Mỗi văn nghệ sỹ có một cá tính, một phong cách riêng biệt cả trong nghệ thuật lẫn ngoài đời sống thường nhật. Sáng tác của họ thể hiện con người tinh thần của chính mình một cách chân thực nhất. Thế giới nghệ thuật mà họ tạo ra, bao giờ cũng gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, và hơn thế là tư tưởng về nhân tình thế thái, về cuộc đời.

Khắc họa chân dung tưởng như là công việc của các họa sỹ, nhưng khắc họa bằng ngôn ngữ thơ sẽ là những bức chân dung thực sự đặc biệt. Nó có thể là nét phác thảo hay được vẽ một cách cẩn trọng, tỉ mẩn; có thể chỉ nhìn ở một nét nghiêng, một nét ưu tư, một gương mặt trực diện; có thể nghiêm ngắn, nhưng có thể phá cách đầy hài hước… Khắc họa chân dung văn nghệ sĩ bằng thơ không chỉ là khắc họa một dáng vẻ, mà còn là tính cách và cá tính sáng tạo nghệ thuật. Và chắc chắn rằng, phải trăn trở, phải yêu quý hay thú vị lắm…, thì những nhà thơ – họa sỹ mới dành tặng cho bạn bè mình những bức chân dung độc đáo, có “thần” như vậy.

Chuyên mục Chân dung thơ của Tạp chí Sông Lam kỳ vọng sẽ đem đến cho quý độc giả thật nhiều những bức chân dung sinh động về các văn nghệ sỹ Nghệ An và mở rộng ra văn nghệ sỹ cả nước. BBT cũng mong sẽ nhận được sự hưởng ứng của các văn nghệ sỹ, để chúng ta có thêm một “sân chơi” sôi động, thú vị, bởi ở nơi này, chúng ta có tới hai sự độc đáo: của người “vẽ” và người “được vẽ”.

Chân dung nhà thơ Trần Hữu Thung. Tranh: Họa sĩ Tạ Tâm.

Trần Hữu Thung (1923-1999) quê xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An, tham gia Việt Minh từ 1944. Trong kháng chiến chống Pháp là cán sự văn hóa, cán bộ tuyên truyền thuộc Liên khu IV. Làm thơ, viết tấu, ca dao, bút ký, kịch phim và soạn thảo Từ điển tiếng Nghệ. Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Thơ đối với ông, những ngày đầu cầm bút, chỉ là phương tiện công tác, ông viết để ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Ông còn là một đô vật có đai đẳng của huyện Diễn Châu hồi còn thanh niên. Trần Hữu Thung là một trong những nhà thơ sáng lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An năm 1967, nhiều năm giữ chức Hội trưởng (Chủ tịch Hôi)  Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Năm 1985 nghỉ hưu, ông trở về Diễn Châu tiếp tục sống và viết… Những năm cuối đời ông đã hoàn thành tâm nguyện soạn thảo cuốn Từ điển tiếng Nghệ.

Tự răn mình bằng hai chữ “nộ chế” do chính tay ông viết treo ngay chính giữa xà nhà.

Nhớ lần đến thăm ông, tôi ứng tác mấy câu đùa “sếp cũ”. Nghe xong ông cười khà khà…rồi buông một câu thân tình: Nguẩy, cái thằng bất trị, không chừa một ai!

Ngộ
(Về hưu, ông tự răn mình bằng hai chữ “Nộ” “Chế”)

Làng vật khen hoe Thung tài thơ
Làng thơ trầm trồ Trần Hữu Thung giỏi võ
Chữ THẾ chữ MAY từng có
Dọc ngang dâu bể một thời
Vào ngưỡng bảy mươi
NỘ được bao lăm mà CHẾ
Hình như từ điển tiếng Nghệ
Thơ là hậu duệ của vè!

Tùng Bách