Bà Hai ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần từ khi nhìn thấy thi thể cứng đờ của đứa con trai độc nhất. Mỗi lần tỉnh lại, bà chỉ biết gào tên nàng mà nhiếc móc, mà đay nghiến:

– Nó là con hổ dữ! Nó là loài ác quỷ! Nếu nó không ám vào con trai bà thì làm sao thằng bé chết khốn chết khổ, chết oan chết ức như thế! Trời ơi là trời!

Mọi người chẳng dám nói gì trước cơn điên loạn của người mẹ mất con. Bà lại trợn trừng mắt mà xỉa xói:

– Cái con đàn bà tuổi Dần kia. Mày đã tỉnh ra chưa? Hử? Tao đã ngăn cấm mà mày vẫn cứng đầu cứng cổ! Mày bẫy con tao vào tròng, dụ dỗ nó ăn nằm với mày để ép nó phải cưới! Giờ thì mày thỏa mãn chưa?

Bà Hai lại hú lên, tiếng hú nghe man rợ đến sởn gai ốc. Tóc xổ tung ra, bà lăn lộn từ trên thềm xuống dưới sân. Ngất đi một lúc rồi bà lại tỉnh.  Mắt long sòng sọc, người đàn bà như điên như dại:

– Tôi đã bảo ông rồi còn gì? Ông không nghe tôi, con mình tuổi Hợi sao lại rước cái của nợ tuổi Dần kia về làm gì?

Mọi người lặng lẽ thắp hương tiễn biệt người xấu số.

Nàng vẫn mê man bất tỉnh.

Xong lễ tam nhật của con, bà Hai nhìn nàng, vẫn cái nhìn đối với một tội đồ không thể tha thứ:

– Đấy, giờ thì cô đã vui lòng chưa? Con tôi không gặp phải loại hồ li tinh như cô thì nó đâu phải chết oan chết ức như thế?

Nàng ngước nhìn  mẹ chồng với đôi mắt sưng húp:

– Lỗi đâu phải tại con… Mẹ nói thế làm con đau lòng quá!

– Cút ngay! – Tiếng bà Hai khản đặc, cố rướn lên tưởng đứt cả thanh quản – Cô ra khỏi nhà tôi ngay! Đừng để tôi phải cầm đòn xóc đẩy ra!

Một tay ôm con, một tay xách túi đồ quần áo, nàng chạy  khỏi nhà. Mưa vẫn rơi đều đều. Mưa chi mà lạnh thấu da thấu thịt thế hả trời? Mưa không to, cứ râm râm ran ran đến khó chịu! Bé Ngân giãy giụa trên vai: “Không, con ở với nội cơ! Bà ơi!” Nàng bặm miệng phát mạnh, năm ngón tay in hằn đỏ tấy trên mông nó:

– Xuống đi, mày cũng làm khổ mẹ thế sao?

Bé Ngân ngồi chuầy chòa giữa đường, hai chân đạp lia lịa:

– Con ghét mẹ! Mẹ ác lắm!

Nước mắt nước mũi nó nhòe nhoẹt trong mưa. Nàng quỳ xuống bên con, nói trong cơn uất nghẹn:

– Mẹ khổ lắm rồi, con biết không?

Nàng dụi mặt vào đầu tóc ướt rượt của con, khóc tấm tức. Mưa vẫn rơi đều đều buồn bã. Mấy người đi đường tò mò nhìn. “Chắc lại ghen tuông giận dỗi chồng rồi ôm con bỏ đi chứ gì! Bọn trẻ thời nay lạ thật.” Nàng bắn một cái nhìn sắc lạnh vào bọn họ rồi ôm thốc con dậy, kiên quyết:

– Đi, mẹ con mình không thể khóc như thế này được đâu con!

Nàng đang dỗ con hay đang tự dỗ mình? Lòng nàng đã trở nên giá lạnh. Không khóc! Khóc là nhục, là hèn! Trước khi nàng lấy chồng, mẹ dặn: “Chồng đuổi thì ra, mụ gia đuổi thì vào, nghe con.” Nàng cười, nụ cười của người đang ngập tràn hạnh phúc: “Chúng con yêu nhau, bao lần mẹ anh ấy ngăn cản nhưng rồi cuối cùng cũng phải đồng ý đó mẹ.”  Mẹ cười buồn: “Bà ấy giàu, lại còn coi con trai như cục vàng. Nó được nuông chiều từ bé, thích gì được nấy. Lấy người như thế khó sướng lắm con!” “Mẹ cứ lo vớ lo vẩn” – vừa nói, nàng vừa ướm thử mấy bộ đồ mới sắm chuẩn bị đi lấy chồng. Giờ thì mẹ đã là người thiên cổ, mẹ có đau lòng không khi hôm nay nàng bị “mụ gia đuổi” nhưng không thể “vào” được vì chồng nàng đã chết? Chao ôi! Cái chết đến với con người ta dễ dàng thế sao?  Hình ảnh Vũ với thi thể còng queo, trên người chỉ độc một cái quần đùi dúm dó cứ ám ảnh nàng không tài nào dứt ra được! Không, nàng không đổ lỗi cho anh! Vũ ơi! Tại em, tại em hết! Anh được nuông chiều từ bé, còn em vất vả cơ cực từ khi còn trong bụng mẹ. Anh chẳng biết làm bất cứ một việc gì, còn em thông thạo mọi việc kể cả việc đàn ông. Mẹ anh bảo, “cô lấy nó mà để nó khổ là không xong với bà già này đâu đấy”. Sau giờ làm việc, anh không có thói quen về nhà mà chỉ lo tụ tập bạn bè, để mình nàng tất bật với những công việc có tên và không tên sau một ngày vất vả ở trường. Mẹ anh chì chiết, “tao nuôi nó ăn học tốn kém, giờ đi làm có lương thì cô hưởng”. Sống với nhau bốn năm, nàng nào biết tiền lương của chồng tròn méo ra sao. Tại em! Tại em, Vũ ơi! Vũ nghiện, em không biết. Vũ chích thuốc, em không hay. Em bị cái mã đẹp trai thư sinh của Vũ hút hồn. Em bị cái tài ăn nói của Vũ mê hoặc. Ngay cả gia đình anh cũng chẳng biết rằng anh đã nghiện ma túy từ hồi sinh viên. Họ giàu có. Họ nuông chiều con. Họ chu cấp tiền cho con không cần biết lý do…

Ôm con quay về nhà, nước mắt nàng lại lã chã tuôn rơi. Mẹ đã mất, nàng chỉ còn đứa em trai duy nhất làm chỗ dựa tinh thần để vượt qua nỗi buồn quá lớn này. Nước mắt nhỏ xuống chiếc bàn ngày nào nàng ngồi học. Nước mắt nhỏ xuống chiếc giường cũ kĩ, nơi mà bao đêm mẹ thủ thỉ tâm sự chuyện cuộc đời. Nàng nhìn ra góc vườn, cảm thấy như có dáng mẹ lúi húi nhổ cỏ. Mẹ ngẩng mặt nhìn, ánh mắt buồn như chiều mưa ngâu. Có phải những người đàn bà góa thường có cái nhìn như vậy? “Mẹ ơi!” Nàng gọi thành tiếng. Mọi hình ảnh trước mắt nhạt nhòa…

– Chị cứ nghỉ ít lâu cho tĩnh tâm, đừng nghĩ gì cả. – Tú rót cho chị cốc nước lọc và nói.

Sáng, vợ chồng Tú đi làm thì nàng bắt đầu dọn dẹp, quét tước. Nàng xới lại mảnh vườn, trồng ít rau thơm, giâm vài luống khoai. Nàng muốn tìm sự nguôi quên trong công việc. “Rồi cũng phải đi làm lại thôi, nghỉ lâu cũng ngại lắm” – Nàng tự nhủ: “Thôi thì người đi cũng đã đi rồi. Mình còn phải sống vì con, phải làm việc vì con.” Nàng chống cuốc, nhìn con gái đã bắt đầu vui vẻ trở lại, thấy lòng cũng vợi bớt nỗi buồn. “Ít lâu nữa em dâu sinh, chúng nó có chị có em chắc vui lắm.” Nghĩ thế, nàng chợt giật mình: “Chẳng biết có chuyện gì mà mấy hôm nay mự Lệ có vẻ lạnh nhạt, thái độ cứ gượng gạo với mình nhỉ?” Nàng lắc đầu, cố xua đuổi cái ý nghĩ vớ vẩn đó nhưng một lát nó lại bám lấy nàng như lũ muỗi mắt bắng nhắng trước mặt vào buổi chạng vạng tối. Thật khó chịu.

Tối đó, đang ăn cơm, Lệ bỗng chống đũa, nhìn thẳng vào mắt chị chồng:

– Chị này…
– ???
– Chị đã đi xét nghiệm chưa?
– Xét nghiệm gì cơ?
– Em không nghĩ chị lại vô tư như thế. Nghe người ta bảo anh Vũ không chỉ nghiện ma túy mà còn bị nhiễm HIV đấy.

Nàng giật nẩy mình. Vũ chết vì sốc ma túy thì rõ rồi, nhưng… nếu anh ấy lại nhiễm HIV… Một luồng điện chạy dọc sống lưng, nàng thấy lạnh toát cả người.
– Lệ! Sao em ăn nói thế hả? – Tú gắt vợ.
– Người ta đồn ầm lên đấy. Chẳng lẽ cứ bưng tai bịt mắt để không nghe gì, không thấy gì? – Lệ dửng dưng.
– Người ta đồn thế thì sao? Đồn gì thì anh Vũ cũng đã mất rồi. – Tú bắt đầu nổi nóng.
– Anh nghĩ mất rồi là xong sao? Anh không biết HIV lây truyền qua máu, qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con à?

Nàng run bắn, hai chiếc đũa rơi ra khỏi tay. Lệ vẫn tỏ ra bình tĩnh, đôi mắt nhìn như muốn xuyên thấu vào tâm can người chị chồng khốn khổ đang tím tái cả mặt.
– Theo em, chị nên đưa cả bé Ngân đi xét nghiệm.

Trời đã sập xuống, đất đã nứt toác thành vực sâu trước mắt nàng. Không! Chỉ là một cơn ác mộng! Tí nữa thôi, mình sẽ tỉnh dậy. Không có gì cả! Không có tờ kết quả xét nghiệm chết tiệt kia! Không có gì hết! Nàng sẽ tiếp tục đến trường, tiếp tục say sưa cùng các cháu nặn hình, ghép chữ! Nàng vẫn cất lên tiếng hát ngọt ngào, trong vắt vào những giờ tập hát hay những đêm biểu diễn văn nghệ. Nàng vẫn là một cầu thủ bóng chuyền xuất sắc của trường. Nàng mở mắt trừng trừng nhìn lên góc trần nhà, nơi có những mạng nhện chăng ngang chăng dọc. Một con ruồi bị dính mạng nhện, giãy giụa trong tuyệt vọng rồi nằm im chịu chết. Nàng dội chân xuống giường sầm sập. Nàng hét lên thật to cho tan cơn ác mộng. Bé Ngân sợ hãi nhìn mẹ. Ánh mắt nàng dại đi. Nàng lấy tay vò và giật từng mảng tóc trên đầu mà không thấy đau. Không phải ác mộng! Đó là sự thật. Thật như lời của cô em dâu đang ra điều kiện với chồng nó: “Hoặc là mẹ con chị ấy dọn ra khỏi nhà. Hoặc là em. Anh chọn đi”. “Sao em tàn nhẫn thế? HIV đâu lây truyền qua ăn uống, sinh hoạt?” “Giờ thì nhìn chị ấy em cũng không dám nhìn, đừng nói là ăn uống!” Dừng một lát, nó tiếp: “Nếu anh thương chị mình thì hai chị em cứ ôm ấp nhau mà sống. Em không thể… ” Bốp! Một cái tát nảy đom đóm mắt đã giáng vào má Lệ. Nàng nhổm dậy, giọng ráo hoảnh:

– Được rồi, mẹ con chị sẽ đi. Hai em đừng băn khoăn gì, đây là ý định từ trước của chị mà.
– Chị đi đâu? Nhà của mẹ, chị cứ ở, chẳng phải đi đâu cả! – Tú dứt khoát.
Nàng đặt tay lên vai em:
– Đừng lo cho chị. Hai em bất hòa thì chị khổ tâm lắm. Nếu sau này chị có mệnh hệ gì thì nhờ hai em nuôi cái Ngân thay chị…
Nói đến đó, nàng khuỵu xuống. Tú hốt hoảng đỡ chị dậy:
– Không đâu chị, chị em như chuối nhiều tàu, nhà mình có hai tàu thôi nhưng cũng phải che chắn cho nhau. Chị đừng nghĩ gì cả.

“Cô Lan bị nhiễm HIV!” Tin lan truyền nhanh một cách chóng mặt. Người ta thì thầm, người ta chỉ trỏ, người ta lấm lét nhìn nàng. Miệng nàng khô khốc và đắng ngắt. Mỗi bước đi cứ như lơ lửng trên mây. Thức trắng nhiều đêm, hai hốc mắt nàng trũng sâu. Nàng thấy sức lực trong người mình cứ rút dần, rút dần như nước ao trong mùa đại hạn. Nàng gầy đi một cách thảm hại.

“Cô Lan bị nhiễm HIV!” Chừng đó tiếng vang lên mà sức công phá của nó chẳng khác nào một quả bom nổ ngay giữa ngực nàng.  Bé Ngân đi nhà trẻ được chừng một tuần thì họp phụ huynh. Chưa lúc nào có cuộc họp căng thẳng như vậy. Mọi người sôi nổi hẳn lên khi bàn đến chuyện bức bối cả tuần nay. “Lớp ta có cháu Ngân nghe bảo bố mẹ đều bị nhiễm HIV, nếu vẫn cho cháu học thì chúng tôi rất băn khoăn” Một phụ  huynh lên tiếng. “Chơi với nó, nước bọt bắn vào cũng đủ nguy hiểm rồi.” “Nước bọt thì có can gì, mấy người chẳng hiểu gì sất!” “Ông chủ quan vừa thôi. Cẩn thận vẫn hơn chứ!” “Trẻ con chơi thì cấu má, cấu tai nhau là chuyện thường.” ” Đúng thế! Mà chúng nó cào cấu nhau, ai dám bảo máu của bé Ngân không dính vào đứa khác?”

Người ta tranh nhau nói, người ta hùng hổ phân tích, lí giải. Cãi nhau. Đập bàn đập ghế. Chung quy lại là không thể để một đứa bị HIV học chung trong lớp.

 Cô chủ nhiệm trấn an:

– Nhưng bé Ngân đi xét nghiệm âm tính với HIV mà? Sao mọi người lại lo lắng thế?

– Một lần chưa chính xác đâu cô ơi! – Một người tỏ vẻ hiểu biết nói.

Đám phụ huynh lại lao nhao: “Không nói dài dòng! Con chúng tôi gửi vào đây, nộp tiền vào đây là để được chăm sóc, được bảo vệ chứ không phải để lo nơm nớp từng ngày như vậy!” “Đúng thế! Đúng thế!”

Nàng ôm mặt lao ra khỏi phòng. Giờ trước mắt những người làm cha làm mẹ đầy trách nhiệm kia, nàng là một phần tử nguy hiểm. Con nàng là một phần tử nguy hiểm. Mẹ con nàng không nên sống chung với họ trong cái thế giới vốn đã đầy rẫy những hiểm họa này!

Kết thúc thôi! Sớm muộn gì cũng chết. Sống gắng thêm hỏi có ích gì? Hay chỉ làm phiền em mình? Hay chỉ làm cho mọi người lo lắng? Nàng chạy. Bao nhiêu sức lực còn lại dồn vào lần chạy cuối cùng này. Sau đó là gì? Vài ba lời xót xa. Vài ba lời thương hại. Vài ba lời trách móc. Vài ba lời chê bai. Rồi mặt trời vẫn háo hức nhô lên ở dãy núi phía đông mỗi sáng và mệt mỏi rơi xuống dãy núi phía tây mỗi chiều. Rồi mùa xuân hoa vẫn nở. Rồi mùa hè nắng vẫn chang. Cuộc sinh tồn của muôn loài vẫn nhộn nhạo trong từng vòng quay của quả địa cầu. Thế thôi!

Bé Ngân ôm chặt mẹ, khóc không ra tiếng. Khi tay nàng chuẩn bị rời thanh chắn trên cầu và mắt vừa kịp nhìn dòng nước loang loáng phía dưới thì bị một bàn tay cứng như thép ôm ngang người…

Loáng cái, hai mẹ con nàng gần như bị đẩy qua cửa xe. Sau phút định thần, nàng lấm lét ngó sang người đàn ông râu quai nón đang bình thản nhìn về phía trước, tay đặt nhẹ trên vô lăng, miệng huýt sáo khe khẽ theo nhạc bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Nàng ấm ức:

– Anh cứu tôi làm gì? Anh có bị điên không?
Người đàn ông quay sang, cười sảng khoái:
Tôi đâu cứu cô. Tôi cứu thiên thần bé nhỏ này này!

Anh đưa tay bẹo nhẹ vào má bé Ngân. Con bé tự nhiên cười toe toét, mắt nhìn chú râu quai nón mà không thấy vẻ sợ hãi nào hết.
– Tôi không đùa, và không cảm ơn anh đâu. Cứu một người khi họ muốn chết là gây tội chứ không phải làm phúc!
– Tôi cũng đâu có đùa! Cô muốn chết thì cứ việc, nhưng đứa trẻ này đâu muốn chết như cô? Bắt một người không muốn chết phải chết thì là tội hay phúc?
– Anh mở cửa cho tôi xuống ngay! Mở ra! – Nàng nổi khùng.

Dường như không để ý đến thái độ của nàng, anh lại huýt sáo theo một điệu nhạc vui nhộn.

– Anh có nghe tôi nói không đấy?
– Tôi không điếc!
– Vậy thì mở cửa ra! – Nàng hét lên.
Cây cối, nhà cửa vẫn loang loáng trôi về phía sau.

Xe dừng trước một ngôi nhà hai tầng xinh xắn. Người đàn ông bước xuống, vòng sang mở cửa xe:

 – Thôi, đưa con bé tôi bế cho. Xuống đi.

Bé Ngân ngoan ngoãn giơ tay ra, một sự quen thân lạ lùng. Nàng líu ríu bước xuống và đứng ngay trước xe.

–  Đưa nó cho tôi!
– Đừng cứng đầu! Muốn sống mới khó, chết thì có khó gì.
– Này! Những kẻ giàu có, sang trọng như anh mới muốn sống, hiểu chưa? Anh không hiểu được nỗi khổ của những người như chúng tôi nên đừng lên giọng dạy đời! Đưa con tôi đây!
– Này cô, tôi phải cho con bé ăn gì đã chứ. Nó đói veo rồi đây này.
– Không mượn anh lo cho mẹ con tôi. Anh lấy tư cách gì chứ?
– Tùy cô thôi, nhưng nhìn cô cũng có vẻ người có học, tôi nói thế này: Nguyễn Du viết “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Đừng tự đi tìm cái chết mà sau đó lại đổ tội cho số phận! Phải biết giành giật với ông trời từng ngày để được sống, phải biết chọn ngả rẽ đúng đắn nhất. Nhắm mắt đưa chân, buông xuôi mặc số phận là nhu nhược, là hèn, là ngốc nghếch. Biết chưa?
– Tôi…

Nhưng râu quai nón đã bế bé Ngân sải từng bước dài đi vào nhà, bỏ mặc tiếng hét dở dang của nàng.

Trong khoảnh vườn nhỏ, cây cảnh được trồng trong các chậu kích thước khác nhau, nhiều hình nhiều vẻ. Điều dễ nhận thấy là chúng được chăm sóc, tỉa tót rất cầu kỳ. Một cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu xâm lấn  khi nàng bước vào căn phòng khách được bài trí đơn giản mà đẹp mắt.

Bé Ngân sau khi được tắm mát, ăn no đã ngủ ngon lành. Nhìn gương mặt bé thật bình yên. Nàng ngồi yên nghe câu chuyện đời anh, trong lòng dào lên những cảm xúc mới lạ. Cảm phục. Ngưỡng mộ. Yêu thương. Trân trọng.

Hai mươi tuổi, chỉ vì nuôi mộng đổi đời mà anh theo hội đào vàng lên tận rừng Quỳ Châu, Nghệ An. Tên bưởng trưởng đã dùng ma túy để giữ chân những người làm cu li cho mình. Sau hai năm, anh thoát được nhưng phải mất ba năm đi trại cai nghiện. Ma túy thì cai được, nhưng virus HIV anh phải mang  suốt đời. Anh quyết định sống độc thân, lao vào làm ăn; suốt hơn mười năm vừa tơi tả vì bệnh tật, vừa nợ nần vì bị bạn bè lừa lọc, tráo trở.  Nhưng rồi số phận đã mỉm cười khi anh quyết định mở xưởng chế biến đá. Điều đặc biệt, công nhân của anh hầu hết là người bị nhiễm HIV. Anh tìm đến họ, động viên họ bằng chính con người mình, chính cuộc đời mình. Anh thắp trong họ một niềm tin để họ thấy đời không tăm tối.

Con người ta vẫn có những bước ngoặt kỳ lạ như thế. Giờ thì Lan và Hùng “H”  đã là một cặp đôi hạnh phúc. Bé Ngân đã vào học lớp một. Lần đi khám mới đây nhất, bác sĩ khẳng định: “Bé hoàn toàn không bị nhiễm virus HIV”. Toàn xưởng tổ chức liên hoan ăn mừng điều kỳ diệu này. Họ, những người có H, nhảy múa, hát vang cả dãy nhà tập thể công nhân. Bé Ngân không có H khiến họ vui sướng như chính mình không bị bệnh.

Một lần nàng thắc mắc cái biệt danh Hùng “H”, Hùng cười thật tươi:

– Để khỏi nhầm với Hùng “gút”, Hùng “què”, Hùng “bạch tạng”, thế thôi.

– Nhưng…

– Chẳng “nhưng” gì cả. Em đừng nặng nề thế, HIV cũng chỉ là một loại bệnh. Người mắc bệnh đâu phải là kẻ xấu, kẻ ác? Sao lại bị phân biệt đối xử? Sao lại phải giấu giếm che đậy bệnh của mình?

Nói rồi Hùng quay lại, âu yếm ôm người “vợ nhặt” của anh vào lòng, lấy bộ râu quai nón cà nhẹ lên má người phụ nữ mà anh trân quý:

– Nhưng anh phải cảm ơn ông trời đã đưa đến cho anh một người vợ vừa xinh đẹp lại đảm đang, tháo vát như em.

Lan ngất ngây sung sướng. Mắt nàng rạng ngời hạnh phúc. Họ hôn nhau nồng nàn, say đắm. Bóng dáng của gã H chết tiệt không còn lởn vởn quanh họ những lúc này.

– Em dự định vào mồng một tháng Mười Hai năm nay, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày quốc tế phòng chống AIDS, mình sẽ tổ chức một chương trình giao lưu thơ nhạc thật hoành tráng, được không anh?

Hùng ngồi bật dậy:

– Đúng rồi! Em giỏi lắm! Phần nội dung em cứ chuẩn bị đi nhé. Anh sẽ lo khâu tổ chức, khách mời. Mình sẽ mời đại diện các cơ quan, trường học trong huyện, được không em?

– Vâng, những việc đại sự như thế thì chắc chắn phần anh rồi, chồng yêu ạ. – Nàng quàng tay lên cổ chồng, trong ánh đèn ngủ dịu dàng, má nàng ửng đỏ trong niềm hạnh phúc.

Hai năm qua, Lan không chỉ cùng chồng quán xuyến việc làm ăn mà nàng còn có ý tưởng và đã cùng anh thành lập một câu lạc bộ với tên gọi: “Chúng ta là bạn”. Ban đầu thành viên chỉ là những công nhân trong xưởng, rồi dần dần, câu lạc bộ kết nạp thêm nhiều thành viên khác ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều mang trong mình căn bệnh thế kỉ. Câu lạc bộ có bốn đội bóng chuyền, một đội văn nghệ. Cứ năm giờ chiều hàng ngày, nếu hôm nào trời mưa là các cầu thủ cứ rấm rứt chân tay.  “Không có vài hiệp bóng, ăn cơm mất cả ngon.” Đội văn nghệ do Lan trực tiếp phụ trách đã dành được nhiều giải thưởng trong phong trào văn nghệ quần chúng của huyện. Ngày phòng chống HIV/AIDS, mồng một tháng Mười Hai, câu lạc bộ tổ chức biểu diễn văn nghệ, đọc thơ. Cô giáo Lan ngày nào múa hát trước các bé mầm non, giờ duyên dáng trong tà áo dài cất cao giọng hát ngọt ngào, quyến rũ trước bao con người đang vượt lên mặc cảm bệnh tật để vui sống. Rồi mọi người đọc thơ. Những bài thơ tuy còn mộc mạc, có khi ngô nghê trong gieo vần nhưng người nghe vẫn háo hức và dành những tràng pháo tay giòn giã cho tác giả. Kết thúc là những trận bóng chuyền căng thẳng và kịch tính. Dường như không phải họ đang cố gắng dành từng điểm bóng mà là đang nỗ lực bằng mọi cách để dành lại những ngày sống có ý nghĩa nhất. Niềm tin vào cuộc sống của họ càng vững hơn khi mọi người được tư vấn sức khỏe thường xuyên và dùng thuốc ARV.

Hùng âu yếm hỏi vợ:
– Vậy trong phần mở đầu buổi giao lưu, theo em, anh nên nói gì?
– Nói câu mà anh đã mắng em hồi trước khi em định từ bỏ cuộc sống ấy.
Hùng cốc nhẹ vào trán vợ:
– Chỉ được cái nhớ dai!
– Thế anh còn nhớ nữa không?
– Nhớ chứ! Đó là tâm niệm của anh mà. Đừng tự đi tìm cái chết mà sau đó lại đổ tội cho số phận! Phải biết giành giật với ông trời từng ngày để sống, phải biết chọn ngả rẽ đúng đắn nhất. Nhắm mắt đưa chân, buông xuôi mặc số phận là nhu nhược, là hèn, là ngốc nghếch.

Cả hai cùng cười. Lan tiếp tục ý tưởng của mình:
– Còn tiết mục cuối cùng, em muốn cả gia đình mình cùng lên biểu diễn bài “Ba ngọn nến lung linh” được không anh?
Cả hai nhìn sang giường con gái. Bé Ngân đang ngủ bỗng chúm chím cười. Chắc cô bé mơ thấy mình được lên sân khấu?

Bất giác, nàng gõ nhịp, khe khẽ hát:
“Lung linh, lung linh tình mẹ tình cha
Lung linh, lung linh chung một mái nhà”
Hùng cũng hòa vào với vợ:
“Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình”.

Nhật Thành