh đôi lứa đắm say tự tình. Rồi đến nỗi “em” không một lời trách móc ai oán bởi bản chất của tình yêu là sự dâng hiến nên tự mình gặm nhấm đến “bội thực” nỗi ĐỢI của chính mình – “Ta rêu phong mình/ bội thực đợi giấc đêm”.

Trong Vầng trăng mẹ, Nguyễn Thị Kim Cúc đã có ý thức đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật. “Đợi” là bài thơ tiêu biểu cho bước ngoặt trong bút pháp nghệ thuật của nhà thơ về cấu trúc câu, nhịp điệu, vần: “Người đi!/ Rêu phong lời ước hẹn/ Gối chiếc cuộn tròn nỗi em/ Lối cũ, sương giăng lạnh… hoặc: Cỏ khát vầng trăng/ họa mi nghẹn hót/ Bên thềm/ Ta rêu phong mình/ bội thực đợi giấc đêm”.

Tập Vầng trăng mẹ là đứa con tinh thần thứ ba của nhà thơ Nguyễn Thị Kim Cúc, được Nhà Xuất bản Nghệ An in năm 2022. Tác phẩm đã ghi nhận một lộ trình mới trong hành trình sáng tác của tác giả. Tập thơ là những miền cảm xúc về mẹ, về quê hương xứ sở và tình người, tình nhân ái. Mong rằng chị sẽ còn đi xa hơn nữa trên chặng đường văn chương của mình.

Vân Anh