Guy de Maupassant (1850 – 1893), một trong những nhà văn xuất sắc thế giới của thế kỷ XIX với các tiểu thuyết “Một cuộc đời”, “Người bạn tốt”, “Pierre và Jean”… Nhưng trước tiên khi nhắc về Guy de Maupassant, người ta sẽ nghĩ đến hàng trăm những tác phẩm truyện ngắn vượt thời gian của ông: Horla, Người chết, Nắm mỡ, Một vụ ly dị… Trong những câu chuyện của ông, người đọc có thể cảm nhận được sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực được đẩy lên ở mức siêu thực pha chút bi quan trong một phong cách văn học tinh thông của một nhà văn tài ba đang chết dần chết mòn vì căn bệnh truyền nhiễm.
Năm 1877, Maupassant bị mắc căn bệnh truyền nhiễm giang mai. Từ một người rất yêu thích thể thao, Maupassant trở thành con bệnh phải sống trong đau đớn đến cuối đời. Căn bệnh không chỉ khiến ông đau đớn về thể xác, nó còn khiến ông phải gánh chịu sự tàn phá ghê gớm về mặt tinh thần và trí tuệ. Để chống chọi với các cơn đau, ông đã phải sử dụng loại thuốc éther khiến ông rơi vào cảm giác mơ hồ, vậy nhưng căn bệnh vẫn không thuyên giảm.
Từ năm 1882, Maupassant bắt đầu xuất hiện ảo giác. Những ảo giác ngày càng trở nên trầm trọng khiến ông luôn nhầm tưởng nhìn thấy bản thân mình ở phía đối diện. Trong ba năm cuối đời, Maupassant dường như dừng hẳn các hoạt động sáng tác. Tuy nhiên vào năm 1890, ông đã kịp xuất bản cuốn tuyển tập các truyện ngắn cuối cùng của mình, bao gồm các câu chuyện siêu thực. Và mặc dù các cơn đau đến xé da thịt dẫn đến sự tê liệt của hệ thần kinh, những câu chuyện cuối cùng của ông vẫn được viết vào những thời điểm tỉnh táo nhất. Nhờ đó, ông vận dụng tất cả kinh nghiệm của mình để viết lại các câu chuyện dưới góc độ của một người bệnh hoang tưởng tạo nên những tác phẩm bất hủ.
Sau này, các nhà phê bình văn học đã phải thừa nhận một sự thật về các tác phẩm Guy de Maupassant, các câu chuyện siêu thực của ông không chỉ phản thế giới nội tâm của ông, mà trên hết nó phản ánh bầu không khí của xã hội lúc bấy giờ.
Maupassant không phải là người duy nhất bị thu hút bởi sự điên loạn của xã hội, một sự điên loạn không xuất phát từ sự phi lý trí của con người mà là từ những những hiện thực khó nắm bắt của xã hội. Có một điều rất mâu thuẫn đó là vào thời điểm lúc bấy giờ, khoa học càng tiến bộ thì nó lại càng khuếch trương những yếu tố siêu thực. Sự phát triển lớn mạnh ấy đã khiến con người thay đổi thái độ một cách bất ngờ và nhanh chóng đối với những hiện tượng siêu nhiên. Từ sự nhìn nhận tích cực, thừa nhận hiện tượng như vốn tự nhiên sinh ra phải thế thì nay con người bắt đầu nghi ngờ về khả năng lý giải thế giới một cách tích cực nhất của mình. Các phát hiện khoa học càng nhiều thì con người càng thêm cảm giác bị đẩy về phía của thế giới vô tri càng mạnh, họ có cảm nhận rằng thế giới đang tuột dần khỏi sự kiểm soát của thần linh và của con người. Maupassant cũng đã tự chất vấn về sự vô tri và khả năng lý giải của loài người thông qua các tác phẩm truyện ngắn của mình và đó là lý do khi đọc ông, người ta có cảm giác như ông đang tìm kiếm một câu trả lời lý trí cho những thứ chưa được khoa học giải thích.
Tuy nhiên ngoài các tác phẩm siêu thực, thì Maupassant còn là cây bút của những truyện ngắn siêu hiện thực với lối viết tự sự, kể như không kể, đầy yếu tố bi quan nhưng lại hàm chứa một cái nhìn độ lượng về xã hội. Những truyện ngắn này cho đến bây giờ vẫn bảo tồn được những giá trị đạo đức và xã hội khiến con người bất giác giật mình khi đọc lại.
Truyện ngắn Nỗi sợ được đăng trên tờ Le Figaro số ra ngày 25 tháng 7 năm 1884. Nó cũng được in lại trên tờ Tiếng vọng của tuần số ra ngày 31 tháng 8 năm 1890. Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu tới bạn đọc:

Con tàu lao hết tốc lực trong bóng tối.

Tôi ngồi một mình, đối diện với một ông già đang nhìn ra phía cửa sổ. Mùi phenol nồng nặc bốc ra từ toa tàu, chắc chắn là đến từ Marseille.

Đó là một đêm không trăng, ngột ngạt và nóng bức. Không có lấy một ngôi sao, đoàn tàu phả vào chúng tôi một thứ gì đó nóng nực, ủ rũ, ngột ngạt đến khó thở.

Sau khi rời Paris ba giờ trước, chúng tôi đang đi về phía miền Trung nước Pháp mà không xuyên qua những vùng đất khác.

Cảnh tượng bỗng nhiên xuất hiện như một thứ kỳ lạ. Xung quanh một đống lửa lớn, trong một khu rừng, có hai người đàn ông đang đứng.

Chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng đó trong giây lát. Nó khiến chúng tôi liên tưởng đến hai kẻ khốn khổ, rách rưới, đỏ rực trong ánh sáng chói lòa của ngọn lửa, khuôn mặt trổ đầy râu ria hướng về phía chúng tôi, xung quanh họ khung cảnh giống như bối cảnh sân khấu của một vở kịch, cây xanh, một màu xanh nhạt, sáng bóng, từ thân cây hắt lên những hình phản chiếu sống động của ngọn lửa, in hình lên tán lá, xuyên qua những chiếc lá, chảy dài lên đó.

Sau đó mọi thứ trở lại tối sẫm.

Quả thật đó là một cảnh tượng rất kỳ lạ! Hai người đi bộ đó đang làm gì trong khu rừng này? Tại sao lại đốt lửa trong một đêm ngột ngạt đến vậy?

Người ngồi cạnh lôi ra chiếc đồng hồ và nói với tôi:
– Mới nửa đêm thôi thưa ngài, chúng tôi vừa chứng kiến một điều kỳ lạ.

Tôi đồng ý với ông ta và chúng tôi bắt đầu nói chuyện, để tìm hiểu xem những nhân vật này là ai. Những tên tội phạm đang phi tang bằng chứng hay các thầy phù thủy đang điều chế thuốc? Họ sẽ không đốt lửa như thế vào lúc nửa đêm, giữa mùa hè, trong rừng, chỉ để nấu thuốc? Vậy họ đang làm gì? Chúng tôi không thể tưởng tượng được điều gì có thể xảy ra.

Và người ngôi cạnh tôi bắt đầu nói… Đó là một người đàn ông luống tuổi mà tôi không thể xác định được nghề nghiệp. Chắc chắn là một người đặc biệt, rất có học thức và có vẻ hơi thất thường.

Nhưng liệu chúng ta có biết ai là người khôn, ai là người điên trong cuộc sống mà sự khôn ngoan thường bị đặt tên là ngu ngốc và sự điên rồ lại mang danh thiên tài?

Ông ấy nói:

Tôi rất vui vì đã được chứng kiến điều này. Trong vài phút tôi đã cảm nhận được cảm giác biến mất!
Trái đất chắc hẳn đã xáo trộn biết bao trong quá khứ, lúc nó còn quá bí ẩn!
Khi chúng ta vén lên bức màn của những điều chưa biết, chúng ta đã làm suy giảm trí tưởng tượng của con người. Ngài không thấy sao, thưa ngài, đêm rất trống trải và rất đen tối từ khi trí tưởng tượng không còn nữa.
Chúng ta tự nhủ: “Không còn ảo tưởng, không còn niềm tin kỳ lạ, mọi điều không giải thích được đều có thể giải thích được. Hiện tượng siêu nhiên suy tàn như lòng hồ bị vắt cạn, ngày qua ngày khoa học đẩy lùi những giới hạn của điều kỳ diệu”.
Tôi thuộc tuýp người cũ, thưa ngài, ưa thích niềm tin. Tôi thuộc về tuýp người ngây thơ xưa cũ quen với việc không hiểu, không tìm kiếm, không biết, quen với những điều huyền bí xung quanh và là người chối bỏ sự thật đơn giản và rõ ràng.
Vâng, thưa ngài, chúng ta đã làm suy giảm trí tưởng tượng bằng cách đàn áp những điều vô hình. Trái đất của chúng ta ngày nay hiện ra trong mắt tôi như một thế giới bị bỏ hoang, trống rỗng và trần trụi. Niềm tin cho nó vẻ nên thơ đã biến mất.
Khi tôi ra ngoài vào ban đêm, tôi thích được rùng mình trước sự sợ hãi đã khiến các bà các mẹ phải ký tên dọc theo các bức tường của nghĩa trang và những người mê tín cuối cùng phải bỏ chạy trước làn hơi kỳ lạ bốc lên từ đầm lầy và những đốm lửa kỳ quái của đám ma trơi! Tôi muốn tin điều gì đó mơ hồ và đáng sợ mà chúng ta tưởng tượng có thể xảy ra trong bóng tối biết bao.
Bóng đêm của những buổi tối hẳn phải rất mịt mùng và khủng khiếp trong quá khứ, khi nó đầy rẫy những sinh vật hoang đường, vô danh, những bóng ma rình mò độc ác dưới đủ loại hình dạng mà người ta không thể đoán được, nỗi sợ hãi làm đông cứng trái tim, sức mạnh huyền bí của chúng vượt qua những giới hạn suy nghĩ của chúng ta, và việc nắm bắt được chúng là chuyện phải làm?
Với hiện tượng siêu nhiên, nỗi sợ hãi thực sự đã biến mất khỏi trái đất, bởi vì chúng ta chỉ thực sự sợ những gì chúng ta không hiểu. Những mối nguy hiểm có thể nhìn thấy gây xúc động, gây hoang mang và sợ hãi! Điều này chưa là gì so với sự hoảng hốt khi nghĩ rằng chúng ta sắp phải đối diện với một bóng ma lang thang, rằng chúng ta sắp phải chịu đựng cái ôm của một người chết, rằng chúng ta sắp bị một trong những con vật khủng khiếp mà con người tưởng tượng ra đang chạy theo và đuổi bắt chúng ta? Đối với tôi, bóng tối dường như trở nên thật rõ ràng từ khi nó không còn những nỗi ám ảnh nữa.
Và bằng chứng cho điều này là khi chúng ta đột nhiên thấy mình đơn độc trong khu rừng, chúng ta sẽ bị ám ảnh bởi hình ảnh của hai sinh vật kỳ dị vừa xuất hiện trong ánh chớp dưới ánh sáng của ngọn lửa hơn là việc đối mặt với một mối nguy hiểm thực sự bất kỳ.

Ông lặp lại: “Người ta chỉ thực sự sợ những gì mình không hiểu”.

Và đột nhiên một ký ức ùa về trong tôi, ký ức về câu chuyện mà Tourgueneff đã kể cho chúng tôi vào một ngày Chủ nhật tại nhà của Gustave Flaubert.

Liệu ông ấy có viết lại câu chuyện đó ở đâu không, tôi không rõ lắm.

Không ai trong chúng tôi vượt qua được tiểu thuyết gia vĩ đại người Nga, người biết cách truyền tải cảm giác hồi hộp của những điều chưa biết đang bị che giấu, và, trong ánh sáng lờ mờ của một câu chuyện kỳ lạ, cho phép chúng tôi thoáng nhận ra cả một thế giới đầy xáo trộn, bất định, đầy đe dọa.

Với vị tiểu thuyết gia này, chúng tôi cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng, nỗi sợ hãi mơ hồ về điều vô hình, nỗi sợ hãi về điều chưa biết đằng sau bức tường, đằng sau cánh cửa, đằng sau cuộc sống bề ngoài. Với ông ta, chúng tôi bỗng nhiên như bị ánh sáng mơ hồ chiếu qua, chúng chỉ chiếu vừa đủ sáng để làm tăng thêm sự lo lắng của chúng ta.

Ông ta giả bộ như chỉ ra cho chúng ta thấy tầm quan trọng của những sự trùng hợp kỳ lạ, của các mối liên hệ bất ngờ giữa những hoàn cảnh tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng lại được dẫn dắt bởi một ý chí tiềm ẩn và quanh co. Chúng ta tin rằng, nhờ nó, chúng ta cảm nhận được một sợi dây vô hình đã chỉ hướng cho chúng ta một cách bí ẩn trong suốt cuộc đời, tựa như trải qua một giấc mơ viển vông nhưng chẳng thể nắm bắt được ý nghĩa của nó.

Ông ta không đi vào lĩnh vực siêu nhiên một cách mạnh dạn như Edgar Poe hay Hoffmann, ông ta chỉ kể những câu chuyện đơn giản, trong đó có pha trộn một chút gì đó mơ hồ và một chút xáo trộn.

Vào ngày hôm đó, ông cũng nói với chúng tôi: “Chúng ta chỉ thực sự sợ những gì mình không hiểu”.

Ông ấy ngồi, hay đúng hơn là ngồi ngả ngớn trên một chiếc ghế bành lớn, cánh tay buông thõng, đôi chân duỗi thẳng thư thái, mái tóc trắng xóa, chìm nghỉm trong làn sóng râu và mái tóc dày khiến ông có vẻ ngoài của một Người Cha vĩnh cửu hay của dòng sông Ovid.

Ông ấy nói chậm rãi, với vẻ uể oải tạo nên sức hấp dẫn cho câu văn và một chút ngập ngừng có chừng mực trong ngôn từ làm tăng thêm phần nặng nề để làm nổi bật tính chính xác đầy màu sắc của từ ngữ. Đôi mắt nhợt nhạt của ông, mở to giống như đôi mắt của một đứa trẻ, ánh lên tất cả những cảm xúc trong suy nghĩ của ông.

Minh họa: Hữu Tuấn

Ông ấy nói với chúng tôi điều này:
Hồi trẻ, ông đã đi săn trong một khu rừng ở Nga. Ông đã đi bộ cả ngày và đến cuối buổi chiều thì đến được bờ sông êm đềm.

Dòng nước chảy dưới những tán cây, trong những tán cây, mang theo những dải cỏ bồng bềnh, sâu, lạnh lẽo và trong veo.

Một ý nghĩ thôi thúc người thợ săn lao mình vào làn nước trong suốt. Ông cởi quần áo và nhảy xuống. Đó là một người con trai to lớn, khỏe mạnh và gan dạ.

Ông thả mình bồng bềnh trên mặt nước, tâm hồn tĩnh lặng được vuốt ve bởi cây cỏ, hạnh phúc cảm nhận sự vuốt ve của các dây leo lướt qua da thịt.

Đột nhiên có một bàn tay đặt lên vai ông.

Bất ngờ, ông quay lại và thấy một sinh vật khủng khiếp đang nhìn mình một cách thèm khát.

Sinh vật đó trông giống như một người phụ nữ hoặc một con khỉ. Sinh vật với khuôn mặt to phè, nhăn nheo, nhăn nhó cười. Và có hai thứ không thể tả bằng ngôn từ, chính là bộ ngực, chúng bồng bềnh trước mặt của sinh vật cùng mái tóc lởm chởm, rối bù, cháy nắng, bao quanh khuôn mặt và thả lỏng trên lưng.

Tourgueneff bỗng nhận thấy một nỗi sợ hãi gớm ghiếc, nỗi sợ hãi khiến cơ thể ông đóng băng trước những điều siêu nhiên. Không suy nghĩ, không tính toán, không cần hiểu, ông cố bơi vào bờ một cách tuyệt vọng. Nhưng con quái vật còn bơi nhanh hơn và bắt đầu chạm vào cổ, vào lưng, vào chân ông, kèm theo những tiếng cười khúc khích sung sướng. Chàng trai trẻ hoảng sợ đến phát điên cuối cùng cũng chạm đến được bờ sông và lao đi với toàn bộ tốc lực xuyên qua khu rừng mà không hề nghĩ đến việc lấy lại quần áo cùng khẩu súng thợ săn của mình.

Sinh vật khủng khiếp đuổi theo ông, nó chạy nhanh không kém, miệng gầm gừ.

Kiệt sức và tê liệt trước nỗi sợ kinh hoàng, lúc ông sắp ngã thì một đứa trẻ đang chăn dê chạy tới, tay cầm roi, quật mạnh vào con quái vật khiến nó bỏ chạy và kêu lên đau đớn. Tourgueneff nhìn thấy con vật biến mất vào trong tán lá, giống như một con khỉ đột cái.

Đó là một người đàn bà điên, đã sống hơn ba mươi năm trong khu rừng nhờ sự giúp đỡ của những người chăn cừu, mỗi ngày bà ta đều bơi qua sông.

Nhà văn vĩ đại người Nga nói thêm: “Tôi chưa bao giờ sợ hãi đến thế trong đời, bởi vì tôi không hiểu con quái vật này có thể là gì”.

Người bạn đồng hành của tôi, người mà tôi đã kể trong cuộc phiêu lưu này, tiếp tục nói:

Đúng thế, chúng ta chỉ sợ những gì chúng ta không hiểu. Chúng ta chỉ thực sự trải nghiệm sự hoảng hốt của thần kinh hay còn được gọi là nỗi kinh hoàng khi nỗi sợ hãi được thêm vào một chút mê tín của các thế kỷ trước. Tôi đã cảm nhận được nỗi kinh hoàng trong tất cả chiều sâu của nó nhờ vào một điều quá đơn giản, quá ngu ngốc đến mức tôi khó có thể nói ra.
Lần đó tôi đi du lịch một mình đến Bretagne. Tôi đã đi qua vùng Finistère với những cánh đồng hoang hoang vắng, những vùng đất trống nơi chỉ có cây kim tước mọc lên, bên cạnh những tảng đá linh thiêng to lớn, những tảng đá bị ma ám. Ngày hôm trước, tôi đã đến thăm Pointe du Raz hiểm độc, nơi tận cùng của thế giới cũ, nơi hai đại dương vĩnh viễn hòa vào làm một: Đại Tây Dương và eo biển Anh. Tâm trí tôi tràn ngập những truyền thuyết, những câu chuyện được đọc hay nghe kể của vùng đất đầy tín ngưỡng và mê tín này.
Tôi đi từ Penmarch tới Cầu Abbé vào ban đêm. Ngài biết Penmarch không? Một bờ biển bằng phẳng, rất bằng phẳng, rất thấp, thấp hơn cả mặt biển. Chúng ta nhìn thấy nó từ bất kể đâu, đầy đe dọa và xám xịt, vùng biển với những dải đá ngầm há miệng như những con thú hung dữ.
Tôi đã ăn tối trong một quán rượu của ngư dân và bây giờ tôi đang đi trên con đường thẳng tắp, giữa hai cánh đồng hoang. Trời rất tối.
Đây đó, một hòn đá linh, giống như một con ma đứng thẳng nhìn tôi đi qua, dần dần một cảm giác lo sợ mơ hồ xâm nhập tâm trí tôi. Đó là gì? Tôi không biết. Có những buổi tối tưởng như mình vừa lướt qua thần linh, tâm trí run rẩy vô cớ, tim đập thình thịch với nỗi sợ hãi mơ hồ về một điều gì đó vô hình mà bản thân tôi thấy tiếc nuối.
Đối với tôi, con đường này dường như dài, quá dài và trống rỗng vô tận.
Không có âm thanh nào ngoại trừ tiếng sóng gầm gào, ở đó, phía sau tôi, thỉnh thoảng âm thanh đơn điệu và đầy đe dọa dường như rất gần, gần đến mức tôi tưởng chúng bám sát gót chân mình, khiến tôi bỏ chạy băng qua cánh đồng đến đổ mồ hôi trán, tôi muốn chạy trốn, chạy trốn hết tốc lực khỏi những âm thanh đó.
Gió, những cơn gió nhẹ thổi từng cơn, khiến cây kim tước phát ra âm thanh của tiếng huýt sáo quanh tôi. Và, mặc dù tôi đang đi rất nhanh, tay chân tôi vẫn lạnh cóng: một cơn cảm lạnh vì sợ hãi.
Ồ! Tôi ước được gặp ai đó, nói chuyện với ai đó! Lúc này trời tối đến mức hầu như không thể nhìn thấy đường.
Và đột nhiên tôi nghe thấy ở phía trước, rất xa, một tiếng xe lăn. Tôi nghĩ: “Có thể là một chiếc ô tô”. Sau đó tôi không nghe thấy gì thêm nữa.
Sau một phút, tôi lại nghe thấy rõ ràng tiếng động như thể nó đã đến gần hơn. Tuy nhiên, không có ánh sáng, nhưng tôi tự nhủ: “Họ không mang theo đèn. Có gì đáng ngạc nhiên ở vùng đất hoang dã này”.
Âm thanh dừng lại, rồi lại bắt đầu. Nó quá nhỏ để có thể là âm thanh của một chiếc xe đẩy; và tôi cũng không nghe thấy tiếng ngựa phi nước kiệu, điều này làm tôi ngạc nhiên vì màn đêm quá tĩnh lặng.
Tôi tìm kiếm: “Đây là gì?” Âm thanh vẫn đang đến gần, và đột nhiên một nỗi sợ hãi mơ hồ, ngu ngốc, không thể giải thích được xâm chiếm tôi. – Đó là gì?
Nó đang đến gần, rất nhanh, rất nhanh! Tất nhiên, tôi không nghe thấy gì ngoài tiếng bánh xe – không có tiếng sắt hay tiếng chân đập – không gì cả. Đó là gì?
Nó đã ở rất gần, rất gần. Tôi lao mình xuống một chiếc hố bằng một phản ứng sợ hãi bản năng, và tôi nhìn thấy một chiếc xe cút kít lao về phía tôi, nó đang chạy… một mình, không ai đẩy nó… Vâng… một chiếc xe cút kít… không người…
Tim tôi đập mạnh đến nỗi tôi ngồi phịch xuống cỏ và lắng nghe tiếng bánh xe lăn xa, hướng về phía biển, và tôi không còn dám đứng dậy, không dám đi, không dám cử động nữa; vì nếu chiếc xe quay lại, nếu nó đuổi theo tôi thì tôi sẽ chết vì kinh hãi.
Tôi đã phải mất một thời gian dài để bình tĩnh, rất lâu. Và tôi đi hết quãng đường còn lại với tâm trạng sợ hãi đến nỗi chỉ một tiếng động nhỏ nhất cũng khiến tôi nghẹt thở.
Nói thế có phải là ngu ngốc không? Nhưng quả là một nỗi sợ kỳ lạ!
Sau này nghĩ lại, tôi hiểu ra; một đứa trẻ chân trần, đã lái chiếc xe cút kít là điều chắc chắn; còn tôi thì lại tìm kiếm một người đàn ông có chiều cao bình thường!
Ngài có hiểu rằng… khi chúng ta đã có sẵn trong tâm trí mình một cảm giác hồi hộp về một điều siêu nhiên… một chiếc xe cút kít chạy… một mình… Quá đáng sợ!

Ông im lặng một giây rồi nói tiếp:
“Thưa ngài, chúng ta đang chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ và khủng khiếp: sự xâm nhập của bệnh tả!

Mùi phenol mà những toa xe này đang tỏa ra ngột ngạt mà ngài ngửi thấy, bệnh tả đang ở đâu đó.

Hãy xem thành phố Toulon vào lúc này. Thôi nào, ai cũng nhận ra nó đang ở đó, bệnh tả. Và không phải nỗi sợ bệnh tật khiến những con người này hoảng sợ. Bệnh tả là một cái gì đó khác, nó vô hình, nó là tai họa của quá khứ, của thời đại đã qua, một thứ ác thần đang quay trở lại và làm chúng ta kinh ngạc cũng như làm chúng ta sợ hãi, bởi vì nó dường như thuộc về những thời đại đã biến mất.

Các bác sĩ khiến tôi buồn cười với những con vi khuẩn của họ. Nó không phải là một loài côn trùng khiến con người khiếp sợ đến mức phải nhảy xuống từ cửa sổ; đó là bệnh dịch tả, một sinh vật khủng khiếp và không thể diễn tả nổi đến từ phương Đông xa xôi.

Băng qua Toulon, người ta khiêu vũ trên đường phố. Tại sao lại nhảy múa trong những ngày chết chóc này? Pháo hoa được bắn khắp vùng nông thôn xung quanh thị trấn; người ta đốt lửa; dàn nhạc chơi những giai điệu vui tươi trên tất cả các lối đi dạo công cộng.

Tại sao lại có sự điên rồ này? Đó là vì ở đó, là vì chúng ta dũng cảm, không phải vi khuẩn, mà là dịch tả, và chúng ta muốn dũng cảm trước nó, như với kẻ thù giấu mặt đang rình rập chúng ta. Vì nó mà chúng ta nhảy múa, chúng ta cười, chúng ta la hét, chúng ta thắp lên những ngọn lửa này, chúng ta chơi những điệu valse này, dành cho nó, vị Thần linh chết chóc, người ta nhận ra nó hiện diện ở khắp nơi, vô hình, đầy đe dọa, giống như một trong những linh hồn tà ác cổ xưa được triệu hồi bởi các linh mục man rợ…”.

Ngày 25 tháng 7 năm 1884
Kim Mai (dịch)