Quỳnh cho con ăn trong khi bé Phúc vẫn đang mải chơi xếp hình.
– Mẹ ơi, con xếp cần cẩu này có đẹp không?
– Đẹp lắm, bé cần cẩu trông thật đáng yêu, con giỏi quá. Phúc há miệng ra, cho mẹ xin một miếng nào.
Bé Phúc lại há miệng ra cho Quỳnh bón cơm.
Thường thì bữa tối nào cũng diễn ra như vậy, Quỳnh vừa cho con ăn vừa đợi chồng về.

Thái, chồng Quỳnh, là công nhân bậc 4 cơ khí, thợ khuôn mẫu. Nơi Thái làm việc là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thái đã tham gia nhiều cuộc thi thợ giỏi của công ty và đều đạt giải cao, có vài lần được nâng lương trước thời hạn một năm. Điều làm Thái ấm ức nhất, là những sáng kiến của anh thường chuyển sang cho người khác khi các sản phẩm mới được thử nghiệm thành công.

Thái về nhà, bộ quần áo xanh công nhân của anh lấm đầy dầu mỡ. Bé Phúc vui mừng chạy ra đón bố, hớn hở khoe.
– Bố ơi, bố thấy con xếp cái cần cẩu này có đẹp không?

Thái chẳng nói chẳng rằng, mặt mày sầm sì đi qua con, rồi vào thẳng nhà tắm, khiến cho bé Phúc ngơ ngác rồi bật khóc nức nở, vẻ rất tủi thân. Quỳnh xót con:
– Anh thật, con khoe thế mà chẳng khen con lấy một câu.

Quỳnh ôm bé Phúc nựng.
– Con ngoan, bố đang mệt, rồi tý nữa bố sẽ xem nhé.

Quỳnh lấy cho con vài quả nhãn. Bé Phúc ăn rồi lại tiếp tục chơi.

Thái tắm xong đi ra, tay vẫn cầm khăn lau đầu. Quỳnh đã sắp xong mâm cơm, cô xới cơm lên bát rồi đưa về phía chồng.
– Hôm nay ở xưởng có việc gì à?
– Cái thằng Thịnh, mang tiếng là kỹ sư, mà ngu như bò. Anh đã nói là chất lượng thép ấy không làm được khuôn mẫu, nhưng cứ khăng khăng bắt làm. Cuối cùng, cứ làm gần xong thì lại vỡ, bực không chịu được, vừa phí công, tốn của, lại ức chế.
– Sao anh không báo cáo lên quản đốc?
– Báo cáo thì cũng thế thôi, chẳng giải quyết được gì, mệt người. Phòng kỹ thuật cử kỹ sư về chỉ đạo thử nghiệm sản phẩm mới, nói gì mà xưởng chả răm rắp nghe theo. Nghĩ làm cái thằng công nhân nó nhục, tiếng nói chẳng có trọng lượng gì.

Quỳnh là giáo viên dạy văn cấp hai. Quỳnh quen Thái trong một lần theo chân người bạn gái đến cổ vũ cho lễ tổng kết cuộc “Thi thợ giỏi” của công ty. Nhìn thấy Thái lên nhận thưởng cao nhất của hội thi trong bộ đồ xanh công nhân với khuôn mặt đẹp trai, nụ cười hiền hậu, có duyên, Quỳnh đã như bị hớp hồn. Cô bạn gái tinh ý nói nhỏ “Tao làm mối anh Thái cho mày nhé?”, Quỳnh khẽ cười, đấm yêu bạn.

Những buổi hẹn hò của hai người, Thái luôn kể về công việc của anh, về độ khó của những bộ khuôn mẫu mà anh phải thực hiện. Thái còn làm tặng cô cái cặp tóc, cái nhíp rất đẹp mà không ở đâu có.

Có lần, Thái đưa cho Quỳnh xem một trục xoắn rất tinh xảo, khiến Quỳnh thích thú và khâm phục.
– Ô, anh giỏi thế. Anh làm thế nào để ra được cái thanh xoắn này?
– Anh có nói, em cũng không hình dung ra được đâu. Kỹ sư còn chịu, không đoán ra được anh làm cách nào.

Quỳnh bật cười khúc khích.
– Anh tài thật đấy, thế thì lần này anh được thưởng to rồi.

Thái cười buồn.
– Đến khi dây chuyền vận hành, anh sẽ lại ra rìa thôi. Lúc ấy là công lao của lãnh đạo và mấy ông kỹ sư hết, họ biết anh ở xó nào. Tiền thưởng thì cùng lắm bằng nửa tháng lương.

Quỳnh ưu tư.
– Thế thì cũng thiệt cho anh nhỉ. Nhưng mà không sao, đó là con đường mà anh đã chọn mà.
– Chẳng qua là trước đây anh đã không hiểu hết ý nghĩa của việc học hành nên mới lười học. Bây giờ mới càng thấy thấm thía.
– Em thấy công ty cũng có nhiều thợ bậc cao đi học tại chức, trở về còn lên được quản đốc đấy.
– Quản đốc thì được mấy chỗ, chắc gì đến lượt anh. Anh muốn đi học nghề nào đó mà không phải làm công nhân nữa.
– Anh đừng học nghề khác, anh học về kỹ thuật đi, em thật sự tiếc tay nghề của anh đấy. Em cũng nghe nhiều người khen, tay nghề khuôn mẫu trong công ty, anh là số 1.
– Số 1 thì cũng là kẻ cho người ta sai khiến thôi, tiếng nói chẳng có giá trị gì đâu.

Câu chuyện của hai người yêu nhau chỉ dừng ở đấy. Sau đó, họ cưới nhau rồi sinh con.

Minh họa: Hải Thọ

Từ ngày Thái về làm rể, bố Quỳnh, vốn là kỹ sư cơ khí như có thêm bạn. Hai người có thể thảo luận với nhau về một sản phẩm mới nào đó của công ty. Hay việc gì trong nhà, liên quan đến tu bổ, cải trang, hai bố con cũng thường bàn bạc với nhau. Thái làm gì, bố Quỳnh cũng yên tâm, chẳng như hai người anh trai của Quỳnh, mà theo cách nói của ông là không được tích sự gì cả, chỉ giỏi chỉ tay năm ngón.

Bé Phúc nay đã 5 tuổi mà việc học hành của Thái vẫn chỉ dừng ở lời nói. Họ có quá nhiều việc phải lo lắng trong khi đồng lương cả hai đều eo hẹp, vẫn phải ở nhờ nhà tập thể của công ty.

Đêm đã khuya, Thái trở mình không ngủ được, hẳn là hôm nay đã xảy ra to tiếng. Quỳnh thấy thương chồng, cô ôm anh.
– Anh định đi học về công tác quản lý hành chính.

Quỳnh nhỏm dậy, nhìn chồng:
– Thế anh định bỏ nghề à?
– Anh cũng chán làm cái thằng công nhân lắm rồi.
– Em thấy tiếc tay nghề của anh lắm.

Thái chiếu thẳng ánh mắt bực bội vào mắt Quỳnh, làm như cô là người có lỗi.
– Em có biết, chỉ vì cái tiếc của em mà anh đã phải cố gắng đến tận bây giờ không? Em có làm đâu mà em thấy nỗi khổ của công nhân. Mới lại, mấy lần đề nghị đi học kỹ thuật, mà xưởng có cho đi đâu.

Quỳnh cảm thấy đuối lý, phụng phịu:
– Nhưng mà…

Thái nói giọng dứt khoát:
– Bây giờ, con cũng lớn rồi. Em cố gắng nuôi con. Còn anh xin nghỉ không lương để đi học. Học xong mấy năm rồi tính.

Thái có đơn xin nghỉ việc, làm Quân quản đốc phân xưởng phải ra gặp Quỳnh thuyết phục.
– Quỳnh động viên Thái thư thư giúp anh một tý. Thử nghiệm sản phẩm mới đang ở giai đoạn then chốt mà cậu ấy lại đòi đi học thì bằng giết anh.
– Nhưng mà các anh có thực sự quý trọng tay nghề của anh ấy đâu.
– Sao lại không quý, nó yêu cầu gì trong công việc mà các anh chả đáp ứng.
– Nhưng mà cứ xong việc thì các anh lại coi anh ấy chả ra gì.
– Nói thật với em, chế độ nào tốt nhất cho công nhân là các anh cũng tạo điều kiện hết mức rồi đấy.
– Nhưng mấy lần anh ấy đề nghị đi học, các anh có tạo điều kiện đâu.
– Thái mà đi học thì xưởng bí người làm lắm em ạ. Công nhân thì nhiều, nhưng thợ khuôn mẫu có tay nghề cao như Thái thì ít lắm.
– Anh ấy nói, đi báo cáo thành tích, cũng chẳng bao giờ đến lượt, dù sáng kiến là của anh ấy.
– Em ơi, kỹ sư phải đi báo cáo các quan khách thì mới có tính thuyết phục chứ. Ai lại cho ông công nhân đi báo cáo sáng kiến quan trọng, quyết định đến cả dây chuyền sản xuất, thì làm sao xin được vốn đầu tư.

Quỳnh đã hiểu được sự ấm ức của Thái.

Kết thúc dự án, Thái được công ty tạo điều kiện cho nghỉ không lương và đi học. Trong quá trình đi học vẫn được nộp bảo hiểm để không bị ngắt quãng thời gian. Ngoài việc “ưu ái” ấy, Thái cũng không được nhận thêm tiền thưởng cho dù dự án đã thành công rực rỡ. Nghe đâu, công ty cũng tổ chức chiêu đãi các quan khách tưng bừng.

Thái ra trường, rồi xin về công ty khác làm nhân viên hành chính văn phòng. Với bản chất chăm chỉ, tỉ mỉ trong công việc nên Thái sớm nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo và sau đó được bổ nhiệm làm trưởng ban hành chính. Thái tự tin hẳn, anh bắt đầu uống rượu, hút thuốc, có chút tự hào khi nói về nghề nghiệp và những mối quan hệ của mình, dung mạo Thái như được “lột xác”.

Còn Quỳnh, đôi khi cô vẫn kín đáo thở dài vì tiếc cho tài năng và tay nghề của Thái, điều đã từng khiến cô ngưỡng mộ và yêu anh. Nếu còn ở lại với nghề, Quỳnh tin, chắc chắn Thái sẽ có nhiều cống hiến giá trị cho công việc.

Có lần, cả hai xem tivi, thấy một công ty Nhật Bản đãi ngộ số tiền lớn cùng với nhà cửa, xe hơi cho một công nhân lao động đã có sáng kiến giá trị, giúp công ty chế tạo thành công công nghệ tiết kiệm năng lượng cho một động cơ hành trình, Quỳnh buột miệng:
– Nếu mà ở nước mình, công nhân tài giỏi cũng được quý trọng như ở Nhật Bản thì có lẽ anh sẽ không chuyển nghề nhỉ?
– Đừng có mà mơ…!

Nghe Thái nói với giọng tưng tửng, Quỳnh có cảm giác như mất mát một điều gì đó rất khó lý giải. Bây giờ thì Quỳnh cũng hiểu, vì sao tình trạng thừa thầy thiếu thợ cứ mãi diễn ra trầm trọng và chưa có cách nào để khắc phục. Tư duy thâm căn cố đế của các bậc cha mẹ là bằng mọi cách phải đẩy con bước vào cổng trường đại học mà không cần quan tâm ngành nghề ấy xã hội có thực sự cần không. Bởi vì, họ hy vọng chỉ có bằng cấp mới giúp con họ ngẩng đầu với thiên hạ, tự khắc tiếng nói sẽ được xã hội trọng dụng.

Thái cũng thay đồ chơi cho con, những con rô bốt, siêu nhân dần thay thế cho những bộ ghép hình cơ khí. Thái cũng không còn hào hứng trò chuyện với bố Quỳnh về một chủ đề máy móc kỹ thuật mới nào đó.

Chiều chiều, những người công nhân áo xanh vẫn đi về trên con đường quen thuộc, nhưng Quỳnh đã không còn nhìn thấy bóng dáng của Thái trong số họ nữa. Quỳnh cũng ít phải chờ cơm chồng vì chuyện ăn uống của Thái đã trở nên thất thường.

Nguyễn Thị Nguyệt