LTS: Nhà thơ Lê Thái Sơn (1949 – 2013) quê làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1997 đến 2005; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam… người đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thơ ca trên quê hương xứ Nghệ.

Ông là tác giả của nhiều tập thơ như: Sao Hôm sao Mai (1984); Gốc cây rừng trong mơ (1990); Mùa na chín (1997); Tháng Giêng xanh (2000); Cất nắng (2005), tập truyện thiếu nhi “Cổ tích ở làng” (2005)… Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Lê Thái Sơn đã gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý về VHNT như: Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (năm 1987); Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương (các năm 1997; 2002; 2005) và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Lê Thái Sơn (2013 – 2023), Tạp chí Sông Lam trân trong giới thiệu một số bài viết, bài thơ của những người bạn thiết thân của ông nhớ về ông.

CHỮ “TÌNH” TRONG THƠ LÊ THÁI SƠN

Chân dung nhà thơ Lê Thái Sơn.

Thời gian thấm thoát, mới đó mà nhà thơ Lê Thái Sơn đã rời cõi dương thế 10 năm. 10 năm trong cuộc đời của một con người là cả một quãng thời gian đằng đẵng. Nhưng với bạn bè văn chương xứ Nghệ hình bóng ông như vẫn còn đâu đó, gần gũi và thân thiết lắm.

Ở ông, người ta thấy vẻ uyên bác ở những hiểu biết sâu về văn hóa Đông – Tây, kim – cổ, thấy nét tài hoa trong những tác phẩm thơ văn hiện đại mà không cầu kỳ câu chữ, hàm súc mà không bí hiểm. Tính cách thì chất phác như một lão nông sẵn sàng nhập cuộc và chia sẻ với bạn bè trong mọi hoàn cảnh. Ông giản dị và quê kiểng đến độ xe đạp cũng không biết đi.

 Ở cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT nhưng luôn thấy ông đĩnh đạc, từ tốn, không thấy ông cáu gắt với ai, hội viên đến với Hội bao giờ cũng nhận được ở ông sự đón tiếp nồng ấm. Nếu ai có tác phẩm mới cần trao đổi thì dù bận mấy ông cũng dành ra một khoảng thời gian để lắng nghe và đưa ra những nhận xét sâu sắc và xác đáng.

Tác phẩm thơ và truyện của ông in đều trên báo và tạp chí cả nước, gây được sự chú ý của bạn đọc. Với con số 12 giải thưởng từ Trung ương đến địa phương và hàng loạt những bài phê bình về tác phẩm của ông đủ để cho ta thấy tầm ảnh hưởng của ông trong lòng bạn đọc.

Đọc Lê Thái Sơn ta thấy nổi bật trong thơ, văn của ông là chữ “Tình” – nó như sợi dây vô hình nối tâm hồn ông với làng quê, bè bạn và những phận người lam lũ. Hễ chạm vào là sợi dây đó lại rung lên những cung bậc da diết lắng sâu. Ông làm thơ như là để trả món nợ tình cảm mà đời đã cho ông “vay” trong cuộc sống:

Anh đành rượu, anh đành thơ
Hằng đêm chịu những cơn mơ dày vò.
Phải chăng đấy là sự sẻ chia tâm hồn của ông với cuộc đời này?
Là bạn của ông, tôi đã từng “vẽ” chân dung của nhà thơ mà tôi thiết thân và yêu mến:

Chia

Chia đôi nỗi nhớ
được buồn mắt nâu.
Chia đôi quyền chức
được thơ đằm sâu.

Chia nhà cho con
Chia lo cho vợ
Chia yêu cho mình
Được thêm duyên nợ.

Xin: cho
Vay: trả.
Thật – giả như đùa.
Cầm tinh con nhện
Quay vòng chia tơ.

Cao Xuân Thưởng