LTS: Với thời gian, mọi thứ tưởng sẽ phai đi, thậm chí biến mất, nhưng với họ – văn nghệ sĩ, những kỷ niệm về bạn văn dường như luôn “sống”. Thời gian như càng giúp cho kỷ niệm ấy thêm sâu đậm. Chỉ là những lời nói, những cử chỉ, những việc làm nho nhỏ trong cuộc sống đời thường, hay chỉ là những trao đổi, chỉ dẫn về nghề cũng rưng rưng xúc cảm khi họ nhớ về những người bạn văn chương. Trong dòng lịch sử của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, luôn có những tâm tình nho nhỏ mà rưng rưng ấy.
Hướng về Đại hội XI của Hội, Tạp chí Sông Lam đăng tải một số kỷ niệm về bạn văn qua ký ức của các hội viên. Dưới đây là kỷ niệm của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc về nhà viết kịch – Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An Nguyễn Tường Lân.

Nếu tôi không nhầm thì nhà viết kịch Nguyễn Tường Lân là một trong những người đương chức có thời gian làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà không phải là dài, chỉ khoảng 3 năm. Ông làm việc 3 năm, do tuổi tác đến ngày tháng thì nghỉ hưu theo chế độ.

Đại hội lần thứ V của Hội vào cuối tháng 11/1992 đã bầu ông làm Chủ tịch, đó là điều đặc biệt chưa bao giờ có ở Hội. Tháng 12 cùng năm, tôi có quyết định về Hội làm việc, còn ngỡ ngàng, ngơ ngác trong môi trường mới và được biết ông. Buổi sáng đầu tiên đến cơ quan, tôi rụt rè, rón rén ngó nghiêng chưa biết chào hỏi ai thì thấy một bác tóc hoa râm, kẹp chiếc cặp bên hông, áo sọc màu xanh sơ vin gọn gàng, đi lại khoan thai nhẹ nhàng ngoài hành lang. Tôi hỏi nhỏ chị Luyên kế toán ai đó, chị Luyên kéo tôi vào phòng thì thầm: ông Nguyễn Tường Lân, Chủ tịch Hội mới bầu ở Đại hội đó, nghiêm lắm, đi làm phải cho đúng giờ giấc, nghe chưa. Nghe nói vậy, tôi cũng thấy sờ sợ, ngại ngại khi muốn đến chào Chủ tịch Hội. Đang còn chần chừ thì thấy Chủ tịch Hội vào phòng Kế toán, bắt tay tôi thân thiện, nói: “Cháu mới về làm tạp chí à? Chú có đọc mấy truyện ngắn của cháu trên các báo. Cháu làm việc ở Hội là đúng rồi”. Ông còn nói tên truyện Trở về của tôi in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội được giải thưởng năm 1989. Hóa ra, truyện của tôi cũng có người đọc và nhớ đến sao? Tự nhiên tôi thấy tự tin, vui vẻ và không có khoảng cách, rụt rè với mọi người cùng cơ quan.

Ông Nguyễn Tường Lân (thứ 2, phải sang) trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh. Ảnh: tác giả cung cấp

Tôi làm việc ở bộ phận Tạp chí, việc hàng ngày thường trực tiếp nhận bài vở và đón tiếp hội viên và cộng tác viên, phân chia bài vở đến các biên tập viên; tham gia viết bài, dự trại, phát hành tạp chí, trả nhuận bút cho các tác giả…

Ngày ấy, Hội là nơi hội tụ, gặp mặt các hội viên. Ngày nào cũng có người đến như người nhà. Ai có tác phẩm gì được in trên các báo và tạp chí có nhuận bút là thế nào cũng hẹn hò kéo nhau đến văn phòng, rồi vào quán bù khú, tranh nhau diễn đàn đọc văn thơ say sưa như rút cả ruột gan bằng hết để trình bày tác phẩm trước ba quân thiên hạ cho đến lúc tiêu hết nhuận bút còm rồi mới chia tay nhau, ai về nhà nấy. Giờ nghĩ lại, thấy rơi nước mắt về cái tình, cái nghĩa của những người yêu, đam mê văn học nghệ thuật, không nặng nề về tiền bạc như bây giờ? Ông Nguyễn Tường Lân, cũng bị kéo vào các đám ấy, nhưng ông không hăng lên như mọi người, chỉ lẳng lặng ngồi nghe, góp đôi ba câu ừ à khi có người hỏi. Nói chung, ông là người chỉn chu, cách ứng xử như một thầy giáo, gặp ai cũng tay bắt mặt mừng nhưng không à uôm, rượu chè. Đến cơ quan bao giờ ông cũng đúng giờ, điểm danh, ai vắng mặt không báo cơ quan ông ghi tên vào sổ, đầu tuần giao ban đều nhắc nhở.

Trai sáng tác Tuổi xanh năm 1994 (ông Nguyễn Tường Lân đứng thứ 2 bên phải sang). Ảnh: tác giả cung cấp.

Ông vốn là thầy giáo đã từng đứng trên bục giảng, có thời gian dài ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trước khi về Hội. Có lẽ vì tố chất của nhà giáo, nên ông luôn quan tâm đến sáng tác văn học của các em học sinh khi về Hội công tác. Khoảng những năm 1992 – 1995, ông đương chức Chủ tịch, thường có trại sáng tác “Tuổi xanh” liên kết với Trường chuyên Phan Bội Châu, và các trường năng khiếu trong tỉnh nhà dành cho các cháu đang tuổi học đường.

Ông cũng quan tâm, động viên, chia sẻ về cuộc sống của cán bộ, viên chức trong Hội ngày ấy. Tôi nhớ mỗi năm Hội mở trại sáng tác cho các hội viên vào mùa hè, tập trung ở Cửa Lò, rất rộn ràng. Ai được dự trại đều phấn khởi, tự hào và làm việc rất nghiêm túc. Cán bộ Hội gần gũi, hòa đồng, ông cũng vui lắm, chia sẻ với các trại viên về những thắc mắc cần giải quyết chế độ. Hội viên dự trại, thoải mái như ở nhà mình, lúc nào cũng thấy gương mặt sáng trưng, đọc bài của nhau sôi nổi. Chủ tịch Hội nhân dịp ấy, kết hợp mời luôn người thân của cán bộ Hội tham gia, giao lưu ở Cửa Lò và dự bữa cơm thân mật vào ngày tổng kết trại, không khí ấm cúng, chan hòa, đoàn kết.

Buổi giao lưu của các nhà thơ, nhà văn với cán bộ Hội cùng người thân ở Cửa Lò năm 1993. Ảnh: tác giả cung cấp

Tôi nhớ mãi những câu chuyện này, kể lại để mọi người biết và hiểu một thời Hội nghèo và thiếu thốn về vật chất, nhưng tình cảm thì luôn dồi dào. Cái thời đói kém, được dự bữa tiệc và ở khách sạn một đêm không phải chuyện đùa. Điều ấy nói lên lãnh đạo Hội, đứng đầu là Chủ tịch ngày ấy đã có công, có tâm, bằng cái tình, cái nghĩa góp phần xây dựng Hội để có ngày hôm nay.

Rất tiếc, ông Nguyễn Tường Lân làm Chủ tịch Hội không hết nhiệm kỳ (1992 – 1997), năm 1995 ông nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2014, ông qua đời, để lại nhiều tác phẩm đã được giải thưởng từ Trung ương đến địa phương và sự yêu mến trong lòng anh em cơ quan Hội cùng bạn bè văn chương.

Ông Nguyễn Tường Lân là nhà viết kịch, sinh năm 1935, quê quán ở tỉnh Thanh Hóa; vào Hội Văn học Nghệ  thuật Nghệ An năm 1967. Ông cũng là hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, được kết nạp năm 1978. Từ Đại hội I đến Đại hội V, ông liên tục là ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An (hai khóa vào Thường vụ). Chủ tịch Hội nhiệm kỳ V (1992 – 1997). Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản, trong đó phải kể đến: Câu chuyện một chiếc áoBà giáo Hoa (Báo Văn nghệ, 1956); Người thanh niên Việt kiều, truyện ký, NXB Thanh niên, in chung, 1957; Gió lưng truông, tập truyện ký, Hội Văn nghệ Nghệ An xuất bản 1973; Hoa trên núi, Ttuyện ký, NXB Phụ nữ 1971; Người hậu phương, NXB Văn hóa, in chung, 1976; Người trồng cây, tham gia cuộc thi sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 1979; Thượng nguồn (1985); Bác trong tôi (1990) đã được dàn dựng để hưởng ứng Hội diễn Sân khấu toàn quốc…

Ông Nguyễn Tường Lân cũng giành được nhiều giải thưởng như: giải Nhì cuộc thi sáng tác của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam năm 1957 cho truyện ngắn Người thanh niên Việt kiều; giải A cuộc thi sáng tác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1976 với kịch bản Người hậu phương; Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1977 với kịch bản Người trồng cây

Đàm Quỳnh Ngọc