Tôi về xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An vào đầu mùa hạ. Nói “về” bởi vì tôi đã qua lại nhiều năm, nhiều lần huyện miền núi giáp đất nước Triệu voi này. Một vùng đất rộng, là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Nghệ An, đa số là đồi núi, còn lại hầu hết là những doi đất nhỏ hẹp ven sông. Địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, nhiều thung lũng sâu dài hun nút hiểm bí. Đồi núi bị chia cắt mạnh bởi 3 dòng sông chính là sông Cả, Nậm Nơn và Nậm Mộ, giao thông đi lại vô cùng gian nan, nhất là về mùa mưa bão. Khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, đa dạng nhưng trữ lượng không lớn. Vùng đất này có nhiều khe núi dọc ngang, khi mùa mưa về, nước đổ từ các dòng sông, con núi về ào ào như quỷ thần dẫn đường. Nước đâu bất ngờ dâng lên như đùn từ dưới lòng đất, từ trời đổ xuống, đột ngột ngập cả một vùng, chia cắt giao thông chỉ trong tích tắc. Con người ngơ ngác và sững sờ trước sự thay đổi bất ngờ của trời đất.

Những trận mưa, lụt chia cắt giao thông khu vực này khi chưa xây dựng cầu “Niềm tin”

Đầu mùa khô, con đường đất nhỏ lầy lội ngoằn ngoèo chạy qua các con dốc vào bản làng ngày xưa giờ đã không còn, thay vào đó là đường nhựa sạch sẽ, rộng thoáng. Ô tô bon bon, xe chạy vun vút, hai bên đường các núi xanh ngun ngút, những ngôi nhà dân lô nhô nơi sườn đồi, núi, lúc ẩn, lúc hiện, không khí mát mẻ trong lành. Thật đáng quý khi có được môi trường thiên nhiên vững bền như thế.

Địa điểm dừng chân của chúng tôi là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở Tam Hợp. Đây là ngôi trường có quy mô nhỏ, đứng chân ở xã biên giới đặc biệt khó khăn. Toàn trường có 6 lớp, 160 học sinh và 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 112 em học sinh ăn ở nội trú tại trường… 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số, trong đó 103 em hộ nghèo, 57 em thuộc vùng khó khăn. Vì nghèo, cuộc sống còn thiếu thốn, đa số phụ huynh đã ly hương đi làm ăn xa, gửi con cái và tin tưởng ở nhà trường về mọi nhẽ. Bởi thế, thầy cô vất vả vô cùng trong việc quản lý, chăm sóc và dạy học cho các em. Nhận thức của phụ huynh và việc học tập của học sinh ở đây còn rất hạn chế, cùng với một số hủ tục vẫn còn tồn tại như tảo hôn, sinh hoạt lạc hậu vừa gây rất nhiều khó khăn cho công tác giáo dục vừa ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Đa số các em học lực chỉ ở mức trung bình và yếu kém. Thầy cô mất rất nhiều công sức  phụ đạo cho học trò với mong muốn cải thiện chất lượng học tập. Trường bán trú nên việc quản lý, chăm sóc các em ăn ở nội trú cũng nhọc nhằn hơn nơi khác, từ hướng dẫn xếp quần áo, gấp chăn màn, quét dọn phòng ở sao cho sạch sẽ gọn gàng, vệ sinh thân thể, bảo đảm sức khỏe, nhất là học sinh nữ, cũng phải mất hàng tháng trời mới tạo thói quen cho học trò. Quan trọng hơn, phải lo từng bữa cơm sao cho ăn đủ no, đủ dinh dưỡng tối thiếu để các em an tâm học tập. Có những thời điểm thiếu thức ăn, thầy cô phải trồng thêm rau xanh, cùng nhau vào suối bắt cá, mò tôm bổ sung vào khẩu phần ăn cho phong phú, ngon miệng hơn.

Các nhà hảo tâm trao tặng quần áo cho học sinh

Phải nói rằng, thầy cô ở ngôi trường này đã dành cho các em tình yêu thương đặc biệt, thương yêu học trò như con cháu mình, thường xuyên giáo dục ân cần về ý thức học tập, dạy bảo cách cư xử với bạn bè sao cho hòa đồng, vui vẻ, giao tiếp với nhân dân có văn hóa. Ngoài giờ lên lớp, và sau các buổi tự học, thầy cô hướng dẫn các em đến thư viện, hay đọc sách tại lớp học để nâng cao nhận thức, thêm hiểu biết, tổ chức nhiều buổi phụ đạo học sinh yếu kém, hoạt động giáo dục ngoài giờ để các em thực sự thấy được kiến thức vô cùng quan trọng. Các em dần hiểu được học để thay đổi cuộc sống. Từ những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy các cô, sự học của các em đã có nhiều tiến bộ. Số học sinh yếu kém giảm dần, học sinh trung bình và khá tăng lên. Cho đến nay, hàng chục em là học sinh giỏi, các phong trào tiếng hát dân ca, văn hóa đọc, sáng tạo khoa học kỹ thuật đã có thành tích đáng kể tại huyện nhà, và có 3 cô của trường đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Cô Lương Hồng Luyện, Hiệu trưởng hào hứng chuyện trò, chia sẻ mọi thông tin về trường khi đón tiếp nhóm thiện nguyện “Niềm tin” đến thăm và giúp đỡ nhà trường theo lời kêu gọi của thầy cô ở đây.

Cô là một giáo viên tâm huyết với nghề, coi trường học như ngôi nhà của mình. Cô Luyện từng là giáo viên của trường Trung học cơ sở Tam Thái, đã góp phần xây dựng ngôi trường này đạt chuẩn quốc gia từ năm 2017. Tháng 10/ 2022, cô tự nguyện chuyển công tác về Trường Tam Hợp với vai trò Hiệu trưởng với ý nguyện thay đổi môi trường làm việc. Nhưng từ sâu thẳm, chứng kiến ngôi trường Tam Hợp còn quá khó khăn nghèo nàn cô quyết tâm nhận nhiệm vụ mới để thử sức bản thân mình. Cô đã ở tại trường hàng tuần, cùng ăn ở, sinh hoạt với các em nội trú, đến cái váy, cái quần ngắn cũng không dám mặc vì ruồi vàng cắn chích rất đau và ngứa, càng hiểu và chia sẻ với các em và Nhân dân vùng biên. Khó khăn nhất của trường học nơi đây là cứ đầu mỗi năm học là mưa lũ lại về, học sinh không thể vượt qua cầu để đến trường, các em phải nghỉ học. Ước mơ cô trò là có chiếc cầu nhỏ xinh, vắt qua khe, sẽ không còn cảnh thầy cô phải đưa từng em nhỏ vượt lũ. Trăn trở của ngôi trường vùng biên giới đã được nhóm thiện nguyện “Niềm Tin” chia sẻ, giúp đỡ, trích từ thu nhập của các thành viên, các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp cùng đồng lòng giúp đỡ xây dựng nên chiếc cầu dân sinh với tên gọi “Niềm Tin”. Chiếc cầu nối những bờ vui cho các em đến trường và Nhân dân qua lại được an toàn trong mùa mưa bão  Cây cầu có dài 18m, mố cầu cao trên 3m được khởi công từ tháng 2/2023, sau hơn 3 tháng thi công đến nay công trình đã hoàn thành và đưa vào phục vụ các em học sinh và bà con dân bản. Sáng 13/5, huyện Tương Dương đã tổ chức lễ khánh thành cầu tại xã Tam Hợp, nơi có hàng trăm học sinh háo hức đợi chờ.

Lễ cắt băng khánh thành cầu dân sinh tại xã Tam Hợp

Cũng tại buổi lễ khánh thành, nhóm thiện nguyện đã trao tặng số tiền 30 triệu đồng để nhà trường mua sắm dụng cụ học tập và 160 chiếc áo đồng phục cho các em học sinh. Tổng số tiền của nhóm đã ủng hộ là 670 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui với các cháu học sinh và chính quyền xã Tam Hợp còn có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các phòng, ban huyện Tương Dương và đông đảo người dân xã Tam Hợp, ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng nhóm thiện nguyện Niềm tin và một số thành viên của nhóm.

Chúng tôi bịn rịn chia tay thầy cô và học trò thân yêu cùng với Nhân dân xã biên giới. Cô Hiệu trưởng Lương Hồng Luyện xúc động vô cùng, nắm lấy những bàn tay đã sẻ chia cùng cô như không muốn rời. Từ hơi ấm bàn tay của con người nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” ấy, chúng tôi cảm nhận rõ những trăn trở, lo âu trong cô bởi còn nhiều việc chưa làm được cho sự học nơi vùng biên này. Đã có cầu vượt lũ, nhà ăn mới xây xong cũng đã ổn, không lo mưa dột nữa. Giờ còn thiếu 7 phòng ở cho giáo viên và học trò nội trú, mái tôn hư hỏng chưa làm lại, mùa mưa lại đang đến gần?

Nhóm thiện nguyện “Niềm tin” trao tặng kinh phí mua sắm thiết bị học tập cho trường THCS Tam Hợp

Cuộc sống luôn hướng về phía trước, bước chân của con người, không bao giờ dừng lại. Trước những tấm lòng luôn yêu thương học trò, trở trăn, trách nhiệm với việc dạy và học nơi vùng sâu vùng xa, chắc chắn sẽ tiếp tục có những đồng cảm, sẻ chia từ cộng đồng để nỗi lo lắng của cô giáo Lương Hồng Luyện sẽ nhanh chóng vơi đi, cho những niềm vui mới sớm hiện hữu trên mảnh đất thân thương này.

Đàm Quỳnh Ngọc
(Ảnh trong bài do tác giả cung cấp)