Kỳ I: Từ cội nguồn sân khấu dân gian

Xứ Nghệ – Nghệ Tĩnh là một tiểu vùng văn hóa trong vùng văn hóa Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với nhiều đặc trưng, đặc điểm riêng. Về sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian, bên cạnh kho tàng thơ, ca, nhạc dân gian còn có trò chơi, múa, các hội diễn dân gian và các hình thức sân khấu dân gian mà dân gian vẫn thường gọi là trò – diễn trò.

Theo các tài liệu folklore thì ở nhiều làng, nhiều vùng (liên làng) xưa ở xứ Nghệ có tổ chức các lễ – hội diễn gắn liền với nghề nghiệp hoặc tín ngưỡng. Lễ khai canh (làng Hậu Luật – Can Lộc) là một hình thức trình diễn quá trình lao động nông nghiệp của dân làng gắn với tín ngưỡng thờ thần nông và thành hoàng làng. Lễ thổi tù và trò dẫn hoa (làng Phan Xá/Xuân Thành – Nghi Xuân) tổ chức trong 7 ngày, sau lễ thổi tù và là trò diễn dẫn hoa, sân khấu là đình làng, có nhân vật, có diễn viên, có đạo cụ và khán giả là toàn thể dân làng. Tiếp đó là trò/ diễn Trưởng giả gả chồng cho con gái, hay là trò Sỹ nông công thương. Lễ rước hến ở các vạn Thanh Đàm (Nam Đàn), vạn Sét (Hưng Nguyên), Trường Xuân (Đức Thọ) cũng là một cuộc trình diễn mô phỏng quá trình lao động gắn liền với tín ngưỡng thờ thần. Lễ Liệp tế ở làng Mỹ Dương (Nghi Xuân) là một hình thức mô phỏng nghề săn bắt thú của cư dân vùng núi Hồng Lĩnh và gắn liền với tục thờ thần núi. Không gian trình diễn kéo dài từ đình làng cho đến tận chân núi Hồng Lĩnh…

Một hình thức lễ hội khác, mang tính sân khấu rõ nét hơn là các cuộc trình diễn có ý nghĩa tưởng/kỷ niệm các nhân vật, sự kiện lịch sử. Có thể kể đến lễ hội Diễn thủy chiến trong ngày hội đền Vua Lê của các làng ven sông Lam như Lộc Điền, Phúc Điền, Vệ Chính, Khánh Sơn thuộc Hưng Nguyên ngày nay. Sau các nghi thức tế lễ là một cuộc trình diễn mô phỏng lại cuộc thủy chiến của nghĩa quân Lam Sơn đánh bại thủy quân nhà Minh. Sân khấu là cả một khúc sông Lam dài hàng km, mấy chục chiến thuyền của hai bên  trang trí rực rỡ, âm thanh của trống, chiêng, phèng la, não bạt, đàn sáo bát âm rộn ràng. Diễn viên là hàng trăm người dân đóng thủy binh hai bên; Khán giả là hàng vạn người dân đứng trên bờ cỗ vũ…

Tương tự, là lễ rước, tế và trình diễn cuộc thủy chiến trên sông Lam của thủy binh nhà Lý trong ngày hội đền Quả Sơn ở Đô Lương… Hay Hội Chạy Ói ở làng Phương Cần (Quỳnh Lưu) trình diễn lại cuộc tranh chấp giữa làng Phương Cần và làng Phú Lương theo truyền thuyết của tín ngưỡng thờ mẫu (tứ vị thánh nương) của vùng này.

Lễ rước và trình diễn cuộc thủy chiến trên sông Lam của thủy binh nhà Lý trong ngày hội đền Quả Sơn ở Đô Lương. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Ngoài ra, trước đây, còn có nhiều hội lễ tương tự ở các làng quê xứ Nghệ.

Ở xứ Nghệ, tính sân khấu rõ nét hơn, gần với sân khấu hiện đại hơn là các hình thức sân khấu folklore mà người dân vẫn gọi là trò, diễn trò.

Trong các làng quê xứ Nghệ, ngoài hát dân ca ví, giặm, người dân cũng rất mê tuồng (hát bội), chèo. Tuy rằng, tuồng và chèo không xuất xứ ở xứ Nghệ nhưng trong quá trình giao lưu văn hóa, hai hình thức sân khấu này, người dân cũng rất mê. Ở không ít làng, người dân lập nên các phường trò, tức là các gánh hát nghiệp dư, không chuyên nghiệp. Thậm chí, một số nơi cũng có một số phường trò hoạt động có tính chất chuyên nghiệp. Một gánh trò thường do một số người cùng sở thích đam mê và có năng khiếu cùng nhau tập hợp lại và cùng tập, diễn. Dẫn dắt phường trò là một trùm phường, là người có uy tín, thông hiểu về trò, quảng giao và có tài lực. Bên cạnh đó là một thày bày, có vai trò như một đạo diễn, chịu trách nhiệm về nội dung và dàn dựng. Vốn liếng thì tùy từng nơi, có khi làng chu cấp, có khi một nhà giàu là “mạnh thường quân”, có khi cùng nhau đóng góp.

Hình thức sân khấu dân gian này khá phổ biến ở Nghệ Tĩnh trong thời cận đại. Hầu hết các làng đều có phường trò. Có những phường trò nổi tiếng như ở Phù Lưu Thượng (Can lộc), Quỳnh Hậu… Vì thế mới có các câu: trò Kẻ Lũ, vật cù làng Ngang; hoặc: trò Quỳnh Hậu, rượu Quỳnh Thanh.

Kịch mục của các phường trò này cũng khá phong phú. Về chèo có Trương Viên, Lưu Bình – Dương Lễ; tuồng/bội có Sơn Hậu, Tề thiên đại thánh, Trưng nữ Vương, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi,….

Các phường trò có thể biểu diễn phục vụ bà con dân làng hoặc đi biểu diễn ở các làng, xã khác, huyện khác, thậm chí ra cả ngòai tỉnh.

“Giêng Hai kháp (gặp) lúc thanh nhàn,
Khiêng rương, khiêng trống rủ đoàn mà đi.
Ra tận Lữ, tận Si,
Sang Huỳnh Hương, Bút Trận,
Lên Kỵ Hòe, Kỵ Dặm,
Xuống Kỵ Vích, làng Tràng…”

Sân khấu dân gian Nghệ Tĩnh có một hình thức đặc trưng riêng có là chèo Kiều. Đây là một một hình thức sáng tạo của Nghệ Tĩnh, địa phương hóa, “Nghệ hóa” chèo có kết hợp với tuồng với nội dung xoay quanh Truyện Triều của Nguyễn Du. Theo các nghiên cứu thì hình thức này mới có từ cuối thế kỷ XIX, phát triển đến nửa đầu thế kỷ XX và sau đó mai một dần đến gần đây mới dược phục hồi.

Trong các làng quê xứ Nghệ còn có một hình thức sân khấu dân gian nữa là múa rối, tiếng Nghệ gọi là trò máy, dùng các con giống – gọi là quân rối để trình diễn. Các nghệ nhân chơi trò không xuất hiện mà ẩn trong góc khuất để điều khiển các quân rối theo các tích trò.

Lịch sử sân khấu Nghệ Tĩnh không thể không nhắc đến vài trò của ông quan, nghệ sỹ Đào Tấn (1845 – 1904), từng hai lần làm Tổng Đốc An – Tĩnh, lần thứ nhất (1889 – 1896), lần thứ hai (1898 – 1902).

Mười năm ở xứ Nghệ, Đào Tấn đã cho ra đời hàng loạt vở diễn nổi tiếng như “Khuê các anh hùng”, “Sơn hậu”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan”, “Diễn võ đình”, “Hộ sanh đàn”. Không chỉ soạn tuồng mà ông đã nâng tầm tuồng thành một nghệ thuật chuyên nghiệp của những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Ngay khi đến Nghệ An, năm 1889, ông đã cho dựng ngay rạp hát bội mang tên “Như thị quan” và bên cạnh đó là trường dạy hát bội mang tên “Học bộ đình”.  Ông đã tập hợp về đây những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng nhất của đất tuồng Bình Định và của An Tĩnh, cùng nhau tập luyện và biểu diễn tuồng. Có thể nói đây là mô hình sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mà đến bây giờ vẫn không lạc hậu. Chắc chắn là sự hình thành và phát triển của các phường trò ở xứ Nghệ là có công tạo dựng, khuyến khích của Đào Tấn. Và, vì vậy, có thể nói, Đào Tấn đã góp phần to lớn tạo dựng nên nền móng cho sân khấu Nghệ Tĩnh ngay từ cuối thế kỷ XIX.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, các phường trò tuồng, chèo ở các làng xã tiếp tục tồn tại và phát triển để đáp ứng nhu cầu tinh thần và thẩm mỹ của người dân. Bên cạnh đó, đã có một số đoàn/gánh hát có tính chất chuyên nghiệp hình thành ở Vinh như gánh tuồng Vĩnh Tường Long, gánh Sinh Châu của ông Đặng Bá Tạo, của ông bầu Nguyễn Văn Liên, các gánh hát cải lương Hồng Liên, Hoan Châu khá nổi tiếng.

Đầu thế kỷ XX, ở Vinh đã có rạp tuồng Thái Mộng Đà, tuy quy mô còn nhỏ, thiết bị sơ sài nhưng hầu như quanh năm đều có các gánh hát biểu diễn.

Cùng thời kỳ này còn có nhiều đoàn hát chuyên nghiệp từ Hà Nội và các tỉnh khác cũng về Nghệ Tĩnh biểu diễn. Đáng tiếc là tư liệu về các hoạt động sân khấu ở Nghệ Tĩnh trong thời kỳ này còn lại quá ít và chưa được tập hợp. Dẫu là vậy, nhưng có thể đoán chắc là trước Cách mạng Tháng Tám (1945), ở Nghệ Tĩnh đã bắt đầu hình thành hình thức sân khấu chuyên nghiệp, trong đó chủ yếu là tuồng và cải lương.

Thảo Nguyên