“Con vua thì vua yêu dấu
Con châu chấu thì châu chấu thương”

Cha làm nghề sửa xe đạp từ năm cu Tin mới tám tuổi, học hành không vào, nên đến trường láng cháng, cho đến lúc đọc thông viết thạo thì ở nhà phụ việc giúp cha. Năm bốn mươi tuổi ông sửa xe đạp bị bệnh ho lao, khạc ra cả máu tươi, bệnh viện trả về nhà. Có người nói tại ông làm việc quá sức, do bị đói, không có cái ăn, lại quần quật suốt ngày sửa sang, chăm sóc đống xe đạp tàn tạ của nhà nghèo, người đầy dầu mỡ, hôi hám, tiền công lại rẻ mạt, nên phát bệnh lao lực, sức khỏe cạn kiệt như ngọn đèn hết dầu. Ông lặng lẽ ra đi vào lúc hoàng hôn. Năm ấy, Tin vừa đúng hai mươi tuổi.

Cha mất, Tin thừa kế, chính thức thành thợ sửa xe, không có phụ việc. Ai dại gì giúp cho cu Tin, một thằng gầy gò, hốc hác, mắt lác, răng vàng khè chìa quá môi, lại hay cười “ăn đu đủ không cần thìa”. Đã thế, thấy ai cũng cười thay cho lời chào, nom dại dại, chả ai chấp. Chấp làm chi đứa không cha không mẹ. Ai nói gì cũng gật gật, chả biết nó đồng ý hay không? Đến bữa, nếu quán đang có khách chờ sửa xe, Tin đều cười cười mời ăn cơm, chả có ai cầm đũa cùng. Nồi cơm được vài bát chứ mấy, nhúm ngọn rau chấm nước muối, dăm hột lạc rang lăn lóc. Tin nuôi thân chưa xong, nuôi được ai mà dây vào, sửa xe thì phải trả tiền cho nó, yên chuyện. Ngôi nhà chưa thể gọi là… nhà, như cái quán rách, tồi tàn, chỉ mỗi cái giường nằm, chiếu thủng lỗ chỗ, hai cái nồi nấu đen xỉn cóc cáy, không có người dọn dẹp, nom bẩn thỉu, ai nhìn đều bĩu môi, quay mặt. Tin được sinh ra nhưng không biết mẹ, duy nhất một lần hỏi, cha nói mẹ chết rồi. Nghe thế, cứ ngẩn ngơ, hụt hẫng sụt sùi suốt cả thời gian dài, không biết lấy gì để bù vào khoảng trống trong lồng ngực. Thời gian sau, Tin mất nốt cha, hẫng hụt, một mình trong ngôi nhà không có cửa, thông thốc đầy gió và bụi. Ban ngày có người đi đường ghé vào xin miếng nước, sửa xe, xin tí nhựa vá săm hay cái ốc vít vặn vào van bơm hơi xe cho chắc chắn cũng thấy vui. Lúc nào có tiếng người, đã thấy ấm bụng, thân quen, Tin coi tất cả là người thân. Nhà Tin ở ngay con đường rẽ vào thành phố, được tiếng là đô thị, nhưng nơi đó đang nghèo, dân tứ xứ, trộm cắp như rươi, hở ra cái gì mất cái ấy. Đói quá, nên nom con người hung dữ, phàm phu, sẵn sàng lao bổ vào nhau vì miếng ăn, không khí nặng về vật chất. Nơi đó Tin chứng kiến bao chuyện xảy ra hàng ngày, hàng năm: đám tang ò e chậm rãi với mùi hương khói nặng nề lướt qua; bộ đội đi hàng dài qua con đường thành phố; các tổ chức diễu hành ngày kỷ niệm, quảng cáo; trẻ con lớn lên yêu nhau rồi lần lượt làm đám cưới… Tin biết hết.

Tin cũng đã hai bảy tuổi, vẫn nghèo, được cái nom chững chạc hơn, ngôi nhà không có gì khác ngày cha còn sống, đồ dùng cũ kỹ, bẩn, lăn lóc. Con đường vào thành phố trước nhà Tin đã được rải nhựa từng đoạn, xe máy ngày một nhiều hơn, xe đạp ít dần đi, có nhiều loại xe đạp kiểu mới, Tin phải tìm tòi học thêm, nếu không chả biết cách sửa chữa như thế nào?

Ban đêm, Tin khó ngủ, lăn đi lăn lại mãi mới chợp mắt được một chốc rồi tỉnh dậy từ lúc ba giờ sáng, nằm im, lắng nghe tiếng động ở khu dân cư tứ xứ kéo về khuấy động vây quanh. Tin nghe âm thanh biết ngay đó là ai. Xe máy Tàu của chị bán rau ở chợ Quán Bánh nơi đầu đường gào lên một tiếng thật to, sau đó thì rù rì, tiếng mở cổng sắt loảng xoảng, là lúc chị ấy chuẩn bị đi chợ Vinh chọn rau từ các nơi đổ về bán sỉ. Các bà tranh nhau mua, tản về các chợ nhỏ, bán lẻ, kiếm đồng lãi để sinh sống. Bà bán xôi ngô cũng đã dậy, dáng bà to béo, đi vội vàng, không va vào cái này thì cũng cái kia. Có lúc bà làm rơi vung, nghe giật cả mình, bao người hàng xóm tỉnh ngủ hẳn, có người càu nhàu, vì lúc ấy mới hơn ba giờ. Chị bán bánh mướt, làm giò, dậy lúc bốn giờ khi đồng hồ treo tường binh bong. Chắc chị đặt giờ báo thức. Tiếng chọc lò, cời than nghe lạo xạo, lạo xạo. Một lát nữa, có tiếng xe xích lô va vào cổng sắt đánh rầm, tức là đã bốn giờ ba mươi phút, ông xích lô đi chở chè xanh đã về đến nhà cho bà bán, mọi người xung quanh cũng bắt đầu om chè buổi sáng ngay lúc ấy. Không biết ông dậy đi chở chè từ lúc mấy giờ? Năm giờ đúng, người đàn ông kinh doanh lương thực ở sát nhà Tin đã đi nhập hàng ở chợ, theo thói quen, ông ta cứ nói lầm rầm, chìa khóa ở đâu? Chìa khóa ở đâu? Khổ, nhiều khi cầm chìa khóa nơi tay vẫn cứ hỏi như thể nạnh với người khác đang được ngủ nướng. Sáu giờ kém, Tin dậy, nấu nước, bày đồ sửa xe ra trước cửa, rồi đứng chờ người bán bánh mì rong đi qua để mua một cái, nhai trệu trạo, và xem có ai đến không. Có ngày Tin đông khách, hôm vắng hiu. Bữa ấy, Tin đang nhai bánh mì đã thấy Tình đến dắt theo chiếc xe đạp bị xẹp lốp. Tình ở xóm trong, Tin lạ gì. Tình con bà Thái thu mua đồng nát. Tình đỏng đảnh, đong đưa, mặc bộ quần áo hoa mỏng tanh, có chiếc xe đạp nữ thống nhất, sơn màu xanh, cứ lượn qua nhà Tin vào mỗi buổi chiều tối, đi qua đêm, sáng hôm sau thì về. Mỗi lần gặp, ả cười tít mắt, trêu: “Anh Tin ơi lấy vợ đi/ Em cũng phải lấy chồng”. Tin hơi đỏ mặt, cười hề hề, gãi bụng sồn sột, thấy rộn ràng, nhưng không biết đối đáp lại với Tình như thế nào? Tin vụng, bối rối khi gặp con gái, tình cảm chỉ biết để trong lòng. Hồi đi học Tin cũng không biết cách cho lời cô dạy vào đầu để mà sử dụng lúc cần.

Minh họa: Hải Thọ

Buổi sáng hôm ấy, thế nào mà Tin cũng biết hỏi Tình một câu khi nhìn thấy mặt Tình sưng, bầm tím, quần hoa bị tước một đường dài: “Nhà gần, mà răng còn dắt xe đi lúc sáng sớm, mặt lại thâm, quần rách tại chi hầy?” Tình vùng vằng khó chịu: “Kệ tau, sửa lại xe cho khách đi tề”. Tin tháo lốp, lôi săm xe ra ngoài, rách lỗ to, phải măng sông, hoặc thay thôi, không vá được. Tình nói, thay săm mới đi, tau có tiền. Tình đưa nắm tiền nhàu nhĩ từ cạp quần ra đếm. Tin liếc bảo: “Mi có nhiều tiền hầy?” Lại cười: “Có tiền chữa mặt sưng luôn đi”. Tình ngó lơ lên trời: “Vài bữa nữa mặt sẽ hết xấu, tiền để sửa nhà, sắp đổ rồi. Tau giờ mất việc luôn, khi đêm bị đuổi chạy, khổ như chó, lao xe vào đường đá mới rải, lổn nhổn, ngã sấp mặt, thủng săm, rách quần, mấy đứa bị tóm, tao thoát”. Tình lại nói: “Mà răng Tin không lấy vợ đi, tra rồi”. Tin không biết nói gì, cứ lăn tăn nghĩ ngợi, nắm tiền và cái mặt bị sưng vù, thâm đen có gì liên quan? Làm việc chi mà khi đêm bị ai đuổi? Muốn hỏi, nhưng ngại. Tình biết ý Tin, nói toang luôn: “Ở vườn tam giác quỷ mi biết chưa, vòm của đám bán trôn nuôi miệng đó”. Tin nghe, ôi cha mẹ ơi, tưởng chuyện chi, “tam giác quỷ” thì Tin biết. Đó là vườn hoa của thành phố, nổi tiếng về tệ nạn xã hội mua bán dâm, hút xách, nghiện ngập, trộm cắp đều tụ tập ở đó. Tụi gái đi guốc cao, dẫm nát hết hoa, mặt trơ lên trời, không biết sợ. Chiều tối, đêm khuya, gái bán hoa lượn lờ đầy vườn, kẻ mua cũng không phải là ít. Nhiều chiến dịch truy quét gái mại dâm ồn ào, nhưng kết quả cuối cùng vẫn: “ném đá ao bèo”. Gái ở đó đói quá, bám theo khách đến cùng như đỉa, không buông tha, kỳ nèo: “Không đắt đâu anh ơi, cứ làm hai lần thoải mái, lấy tiền một thôi anh à”. Đến tội. Hóa ra từ trước tới nay Tình đi “làm ăn” đêm ở đó sao?

Tình kể tỉnh bơ, rồi lắc đầu, nói, giờ hết đường làm ăn rồi, công an truy quét gắt gao. Tau giờ chưa biết làm việc chi đây? Bà Thái làm nghề đồng nát, tiền đem về không đủ mua gạo, nói chi sửa nhà, sửa cửa. Tin bảo: “Hay mi lấy chồng đi, có chồng vui và có việc làm nữa”. Tình hỏi: “Ai lấy tau?” Tin cười cười bảo: “Mi không chê nghèo thì khối người ưng”. Hai đứa đang châu đầu vào chuyện thì bà Thái đồng nát đến, bà chửi Tình: “Đồ đầu trâu mặt ngựa, không lo kiếm việc mà làm, ngồi lê lấy c… ăn à, chó mới rước mi”. Tin hề hề: “Tui lấy Tình làm vợ, bà ưng chưa?” Bà Thái dìa môi, trợn mắt: “Xin cảm ơn, ốc không mang nổi mình, lại còn mang cọc cho rêu”, đong đưa ngọt nhạt như dấm rồi vạch l… mà ăn, gớm.”

Bà Thái nói rồi tong tả đi ngay, chả ai giận bà. Khổ quá rồi, bắt bẻ, chấp vặt nhau chịu sao nổi. Khi nào no đủ, ta học văn hóa sau vẫn chưa muộn. Tin lại cười hề hề.

Xe sửa xong, Tình về, dăm bữa lại qua Tin chơi, ánh mắt nhìn không còn lạnh lùng, xa lạ như ngày trước. Rồi được tin nơi “tam giác quỷ” không còn gái bán hoa, kẻ nghiện, trộm cắp nữa, đã được sửa sang, trồng hoa, thêm cây cảnh, vòi phun nước mát mẻ, du khách ban đêm dạo chơi dưới ánh điện sáng trưng, công khai. Tình rảnh rỗi ra quán sửa xe của Tin ngồi chơi, cà tỏng đủ thứ chuyện. Có lần Tình bảo “Tau hận “tam giác quỷ” đó lắm mi ạ. Tin hỏi “Hận chi?” “Tau không biết, chỉ hận thôi”. Tin lại hề hề, chẳng nói thêm điều gì, cắm cúi sửa xe. Tình dần dà thành người giúp việc cho Tin, nấu cơm, quét nhà, chỉ tối mới về. Tuần trước Tin nói, hay Tình ở đây với tau luôn? Tình bảo, bà Thái đánh chết, với lại để tau nghĩ đã nhé? Nói vậy thôi, chớ bà Thái giờ cũng khác đi rồi, vẫn đi thu gom đồng nát, nhưng mới sắm chiếc xe đạp xịn xò, cái cân mua hàng cũng đẹp, quần áo sạch hơn. Nhất là các con đường đi vào ngõ xóm đã rải bê tông sạch sẽ, không có ổ gà, ổ trâu như trước.

Tối hôm qua, Tình nhận lời ở lại ăn cơm với Tin, chủ quán sửa xe ngỏ lời bối rối muốn thành vợ chồng. Đơn giản thế thôi mà Tin nghĩ đi nghĩ lại cả tháng trời. Tình ngân ngấn nước mắt, nói: Tin tôn trọng tui đến thế à? Bao đứa đã dẫm đạp lên tui không một lời nói cho tử tế, giờ thì đã có Tin…

Tin đã từng chứng kiến nhiều đám cưới, giờ thì nhiều người được chứng kiến đám cưới của Tin. Không ít bạn của Tình từ “tam giác quỷ”, à quên, bây giờ vườn hoa đó được gọi lại tên “vườn hoa trinh nữ” của ngày xưa. Mọi người cùng đến, chúc phúc cho buổi hôn lễ có một không hai.

Đàm Quỳnh Ngọc