55 năm, một lần ngoái lại

Tôi là người có nhiều duyên nợ với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà. Đó là điều may mắn. Hội được thành lập tại xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An vào năm 1967. Năm đó, tôi cất tiếng khóc chào đời, rồi theo tự nhiên, lớn dần theo năm tháng, đi đây đó và cuối cùng quay về quê nhà, gắn bó nghề nghiệp tại nơi do tôi đã chọn.

Năm mươi lăm năm rất dài so với một đời người, nhưng với một tổ chức nhà nước, xã hội, thì khoảng thời gian ấy đang là thời kỳ sung sức và phát triển đi lên. Từ một chi hội văn học nghệ thuật ngày mới thành lập, giờ là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh phát triển nhiều chi hội ở các huyện, thành, thị. Từ mấy chục hội viên, giờ lên tới trên 350 người. Từ ngôi nhà tranh vách đất, đến ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, giờ anh em được làm việc trong ngôi nhà tầng khang trang với một khuôn viên thoáng đẹp…

Trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội VHNT Nghệ An tổ chức năm 2008

Tôi không quên bước đầu tiên về nơi tràn đầy không khí văn chương nghệ thuật, nơi đã và đang có nhiều kỷ niệm êm đềm với bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, và những người thuộc lớp “bậc thầy” mà tôi luôn mến thương. Tôi học tập và ngưỡng mộ họ cả về nhân cách và tác phẩm một thời nổi tiếng trong cả nước. Họ có công xây dựng, mới có ngày hôm nay. Đó là nhà thơ Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Xuân Hoài, Thạch Quỳ, Dương Huy, Nguyễn Quốc Anh; nhà văn Bùi Hiển, Bá Dũng, Đặng Văn Ký, Đức Ban; nhạc sĩ Lê Hàm, Mai Cường… luôn xuất hiện trong hồi ức thấp thoáng ít nhiều đã trở nên mờ ảo và hấp dẫn hơn theo thời gian khi ngoái lại. Cuộc sống ngày ấy nhọc nhằn, tuy khổ mà vui và đầy khát vọng, luôn hừng hực nhìn về phía trước.

Trong bài viết nhỏ này lòng tôi luôn nhớ về những kỷ niệm ban đầu còn nhiều gian khó, cán bộ viên chức, văn nghệ sĩ phải bươn chải về vật chất để tồn tại. Nhất là với những người vừa sáng tác, vừa đảm đương vai trò, chức trách của viên chức, công chức xây dựng cơ quan bằng sức lực và thời gian không hề nhỏ. Trong trí nhớ đã định hình, hình ảnh về những con người ấn tượng đã “đồng cam cộng khổ” cùng tập thể trong quãng thời gian khó nhọc luôn hiển hiện ngay trước mắt tôi.

Người đầu tiên tôi gặp tại “ngôi đền văn chương” là nhà thơ Minh Huệ. Với tôi, ông là một nhà thơ, đã đành, còn là một con người chuẩn mực ở vai trò công chức gương mẫu. Thời nay, ít người được như ông. Ông xa cõi trần đã mười tám năm, nhưng mỗi lần thấy hình ảnh nhà thơ Đêm nay Bác không ngủ tôi lại có cảm giác rất gần gũi và ấm áp. Hình như ông đang ở đâu đây…

Ngày ấy, tôi chưa được làm việc trực tiếp với ông, chỉ giao tiếp thường ngày, ấn tượng về một con người mẫu mực, chân thành, tình cảm khó phai mờ. Ông nghỉ hưu lúc tôi đang còn đi học. Khi tôi trở về làm việc tại trụ sở ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, chiều chiều thấy ông vẫn đi dạo, bao giờ cũng ghé cơ quan cũ. Ông thường xách kè kè chiếc túi vải, lúc đi một mình, lúc dắt theo đứa cháu. Ông hay rẽ vào phòng làm việc của tôi, không nói gì, cũng ít chuyện trò, chỉ lần mãi trong túi lấy ra quả ổi, quả chuối để lên bàn rồi đi ra. Có lần tôi hỏi, chú ơi, răng bữa mô cũng cho cháu rứa. Ông nói, quà của bà Tuyên, nhiều lắm, ăn không hết, chú đưa bây ăn, để làm gì.

Hội VHNT Nghệ An và Chi hội Nhà văn Việt Nam chúc mừng nhà thơ Minh Huệ (ngồi thứ 2 bên phải) 75 tuổi

Bà Tuyên là vợ ông. Thời ông còn khỏe, ông nhiệt tình sôi nổi hoạt động văn hóa, văn nghệ, tham gia chiến trường khắp Quân khu 4. Ông đi xa, ở nhà con cái do bà lo hết. Lúc ông trở về làm việc gần nhà, bà Tuyên lại đổ bệnh, rồi nằm liệt giường hàng chục năm trời, ông chăm lo cho bà hết. Tôi cũng đã nhiều lần đến nhà thăm bà Tuyên. Đó là một gian nhà nhỏ, chật chội trong nhà chung cư C2 ở Quang Trung. Tôi chưa thấy ai chăm sóc vợ tận tình và tràn đầy yêu thương trong từng cử chỉ hơn ông. Hàng ngày vào buổi sáng, ông đỡ bà ngồi dậy lau mặt mũi chân tay, có hôm tắm cho bà, rồi đút cháo, cơm hoặc những gì bà muốn. Chiếc bàn để gần giường nằm bao giờ cũng có hoa quả, kẹo bánh của người đi thăm, hoặc ông mua theo ý của bà. Ông trở thành osin, điều dưỡng viên riêng cho người vợ thương yêu. Giới văn nghệ sĩ có người đã nói đùa: tài thơ còn có người hơn nhà thơ Minh Huệ, nhưng nói về tình thủy chung với vợ, có lẽ cả thế gian này khó có ai hơn ông.

Tôi chưa bao giờ tâm sự riêng tư dài dòng gì với ông về chuyện văn hay chuyện đời, nhưng biết ông luôn lặng lẽ quan sát bạn văn chương, nhất là lớp trẻ làm việc, thấy gì đúng thì ủng hộ, có gì sai thì trao đổi ngay để công việc tốt hơn. Tôi trân trọng và nể ông về tính thật thà trung thực, không bao giờ nói thêm, bớt, hay đưa đẩy vuốt ve điều gì vì động cơ, mục đích riêng. Ông nói gì, tôi tin điều ấy, không hề áy náy phân vân phải nghĩ ngợi nhiều. Những lúc quan sát ông nói, đôi mắt sáng nhìn thẳng, tôi thấy nhẹ nhàng ấm lòng, tin tưởng.

Theo thời gian, dần dà tôi nhận ra một điều, ông là hình mẫu của người cán bộ thời trước, tin yêu những gì đã lựa chọn lúc trẻ và đi đến cùng con đường ấy. Một là một, hai là hai. Vợ là vợ, bạn là bạn. Chuyện nào ra chuyện ấy, không nhập nhèm, lập lờ như một số cán bộ bây giờ. Ông không bao giờ đánh mất cái trong sáng của tin yêu và sự vững bền về thái độ. Hình ảnh về ông, không bao giờ phai mờ và mất đi trong trí nhớ của tôi.

Con người thứ hai ở Hội, tôi có ấn tượng tốt mãi, gắn liền với thời gian cán bộ viên chức đang phải “thắt lưng buộc bụng” xây dựng cùng đất nước. Khó khăn lắm, cuộc sống thiếu thốn đủ điều. Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh, cán bộ công đoàn, người có công rất nhiều trong việc lo quyền lợi nhà ở của các cán bộ, viên chức. Tôi nghĩ, ông là con người tử tế và chỉn chu với bạn bè và đồng nghiệp. Ông đã đi xa, nhưng mỗi năm, ngày tất niên đến, ngoảnh lại phía sau, tôi gặp những câu thơ như này của ông bỗng thấy bồi hồi cùng năm tháng:

“Khi đi bao nhiêu bạn

Khi về còn bao người

Ai bỏ mình thác dữ

Ai tay sào buông lơi”.

Những câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Quốc Anh sâu thẳm về tình người, bạn bè của một thời cuộc sống còn khó khăn nhiều. Tuy ông đã đi xa chục năm, nhưng thơ thì bạn bè không quên, vẫn nhớ mỗi khi Tết về, xuân đi:

“Bàn tay tôi trồng đào

Bàn tay tôi chặt đào

Bàn tay tôi cắm cành đào vào lọ

Bàn tay tôi – vẫn bàn tay tôi

Vứt cành đào ra ngõ”.

Tôi nhớ những ngày mới về Hội để làm việc, gặp ông, thấy hơi sờ sợ, ngài ngại. Ông là cán bộ phụ trách công tác hội viên kiêm việc công đoàn của cơ quan. Ông chăm chỉ lao động, dọn dẹp văn phòng cơ quan cho sạch sẽ như nhà mình. Thi thoảng kiếm được ở đâu đó cành hoa ông cũng đem đến cắm vào bình tại phòng họp cho sáng sủa. Việc gì ông cũng làm, từ nhỏ cho đến lớn, quét dọn, vác bàn ghế hay xê dịch những tảng đá to vẫn không nề hà. Tôi hiểu ý thức của ông về nghĩa vụ cao hơn người khác. Mới gặp lần đầu, cứ nghĩ ông là kẻ lãng tử, bất cần, nhưng tiếp xúc nhiều, dần dà nhận ra ông thận trọng, chỉn chu, có khả năng làm chánh văn phòng… chứ không như mọi người nghĩ. Bằng chứng là cuối những năm chín mươi, hầu hết cán bộ, viên chức của cơ quan chưa có nhà ở cho tử tế, ông với vai trò trách nhiệm cán bộ công đoàn đã xoay trở, chạy ngược, chạy xuôi, lo toan cho mọi người có mảnh đất để làm nhà ở đàng hoàng. Từ quan hệ, thủ tục, hồ sơ về đất đai, v.v… ông lo tất. Nên bây giờ ở đường Phong Đình Cảng, thành phố Vinh có nhiều gia đình thuộc giới văn nghệ sĩ ở đó khá đông vui, công của ông rất nhiều. Tôi nể ông từ những việc làm thiết thực về chuyện: “cơm áo không đùa với khách thơ” như thế. Ông cùng chia sẻ với các đồng nghiệp, đồng sự và các hội viên bằng những gì có thể. Bây giờ, hình ảnh về một nhà thơ luôn trăn trở day dứt với cuộc sống, cuộc đời đến từng câu thơ vẫn thấy bồi hồi xúc động:

Tâm hồn nát quay cuồng trong nghịch lý

Nghếch mặt cười nuốt nước mắt vào trong”.

Ông chỉn chu với bạn bè, gia đình, và ngay cả với… ông. Cuối đời, ông về vùng quê Bùi Xá (Đức Thọ, Hà Tĩnh) tìm đất và tự tay xây huyệt mộ sẵn cho mình, không muốn làm phiền đến ai.

Lãnh đạo và hội viên Hội VHNT Nghệ An trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội (1967-1997)

Một con người người nữa, ấn tượng mãi với các hội viên về tấm lòng nhiệt huyết tích cực xây dựng Hội. Đó là nhạc sĩ Mai Cường. Một con người trong cuộc sống luôn yêu trẻ trọng già, cầu thị, nhìn tới tương lai, nói năng nhẹ nhàng điềm đạm, chu đáo, biết lắng nghe mọi tầng lớp, ai cũng như ai, không phân biệt giàu nghèo. Với vai trò của người lãnh đạo, ông tận tụy, hiểu biết, thương người, đi xa về thường mua quà cho cả cơ quan, đưa đến tận tay. Ông luôn đồng cảm sẻ chia với đồng nghiệp, bạn bè và cán bộ trong cơ quan. Ai có chuyện gia đình không vui, ông hỏi thăm, đến tận nhà chia sẻ, có giúp được gì ông cũng không nề nà. Tuyệt đối không nhớ lâu thù dai khi cấp dưới đã làm và nói trái ý mình. Và nữa, ông luôn quan tâm đến chế độ chính sách của cán bộ, nhất là những người công tác lâu năm, không để họ thiệt thòi nhiều. Là người của công việc, ông siêng năng, không tham lam, công bằng, ứng xử khách quan, nhiều lần trực tiếp đi giải quyết thủ tục chế độ cho cán bộ để mọi người yên tâm làm việc.

Thời ông đương chức, ở Hội có nhiều khách trong và ngoài tỉnh, rồi hội viên, bạn bè đến thăm Hội rất đông vui. Chủ nhà luôn niềm nở với khách, không tiếc thời gian đón tiếp cả trưa, cả tối, rôm rả chuyện trò với thái độ khiêm nhường. Hẹn hò giao lưu với bạn văn của tỉnh khác thường xuyên như anh em một nhà, tin tưởng, ấm cúng và chân thành.

Về nghề nghiệp, ông đạt rất nhiều giải thưởng. Với vai trò Chủ tịch Hội, ông trăn trở, có nhiều ý tưởng xây dựng và phát triển Hội lâu dài, như sẽ tách Tạp chí Sông Lam hoạt động độc lập, có trụ sở, tài khoản, tăng kỳ phát hành từ 02 tháng/số thành 01 tháng/số (lúc đó đang phát hành 02 tháng/số)… để tạo điều kiện cho Tạp chí Sông Lam phát triển tốt hơn. Ý tưởng của ông đã thông qua đại hội, điều lệ năm 2008. Nhưng rất tiếc, năm 2009, 2010, ông bị bệnh hiểm nghèo và qua đời lúc đương chức, ý tưởng chưa thực hiện được, bạn bè đồng nghiệp thương tiếc, hụt hẫng khi ông vắng mặt trên cõi đời này.

Năm mươi lăm năm cách xa, một lần nhìn lại, hình ảnh nhiều con người tôi đã từng giao tiếp, cùng làm việc không bao giờ quên, nhưng trong bài viết nhỏ này, không thể kể hết được. Chỉ biết trong lòng tôi đang bâng khuâng với tâm trạng như vừa được cái gì, mất cái gì. Bạn bè, người thân, đồng nghiệp, ai còn, ai mất? Dù rằng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trên chặng đường đầy thăng trầm, trong sự phát triển, đi lên của xã hội. Về việc riêng của mỗi người, coi như mãn nguyện. Còn cuộc sống của ngày mai, ngày mốt đang nhìn về phía trước. Tôi hiểu rằng, thế hệ hôm nay, những người kế cận các bậc tiền bối đáng kính vẫn cần phải tích cực tư duy nhiều hơn, đón cái mới, dỡ ra cái cũ, sắp xếp cho hòa hợp, để đi lên cùng thời cuộc.

Đàm Quỳnh Ngọc

(Bài đăng tạp chí Sông Lam số 24, tháng 6/2022)