Mùa thu – mùa của tình yêu, của bao nhớ thương, xao xuyến không chỉ khiến người ta đắm chìm trong những xúc cảm lãng mạn, trong cái nắng vàng tươi như rót mật và tiết trời dịu dàng mà còn gợi bao tự hào xen lẫn bồi hồi khi nhắc nhớ những dấu mốc lịch sử vẻ vang. Trong chặng đường mà dân tộc ta đã và đang bước qua, mùa thu để lại nhiều dấu mốc không thể quên cùng những bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho hôm nay, cho mai sau.

Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/A nh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi”. Những câu thơ như tái hiện không khí một giai đoạn cách mạng sục sôi ấy đã hằn in trong tâm khảm người dân xứ Nghệ để cứ mỗi dịp thu về, trên mảnh đất này, lại diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm, tưởng nhớ, tri ân những người đã hết mình vì cách mạng từ những ngày đầu gian khó. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931, những thành quả mà chính quyền, Nhân dân xứ Nghệ đạt được cũng như nguyên nhân dẫn đến thất bại trong duy trì chính quyền Xô viết lúc bấy giờ là niềm tự hào, đồng thời là bài học sâu sắc cho hôm nay. Sở dĩ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đạt được những thành tựu đáng ghi nhận một phần là nhờ đặc trưng tính cách người Nghệ. Mảnh đất khắc nghiệt này đã tạo nên những con người không chịu khuất phục trước khó khăn, trở ngại và luôn có tinh thần vươn lên. Họ không run sợ trước những thách thức của thiên nhiên, của áp bức, bất công. Sự bất khuất, kiên trung; không quỳ gối trước cường quyền ấy đã góp phần quyết định tạo nên những thắng lợi trong phong trào Xô viết. Bên cạnh bài học về sự lãnh đạo của Đảng; về tận dụng thời cơ; về đoàn kết, liên minh giai cấp; xây dựng chính quyền hợp lòng dân hay về tầm quan trọng của đặt lợi ích dân tộc lên trên hết,… thì bài học về ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cần luôn được ghi nhớ và phát huy để tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, không khuất phục trước sức mạnh cường quyền sẽ được phát huy trong thời đại hôm nay, trước những tiêu cực, bất công của xã hội.

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945. Ảnh tư liệu, nguồn: Báo QĐND

Mùa thu, chúng ta không quên 78 năm về trước, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, lật đổ nền quân chủ chuyên chế suốt nhiều thế kỷ để từ đó thành lập nên một nhà nước của Nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, chúng ta không còn thân phận người nô lệ. Từ đây, chúng ta được làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, chúng ta có tên trên bản đồ thế giới. Đó là một bước ngoặt lịch sử to lớn của Cách mạng Việt Nam. Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời là thời khắc lịch sử thiêng liêng và trọng đại, là mùa thu mà mỗi người con đất Việt đều không thể nào quên. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại mùa thu năm 1940, khi dân tộc ta rơi vào hai tầng xiềng xích Pháp và Nhật; khẳng định ý chí, tinh thần đấu tranh và cả lòng nhân đạo của Nhân dân ta để mùa thu 1945, ta có thể dõng dạc mà tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” Giây phút lịch sử tại Quảng trường Ba Đình và những lời trong bản Tuyên ngôn độc lập năm ấy sẽ còn vang vọng đến muôn sau. Mùa thu của 78 năm về trước không chỉ mang cho ta niềm tự hào, xúc động mà còn để lại nhiều bài học quý giá, trong đó chúng ta phải luôn ghi nhớ bài học về tận dụng thời cơ; xác định đúng kẻ thù cũng như thế và lực của mình; lựa chọn đường lối, chính sách phù hợp; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sau khi nước Việt Nam chính thức ra đời, chúng ta đã trải qua biết bao mùa thu đau thương trong chiến tranh, chia cắt, nghèo đói. Vậy mà bằng ý chí, tinh thần ngoan cường; bằng sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết chúng ta đã vượt qua để đưa non sông về một mối, để chấm dứt chiến tranh trên mảnh đất nhỏ bé mà lắm thử thách, để khôi phục và phát triển kinh tế. Hôm nay, sau 78 năm đầy thăng trầm, nước Việt Nam chúng ta đã có một tầm vóc khác. Chúng ta không chỉ từng bước phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, bình yên cho Nhân dân mà ngày càng khẳng định tiếng nói, vị thế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, vẫn còn đó không ít thách thức. Đặc biệt, cùng với toàn cầu, chúng ta đã và đang phải chứng kiến những hệ lụy mà đại dịch Covid -19 và xung đột Nga – Ukraine mang đến cho kinh tế, xã hội. Đó là tình trạng thất nghiệp, giá cả leo thang, thiếu việc làm gia tăng kéo theo những bất ổn trong đời sống xã hội,… Trong khi đó, ngoài khơi, tình hình Biển Đông vẫn luôn nóng; diễn biến trong quan hệ quốc tế phức tạp và khó lường buộc chúng ta phải xác định rõ đối tác, đối tượng và cẩn trọng trong từng bước đi của mình.

Trước tình hình đó, bài học từ những mùa thu lịch sử lại càng có ý nghĩa đối với chúng ta. Ngoài việc phải dự báo, nắm bắt tốt tình hình, diễn biến trong nước cũng như quốc tế; xác định rõ thế và lực của mình để lựa chọn chính sách phù hợp, để không bỏ lỡ cơ hội thì điều cần duy trì hơn bao giờ hết là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc trong thời đại hôm nay. Không có sức mạnh nào to lớn hơn sức mạnh của Nhân dân. Khi dân đồng sức, đồng lòng với chính quyền thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua và mọi kẻ thù đều có thể đánh thắng. Chúng ta phải làm sao để khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi trái tim người Việt để họ hết sức, hết lòng phụng sự, bảo vệ Tổ quốc. Muốn có được điều đó thì chính quyền phải gây dựng được niềm tin với dân; phải quyết tâm xây dựng bộ máy trong sạch, hết lòng vì dân; phải đấu tranh đến cùng chống tiêu cực, tham nhũng, loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất đang âm thầm đục khoét, làm suy yếu đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại lễ đón chính thức. Ảnh: TTXVN

Và, cũng trong những ngày thu tuyệt đẹp, năm 2023, Việt Nam lại chứng kiến một dấu mốc lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Mỹ. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội trong 2 ngày 10-11/9. Có thể nói, sự kiện này đã thể hiện sự coi trọng mối quan hệ mà hai bên dành cho nhau, đồng thời như một lời khẳng định về tầm vóc, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đặc biệt, chuyến thăm đã trở thành một dấu mốc lịch sử khi hai bên chính thức nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là một bước “nhảy vọt” đầy bất ngờ, mở ra nhiều tiềm năng hợp tác phát triển và cả thách thức trong tương lai. Sở dĩ nó bất ngờ bởi quyết định này nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia khi mà nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ vượt cấp lên mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện” (trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam có 3 cấp độ theo thứ tự: Đối tác toàn diện, Đối tác Chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện). Trước Mỹ, chúng ta chỉ mới thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với 4 quốc gia khác là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định: “Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước.” Phía Mỹ cũng đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua nỗi đau quá khứ, nắm bắt tốt những cơ hội để hy vọng mở ra một tương lai tươi sáng cho cả hai bên, như hai câu Kiều mà Tổng thống Joe Biden đã dùng để đáp từ trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Sự thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững này lại càng có ý nghĩa hơn khi nó diễn ra tại Hà Nội – Thành phố vì hòa bình và trong tháng 9, tháng mà cả thế giới cùng hướng đến ngày Quốc tế hòa bình (21/9).

Những mùa thu lịch sử đã và đang đi qua mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc, rằng: nếu có khát khao và quyết tâm đủ lớn, nếu có một tinh thần, niềm tin đủ mạnh, chúng ta sẽ làm nên được những điều diệu kỳ. Trong tận cùng đói khổ và xiềng xích nô lệ, chúng ta đã có thể đứng lên đấu tranh để giành lại độc lập, tự do cho mình thì ngày nay không điều gì là không thể. Chúng ta tự tin sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục làm nên những mùa thu lịch sử, làm nên những kỳ tích trong tương lai. Quan trọng là ngay từ bây giờ, ta phải làm sao để khơi dậy được cái tinh thần cách mạng ấy, lòng yêu nước và tự hào dân tộc ấy, tinh thần đoàn kết và ý chí độc lập ấy trong trái tim của mỗi một người con đất Việt.

Trang Đoan