Ngày xưa, đương thời “thánh thơ” Cao Bá Quát khi thẩm thơ của Thi xã Mặc Vân đã không ngần ngại đưa ra so sánh:

“Ngán thay, cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An”

Thánh thơ đã so sánh thơ của Thi xã với mùi những con thuyền chở nước mắm của Nghệ An vẫn vào ra khắp trong nam ngoài bắc khi đó. Ai cũng hiểu câu đó là để chê thơ, nhưng vô hình chung “thánh thơ” Cao Bá Quát lại “quảng cáo” cho nước mắm của Nghệ An, nặng mùi thật đấy, nhưng đậm đà tuyệt ngon.

Ít người biết rằng thời thuộc Pháp ở vùng Cửa Hội không chỉ có một vài chiếc thuyền, mà có hẳn đội thuyền hàng chục chiếc chở nước mắm và các sản phẩm hải sản của Nghệ An tung hoành khắp trong nam ngoài bắc. Ông chủ của “hải đội” những “con thuyền Nghệ An” đó là cụ Bát Thoàn.

  Nhà nho đi buôn

Cụ Bát Thoàn tên thật là Trần Văn Thuyên, sinh năm 1874. Ông là con của cụ Bá Ơn, một nhà cự phú giàu có nức tiếng vùng Cửa Hội. Cụ Bá Ơn có hàng trăm mẫu ruộng, đồng thời có thêm nghề đánh cá và chế biến hải sản. Sinh ra trong một gia đình có sản nghiệp lớn như vậy, nhưng Trần Văn Thuyên lại được cha lái cho đi theo con đường khoa cử. Mười mấy năm dùi mài kinh sử, thông minh và chăm chỉ, Trần Văn Thuyên đã hai lần ứng thí ở trường thi Hương Nghệ An. Cả hai lần ông đều đỗ tú tài. Có lẽ nhận thấy thời của Nho học không còn thịnh nữa, ông Thuyên không cố theo đuổi con đường cử nghiệp, mà quyết định lập thân, lập nghiệp theo một hướng khác.

Khoảng những năm 1910, khi được chia thừa kế sớm là 1/3 gia sản của cha, ông Thuyên ra làm ăn độc lập. Tuy nhiên, ông không theo đường làm ăn của cha là sản xuất (kể cả nông nghiệp, ngư nghiệp), mà chọn thương nghiệp làm chính. Ông nhận thấy vùng Cửa Hội có rất nhiều gia đình sản xuất, chế biến nước mắm và hải sản, nhưng chỉ bán quanh quẩn trong vùng, lời lãi chẳng ăn thua. Trong lúc đó nước mắm và các sản phẩm khác của Cửa Hội và Nghệ An lại đã có danh tiếng, rất được ưa chuộng ở nhiều nơi. Vì vậy, một mặt ông vẫn lập xưởng để chế biến nước mắm, nhưng mặt khác ông quyết định thu mua nước mắm, hải sản của bà con ngư dân trong vùng, rồi mua thuyền chở đi bán khắp nơi. Khi về, không để thuyền không, ông lại mua thổ sản, hàng hóa các vùng miền khác về địa phương để bán. Đi đúng hướng, nên việc kinh doanh của ông Thuyên không gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhờ mở được “đầu ra” mà nghề nước mắm và hải sản trong vùng cũng có cơ phát triển. Từ một vài chiếc thuyền mành lúc đầu, đội thuyền của ông đã phát triển dần lên hàng chục chiếc. Từ Cửa Hội, những “con thuyền Nghệ An” nặng mùi mắm ruốc đã đến nhiều nơi khắp trong nam ngoài bắc, như Nam Định, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng…

Tại Cửa Hội, ông Thuyên đã xây dựng cơ ngơi và nhà xưởng chế biến rất lớn. Ông cũng bỏ tiền, mua đá xây dựng mấy trăm mét kè dọc sông Lam để chống xói lở cho cả vùng này.

Vài thập kỷ đầu thế kỷ 20, khi đường bộ, đường sắt chưa thịnh hành, thì đường thủy gần như độc tôn của các tuyến buôn bán. Sinh thời, ông Thuyên rất nể phục và ngưỡng mộ tấm gương thực nghiệp của ông vua sông nước Bạch Thái Bưởi. Thời kỳ này, Bạch Thái Bưởi đang làm mưa làm gió trên các tuyến vận tải hành khách theo đường thủy, trong đó có tuyến Hà Nội, Hải Phòng – Bến Thủy. Tại cảng Bến Thủy có cầu cảng và nhà kho riêng của hãng Bạch Thái Bưởi. Ở thế thượng phong như thế, nên khi ra vào cửa sông tàu của hãng Bạch Thái Bưởi cũng có phần kiêu ngạo, nghênh ngang. Một đôi lần đội thuyền mành của ông Thuyên đã đụng độ tàu của Bạch. Mặc dù rất ngưỡng mộ họ Bạch, nhưng với cốt cách của một nhà nho, ông Thuyên không cho phép đội thuyền của mình bị chèn ép. Theo lệnh của ông, đội thuyền cứ đường ngay mà tiến. Kết quả là tàu của họ Bạch phải trở lại đúng luồng lạch.

Bắt đầu là nước mắm, hải sản, sau đó ông Thuyên mở rộng ra buôn bán đủ thứ, miễn là thấy mặt hàng đó có thể phục vụ nhu cầu thị trường và sinh lời. Thậm chí đội thuyền của ông mỗi khi trở về thường không đầy đủ như lúc đi. Đơn giản là thấy được giá ông Thuyên sẵn sàng bán cả thuyền. Nghệ An sẵn gỗ, lại có một số làng nghề đóng thuyền nổi tiếng, giá thuyền đương nhiên là rẻ hơn nơi khác.

Bằng cách đó, ông Thuyên đã sớm trở nên giàu có. Ông mua ruộng đất ở quê, đồng thời mua nhà ở Vinh. Năm 33 tuổi ông Thuyên đã có 7 gian nhà ở Vinh cho cô đầu thuê.

Bước ngoặt

Công việc làm ăn đang cực kỳ thuận buồm xuôi gió, thì đột nhiên một lần sau chuyến đi Đà Nẵng dài ngày trở về, gia đình thấy ông Thuyên không về bằng đường thủy, trên thuyền của mình như mọi lần. Lần này ông về bằng đường bộ, vì đơn giản ông đã bán tất cả đội thuyền của mình. Cả nhà ai cũng lo lắng, nhưng không ai dám hỏi. Mấy hôm sau ông mới nói sẽ lên Vinh lập nghiệp, đồng thời yêu cầu người vợ thứ tư là bà Thược đi theo mình.

Tại Vinh, ông mua nhà ở số 110-112 phố Destenay (tức phố Phan Đình Phùng ngày nay), mở công ty Thành Lợi và bắt đầu mở rộng kinh doanh theo nhiều hướng khác nhau. Lúc này đường sắt từ Vinh đi Đông Hà, và sau đó là Huế đã thông, đến năm 1936 thì thông toàn tuyến bắc – nam. Chắc ông đã nhận thấy lợi thế nhanh, an toàn và rẻ của vận tải đường sắt, so với chậm và nhiều rủi ro của đường biển. Chính vì vậy, một mặt, ông vẫn duy trì đội thuyền buôn bán hải sản như trước đây ở Cửa Hội, nhưng thu hẹp dần quy mô. Mặt khác, ông mở rộng mặt hàng buôn bán và vận chuyển theo đường sắt. Ngoài hải sản, ông mở rộng buôn bán thêm nông sản, ngũ cốc, dầu hỏa, dầu ăn, hàng bách hóa. Không chỉ bán lẻ, ông còn nhập hàng về bán buôn lại cho các cửa hiệu nhỏ hơn. Đặc biệt, nếu như từ đầu thế kỷ, Bạch Thái Bưởi từ Nam Định vào thầu thu thuế chợ Vinh thì lần này, Trần Văn Thuyên lại ra chợ Rồng Nam Định thầu thu thuế ở đây. Tại chợ Rồng, không chỉ thầu thu thuế chợ, ông còn mở một hiệu cầm đồ, về sau rất nổi tiếng, đó là hiệu Nam Hương.

Từ kinh nghiệm chợ Rồng, những năm 1940, ông Trần Văn Thuyên cũng thầu thu thuế ở chợ Vinh, cho đến khi cướp chính quyền năm 1945. Ông cũng có cơ sở buôn bán ở Đà Nẵng và một vài nơi khác. Ở Vinh, bên cạnh hiệu buôn Thành Lợi, ông cũng phát triển thêm kinh doanh nhà ở. Từ 7 gian nhà cho cô đầu thuê, đến ngày tiêu thổ kháng chiến ông đã có tất cả 36 ngôi nhà cho thuê ở Vinh. Tương tự, ở Nam Định công cũng có ba ngôi nhà cho thuê. Đây là một nguồn thu khá lớn và rất ổn định, làm cho sản nghiệp của ông ngày càng vững mạnh.

Khắc kỷ và đào hoa; tằn tiện và hào phóng

Về khía cạnh con người, ông Thuyên là một tính cách khá đặc biệt. Ở ông có những phẩm chất có vẻ trái ngược nhau. Mặc dù rất giàu có, nhưng ông nổi tiếng là người tằn tiện. Ông buộc đầu bếp không được nấu cơm thừa, nếu có thức ăn thừa, ông yêu cầu cất cẩn thận để dùng cho bữa sau. Sự tằn tiện của ông khiến cho người trong nhà, kể cả cha mẹ ông cũng khá là khó chịu. Thế nhưng con người tằn tiện đó, khi cần thiết lại xuống tiền không tiếc tay.

Là thương gia giàu có và lão luyện, nhưng ông không có ý định hướng con cái mình đi theo con đường buôn bán. Trong những cái tên ông đặt cho con mình, hầu như đều có bộ “ngôn” bên cạnh, với hàm ý con cái sẽ đi theo đường học vấn. Bởi vậy, ông có thể ăn mặc, sinh hoạt tằn tiện, nhưng không tiếc tiền chi cho con ăn học đến nơi đến chốn. Có thời kỳ trong nhà sáu đứa con đều đi học, mỗi tháng mỗi đứa ngốn mất không dưới 20 đồng bạc, nhưng ông vẫn không ngần ngại đầu tư cho chúng. Bằng cách đó cả mười mấy người con của ông sau này đều có học vấn vững chắc. Đến hiện nay thì sự nghiệp học hành của thế hệ cháu chắt ông càng rực rỡ.

Nếu đương thời ông đã lập nên một tập đoàn kinh tế, thì ngày nay con cháu chắt của ông đã tạo nên cả một tập đoàn trí thức. Khắc kỷ với bản thân, nhưng ông lại hào phóng với tha nhân, vì vậy ông là người quảng giao và có bạn bè trong nhiều tầng lớp khác nhau. Đó chính cũng là một nguồn lực rất quan trọng cho sự nghiệp kinh doanh của ông.

Là một thương gia có nguồn gốc nhà nho, ông luôn có sự rạch ròi trong các mối quan hệ. Tư gia của ông ở Vinh có tới ba phòng khách, dành cho từng loại khách khác nhau. Một phòng khách lớn để ông tiếp những vị khách thông thường, đó là người bà con, bạn thương gia… Một phòng khách sang trọng, với những bộ bàn ghế lớn, những chiếc đôn kiểu cách được ông dùng để tiếp các quan chức tây, nam. Đặc biệt, ông có một phòng khách, nhỏ thôi, nhưng rất ấm cúng để tiếp bạn tâm giao. Trong phòng khách nhỏ này không bao giờ thiếu chiếc đàn nguyệt và bộ bàn cờ tướng. Đó cũng là hai thú vui suốt đời của ông.

Trong nạn đói năm 1945, ông đã hai lần xuất kho để cứu giúp những người đói. Không chỉ cho gạo, với những người già yếu, bệnh tật ông còn cho nấu cơm, nắm cơm đưa đến cho họ. Có lần người làm đưa cơm nắm đến cho một gia đình, gọi cửa không được, anh ta gác nắm cơm lên bờ rào rồi về. Biết chuyện ông Thuyên đã quở trách người này, nhắc họ về đạo lý “của cho không bằng cách cho”.

Khi đã là một nhà công thương có thế lực, ông Thuyên được chọn làm Chủ tịch Hội Nông khố, thành viên Hội đồng tư vấn Trung Kỳ của Nông khố Ngân hàng (Banque du Credit), một ngân hàng giống như Ngân hàng chính sách hiện nay. Đây là một cái chức “ăn cơm nhà vác tù nhà hàng tổng”. Không những không có lương bổng gì, mà ông còn phải đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay tiền ngân hàng với lãi suất thấp. Khi người nông dân không có khả năng trả nợ, chính ông phải trả thay.

Ngôi nhà ông ở Vinh (110-112 Destenay) lại ngay bên cạnh nhà ông Gigouvergne, Giám đốc Nông khố Ngân hàng, nên hai người khá thân nhau. Điều này càng làm cho ông Thuyên được tin cậy và do đó, ông cũng đã làm rất tốt vai trò của mình để giúp đỡ nông dân. Chính vì những đóng góp này, ông được chính phủ bảo hộ tặng Huân chương Long Bội tinh, được chính quyền Nam triều phong hàm bát phẩm. Cái tên Bát Thoàn bắt đầu từ cái hàm bát phẩm đó. Trong kỳ bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937, ông Thuyên được giới thiệu ứng cử, nhưng không trúng cử[2]. Nhưng, có lẽ chính việc rất nhiều người nông dân đã khấm khá hơn từ đồng vốn vay ngân hàng mới là phần thưởng lớn nhất đối với ông.

Sinh thời, ông Thuyên là một người rất đẹp trai, một vẻ đẹp khỏe mạnh đầy nam tính. Lại là người có học thức, có tài kinh doanh và rất giàu có, nên đương nhiên ông có rất nhiều phụ nữ vây quanh. Trên thực tế ông có bốn bà vợ chính thức. Đậu Thị Xuân, một người con gái cùng làng, giỏi giang, tháo vát, đã kịp sinh cho ông ba người con trước khi mất sớm. Bà hai là Vũ Thị Xân, một người con gái xinh đẹp, thông minh, đặc biệt giỏi kinh doanh, trước khi về với ông đã kịp xây dựng cho mình một sản nghiệp không kém gì của chồng. Khi bà cả Đậu Thị Xuân mất, bà Xân ở Cửa Hội, quán xuyến toàn bộ gia đình, như vai trò của một con dâu cả. Khi ra Nam Định kinh doanh, ông Thuyên đã giải quyết vấn đề nhân sự quản lý cơ sở ở đây bằng cách lấy thêm một bà vợ thứ ba. Đó là bà Doãn Thị Tần, em của một người bạn làm ăn với ông. Bà tư là bà Thược, người trực tiếp hàng ngày với ông trông coi các cơ sở kinh doanh ở Vinh.

Ông Trần Văn Thuyên và người vợ thứ hai, Vũ Thị Xân

Ngoài bốn chính thất ra, ông Thuyên còn có một người phụ nữ nữa ở Đà Nẵng, rất xinh đẹp và giỏi giang. Đây cũng là lời giải cho vấn đề nhân sự cấp cao quản lý cơ sở kinh doanh tại đây của ông.

Trong cái đại gia đình với bốn người vợ, mười mấy đứa con ấy không bao giờ có tiếng bấc tiếng chì. Các bà đều thủy chung với ông, biết phận sự, biết chịu đựng và nhường nhịn lẫn nhau.

“Sinh không, thác lại tay không…”

Trong gia đình cụ Bát Thoàn còn lưu truyền câu chuyện: khoảng năm 1943, đúng lúc cụ đang trên đỉnh cao sự nghiệp kinh doanh, có một thầy bói được người nhà mời về. Thầy xem xét rất kỹ và nói rằng cụ Bát Thoàn đang là người giàu có nhất nhì thành phố Vinh và vùng Cửa Hội, đồng thời lại rất có thế lực, nhưng cuối đời sẽ chết trong cơ cực, đói khát. Vừa bước vào nhà, nghe thầy bói phán như thế, cụ Bát Thoàn đã vung ba toong đập nát cả chiếc tráp của thầy bói, quát tháo và đuổi thầy bói đi. Ai có ngờ đâu, những lời nhảm nhí đó lại có ngày ứng nghiệm…

Những ngày tưng bừng của Cách mạng Tháng Tám mau chóng qua đi, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Các hoạt động buôn bán giao thương qua đường biển bắt đầu ngưng trệ dần. Năm 1947, các đô thị được lệnh tiêu thổ kháng chiến, trong đó Vinh đã thực hiện một cách triệt để nhất. Cùng với cả thành phố, hai ngôi nhà ở, cửa hiệu Thành Lợi và ba mươi sáu ngôi nhà cho thuê khác của cụ Bát Thoàn trong phút chốc biến thành gạch vụn. Nguồn thu từ buôn bán, đặc biệt từ cho thuê nhà không còn nữa. Cụ Bát Thoàn cùng bà tư và con cháu trở về Cửa Hội, về với mấy chục mẫu ruộng và xưởng chế biến nước mắm. Đó là sự bất khả kháng của chiến tranh.

Chiếc chum sành, tài sản duy nhất còn lại của cụ Bát Thoàn

Thế nhưng, cơn cuồng phong thực sự quét sạch tài sản và đày đọa cụ Bát Thoàn xuống vực sâu cơ cực lại chính là… Cải cách ruộng đất.

Khi bắt đầu thực hiện chính sách giảm tô, cụ Bát Thoàn coi đó là sự chia sẻ với người nông dân, không có gì đặc biệt, dù thu nhập của mình giảm đi. Khi cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu ở các địa phương khác, đã có người khuyên cụ nên lánh ra Nam Định, nơi các cơ sở kinh doanh của bà ba vẫn duy trì được, nhưng cụ từ chối, với câu ca quen thuộc “sinh không thác lại tay không, lo gì…”. Lại có người khuyên cụ nên tẩu tán, chôn giấu tài sản. Cụ miễn cưỡng nghe theo, nhưng cũng chỉ làm qua quýt. Khi các cuộc đấu tố xẩy ra, cụ dặn các bà vợ và con cháu lánh đi, để tránh liên lụy, một mình cụ chịu đựng là đủ. Cụ đã bị trói, dẫn ra sân đình để nông dân đấu tố. Sau đó bị đưa lên Anh Sơn giam giữ mấy tháng trời. Toàn bộ ruộng đất của cụ bị tịch thu, nhà cửa bị tháo dỡ, tài sản chìm, nổi cũng bị đào lên, đưa ra chia cho nông dân. Duy nhất chỉ còn bộ quan tài cụ đóng trước cho mình là không bị thu giữ, dù bị lột mất một lớp ván bên trong.

Nhà tưởng niệm cụ Bát Thoàn ở Cửa Hội

Sau mấy tháng giam giữ ở Anh Sơn, chắc biết cụ có tới bốn người con tham gia quân đội, có người đang giữ chức vụ khá cao, cụ được cho về địa phương. Tuy nhiên, về nhà cụ tiếp tục bị giam giữ trong một chiếc lều cuối vườn. Ngoài tám mươi tuổi, lại bị lưu đày, bệnh tật, ngày 21 tháng 10 năm Ất Mùi (1955) cụ đã ra đi trong đói khát, cô đơn và uất hận. “Sinh không, thác lại tay không…”.

Đến Sửa sai sau Cải cách ruộng đất, cụ Bát Thoàn được công nhận là địa chủ kháng chiến. Nhưng, đã muộn…

Phạm Xuân Cần

[1] Bài viết sử dụng tư liệu chủ yếu từ cuốn “Nhớ thương tự hào” của Trần Thu Dung, NXBTHTPHCM, 2016
[2] Báo Sông Hương, số ra ngày 19/8/1937