LTS: Trong 5 năm qua (2018 – 2023) sau Đại hội X, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An đã có những chuyển biến mạnh mẽ về phương thức hoạt động, công tác tổ chức, đem lại không khí vui tươi, phấn khởi, là nơi tập hợp anh em văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật và đạt được nhiều thành tựu. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, Tạp chí Sông Lam trân trọng gửi tới quý độc giả những ý kiến tâm huyết, khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của nhiều thế hệ hội viên, từ những người mới kết nạp vào Hội đến những hội viên lão thành; có hội viên nam, hội viên nữ, có miền ngược, miền xuôi, ở nhiều ban chuyên môn khác nhau. Đây là những ý kiến, đánh giá chân tình, trách nhiệm về những việc làm được, chưa làm được của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An trong 05 năm qua với tinh thần xây dựng, mong muốn Hội ngày càng có thêm những bước phát triển mới, vững chắc, đáp ứng được nguyện vọng, niềm tin yêu của hội viên, của nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ.

Một nhiệm kỳ nhiều đột phá

Nhà văn Cao Khoa, nhà thơ Vân Anh, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đạo.

Nhà thơ Vân Anh (hội viên Ban Thơ):

Trong bối cảnh chung, các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương trong nước vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, sự bất cập về cơ chế,… Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An đã từng bước tháo gỡ những khó khăn để đóng góp vào những thành công chung của văn nghệ sĩ tỉnh nhà, được các văn nghệ sĩ ghi nhận. Trong 05 năm qua, nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh ta đã vinh dự đoạt được nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng văn học ASEAN của nhà văn Nguyễn Thế Quang, 02 giải thưởng Nhà nước về âm nhạc của nhạc sĩ Lê Hàm và nhạc sĩ Dương Hồng Từ; 03 giải nhất Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023 cấp tỉnh; 02 giải B cấp Trung ương cùng hàng chục giải thưởng cao quý của Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương, khu vực Bắc miền Trung, các bộ, ngành, các tỉnh ở tất cả các lĩnh vực như thơ, văn xuôi, ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, múa, sân khấu… Điều đó đã khẳng định văn học nghệ thuật Nghệ An có nhiều khởi sắc.

Nhà văn Cao Khoa (hội viên Ban Văn):

Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2019) Hội đã ban hành 07 quy chế, 01 quy định, góp phần giúp các hoạt động của Hội đi vào nền nếp, quy củ, đúng điều lệ Hội và pháp luật nhà nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ cơ quan Hội. Hội cũng từng bước xây dựng website vannghenghean.vn, tạo tiền đề xây dựng tạp chí Sông Lam điện tử vào năm 2022, đổi mới bản in tạp chí Sông Lam với nội dung phong phú, hình thức đẹp. Đặc biệt, năm 2023, Tạp chí Sông Lam đoạt giải A “Bìa báo Tết ấn tượng” tại Hội Báo Xuân toàn quốc là niềm động viên lớn đối với văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Đến nay, Tạp chí Sông Lam – cơ quan ngôn luận của Hội, được đánh giá là một trong những tạp chí văn nghệ địa phương hàng đầu của cả nước với đầy đủ bản in và bản điện tử, cập nhật nhanh, phong phú các tác phẩm VHNT và thông tin của Hội, của tỉnh…

Họa sĩ Tạ Tâm (hội viên Ban Mỹ thuật):

Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nhiều hoạt động. Hội là nơi tập hợp, đoàn đoàn kết anh em hội viên đồng lòng để sáng tạo và gặt hái được nhiều thành tích đáng kể trong hoạt động chuyên môn. Hội đã khắc phục được phần nào những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bộ mặt cơ quan Hội được xây dựng, chăm sóc khang trang, sạch đẹp…

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạo (hội viên Ban Ảnh):

Từ một người hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật tự do, tôi đã được các thế hệ đàn anh bồi dưỡng, giới thiệu vào Hội. Trong suốt quá trình sinh hoạt ở Ban Ảnh, tôi được tiếp xúc với nhiều NSNA kỳ cựu, có chuyên môn cao, giúp tôi có điều kiện học hỏi đồng nghiệp được nhiều hơn. Qua những chuyến tác nghiệp, những đợt sinh hoạt chuyên môn, được nghe các thế hệ đàn anh chia sẻ về chuyện nghề đã tạo cảm hứng cho tôi thêm yêu, thêm say nghề. Trong môi trường đòi hỏi tính chuyên môn, tính chuyên nghiệp cao, các bậc đàn anh mỗi người có một phong cách riêng, một thế mạnh riêng, tôi cũng đã cố gắng học hỏi, tích lũy để hình thành cho mình một phong cách nhiếp ảnh riêng. Khi được vào Hội, các hội viên trẻ như tôi có cơ hội đi thực tế sáng tác, được tiếp xúc với những NSNA hàng đầu đất nước thông qua các buổi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, các cuộc triển lãm.

Các bộ phận hoạt động đồng đều, trách nhiệm

Họa sĩ Tạ Tâm, nhà báo Trần Đình Hà, nhà thơ Nguyễn Đăng Chế.

Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhà thơ Nguyễn Đăng Chế (hội viên Ban Thơ):

Một trong những điều đáng ghi nhận của Hội trong năm qua là không khí vui vẻ, đoàn kết của anh chị em cán bộ cơ quan hội và hội viên. Tôi cho rằng, nền tảng của những thành công là tinh thần đoàn kết. Các văn nghệ sĩ đã phấn khởi, tích cực phát huy năng lực sáng tạo để sáng tác nhiều tác phẩm hay, đẹp, đạt được nhiều giải thưởng lớn. Đây vừa là thành công của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ, vừa là thành công chung của Hội. Đặc biệt trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã có một Ban Chấp hành rất năng động, nhiệt tình, trách nhiệm. Họ là những người tự nguyện làm việc không có chế độ nhưng luôn gương mẫu trong các hoạt động chung của Ban, của Chi hội, của Hội. Nhiệm kỳ vừa qua cũng ghi nhận tinh thần làm việc vui vẻ, khẩn trương và hiệu quả của cán bộ văn phòng Hội cũng như Tạp chí Sông Lam. Tạp chí Sông Lam đã có những bước chuyển biến lớn từ 2 tháng một số nay đã xuất bản đều đặn mỗi tháng 1 số, hình thức đẹp, nội dung phong phú và có thêm tạp chí Sông Lam điện tử.

Nhà báo Trần Đình Hà (hội viên Ban Sân khấu):

Tôi được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An từ năm 1998. Gần 30 năm là hội viên của Hội, 23 năm làm Chi hội trưởng Chi hội VHNT Thanh Chương.

Sau Đại hội khóa X, tôi nhận thấy có rất nhiều đổi mới. Tôi đã phát biểu qua nhiều diễn đàn rằng lãnh đạo Hội đã cố gắng làm việc rất dân chủ và rất bài bản nên đã tạo được không khí cởi mở, đoàn kết. Từ vai trò của những người đứng đầu, cán bộ Văn phòng Hội, Tạp chí Sông Lam đều làm việc rất nhiệt tình, thân thiện, trách nhiệm và hiệu quả. Rõ nhất là các hoạt động đều có kế hoạch, có văn bản hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời, họp hành dân chủ, cởi mở, kết luận gọn, rõ ràng; chi tiêu tài chính công khai, minh bạch. Tôi nghĩ, không chỉ bản thân mà rất nhiều hội viên cũng có nhận xét tương tự. Một trong những ưu điểm của Hội và Tạp chí Sông Lam trong nhiệm kỳ qua là chi trả nhuận bút rất nhanh, minh bạch, thể hiện sự trân trọng đối với văn nghệ sĩ, cộng tác viên. Sinh hoạt hội gần 30 năm, tôi thấy nhiệm kỳ này Hội ta làm được nhiều việc, ổn định và phát triển với nhiều khởi sắc.

Họa sĩ Tạ Tâm:

Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã có một Ban Chấp hành năng động, nhiệt tình, những người đứng đầu Hội có trình độ, tâm huyết, tài năng, làm việc công tâm, đều tay. Lãnh đạo Hội đã biết lắng nghe ý kiến văn nghệ sĩ, khiếm tốn, nhân văn trong ứng xử; biết tôn trọng mọi người, biết mở rộng quan hệ ra các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, các hội bạn trên cả nước… Nếu được tiếp tục điều chỉnh, tự soi, tự sửa những hạn chế, phân công nhiệm vụ hợp lý hơn trong bộ máy điều hành, chắc chắn Hội chúng ta sẽ tiến xa hơn nữa trong nhiệm kỳ tới!

Tổ chức các hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả

Nhạc sĩ Vũ Quốc Nam, nhà lý luận phê bình Hoàng Thu Hà.

Nhạc sĩ Vũ Quốc Nam (hội viên Ban Âm nhạc và Múa):

Tôi thấy rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã tổ chức được nhiều trại sáng tác có chất lượng. Các hội nghị, hội thảo, triển lãm cũng như tổ các hoạt động khác rất khoa học, sinh động, hiệu quả và thiết thực. Tôi được biết, chúng ta đã phối hợp với Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số và huyện Tương Dương tổ chức được 2 trại sáng tác văn học nghệ thuật cho các cháu thiếu nhi. Đây là hoạt động rất đáng quý, cần phát huy hơn nữa để chăm nom những mầm non văn nghệ kế cận cho tỉnh nhà. Bản thân tôi là một hội viên thuộc Ban Âm nhạc và Múa cũng đã từng tham gia một số trại sáng tác và thấy được những thay đổi tích cực. Tôi nói chi tiết này vì tôi nhớ nhiệm kì trước có một số trại được tổ chức tại chỗ, các trại viên chỉ dự buổi khai mạc và tổng kết trại, sau đó nộp bài. Một số người đã đem nộp những tác phẩm có sẵn, được viết từ rất lâu. Tôi nghĩ, như vậy sẽ không đúng với tinh thần tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật. Tôi mong muốn các hội viên luôn tâm huyết, ý thức được trách nhiệm của mình với Hội, khi tham gia trại sáng tác phải có tác phẩm mới, chất lượng chứ không phải tham gia cho có.

Nhà thơ Vân Anh:

Trong nhiệm kỳ qua, Hội ta đã làm được nhiều hơn so mặt bằng các Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương khác. Có thể nói rằng, những bước tiến của Tạp chí Sông Lam trong thời gian qua xứng đáng là một trong những tạp chí văn nghệ địa phương hàng đầu cả nước.

Thạc sĩ Hoàng Thu Hà (hội viên Ban Lý luận, Phê bình):

Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã thường xuyên tổ chức các trại sáng tác có chất lượng. Các chuyến đi thực tế về các địa phương trong và ngoài tỉnh không chỉ tạo sự gắn kết giữa các hội viên mà còn là cơ hội trải nghiệm, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Thực tế cho thấy, sau mỗi trại sáng tác, mỗi chuyến đi thực tế, các văn nghệ sĩ đều trình làng những tác phẩm mới, thuộc nhiều thể loại với đề tài khá phong phú, từ lịch sử, văn hóa đến những góc khuất của đời sống xã hội…

Vẫn còn những băn khoăn…

Cùng với việc ghi nhận nhiều thành quả Hội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, các hội viên cũng thẳng thắn chia sẻ về những điều, những việc Hội cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, nỗ lực trong chặng đường mới. Một số vấn đề cũng đã được lãnh đạo Hội nghiêm túc nhìn nhận và đưa ra giải pháp trong báo cáo tổng kết công tác chuyên môn, công tác Hội hằng năm, trong dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội khóa XI. Dưới đây chúng tôi tập hợp một số ý kiến của văn nghệ sĩ góp ý cho những điểm cần khắc phục trong công tác Hội nhiệm kỳ qua, mong Ban Chấp hành và lãnh đạo Hội nhiệm kỳ 2023 – 2028 tiếp tục lắng nghe và khắc phục để đưa Hội ngày càng phát triển.

Các ý kiến góp ý cho rằng, Hội cần quan tâm phát triển lực lượng trẻ, thiết lập mối quan hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo, xây dựng đội ngũ cộng tác viên từ các trường THPT, THCS, các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh.

Cần tăng cường nắm bắt và chỉ đạo sâu sát hơn hoạt động của các chi hội cấp huyện; có ý kiến đề xuất với lãnh đạo các huyện quan tâm hơn nữa đến các chi hội VHNT nhằm xây dựng, củng cố các chi hội cơ sở ngày càng vững mạnh.

Về xây dựng Ban Chấp hành của nhiệm kỳ tới, Hội cần chọn lựa những người thực sự tâm huyết, có điều kiện tham gia sâu rộng vào các hoạt động của Hội. Không nên đưa vào Ban Chấp hành những người mà nhiệm kỳ trước không hoàn thành nhiệm vụ.

Hội cần tăng cường vai trò của Ban Hội viên, một ban rất quan trọng của công tác Hội, góp phần xây dựng mối đoàn kết, nhất trí trong Hội. Ban Hội viên cần hoạt động thực chất, trưởng ban phải là người năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm. Nên chăng, Hội cần đề xuất khôi phục lại chức năng, nhiệm vụ của Ban Hội viên như trước đây. Cần tách Ban Múa ra thành một ban chuyên môn, hoạt động độc lập, vì những đặc trưng riêng của nghệ thuật múa.

Tùy theo tính đặc thù của mỗi lĩnh vực sáng tác mà các hoạt động tổ chức trại viết và đi thực tế sáng tác cần được triển khai ở những địa điểm và thời gian thích hợp. Chẳng hạn các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ múa, các họa sĩ cần được tổ chức đi thực tế sáng tác phù hợp với chuyên môn của mình.

Cần cân đối thời gian trình bày tham luận và thời gian thảo luận trong các cuộc hội thảo để các vấn đề được trao đổi, tranh luận nhiều hơn mà làm sáng tỏ các nội dung giúp cho cuộc hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực, thu được nhiều kết quả.

Nhiệm kỳ 05 năm là khoảng thời gian không dài nhưng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An đã từng bước khắc phục khó khăn, có kế hoạch và khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định đưa Hội hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tạo môi trường sáng tác, môi trường sinh hoạt chuyên môn đầy hứng khởi cho văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Trước thềm đại hội, Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An lại đứng trước những cơ hội và thách thức mới, hội viên tiếp tục đặt kỳ vọng vào một Ban Chấp hành, Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng văn nghệ sĩ trên con đường sáng tạo, phát triển nền văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát huy tinh hoa văn hóa tỉnh nhà. Những ý kiến chúng tôi đề cập có thể chưa đầy đủ nhưng là tâm huyết của các văn nghệ sĩ, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của người hội viên.

Nhân Đại hội lần thứ XI sắp diễn ra, tôi chợt nhớ tới ý kiến của nhà văn Đào Thắng, vừa qua đời. Ông sinh năm 1946, quê Hà Nam, nhập ngũ năm 1965, nhiều năm trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhà văn gắn bó với tuyến lửa Khu Bốn và anh chị em văn nghệ Nghệ – Tĩnh, thuộc thế hệ U70, U80, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017. Đào Thắng nổi tiếng với tiểu thuyết “Dòng sông mía”.
Ông đau đáu: “Văn chương cũng giống như các ngành nghệ thuật khác, có hoạt động quần chúng, nghiệp dư, và chuyên nghiệp. Luyện trí, luyện tài, luyện tâm để làm một cây bút chuyên nghiệp, thật khó. Tự vật lộn, tự vươn lên để có một tác phẩm mang tính chuyên nghiệp cao càng khó hơn. Tức là, cái tác phẩm ấy nó sống với mình được, với người khác được, nó sống ở nơi này nơi kia cũng được. Làm nghề văn, chúng ta cần rạch ròi như vậy!”.
Vâng, chúng ta cần ý thức được trong đời sống văn nghệ hiện nay, vẫn tồn tại song song cả “nghiệp dư” và “chuyên nghiệp”, cái nghiệp dư qua đi, bị lãng quên còn cái chuyên nghiệp, chuyên nghiệp cao sẽ ở lại, găm lại lâu dài. Hội Văn nghệ, tôi nghĩ, cần có nhiệm vụ sớm phát hiện, quan tâm, chăm sóc, khẳng định, tôn vinh những cây bút, những tác phẩm có tính chuyên nghiệp, chuyên nghiệp cao ấy làm nhiệm vụ chủ yếu và thường trực.
Khó, rất khó, nhà văn Đào Thắng vẫn bảo đó là công việc “thật khó”, tuy nhiên nếu chúng ta biết “rạch ròi” nhận ra, rồi thật sự cùng nhau làm thì hy vọng sẽ làm được. Tôi không phủ nhận toàn bộ những gì Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An làm được, làm tốt trong cả một nhiệm kỳ sắp qua, đặc biệt là chất lượng tạo nên “thương hiệu” Tạp chí Sông Lam (bộ mới). Điều tôi khao khát, có lẽ còn nhiều hơn thế nữa. Trước thềm Đại hội, thiết nghĩ, anh chị em hội viên các bộ môn cần chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những kinh nghiệm nghề nghiệp, cả những “va đập” của bản thân, lên diễn đàn cá nhân hay của Hội. Điều này, còn rất cần cho lãnh đạo Hội tham khảo, củng cố những gì chưa tới nhưng cần phải tới; để Hội xứng đáng là “chân rết” (trên đất Nghệ giàu truyền thống văn hóa, văn chương) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
(Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng)

Hữu Vinh (thực hiện)