Anh Nguyễn Văn Giản quê huyện Hưng Nguyên, đồng hương với cụ Nguyễn Trường Tộ – nhà cách tân lớn thế kỉ 18 – và anh Nguyễn Trần Bạt – vị học giả hiện đại thời Đổi mới. Anh thuộc thế hệ lãnh đạo tỉnh nổi lên trong thời kỳ nhập hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh từ giữa thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước. Trong khoảng 15 năm đó, anh công tác ở cấp ủy tỉnh, kinh qua nhiều lĩnh vực hoạt động theo chức vụ: Trưởng ban Tuyên giáo, Phó Bí thư Thường trực, Phó Bí thư kinh tế, Chủ tịch tỉnh.

Chân dung ông Nguyễn Văn Giản, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh.

Tôi được quen biết và làm việc với anh ở nửa cuối thời kỳ này. Những năm tháng ấy đầy khó khăn, gian khổ: thiên tai bậc nhất lịch sử, nhiều tệ nạn xã hội lộng hành như nạn trấn lột, nạn bắt dừng xe xin đểu, đôi khi cướp bóc có súng nổ, v.v… Đặc biệt là thiếu lương thực, đói kém, có câu: “Năm tám mươi (1980), gạo tám mươi (80đ/kg – đắt)/Dân Xứ Nghệ, mặt vàng như nghệ” hoặc “Nghệ Tĩnh mình ơi, Trung ương gọi lấy mỳ” (bo bo), v.v… Nhưng anh Giản với phong thái người lãnh đạo bình tĩnh, nhiều lần bàn bạc với cơ sở trước hết phải dốc sức giữ vững an ninh, nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất mùa vụ ngắn ngày,… Khi tình hình đã đỡ căng thẳng, anh tiếp tục đàm đạo nhiệm vụ trước mắt, tìm then chốt cái mới, tìm mô hình,… “Mô hình là cái hình ở mô” về giống mới cho trồng trọt và chăn nuôi, cho đa dạng phát triển ngành nghề, cho vấn đề tổ chức sản xuất hợp lý và cách làm cụ thể… Các “điểm dừng chân vui vẻ” mà Quỳnh Lưu đã có là hiệu quả phong trào làm thủy lợi hàng chục năm xây đắp được 80 hồ đập lớn nhỏ (vẫn giữ được rừng), là nâng chăn nuôi lên làm ngành nghề chính (kèm theo nghề nuôi hươu), là phát triển rau màu hàng hóa vụ đông và nhất là đã chuyển vụ lúa hè thu từ vài trăm hecta lên hàng ngàn hecta – những lợi thế này phải thành bệ phóng cho mọi hoạt động trước mắt.

Và bây giờ tạo thế mạnh và riêng có cho Quỳnh Lưu như thế nào mới là điều đáng chú ý. Đó là thoát rào sớm, đưa kinh tế vượt ra ngoài huyện; đổi mới tư duy kinh tế và về mọi mặt.

Làng rau Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) hôm nay. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Khi Quỳnh Lưu có tàu vỏ sắt 70T lưu thông buôn bán qua các tỉnh bạn và nhất là khi có tàu viễn dương 400T đến cảng nước ngoài xuất nhập hàng hóa thì anh Giản rất vui, rất chú ý. Anh ra thăm huyện, uống bia Trung Quốc (nhãn Vạn Lực, chai thủy tinh xanh) với cá thu nướng và rau húng làng chài Quỳnh Long khá thú vị! Khi Quỳnh Lưu mời GS. Vũ Tuyên Hoàng và GS. Nguyễn Lân Dũng vào giới thiệu giống lúa mới và làm men sinh khối cho chăn nuôi, anh theo dõi và muốn điều này lan ra các huyện trong tỉnh. Đặc biệt, khi Quỳnh Lưu mở lò sứ cao cấp thì anh hoàn toàn quan tâm và dự báo đây là một đốm lửa nhỏ sẽ tỏa sáng. Lò sứ cao cấp Quỳnh Lưu ra đời có phần là một sự ngẫu nhiên may mắn. Hồi trường Đại học Sư phạm Vinh sơ tán một bộ phận ra Hoàng Mai, cô Vân – sinh viên Hà Nội của trường có duyên với anh Kỳ – một thanh niên xã Quỳnh Bảng. Cô ở lại lập gia đình. Ông thân sinh của cô là một trong hai chuyên gia sứ nổi tiếng của Đông Dương thời Pháp thuộc. Ông quyết định truyền nghề cho vợ chồng con gái. Thế là lò sứ Hoàng Mai được huyện hưởng ứng ngay. Anh Hoàng Đình Quản, Phó Chủ tịch Huyện phụ trách công nghiệp, anh Nguyễn An Chức, Giám đốc Nhà máy Gạch ngói huyện ủng hộ xây lắp (thời buổi vật tư khan hiếm, chỉ được cấp phiếu mua mấy ngàn viên gạch và mấy ngàn viên ngói). Cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ bé nhưng sản phẩm sứ cao cấp ra lò tốt đẹp lại bị sự nhìn nhận hoài nghi của nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên: phá hoại quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, rước chủ nghĩa tư bản về huyện, v.v… Trước thềm Đại hội VI, có hai đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị ghé thăm mô hình này là Đại tướng Chu Huy Mân và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Khi đồng chí Nguyễn Thanh Bình đến thì lò đang đóng cửa, do 5 lao động nữ quê xã Quỳnh Giang bỏ việc, bảo đây không phải là Quốc doanh hoặc Hợp tác xã! Đồng chí Nguyễn Thanh Bình cười vui: “Mấy tay tuyên giáo làm ăn giỏi thật!” (Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi là người ký quyết định đầu tư công trình thủy lợi Vực Mấu). Rồi nhà văn Nguyễn Minh Châu và rất nhiều người, nhiều đoàn đến thăm nhưng dư luận này nọ vẫn chưa dịu. Một đêm, đã khá khuya, thư ký anh Giản đập cửa nhà tôi và nói, anh dặn đi công tác Yên Thành xong thì ra ngay Quỳnh Lưu trao thư này cho Bí thư Huyện ủy. Trong thư anh bảo huyện bàn với lò sứ Hoàng Mai chuyển vào tỉnh, tỉnh sẽ đầu tư, đặt xí nghiệp tại Nghi Xuân và tìm phương thức sản xuất phù hợp. Vì bấy giờ anh là Chủ tịch tỉnh nên hành vi này dẹp yên được mọi băn khoăn. Sau đó anh ra huyện, tôi báo cáo với anh tình hình bây giờ đã khác, anh Kỳ và cô Vân dự báo hàng sứ ngoại bát đĩa ấm chén sẽ tràn vào sớm với giá rẻ, nên họ sẽ chuyển cơ sở ra Hà Nội sản xuất sản phẩm sứ kỹ thuật nhỏ nhẹ cho nhà máy dệt và làm đồ sứ điện cao thế giá cao. (Xu hướng kinh tế thị trường bao giờ cũng nhạy bén)… Anh Giản quan tâm đến vấn đề này là rất đáng nể, anh ý thức và hành động theo một tầm nhìn mới của một vấn đề lớn là xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần, và điều này là một điểm nhấn vượt qua tư duy chật chội, đóng góp cho Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Đại hội của đổi mới giải tỏa nhiều rào cản xã hội gây trì trệ nhiều năm. Tôi chỉ xin nêu một chuyện nhỏ là làng tôi có mấy gia đình nấu kẹo rất ngon, bí mật bán ra các chợ, nhưng khi có cán bộ xóm đi qua ngoài cổng thì cả nhà hốt hoảng tắt bếp, đậy vung. (Nhưng đậy làm sao được mùi thơm của lạc rang và mật mía), cũng có thể coi là một bi kịch trong hàng loạt bi kịch đáng buồn!

Con người anh vừa nhìn xa, vừa quyết đoán. Quỳnh Lưu trước Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 19, tình hình không thuận lợi về dự kiến lãnh đạo mới. Tổ chức Tỉnh ủy ra làm việc chưa ổn. Anh Giản ra mới dứt điểm được nội dung nhân sự. Anh nói thẳng ý kiến của tỉnh là: đồng chí A, đồng chí B sắp đến tuổi nghỉ hưu, các đồng chí nên tự nguyện nghỉ. Đồng chí C tỉnh điều lên làm Phó Giám đốc Sở. Các đồng chí D, Đ, E,… đề nghị Đại hội xem xét bầu làm lãnh đạo mới… Thế là yên, Đại hội diễn ra trôi chảy.

Anh Giản rất nghiêm khắc, nhưng đối với nhiều cán bộ tốt anh thân tình và quý mến. Gần đây tôi có gặp bác sĩ Đoàn Văn Lưu, quê Hà Tĩnh, học trò giỏi trực tiếp của GS. Tôn Thất Tùng. Bác sĩ Lưu là bàn tay vàng khoa ngoại của Bệnh viện tỉnh một thời, thông thạo tiếng Anh và Hán Nôm (đã từng dịch thơ Việt sang tiếng Anh và khảo chứng bản “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn), bác sĩ Lưu nói: Gia đình tôi vẫn ở phố lớn nhất của thành phố Vinh, là nơi Chủ tịch Giản cấp đất cho tôi trước lúc chia tỉnh…

Sau khi chia tỉnh, anh Giản nghỉ hưu nhưng vẫn giao lưu bạn bè vui vẻ, hàng ngày đi bộ với cái túi vải, một quyển sổ và cái bút. Anh thường thăm anh Nguyễn Bá, anh Bạch Hưng Đào rồi ghé qua nhà tôi. Lúc này tai anh đã nặng, trao đổi gặp gỡ phải bút đàm. Một hôm anh đặt câu hỏi: “Quỳnh Lưu đối với mình thế nào?” Tôi viết đáp: “Anh giúp Quỳnh Lưu nhiều điều, đặc biệt là chỉ đạo hiệu quả hai Đại hội Huyện Đảng bộ, tạo những bước đi vững chắc.” Anh viết: “Nhưng không phải ai cũng ưng mình cả đâu. May cho mình tình hình Quỳnh Lưu đã tốt”. Sau lần gặp này tôi không còn được gặp anh nữa. Anh đã đi vào thượng thọ.

Nhớ lại trước đó, anh Nguyễn Văn Phùng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy từng làm việc với anh lâu năm (nay anh Phùng cũng đã mất) và tôi đến nhà anh chơi nhiều lần thân thiết. Anh Phùng và tôi đều có cảm nhận: lịch sử một địa phương, sự nghiệp một cá nhân có nhiều thành tựu và có thể có những điều chưa hoàn tất nhưng đó là khát vọng của những tầm nhìn đáng trân trọng. Anh Nguyễn Văn Giản là người lãnh đạo cười nhiều hơn nói, anh không chịu ngồi yên, luôn luôn mê say tìm tòi hoạt động đổi mới và bao giờ cũng là hình ảnh một con người hồn nhiên, lạc quan, tin tưởng.

Hồ Phi Phục