Kỳ III: Những bước đi đầu tiên
(Sân khấu Nghệ Tĩnh thời kỳ 1955 – 1975)

Đây là thời kỳ thành lập các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Từ lúc chỉ có một số đội văn nghệ tuyên truyền, hoạt động có tính chất nghiệp dư, các tỉnh đã tiến tới thành lập các đoàn văn công chuyên nghiệp.

Thành lập Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An (1958)

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các tỉnh miền Bắc bước vào thời kỳ mới với nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, thống nhất đất nước.

Để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới, ngày 20/9/1955, Bộ Tuyên truyền được đổi tên thành Bộ Văn hóa. Ở các tỉnh thành lập các Ty Văn hóa.

Ngày 21/10/1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 109 về việc tăng cường lãnh đạo công tác văn hóa. Chỉ thị đã chỉ ra “Nhiều cấp ủy và cán bộ khi nói đến công tác của ngành văn hóa thường chỉ thấy một vài mặt của công tác ấy mà chưa thấy hết nội dung của nó (như cho rằng công tác văn hóad chỉ là công tác văn nghệ), do đó mà chưa đi sâu nghiên cứu công tác văn hóa một cách toàn diện, chưa xây dựng mọi mặt và vận dụng hết mọi hình thức, phương pháp của công tác văn hóa (như chưa chú ý đến phong trào sinh hoạt văn hóa của quần chúng, công tác của các câu lạc bộ, nhà văn hóad, công tác xuất bản, phát hành, đọc sách báo, công tác thư viện, công tác sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, công tác bảo tồn bảo tàng, triển lãm, v.v…)”. Vì vậy, cần xây dựng ngành văn hóa một cách toàn diện, nhiều lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của Nhân dân.

Cuối năm 1958, cấp liên khu giải thể. Các cơ quan văn hóa, văn nghệ của liên khu cũng giải thể. Nhân sự của các cơ quan này một số chuyển ra các cơ quan trung ương, phần lớn chuyển về các tỉnh.

Lúc này trên địa bàn cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ có duy nhất Đoàn Hát cải lương dân doanh Hòa Bình phát triển từ gánh hát Hoan Châu của gia đình nghệ sỹ Nguyễn Đãi đứng chân tại thành phố Vinh.

Để xây dựng ngành phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, ngành văn hóa Nghệ An và Hà Tĩnh đã xây dựng một số thiết chế, cơ quan mới thuộc các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Về nghệ thuật biểu diễn, tỉnh Nghệ An, tháng 11/1958, có quyết định thành lập Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An.

Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An lúc mới thành lập có các bộ môn nghệ thuật: chèo, kịch nói và ca múa nhạc, trong đó chèo là bộ môn chính. Lực lượng của đoàn lúc mới thành lập bao gồm một số hạt nhân văn nghệ thuộc các Đội Tuyên truyền văn nghệ các huyện trong tỉnh được tuyển dụng, một số diễn viên của Đoàn Văn công Liên khu IV chuyển về, một số diễn viên từ các đội văn công các đơn vị quân đội tập kết ra miền Bắc, các học sinh tốt nghiệp các trường văn hóa nghệ thuật của Bộ Văn hóa và một số diễn viên của các đoàn/gánh hát tư nhân.

Trưởng đoàn đầu tiên là ông Thái Quang Ngoạn (1923 – 1996), quê Quảng Điền – Thừa Thiên, nguyên diễn viên, đạo diễn văn công Phân khu Trị Thiên, nguyên cán bộ văn hóa Liên khu IV chuyển về Ty Văn hóa Nghệ An sau khi Liên khu giải thể (từ ttháng 7/1958), tháng 11/1958 được bổ nhiệm là Trưởng đoàn. Ông Bùi Mạnh Tường là Phó đoàn. Bí thư Chi bộ là ông Cao Danh Giá (1923 – 2007). Nhạc trưởng thời kỳ này là ông Đặng Mai Hồng. Cao Thanh Đại là họa sỹ của Đoàn.

Là đoàn văn công tổng hợp duy nhất của tỉnh nên ngay sau khi thành lập, Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức và bắt tay vào việc sáng tác, xây dựng tác phẩm. Mặc dù lực lượng còn mỏng, đội ngũ tác giả, diễn viên được đào tạo bài bản còn ít nhưng tập thể cán bộ, diễn viên đã nỗ lực không ngừng trong học tập và sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, đoàn đã xây dựng được nhiều chương trình, tác phẩm sân khấu và ca múa nhạc và liên tục tổ chức lưu diễn trên địa bàn toàn tỉnh.

Đoàn đã tổ chức sáng tác và dàn dựng thành công nhiều vở chèo như:  “Bên giếng nước” (1958), “Cô gái Thôn Đông” (1958), “Chiếc xe cải tiến” (1959), “Vườn cam” (1959), “Ngô khoai tranh đấu” (1959), “Tấm Cám”, “Cô gái sông Lam”, các trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”, “Xúy Vân giả dại”, “Tuần Ti, Đào Huế”, v.v… Kịch nói có: “Một mạng người”, “Đen trắng”, “Viên quận trưởng”, “Chị thủ kho”, v.v… Ca múa cũng có nhiều tiết mục đặc sắc như: “Người Mèo ơn Đảng”, “Xuân về trên bản Mèo”, “Hoa Chăm-pa”, “Xa khơi”, “Trước ngày hội bắn”… Các chương trình, tiết mục trên đã đoàn biểu diễn hầu khắp các địa phương trong tỉnh, được công chúng đón nhận và mến mộ.

Đặc biệt vở chèo “Cô gái sông Lam” (kịch bản: Nguyễn Trung Phong; đạo diễn: Thái Quang Ngoạn) đã đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1962, được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước (ngày 27/5/1962).

Bác Hồ chụp ảnh với các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Nhân dân Nghệ An sau đêm diễn vở “Cô gái Sông Lam” ngày 27/5/1962 tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu

Cùng với việc sáng tác, xây dựng tác phẩm, Đoàn luôn chú ý tăng cường đội ngũ cả về số lượng và chất lượng. Đoàn đã tiếp nhận nhiều diễn viên mới tốt nghiệp từ các trường âm nhạc và sân khấu, gửi nhiều diễn viên đi học tại các trường nghệ thuật để chuẩn bị lực lượng kế cận lâu dài như:. Đinh Văn Cự học đạo diễn (1960 – 1962); Trần Văn Hoan học biên đạo múa (1961 – 1964), v.v…

Những nghệ sỹ tiêu biểu của Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An thời kỳ này là: Thái Quang Ngoạn, Cao Danh Giá, Thanh Tùng, Minh Ngọc, Song Thao, Mai Hồng, Lệ Vinh, Đinh Viết Cự, Kim Tân, Vũ Tứ, Đậu Quang Nghĩa, Thanh Xuân, Thanh Nghệ, Trần Viết Nhị, Nguyễn Đức Hạnh, Đình Tân, Kim Xuân, Lê Doãn Tất, Tiến Ngôn, Bùi Mạnh Tường, Trần Văn Hoan, Minh Hương, Đình Bảo, Vân Quế, Tân Khai, Văn An, Trần Lĩnh Chất, Hồng Thái, Vi Thanh, Ngọc Kỳ, Thanh Nông, Xuân Đàm, v.v…

Hoạt động sân khấu trên địa bàn Nghệ An thời kỳ này còn có Đoàn Cải lương Hòa Bình. Mặc dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, lực lượng diễn viên ngày càng ít nhưng đoàn vẫn nỗ lực dàn dựng tác phẩm mới có nội dung tư tưởng tốt và đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Đoàn tiếp tục duy trì hoạt động cho đến năm 1969 mới chấm dứt sứ mệnh, được chuyển thành Đoàn Nghệ thuật Cải lương Nghệ An – đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của ngành văn hóa Nghệ An.

Năm 1964, bộ phận Ca múa của Đoàn tách thành Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An, Đoàn Văn công Nghệ An vẫn tồn tại và chỉ duy trì các bộ môn nghệ thuật sân khấu chèo và kịch nói cho đến năm 1968 thì tách thành hai đoàn: Đoàn Dân ca Chèo Nghệ An và Đoàn Kịch nói Nghệ An.

Đoàn Ca Múa Hà Tĩnh từ ngày thành lập cho đến năm 1976 mặc dù đứng chân trên địa bàn đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ nhưng vẫn liên tục bám trụ, được tăng cường lực lượng từ các đơn vị, các trường nghệ thuật Trung ương, xây dựng được nhiều chương trình ca nhạc và sân khấu có chất lượng nghệ thuật. Đoàn thường xuyên lưu diễn khắp toàn tỉnh, kể cả những trọng điểm đánh phá ác liệt. Một sự kiện bi thương là ngày 25/12/1967, trên đường tập huấn nghệ thuật từ Hà Nội trở về đến cầu Cấm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) Đoàn đã bị trúng bom của không quân Mỹ, 5 cán bộ, diễn viên hy sinh.

Thành lập Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh

Cũng trong năm 1959, tỉnh Hà Tĩnh có quyết định thành lập Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh trên cơ sở “Đội Tuyên truyền văn hóa lưu động”. Trưởng đoàn đầu tiên là ông Nguyễn Vĩnh Toại là nghệ sỹ của Đoàn Văn công Liên khu V tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Thành lập Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An (1964)

Năm 1964, tình hình chính trị xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến quan trọng, âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ là khá rõ ràng. Nghệ An là một tỉnh có diện tích và dân số lớn, địa bàn phức tạp. Yêu cầu về công tác tuyên truyền trong tình hình mới và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng ngày càng cao. Lực lượng nghệ thuật biểu diễn chỉ có duy nhất một đoàn là không đủ để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt khác, để chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa các bộ môn nghệ thuật biểu diễn, nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình biểu diễn là nhu cầu chính đáng và là đòi hỏi cấp thiết. Vì vậy, ngày 29 tháng 4 năm 1964, UBHC tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 1416 QĐ.UB về việc thành lập Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An, trên cơ sở bộ phận Ca, Múa, Nhạc trong Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An tách ra, có bổ sung một số diễn viên là người các dân tộc thiểu số. Bộ phận còn lại của Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An đổi tên thành Đoàn Văn công miền xuôi Nghệ An. Trưởng Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An đầu tiên là ông Hoàng Đình Mỹ (1925 – 2010). Đối tượng phục vụ của Đoàn chủ yếu là đồng bào, chiến sỹ các dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Các chương trình biểu diễn của Đoàn ngoài các tác phẩm phổ biến lúc bấy giờ còn chú trọng các tác phẩm phù hợp với thị hiếu của các đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên của đoàn ngoài nhiệm vụ biểu diễn còn tiến hành sưu tầm dân ca, dân vũ các dân tộc để xây dựng các tác phẩm gắn liền với đời sống và thẩm mỹ của đồng bào. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, địa bàn phục vụ của Đoàn trải rộng khắp toàn tỉnh. Để kịp thời phục vụ quân và dân, đoàn đã tổ chức các đội biểu diễn xung kích, đến trận các địa bàn, trận dịa ác liệt nhất để biểu phục vụ như Para Đô Lương (1966), cầu Cấm Nghi Lộc (1967), Cửa Lò, ở Động Cháy – Liên Thành, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳnh Lưu….

Các tiết mục xuất sắc của đoàn thời kỳ này là “Cô gái đốt lò vôi”, “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Mừng được mùa”, “Tiễn anh lên đường”, v.v… rất được khán giả khen ngợi.

Những cán bộ, tác giả, nghệ sỹ tiêu biểu nhất của Đoàn trong giai đoạn này là Hoàng Thọ, Hoàng Đình Mỹ, Tăng Gia Tặng, Kim Xuân, Thanh Xuân, Minh Thống, Lữ Minh Dân, Lan Phương, Trần Lĩnh Chất, Vi Thanh, Lan Phương, Thu Lan, Lỳ Y Dơ, Lỳ Y Dửa, v.v…

Trong giai đoạn này, để đảm bảo an toàn, Đoàn phải tiến hành sơ tán nhiều lần, nhiều địa điểm khác nhau, trải dài từ Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành…

Bắt đầu từ chiến tranh phá hoại miền Bắc đến khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ (1965 – 1975), Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An là đoàn nghệ thuật ca múa chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh Nghệ An, địa bàn phục vụ trải rộng toàn tỉnh chứ không giới hạn các huyện miền núi như đã xác định lúc mới thành lập.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn đã phải liên tục tăng cường, bổ sung lực lượng, nhất là các nghệ sỹ, diễn viên trẻ tốt nghiệp các trường nghệ thuật từ Hà Nội trở về, từ Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An (thành lập năm 1967). Một số hạt nhân văn nghệ xuất sắc ở các đội văn nghệ địa phương/ngành cũng được đoàn tuyển về, bồi dưỡng; một số diễn viên được gửi đi đào tạo ở các trường để tạo nguồn lâu dài.

Năm 1976, sau khi hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An và Đoàn Ca Múa Hà Tĩnh sáp nhập thành Đoàn Ca Múa Nghệ Tĩnh.

Thành lập Đoàn Dân ca Chèo Nghệ An và Đoàn Kịch nói Nghệ An (2/1968)

Sau 4 năm hoạt động với tư cách là một đơn vị nghệ thuật sân khấu, gồm hai kịch chủng chính là chèo và kịch nói, bên cạnh đó là những thử nghiệm xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh bước đầu thành công, để tạo điều kiện phát triển chuyên sâu của các kịch chủng, tháng 2 năm 1968, UBHC tỉnh quyết định thành lập Đoàn Dân ca Chèo Nghệ An và Đoàn Kịch nói Nghệ An trên cơ sở tách các bộ phận (kịch chủng) của Đoàn Văn công miền xuôi Nghệ An.

Đoàn Dân ca Chèo do ông Cao Danh Giá làm Trưởng đoàn; bà Cao Thị Song Thao làm Phó đoàn. Những nghệ sỹ, diễn viên tiêu tiểu của Đoàn Dân ca Chèo những năm đầu mới thành lập là: Cao Danh Giá, Minh Ngọc, Kim Tân, Đức Hạnh, Tân Khai, Hoàng Thị Quánh, Ngọc Lan, Vân Quế, Thanh Lưu, Đình Bảo, Văn Thế, Vũ Tứ, Đức Hạnh, Song Thao, …

Đoàn Kịch nói do ông Nguyễn Hương làm Trưởng đoàn; bà Hồ Thị Thanh Nghệ làm Phó đoàn. Các nghệ sỹ tiêu biểu là Thanh Nghệ, Tiến Ngôn, Doãn Tất, Văn Đoan, Ngọc Ngãi, Đinh Viết Cự, Văn Nên, Quang Chính, Hoàng Bá Đào, Xuất Tuất, …

Các tiết mục xuất sắc của các đoàn trong giai đoạn này có: “Đường về trận địa”, “Chống lấy”, “Hạt thóc quê ta”, “Cuộc bàn giao giữa đường”, v.v… (Chèo); “Hỏi ai là quan trọng”, “Trước lúc lên đường”, “Không phải tôi”, “Khi ban đội đi vắng”, v.v. .(Dân ca); “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Sáu phát trung liên”, “Niềm vui chiến thắng”, “Tiếng trống Xô viết”, v.v.. (Kịch nói),

Thành lập Đoàn Cải lương Nghệ An (1969)

Để hoàn thiện kịch chủng cho sân khấu Nghệ An, tạo điều kiện phát triển và cống hiến cho đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, theo quyết định của UBHC tỉnh Nghệ An, ngày 1/1/1969, Đoàn Cải lương Nghệ An được thành lập trên cơ sở lực lượng của Đoàn Cải lương Dân doanh Hòa Bình chuyển thành có bổ sung một số cán bộ quản lý và diễn viên. Trưởng đoàn đầu tiên là ông Trần Kim Cương; các ông Mai Văn Nghị (nhạc công) và Nguyễn Đại (đạo diễn) của Đoàn Cải lương Hòa Bình được bổ nhiệm là Phó đoàn.

Các nghệ sỹ, diễn viên tiêu biểu của Đoàn có Nguyễn Đại, Phi Nga, Phi Yến, Mai Văn Nghi, Thanh Xuân, Văn Sinh, Minh Gòong, Văn Vinh, Ngọc Tiệp, Hữu Duyên, Đào Quý Phi, Phi Ninh, Năm Ngũ, Mai Cường, Hoa Hạnh, Triều Đại…

 “Con gà mái xám chân chì” là vở diễn xuất sắc nhất của Đoàn thời kỳ mới thành lập.

Thành lập Đoàn Chèo Nghệ An và Đội Dân ca Nghệ Tĩnh (1973)

Sau Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam (27/1/1973), để đáp ứng tình hình mới trong điều kiện miền Bắc đã hòa bình, văn hóa nghệ thuật cần có bước hoàn thiện và phát triển hơn. Ở Nghệ An, lúc này Đoàn Dân ca Chèo sau 5 năm hoạt động đã có sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là quá trình thử nghiệm xây dựng kịch hát tiếp tục có thành tựu mới, nhằm duy trì và phổ biến sâu rộng dân ca Nghệ Tĩnh vào đời sống mới, xây dựng thành một kịch chủng mới, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ, ngày 16/6/1973, UBHC tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 934/QĐ về việc tách Đoàn Dân ca Chèo Nghệ An thành 2 đơn vị: Đội Dân ca Nghệ Tĩnh và Đoàn Chèo Nghệ An trực thuộc Ty Văn hóa Nghệ An quản lý.

Đoàn Chèo Nghệ An do ông Cao Danh Giá nguyên Trưởng đoàn Dân ca Chèo là Trưởng đoàn. Đội Dân ca Nghệ Tĩnh do ông Đặng Thanh Lưu làm Đội trưởng.

Giai đoạn này Đoàn Chèo có vở: “Vẫn còn ra trận”, “Cuộc bàn giao giữa đường”, “Tấm Cám”, “Đôi ngọc lưu ly”, v.v…

Đoàn Dân ca có vở: ca kịch ngắn “Không phải tôi”, “Khi ban đội đi vắng”, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca màn “Nghệ bị nghi oan” trong vở “Cô gái sông Lam”. Nhiệm vụ chủ yếu của diễn viên, nghệ sỹ ở giai đoạn này là sưu tầm các làn điệu dân ca gốc, các trò diễn xướng dân gian tại các địa phương Nghệ Tĩnh để làm tư liệu cho việc thể nghiệm sân khấu hóa dân ca những vở ca kịch dài.

Thành lập Đoàn Ca Múa Hà Tĩnh và Đoàn Kịch thơ Hà Tĩnh

Cũng trong giai đoạn này, nhằm hoàn thiện một bước về tổ chức các đoàn nghệ thuật, năm 1970, tỉnh Hà Tĩnh có quyết định tách Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh thành hai đoàn: Đoàn Ca Múa Hà Tĩnh và Đoàn Kịch thơ Hà Tĩnh.

Đoàn Ca Múa Hà Tĩnh do ông Lê Hàm làm Trưởng đoàn. Sau khi thành lập, Đoàn tiếp tục xây dựng và tổ chức nhiều chương trình biểu diễn phục vụ quân và dân trong toàn tỉnh, đến tận các trọng điểm ác liệt nhất như ngã ba Đồng Lộc, bến phà Linh Cảm, bến phà Chu Lễ, biểu diễn phục vụ chiến sỹ và đồng bào nước bạn Lào. Ngay sau khi giải phóng miền Nam (1975), Đoàn đã vào biểu diễn tại Bình Định (tỉnh kết nghĩa) và thành phố Sài Gòn.

Đoàn kịch thơ do ông Lê Kính làm Trưởng đoàn. Sau khi thành lập, Đoàn đã xây dựng được khá nhiều vở diễn, tiêu biểu là các vở “Cô Tám” (kịch bản Phan Lương Hảo), “Đốm lửa núi Hồng” (kịch bản Nguyễn Thế Kỷ). Vở “Đốm lửa núi Hồng” đã đạt Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu miền Bắc năm 1970.

(còn nữa)

Thảo Nguyên