Đũi sinh ra giữa mùa rơm rạ trong nắng đầu hè cháy bỏng da, người ta nói Đũi bị đẻ rơi lại thiếu tháng là do mẹ Đũi không muốn giữ cái thai này. Ông Đản bố Đũi đi trầm mãi tận Lào, đằng đẵng cả năm trời khiến cho bà Đẻn héo mòn trong chờ đợi cùng nỗi niềm khao khát đang độ thanh xuân vừa bén hơi chồng, mẹ Đũi ngã giúi vào tay kỹ sư xây đập thủy lợi. Tưởng ông Đản về thì sẽ làm ầm lên rồi ra làng ăn khoán theo lệ, nhưng không, ông chấp nhận như đã thủ phận là sự bèo nhèo của một kiếp người.

     Đũi lớn lên với cái tính hâm hấp nhưng rất chí thú làm ăn, một hôm ông Đản thấy ở đũng quần của Đũi có đóng váng, ông bàn với bà Đẻn tìm đám cho Đũi. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy nhà cô Thảnh con bà Thơi là hợp, thị Thảnh hơn Đũi năm niên cơ mà được cái khỏe mạnh, hình thể cân đối, tính tình ất ơ như Đũi, xem ra xứng đôi vừa miếng với Đũi. Bàn bạc chu tất, nhờ mai mối đưa chuyện cuối cùng nhà gái đồng ý kết nghĩa thông gia, dẫu sao thì con gái nhà họ cũng thất thường khi mưa khi nắng, có được đám trai dòm ngó thì âu là phước trùng lai. Đêm tân hôn, Đũi luống cuống chả biết làm sao, thị Thảnh bế thốc Đũi lên, láu táu trượt cái mỏ chui của Đũi ra phập vào con Át bích của thị, vừa nghe tiếng ái dà thốt ra thì cũng đúng lúc Đũi nằm thườn thở dốc trên bụng Thảnh. Đũi hoảng loạn đạp cửa lao ra chạy một mạch lên núi Ổ Gà, hai ba ngày sau lân la xuống chân đồi gặp thằng Tẹo đi rèo bò, Đũi hỏi:

        – Làng mình mấy hôm nay có đám ma nào không hở Tẹo?

Thằng Tẹo tròn xoe mắt:

        – Ơ. Anh hỏi chi lạ vậy, có ai chết đâu.

        – Tao tưởng hôm trước có người bị đâm thủng bụng mà chết – Đũi bâng quơ.

Rồi thì chờ nhá nhem tối Đũi mới dám mò về nhà, thị Thảnh ung dung tỉnh queo, coi như chẳng có chuyện gì!

    Trời vừa hừng sáng, Đũi đánh xe bò xuống chợ tăng bo hàng cho thương lái, Đũi ở chợ cả ngày, khi thì chuyển nông sản trong trang trại ra chợ cho người dân, lúc lại chở vật liệu xây dựng, phân tro, lân đạm cho chủ trại. Sau mãn việc à ơi đánh chén cùng nhau, con bò đực ngoe nguẩy đuôi đập ruồi đứng đợi, Đũi mềm oặt thì người ta khiêng ra quăng lên sàn xe, vỗ hai phát vào mông bò thế là chú ta tự giác làm phận sự của mình.

Tranh minh họa: Hà Phương

Đũi xem rượu là nguồn sống, uống đến mức bê tha, không làm chủ được bản thân, uống say rồi nằm quẹo người như con mực một nắng trên sàn ván chiếc xe cải tiến, con bò đực đủng đỉnh kéo tha lê cả xe lẫn chủ về tận ngõ, trăm lần như một,

Đũi bê tha đến mức bò tha.

Thị Thảnh đôi khi lấy làm ngao ngán lắm nhưng tiền công Đũi mang về nộp không thiếu một xu nên cũng xem cái sự nát của Đũi là bình thường, chỉ cái khoản giao ban ấy mới làm thị bứt rứt, ai đời nom lực điền thế mà lại cứ như chuồn chuồn đạp nước. Ngày thường lợn gà, dê, cá thị còn mở thêm hàng nước mía. Nhà ở cạnh đường cái quan nên rất thuận lợi cho cái sự buôn vặt của thị, cũng có đồng ra đồng vào.Hôm nay bóng gió la đà đung đưa trên ngọn cây sanh góc quán, chiều xiên nắng quái qua tấm bạt bảy màu bạc thếch, Đọi lảng vảng đánh trần trùng trục thả bò gặm cỏ mật dọc đường cái quan, thấy Thảnh một mình lui cui dọn dẹp, Đọi cợt nhả:

        – Mình này, đẻ giùm tôi đứa giai tôi biếu hẳn con bò!

Thảnh liếc nhanh xuống đũng quần cồm cộm của Đọi, hai bên má nóng ran như người sốt cảm nắng. Không trả lời, Thảnh quày quả đi về phía đụn rơm sau chuồng bò. Đọi ranh mãnh lùa chú bò vào chuồng rồi cài then lại. Tiến nhanh về phía Thảnh, Đọi giật phăng, ngấu nghiến, tiếng nhóp nhép gấp gáp như người già nhai trầu. Rồi buông xuôi như ánh nắng cuối ngày rơi trên đọt chuối. Đọi lủi nhanh qua hàng rào ô rô, ra đến đường cái quan Đọi gọi điện cho Đũi:

       -A lô Đũi hả, mày gọi về bảo thị Thảnh thả bò cho tao, gặm mấy lá khoai lang nhà mày mà nó nhốt bò vào chuồng bắt đền!

Đũi mắng Thảnh rằng ăn ở không biết làng trên xóm dưới, có mỗi vạt rau lang bé bằng bàn tay gây mất tình nghĩa láng giềng. Thảnh đành miễn cưỡng thả bò cho Đọi, chẳng nhẽ lại mách với chồng là con bò đực kia do đổi chác mà nên, ái dà, quân ăn cướp mất nết, khốn kiếp, khốn nạn, quân lưu manh.

Tiếng mõ lộc cộc vào ngõ, Thảnh vội dọn bữa cơm muộn cho chồng, trên cái chõng tre ông Đản phe phẩy chiếc quạt mo cau:

        – Bà nó xem lại nồi cám heo, lúc nãy tao nghe tiếng nhóp nhép như con gì ăn con gì sau đụn rơm!

Bà Đẻn dừng tay vằm thân cây chuối, nghển cổ vọng vào:

         – Ừ, tôi cũng nghe như tiếng con gì ăn con gì nhưng tôi nghĩ là chó nhà mình ăn chực cám heo nhà mình nên tôi mặc kệ, nhẽ lại vơi đi mất một ít, để tôi độn thêm chuối vào!

Thị Thảnh nghe nơi lồng ngực nhoi nhói, mằn mặn hai khoé môi, nhìn chồng xì xụp húp tô cơm chan lẫn với canh một cách mệt nhọc, thị gắp thêm cho Đũi miếng cá bống kho khô quắt như cái nhíu mày của Đũi.

Bà Đẻn buông tiếng thở dài kín đáo, tay dao vằm chan chát xuống thớt như trút bỏ cơn cay đắng tủi nhục của số phận, duyên kiếp của Đũi. Ông Đản vẫn ho hắng với cái điếu cày, khuôn mặt thô ráp không chút biểu cảm, có lẽ gió sương thời trai trẻ đã làm dày lên và chai đi lớp da mặt sừng hoá đến vô thần.  Đêm buông nhanh trùm lên cái oi nồng cơn gió Nam, xóm nhỏ ven đồi chìm vào yên lặng, gia đình 4 người lại vật vờ những cái bóng hắt hiu cần mẫn phần việc của mình trước khi lên giường tìm bình yên trong giấc ngủ.

  Sáng chưa bảnh mắt Đũi đã nghe tiếng nồi niêu xoong chảo bay rùng rèng bên nhà  Đọi, có lẽ cơn rượu khuya qua chưa tan hẳn, Đọi khua tay múa chân, vợ Đọi tóc tai rũ rượi ngồi bên xó cửa, trên tay thị là bé con khóc thét, ba đứa nhóc khép nép ngồi một nhúm trên chiếc phản ở góc ngoài nhà. Từng tiếng nấc ngắn cũn mệt nhọc phát ra trong cổ họng của người đàn bà khổ hạnh. Đũi xé hàng rào ô rô phi sang đè nghiến Đọi xuống, quặt hai tay của hắn ra sau, thị Thảnh dắt mấy mẹ con sang nhà mình. Đũi tống cổ Đọi vào nhà rồi khóa cửa, tiếng lè nhè chửi bới của Đọi khùng khục rồi tắt hẳn, Đũi bỏ về đi làm phần việc của mình với chú bò như thường lệ.

Tranh minh họa: Sưu tầm

Xóm ven đồi vào mùa sen nở thơm ngát, từng bông tinh khôi trong gió hanh hao lả lướt qua mặt hồ, vài tiếng đớp bóng cách quãng lẻ loi của mấy chú cá rơi tõm vào hoang vu, người đàn bà lang thang đi nhặt nắng, từng hạt nắng bông đùa vô tư trên lá cỏ, lá cỏ nhàu nhàu dưới mỗi bước chân qua. Nắng non trưa đổ nhòa trên mặt nước, võng xuống mờ mờ như thảm hơi sương, hay người đàn bà nhìn màu nắng qua những ngấn nước mắt? Thị vô thần đi mãi, đi mãi, đi mãi, đi qua hết vạt sen mọc ven bờ, cho đến lúc chỉ còn lại chấm đen chìm dần, chìm dần….

Đọi hớt hải chạy ra khi nghe giọng ông Đờng lắp bắp:

     – Chú Đọi….chú Đọi, thím nhà vướng lưới…. của tôi.

Đọi lao đi như tên bắn, linh tính mách rằng vợ Đọi đã trẫm mình sau trận đòn không kiềm chế của y, hối cũng đã muộn, chỉ vì khát khao đứa con trai nối dõi, lấy le với bạn bè không phải ngồi chiếu dưới lúc giỗ chạp mà Đọi hành hạ vợ mình khi đứa con thứ tư vẫn là gái. Những trận đòn vô cớ, những bắt lý nhỏ nhặt cộng với căng thẳng tâm lý của đàn bà sau kỳ ở cữ, vợ Đọi đã nghĩ quẩn.

Tiếng loa rỉ rả mẫu tử tình thâm vất vưởng não nề bay qua hàng rào ô rô khiến cho Thảnh bải hoải, thị biết cái cơ sự này cũng do rượu mà ra, giá như không có rượu thì Đọi đã bình tĩnh để không phải sinh chuyện đau lòng đến vậy.

Mõ bò lộc cộc vẳng trong tiếng nhạc đám ma, thị Thảnh đưa tay vuốt nhẹ lên cái bụng đã lùm lùm, Đũi lại mềm oặt trên sàn xe cải tiến. Ngày mai, đúng ngày mai sau khi hạ khoáng cho vợ Đọi xong theo lệ của làng, thị sẽ lên miền ngược cắt thuốc Nam gia truyền chữa bệnh nghiện rượu cho Đũi.

Ông Đản lò dò bước vào nhà Đọi, ánh nhìn hai người đàn bà trên khung ảnh u uẩn, ông thấy nhột trong người khi gặp thẳng đôi mắt của bà Thàng, ánh mắt ấy vừa cô độc, vừa trách móc, vừa van lơn.

    Bà Thàng vốn dĩ là người đàn bà mặn mòi và tự lập, mẹ bà từ miền biển đến tá túc ở làng nhỏ ven đồi này, khi mẹ khuất bóng bà ở một mình, thân gái bơ vơ làm thuê đủ việc để mưu sinh qua ngày, bà phiêu dạt mãi tận rừng rú đất Quảng Nam nhặt hạt ươi thuê. Thuở đó hạt ươi chưa được biết đến nhiều như bây giờ, thương lái gom mua chỉ để bán cho các tiệm thuốc cổ truyền của người Hoa. Việc thu hái cũng rất khó khăn và thô sơ, trai tráng trèo lên tỉa cành cho rơi xuống đất rồi đàn bà phụ nữ theo đó mà lượm quả. Trong bước đường ngậm ngãi tìm trầm phiêu dạt trên những cung rừng đầy chướng khí ông Đản gặp bà Thàng, cảm cái tình đồng hương hai người quấn vào nhau, khi mang bầu thì bà Thàng một mình về làng khai hoa nở nhụy.

Ông Đản châm nhang cắm vào hai cái lư lầm rầm khấn vái, ông lau lại mặt kính tấm ảnh thờ của bà Thàng một cách cẩn trọng, nhẹ nhàng như cái vuốt má âu yếm dưới gốc cây ươi năm xưa, giọt nước mắt già cỗi hiếm hoi rơi giữa khoảng bâng khuâng của ngày hè oi ả.

Lo liệu cho vợ Đọi xong, ông Đản bàn bạc:

      – Tao tính rồi, chỗ láng giềng anh em với nhau thằng Đọi và thằng Đũi chung tay thầu lại cái hồ của xã, nhân thêm giống sen để thu hoạch hạt, giữa hồ thả cá nước ngọt. Nhận thêm đất rừng để trồng keo tai tượng, sau này bán cây nguyên liệu cho nhà máy dăm gỗ đang xây dựng. Hai con bò tấn bán đi lấy tiền mà làm ăn.

Rồi ông quay qua hỏi bà Đẻn đang phì phạch vẫy quạt cho con bé:

      – Mụ thấy tôi tính thế đã ổn chưa?

    – Cứ theo ý ông quyết, nhưng tôi e hai thằng nát rượu liệu có làm nên cơm cháo gì không- Bà Đẻn e dè.

Hỏi là hỏi thế nhưng ông tính cả rồi. Với sự quyết đoán của mình, đây là lúc ông Đản phải đứng ra sắp xếp lại mọi thứ, không thể thờ ơ buông xuôi được, vì tương lai của con cháu trong gia đình nhốn nháo này, bọn trẻ không thể lặp lại vòng đời của ông bà, cha mẹ nó. Được mấy chỉ vàng gom góp trong ống tre dắt trên chái bếp, cộng với tiền bán hai con bò tấn, cha con ông Đản đã tạo dựng được đồi keo lai non xanh mướt mắt. Đũi và Đọi làm lụng cần mẫn, cái hồ sen lan rộng, nở những bông trắng tím. Mỗi chiều mây sà xuống ngang ngọn đồi, Đọi ngồi thờ thẩn đếm những cánh hoa sen thẩm sương, hắn thì thầm với gió lời sám hối muộn màng trong hư ảo. Đọi làm cái chòi giữa hồ, ở hẳn ngoài đó, bốn đứa trẻ do vợ chồng Đũi và ông bà Đản chăm nom.

   Từ ngày uống thuốc và cách li đám chợ Đũi dứt hẳn với thần men, chăm lo lao động hơn. Thị Thảnh chắc cũng đã đến kỳ khai hoa, ông Đản nhìn cái bụng thè lè của Thảnh, hồ như nghe tiếng nhóp nhép sau chuồng bò vẳng lại, ông thấy ầng ậng nơi mí mắt, trên môi ông thoảng nụ cười méo xệch, giọt nước mắt già cỗi không rơi, nó chảy quanh giác mạc sao buốt tấy.

Sơn Tràng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 2/ Bộ Mới/2020)