Kỳ IV: Sum họp một nhà (Thời kỳ 1976 – 1991)

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 27/12/1975, Quốc hội ban hành nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Ty văn hóa hai tỉnh sáp nhập thành Ty văn hóa Nghệ Tĩnh. Theo đó, các đoàn nghệ thuật cũng tiến hành sáp nhập thành các đơn vị mới.

Đoàn Ca múa nhạc Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đoàn Ca Múa miền núi Nghệ An và Đoàn Ca Múa Hà Tĩnh. Ông Lê Hàm được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn; Ông Nguyễn Quang Vinh làm Phó đoàn.

Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đội Dân ca Nghệ Tĩnh của tỉnh Nghệ An với Đoàn Kịch thơ của tỉnh Hà Tĩnh. Trưởng đoàn là ông Đặng Thanh Lưu; Phó đoàn là ông Lê Tiến Dũng.

Như vậy, đầu năm 1976, tỉnh Nghệ Tĩnh có 5 đoàn nghệ thuật sân khấu, bao gồm: Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ Tĩnh, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh, Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh, Đoàn Cải lương Nghệ Tĩnh, Đoàn Kịch nói Nghệ Tĩnh.

Ngoài ra, cũng đầu năm 1976, Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai trường Văn hóa Nghệ thuật của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trường có khá đầy đủ các khoa về âm nhạc, sân khấu. Đây là điều kiện tốt để bổ sung lực lượng diễn viên cho các đoàn nghệ thuật của tỉnh.

Để tinh gọn về tổ chức, trình độ phát triển của kịch dân ca Nghệ Tĩnh và phù hợp với thị hiếu của công chúng nghệ thuật trong tỉnh, xét tình hình thực tế, ngày 4/6/1991, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã có quyết định số 911/UB-QĐ về việc hợp nhất Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh và Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh thành Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh do ông Nguyễn Ngọc Ất làm Trưởng đoàn.

Như vậy, từ tháng 4/1991, tỉnh Nghệ Tĩnh còn lại 4 đoàn nghệ thuật là: Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ Tĩnh, Đoàn Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, Đoàn Cải lương Nghệ Tĩnh và Đoàn Kịch nói Nghệ Tĩnh.

Đây là giai đoạn Nghệ Tĩnh cũng như cả nước gặp rất nhiều khó khăn về tình hình kinh tế xã hội cũng như phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.

Chủ tịch nước Trường Chinh tặng hoa cho Đoàn Kịch hát Nghệ Tĩnh, năm 1985. Ảnh: Hồ Xuân Thanh

Tuy vậy, ngay từ đầu các đoàn đã rất nỗ lực để ổn định tổ chức và nhanh chóng triển khai xây dựng các chương trình biểu diễn. Trình độ của đội ngũ diễn viên được nâng cao nhờ công tác đào tạo bồi dưỡng, nhất là có sự bổ sung sinh viên từ các trường nghệ thuật. Có thể kể đến một số diễn viên, nghệ sỹ tiêu biểu trong thời kỳ này như:

Đoàn Dân ca có: Thanh Lưu, Vi Phong, Văn Thế, Linh Quảng, Đình Bảo, Danh Cách, Hồng Năm, Trần Nam Trung, Duy Bảy, Tuấn Mỹ, Hoa Ban, Quang Bốn, Cảnh Xuân, Văn Tí, Phan Thành, Thanh Minh, Nhật Minh, Thăng Long, Viết Kỳ, Trần Đình Hoạt, Thanh Tao, Vân Quế, Bích Mỹ, Thanh Bằng…

Đoàn Chèo có: Thu Hương, Vũ Tứ, Thanh Loan, Cảnh Yến, Hoàng Ba, Hồng Thịnh, Thu Hiên, An Phúc, Thanh Tường, Minh Châu, Mai Hạnh, Hoa Hường, Văn Nhân, Hương Sen, Giang Nam, Ngọc Ất, Sông Lam, Xuân Giá, Hữu Đào, Duy Thắng, Phú Hợi, Công Tiến, Đinh Văn Nghệ, Hoàng Thị Quánh, Ngọc Lan, Đức Hạnh, Minh Khang…

Đoàn Cải Lương có: Quý Phi, Phi Ninh, Hoa Hạnh, Năm Ngũ, Văn Sinh, Dương Diễn, Bích Phàn, Giang Châu, Triều Đại, Quang Toàn, Quốc Nam, Phương Lan, Hoa Hiên, Xuân Thành, Ngọc Ân, Văn Sơn, Quế Chung, Ngọc Vinh…

Đoàn Kịch nói có: Ngọc Ngãi, Giáng Hương, Đình Mười, Đình Phước, Ngọc Vinh, Văn Lợi, Bích Thu, Thanh Nghệ, Văn Bình, Việt Võ, Doãn Tất, Tiến Ngôn, Huyền Lâm, Văn Tương, Văn Đoan, Nguyễn Thị Thu, Văn Nên, Hoàng Bá Đào, Hà Thuận, Đặng Duy Hải, Quang Chính,…

Đoàn Ca Múa có: Lê Hàm, Minh Thống, Vi Thanh, Trần Cải, Thanh Xuân, Xuân Năm, Hồng Năm, Thanh Bảng, Minh Dân, Huy Dơn, Ngọc Sáng, Đức Trọng, Kim Oanh, Kim Xuân, Thanh Mân, Cao Bắc, Kim Dương, Trần Lĩnh Chất, Hoài Thanh, Thanh Mai, Thúy Lan, Tiến Dũng,….

Chất lượng nghệ thuật các chương trình biểu diễn ngày cũng ngày càng được công chúng và giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao.

Đoàn Chèo có các vở: “Quan Âm Thị Kính”, “Đôi ngọc lưu ly”, “Vòng phấn Cáp-ca-zơ”, “Nhiếp chính Ỷ Lan”, “Lý Nhân Tông kế nghiệp”, “Chiếc nón bài thơ”, “Chuyện tình trong rừng cấm”, “Đuông-na-li”, “Giông tố”, “Nhân cách bị phá vỡ”, “Tình đời lẽ sống”, “Xúy Vân giả dại”, “Đứa con lưu lạc”, “Hoàng hậu Ba Tư”, “Mối tình Đuôngna-li”, v.v…

Đoàn Dân ca có vở: “Đầu bến sông”, “Cô gái sông Lam”, “Hoa đất”, “Trắng hoa mai”, “Vụ án kỳ lạ”, “Mai Thúc Loan”, “Bão táp Cửa Kỳ Hoa”, “Ông vua hóa hổ”, “Linh hồn của đá” (Vọng phu), “Hai ngàn ngày oan trái”, “Lời thề thứ chín”, “Quyền được hạnh phúc”, “Tiếng hát Trương Chi”, “Xăm-xa-may”, v.v…

Đoàn Cải lương có vở: “Dấu chân người trước”, “Thạch Sanh”, “Kiều”, “Chiếc nhẫn ngọc”, “Nhân danh công lý”, “Dòng suối trắng”, “Bỉ vỏ”, “Xôn xao rừng quế”, “Pha lê và cát bụi”, “Hai phương trời thương nhớ”, “Mười năm cô đơn”, v.v…

Đoàn Kịch nói có vở: “Đôi mắt”, “Đôi dòng sữa mẹ”, “Ô-ten-lô”, “Người trong bóng tối”, “Mẹ Làng Sen”, “N3 phải sống”, “Thủ phạm là ai?”, “Bác trong tôi”, “Ông không phải bố tôi”,…

Đoàn Ca Múa có: “Dòng sông cánh rừng”, “Múa bắt vợ”, “Múa hương sen”, “Hoạn thư đánh ghen”, “Câu hò trên những dòng kênh”, “Người đi tìm nhịp trống”, “Những cô gái Đồng Lộc”, “Xuân về trên bản Khơ Mú”, “Dòng sông quê hương”, “Nghệ Tĩnh mình đây”, “Sông ngàn sâu”, “Xôn xao bến nước quê mình”, “Đi trong hương tràm”, “Ru con”,…

Các đoàn nghệ thuật của Nghệ Tĩnh không chỉ biểu diễn ở trong tỉnh mà còn đi biểu diễn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; tham gia các hội diễn nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu toàn quốc và giành được nhiều tích tốt.

Năm 1980, Bằng khen vở chèo “Một cuộc đời” (còn gọi là “Bà mẹ Trung”) – tác giả Nguyễn Trung Phong, đạo diễn Minh Ngọc, âm nhạc Vũ Tứ, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đợt II tại Hải Phòng.

Năm 1982, Giải Nhất Đồng đội các trích đoạn “Nghệ bị nghi oan”, “Giận mà thương” và “Gặp lại người thương” do 5 nghệ sỹ: Song Thao, Linh Quảng, Hồng Năm, Tiến Dũng, Danh Cách thể hiện trong Hội thi Tiếng hát sân khấu tại Quy Nhơn.

Năm 1985, Bằng khen vở chèo “Chuyện tình trong rừng cấm” – tác giả Xuân Trình, đạo diễn NSND. Xuân Huyền, âm nhạc An Thuyên tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đợt I tại Thanh Hóa.

Năm 1985, Huy chương Vàng vở dân ca Nghệ Tĩnh “Mai Thúc Loan” – tác giả Phan Lương Hảo, đạo diễn, NSND Ngọc Phương, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đợt IV.

Năm 1990, Huy chương Vàng vở cải Lương “Xôn xao rừng quế” – tác giả Phan Lương Hảo, đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức, âm nhạc Hồ Hữu Thới tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Ngoài việc tổ chức xây dựng và biểu diễn các chương trình phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng, một thành tựu to lớn của giới sân khấu Nghệ Tĩnh trong giai đoạn này là tiếp tục nghiên cưú, thử nghiệm thành công việc xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Đây là một quá trình lâu dài, bắt đầu từ những những năm 1960 với các vở kịch ngắn “Không phải tôi”, “Khi ban đội đi vắng” của Đoàn Dân ca Chèo Nghệ An. Tiếp đó là vở “Cô gái sông Lam” (chuyển thể từ chèo) và đỉnh cao là vở “Mai Thúc Loan” (1985) đã chính thức đánh dấu sự ra đời của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Những năm tiếp theo, giới sân khấu Nghệ Tĩnh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và hoàn thiện thêm một bước về kịch chủng mới này. Không chỉ dừng lại các đề tài dã sử, lịch sử như các vở “Bão táp cửa Kỳ Hoa”, “Ông vua hóa hổ” mà giới sân khấu Nghệ Tĩnh đã thể nghiệm các đề tài hiện đại như “2000 ngày oan trái”, “Quyền được sống hạnh phúc”.

Trên cơ sở các vở diễn thể nghiệm, giới sân khấu Nghệ Tĩnh còn tổ chức 3 cuộc hội thảo về kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh vào các năm 1981, 1987 và 1991. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về kịch chủng này đã được thảo luận và đi đến khẳng định chắc chắn về sự ra đời của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Đây cũng là giai đoạn hình thành đội ngũ tác giả sân khấu, âm nhạc đông đảo, có nhiều thành tựu. Về sân khấu có Phan Lương Hảo, Nguyễn Tường Lân (biên kịch), Đậu Việt Võ, Hoa Ban (đạo diễn), Thanh Lưu, …; âm nhạc có: Lê Hàm, Hồ Hữu Thới, Vi Phong, Văn Thế, Thanh Lưu, Đình Bảo (cải biên, lồng điệu) …

Cũng trong giai đoạn này, các đoàn nghệ thuật của tỉnh Nghệ Tĩnh đã mở rộng giao lưu, hợp tác, cộng tác với nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều đoàn nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương. Nhiều tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo đã cộng tác cùng với các nghệ sỹ của tỉnh nhà xây dựng thành công nhiều vở diễn, nhiều chương trình nghệ thuật đạt chất lượng nghệ thuật cao. Đây cũng là điều kiện tốt để đội ngũ nghệ sỹ của Nghệ Tĩnh học hỏi, nâng cao trình độ.

Thảo Nguyên