Kỳ V: Chung một dòng sông (Từ 1992 đến nay)

Ngày 12/ 8/ 1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh để tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Ngành văn hóa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiến hành cấu trúc lại bộ máy, trong đó có các đoàn nghệ thuật biểu diễn.

Tỉnh Nghệ An, sau khi tách tỉnh, còn 4 đoàn là Kịch hát Dân ca, Cải lương, Ca Múa và Kịch nói.
Ngày 1/11/ 1991, UBND tỉnh có Quyết định số 359/QĐ.UB sáp nhập hai đoàn nghệ thuật (Kịch nói và Ca Múa) thành Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An.
UBND tỉnh cũng đã có quyết định thành lập Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ An trên cơ sở lực lượng còn lại sau khi tách một bộ phận cán bộ, diễn viên về Hà Tĩnh.
Năm 2000, thành lập Nhà hát Dân ca Nghệ An (Quyết định số 3591/QĐUB-TC, ngày 24/11/2000) trên cơ sở hợp nhất Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ An và Đoàn Cải lương Nghệ An.
Tiếp đó lại đổi tên Nhà hát Dân ca Nghệ An thành Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ (Quyết định số 3143 QĐ – UBND, ngày 3/7/2009).
Ngày 27/8/2020 lại có Quyết định số 2909/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ với Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Nghệ An.
Từ năm 2020 đến nay Nghệ An còn lại duy nhất một đơn vị nghệ thuật biểu diễn là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.

Tỉnh Hà Tĩnh, sau khi tách tỉnh, đã thành lập Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tĩnh. Năm 2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3449/QĐ-UBND về việc thành lập Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trên cơ sở kiện toàn Đoàn Ca Múa Kịch Hà Tĩnh.

Các đòan nghệ thuật biểu diễn của Nghệ An và Hà Tĩnh trong giai đoạn từ 1991 đến nay gặp không ít khó khăn trong cơ chế thị trường, phải luôn nỗ lực để tồn tại và phát triển, vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa xây dựng, tăng cường lực lượng, đổi mới và sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là các đoàn nghệ thuật truyền thống.

Từ sau khi tách tỉnh, Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng nghệ thuật và tổ chức biểu diễn.

Nhiều chương trình ca múa nhạc được dàn dựng công phu, vừa phát huy được các giá trị nghệ thuật dân ca, dân vũ của các dân tộc vừa hướng tới phong cách nghệ thuật hiện đại, đáp ứng được nhu cầu và thẩm mỹ của đông đảo công chúng nghệ thuật. Bên cạnh nhiều chương trình mang phong cách hiện đại đã có những chương trình đậm đà bản sắc dân gian phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các tiết mục: “Lê lê tu lê”, “Tiếng cồng gọi mùa”, “Ngẫu hứng Xăng Khan”, “Tiếng hát non xa”, “Dệt đẹp tình quê”, “Đêm trăng bắt cá”, “Về quê hương tôi”, “Truông Bồn mùa hoa tím”… do nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn sáng tác, dàn dựng đã được dư luận nghệ thuật đánh giá cao.

Giai đoạn này, Đoàn Ca Múa Kịch ngoài việc xây dựng các chương trình ca múa nhạc dàn dựng thành công loại hình kịch hát mới, lợi thế là khai thác được mọi khả năng sáng tạo của 4 bộ môn nghệ thuật, dẫn dắt khán giả đến với nghệ thuật bằng tư duy thưởng thức mới. Các vở tiêu biểu như “Biển tình cay đắng”, “Chiếc bóng oan khiên”, “Chinh phụ hai chồng”, “Con đò của mẹ”, “Lửa tình trên cát”, …

Nhiều chương trình biểu diễn của Đoàn đã được đánh giá cao ở các kỳ hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp như:

Năm 1995, Huy chương Vàng chương trình “Tình quê xứ Nghệ” (Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Hiển) Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng.
Năm 1997, Huy chương Bạc vở “Con đò của mẹ” Liên hoan Ca Múa Nhạc – SKCN dân tộc miền núi và trung du.
Năm 1999, Huy chương Bạc chương trình “Hương sắc sông Lam” (Tổng đạo diễn NSND. Tiến Dũng) Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng.
Năm 2005, Huy chương Bạc toàn Đoàn tại Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 2009, Huy chương Bạc chương trình “Miền nhớ miền thương” Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 2012, Huy chương Bạc chương trình “Về quê hương tôi” tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Năm 2022, Huy chương Vàng chương trình “Sắc” tại Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Đăk Lak.
Năm 2022, Huy chương Vàng chương trình “Thanh âm miền ví, giặm” tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN tại Hội An.

Cùng với quá trình lao động sáng tạo, đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên của đoàn càng ngày càng phát triển, trình độ/tài năng nghệ thuật ngày càng nâng cao, hoàn thiện. Một số nghệ sỹ, diễn viên tiêu biểu của Đoàn trong giai đoạn này là: Tiến Dũng, Trịnh Quang Thuận, Đình Mười, Giáng Hương, Tô Vinh, Huy Bình, Kỳ Vân, Thu Thủy, Hà Thuận, Quang Lý, Cao Bắc, Ngọc Hà, Quốc Chung, Minh Tâm, Văn Thương, Đình Liên, Diễm Hằng, Hồng Nhung, Mỹ Hạnh, Đình Phước, Phương Hiền, Thanh Hải, Thuận Giang, Lệ Thủy, Quang Lý, Ngọc Tú, Hoàng Sâm, Mai Long, Băng Tâm, Quế Thương, Lan Hương, Đức Nghĩa, Quang Thuận, Cẩm Nhung, Thanh Tùng, Quỳnh Anh, Hồng Hạnh, Thuận Giang, Xuân Lâm, Hồ Tài, Trần Lực, Thế Anh, Văn Lượng,v.v…

Đoàn Kịch hát dân ca/Nhà hát Dân ca/ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ /Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An trong giai đoạn 1991 đến nay là đơn vị đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ chuyên môn chính là: sáng tạo nghệ thuật, xây dựng chương trình và biểu diễn; sưu tầm, nghiên cứu dân ca, tiếp tục hoàn thiện và phổ biến kịch chủng kịch hát dân ca.

Một phân cảnh trong vở diễn “Lời Người lời của nước non”. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện phương châm sân khấu đi tìm khán giả, các đoàn nghệ thuật truyền thống Nghệ An tìm cách xoay chuyển, không ngừng trăn trở, tự đổi mới bản thân mình bằng cách thử nghiệm qua nhiều dạng đề tài và xu hướng nghệ thuật khác nhau để có thể đồng hành với sự phát triển của đời sống cũng như đáp ứng đòi hỏi thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Các vở tiêu biểu như: “Nỗi đau lòng mẹ”, “Nước mắt đứa con út”, “Giá đời phải trả”… (Tâm lý xã hội hiện đại), “Chuyện tình ông vua trẻ”, “Khát vọng ngông cuồng”, “Phương Hoa”… (Dân gian), “Sáng mãi niềm tin”, “Đối mặt với thời gian”, “Phan Bội Châu”, “Dòng lệ Tố Như”… (Danh nhân), “Danh nhân lớn lên từ câu hò, ví, giặm”… (Sử thi nghệ thuật); “Cô gái sông Lam”, “Ngọn lửa truyền đời sau”, v.v… (Lịch sử, cách mạng). “Soi vào quá khứ” (2005), “Nơi đất ở” (2008), “Người thi hành án tử” (2010), “Một cây làm chẳng nên non” (2010), “Góc khuất đời người” (2013), “Sóng dậy một vùng quê” (2016), v.v… Nhiều vở diễn của các đoàn đã được giải thưởng tại các hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc như:

Năm 1995 Huy chương Bạc vở Dân ca Nghệ Tĩnh “Chuyện tình ông vua trẻ” -Tác giả Phùng Dũng, Đạo diễn NSND. Xuân Huyền, Âm nhạc Hồ Hữu Thới, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thái Nguyên.

Năm 1995 Huy chương Vàng vở cải Lương “Ngọn lửa truyền đời sau” – Tác giả Hoài Giao, Đạo diễn Khánh Vinh, Âm nhạc Hồ Hữu Thới, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thái Nguyên. (Vở diễn vinh dự phục vụ các địa biểu tại Kì họp thứ 7 Quốc hội khóa IX, tháng 3/1995 tại Hà Nội).

Năm 1996 Huy chương Bạc vở cải Lương “Khát vọng ngông cuồng” – tác giả Sỹ Hanh, đạo diễn NSND Xuân Huyền, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Nam Định.

Năm 1996 Huy chương Vàng vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh “Vết chân tròn trong bão tố” – tác giả Vũ Hải, chuyển thể Hồng Lựu, đạo diễn Việt Võ, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Liên hoan SK chuyên nghiệp Duyên hải tại Nam Định.

Năm 1998 Giải A vở kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh “Danh nhân lớn lên từ câu hò, ví, giặm” – tác giả Vũ Hải, chuyển thể Hồng Lựu, đạo diễn Ngọc Ất, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Liên hoan Sân khấu Dân ca chuyên nghiệp TQ tại Huế.

Năm 1999 Huy chương Bạc vở cải Lương “Đối mặt với thời gian” – tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND. Đình Quang, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Năm 2003 Huy chương Bạc vở “Vú Cát” – tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn NSND Xuân Huyền, âm nhạc Đình Đắc tại Liên hoan Sân khấu Dân ca chuyên nghiệp khu vực miền Trung tại Đà Nẵng.

Năm 2005 Huy chương Vàng vở “Soi vào quá khứ” – tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Lê Hùng, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc tại Vinh. (Vở diễn được phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X năm 2006 tại Hà Nội)

Năm 2009 Giải thưởng Tác phẩm Sân khấu Xuất sắc vở “Lời Người lời của nước non” – tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu, âm nhạc Đình Đắc do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Vở diễn phục vụ Đại lễ 990 năm Thăng Long Hà Nội năm 2000, Đại lễ Nghìn năm Thăng Long Hà Nội và phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI năm 2010 tại Hà Nội).

Năm 2010 Huy chương Vàng vở “Một cây làm chẳng nên non” – tác giả Đăng Chương, chuyển thể An Ninh, đạo diễn NSND. Xuân Huyền, âm nhạc Đình Đắc tại Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng.

Năm 2010 Giải Đặc biệt vở “Góc khuất đời người” – tác giả Vũ Hải, Kịch bản Dân ca An Ninh, đạo diễn NSND. Lê Hùng, âm nhạc Đình Đắc tại Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng.

Năm 2010 Huy chương Vàng vở “Người thi hành án tử” – tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND.Lê Hùng, âm nhạc Đình Đắc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về Hình tượng Người Chiến sỹ Công an Nhân dân Việt Nam tại Hà Nội.

Năm 2011 Giải thưởng Tác phẩm Sân khấu Xuất sắc vở “Bác Hồ – Người là niềm tin tất thắng” – tác giả Vũ Hải, kịch bản Dân ca An Ninh, đạo diễn NSND. Lê Hùng, âm nhạc Đình Đắc do Ban Tuyên giáo Trung Ương trao tặng trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Năm 2013 Huy chương Vàng vở “Đường đua trong bóng tối” – tác giả Đăng Chương, kịch bản Dân ca An Ninh, đạo diễn NSND. Trần Ngọc Giàu, âm nhạc Đình Đắc tại Cuộc thi Sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Quảng Nam.

Năm 2016 Huy chương Vàng vở “Thầy và trò” – Tác giả Đăng Chương, Kịch bản Dân ca An Ninh, Đạo diễn NSND. Trần Ngọc Giàu, Âm nhạc Đình Đắc, tại Cuộc thi Sân khấu Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng.

Năm 2018 Huy chương Bạc vở “Nước mắt đứa con út” – Tác giả Vũ Hải, Kịch bản Dân ca An Ninh, Đạo diễn NSND. Lê Hùng, Âm nhạc Đình Đắc, tại Liên hoan SK Tuồng và Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc tại Quảng Ngãi.

Năm 2022 Huy chương Vàng vở “Cánh cò trong bão” – Tác giả Nguyễn Quang Vinh, chuyển thể NSUT An Ninh, Đạo diễn NSND Lê Hùng, Âm nhạc Đình Đắc, Biên đạo Múa NSƯT Diễm Hằng, Liên hoan SK Tuồng và Dân ca chuyên nghiệp Toàn quốc tại Nghệ An.

Các giải thưởng tác phẩm Sân khấu xuất sắc Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao tặng: Giải A vở “Một cây làm chẳng nên non” (2009), Giải B vở “Lời Người lời của nước non” (2008), Giải C vở “Nơi đất ở” (2006), giải B vở “Người yêu tôi là hoa hậu” (2001), Giải C vở “Vượt lên số phận” (2001), Giải B vở “Sáng mãi niềm tin” (1999), Giải B vở “Chuyện tình ông vua trẻ” (1993), giải Đặc biệt vở “Góc khuất đời người” (2010).

Một phân cảnh trong Vở diễn “Hừng Đông” của Trung tâm BT&PHDS Dân ca xứ Nghệ.

Từ năm 1993 đến năm 2019, Trung tâm BT&PHDS Dân ca Xứ Nghệ (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống) đã đóng góp 25 tác phẩm Sân khấu có giá trị Nghệ thuật cao cho khán giả truyền hình cả nước, trong đó có 9 tác phẩm sân khấu truyền hình trực tiếp: “Cô gái sông Lam” (2001), “Soi vào quá khứ” (2005), “Sáng mãi niềm tin” (2007), “Lời Người – Lời của nước non” (2009), “Bác Hồ – Người là niềm tin tất thắng” (2011), “Xô Viết Nghệ Tĩnh – bản hùng ca bất từ” (2011), “Về miền Ví, Giặm” (2012), “Đường đua trong bóng tối” (2013), “Lung linh hồn quê xứ Nghệ” (2014).

Cùng với việc xây dựng các tác phẩm biểu diễn, một thành tựu quan trọng của Trung tâm nghệ thuật truyền thống Nghệ An trong giai đoạn này là tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Hồ sơ trình UNESO công nhận Ví Dặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (2014). Đoàn tiếp tục quá trình thể nghiệm thành công Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và rất nỗ lực trong việc truyền bá, phổ biến dân ca Nghệ Tĩnh vào đời sống bằng nhiều hình thức khác nhau như: Dạy hát trên truyền hình, đưa dân ca vào trường học, thi hát dân ca; Cải biên, phát triển dân ca trong sáng tác âm nhạc, sân khấu.

Đồng thời với quá trình hoạt động biểu diễn có nhiều thành tựu, một thành tựu quan trọng và là nhân tố để phát triển của các đoàn nghệ thuật ở NGhệ An, và Hà Tĩnh, kể từ năm 1991 đến nay là lực lượng liên tục được bổ sung, trẻ hơn, mới hơn, được đào tạo bài bản hơn các thế hệ đi trước. Nhiều tài năg nghệ thuật mới xuất hiện và thành công như:

Hồng Lựu, Danh Cách, An Phúc, Minh Tuệ, An Ninh, Đình Đắc, Ngọc Ất, Quế Chung, Đình Toàn, Cao Lý, Thủy Kiên, Hồng Dương, Đức Lam, Lưu Thành Vinh, Minh Thành, Thiên Huế, Minh Thông, Việt Anh, Hải Lý, Hồng Chuyên, Hoài Sinh, Sỹ Lương, Minh Thanh, Trọng Kiên, Thu Hương, Duy Hải, Duy Thanh… Nhiều tác giả mới hình thành, đem lại sự trẻ trung, mới mẻ, hiện đại cho nền sân khấu tỉnh nhà như: An Ninh (Biên kịch), Diễm Hằng (Biên đạo), Đình Đắc, Phan Thành (Âm nhạc)…

***

Hành trình sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh đã trọn 65 năm nếu tính từ thời điểm thành lập Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An (1958) và Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh (1959). Thực ra, cũng có thể là xa hơn nữa về phía quá khứ nếu như tính đến các vở diễn đầu tiên của Đoàn Kịch Anh Vũ, của các chiến sỹ tuyên truyền văn hóa ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khi Chính quyền Cách mạng mới được thành lập. Hoặc là các vở diễn của Đoàn Kịch kháng chiến Liên khu IV, của Đoàn Văn công Bộ Tư Lệnh IV, của Liên đoàn Ca Kịch kháng chiến.

65 năm qua là một quá trình không ngừng nghỉ để các thế hệ cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên học tập, rèn luyện, cống hiến và xây dựng nền sân khấu cách mạng của quê hương xứ Nghệ. Đó là một hành trình dài, từ những bước chập chững đầu tiên, khi mà chúng ta chưa có đội ngũ tác giả, nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp, chưa có kinh nghiệm sân khấu. Nghệ – Tĩnh trước Cách mạng Tháng Tám chỉ có một đô thị duy nhất là thị xã Vinh nhưng còn nhỏ bé, trình độ đô thị hóa chưa cao, các loại hình sân khấu hiện đại hầu như chưa hề có, ngoài một số gánh hát mà chủ yếu là do trong Nam, ngoài Bắc đến lưu diễn.

Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền sân khấu cách mạng của Nghệ – Tĩnh đã từng bước hình thành và trưởng thành. Mặc dù qua nhiều bước thăng trầm gian khó nhưng sân khấu của chúng ta đã trở thành một bộ phận, một lực lượng quan trọng và không thể thiếu được đối với nền văn hóa của quê hương Nghệ Tĩnh, đối với người dân xứ Nghệ.

Cùng với toàn ngành văn hóa, lực lượng sân khấu đã có những đóng góp to lớn đối với hành trình cách mạng của quê hương và cả nước. Sân khấu đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là “tiếng hát át tiếng bom” trong những năm chiến tranh khốc liệt, là tiếng nói tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân. Sân khấu đã góp phần làm cho nhân dân ta cao đẹp hơn, nhân văn hơn; làm cho Đất nước ta, Bác Hồ và Đảng ta vĩ đại hơn; làm cho Đảng gần và hiểu dân hơn; làm cho tài năng sáng tạo của người xứ Nghệ được khai phóng và phát huy, thị hiếu thẩm mỹ sâu sắc và hiện đại hơn.

Nền sân khấu cách mạng cũng đã đưa các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương được phát huy, thăng hoa trong đời sống mới của cộng đồng. Dân ca ví, giặm đã bước vào nền sân khấu mới, trở thành kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, tỏa sáng và được UNESO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sự trưởng thành và thành công của nền sân khấu Nghệ Tĩnh trong hơn nửa thế kỷ qua là thành quả của biết bao tài năng, nỗ lực của các thế hệ nghệ sỹ; của sự đùm bọc của Nhân dân và sự quan tâm, chăm lo của các các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, sự nhiệt thành giúp đỡ của các đồng nghiệp trong cả nước.

Để tiếp tục phát triển nghệ thuật sân khấu Nghệ Tĩnh trong tương lai, chắc chắn các thế hệ nghệ sỹ phải hướng đến hiện đại hóa từ những giá trị văn hóa nghệ thuật của quê hương và dân tộc để sáng tạo thành công những giá trị mới ngang tầm thời đại.

Thảo Nguyên