Lội Lội là một tiểu địa danh của làng Quỳnh. Có thể những tên riêng như giếng Bà Cả, đồng Tương, xóm Điếm, hói Nồi,… dân làng sẽ nhớ mãi vì ít nhiều đã đi vào thơ ca, sách báo – cho dù có nâng cấp, xuống cấp hay đổi tên. Riêng Lội Lội thì gần như ít người nhớ, nó chủ yếu quen thuộc với lũ học trò chúng tôi một thời và của cải của nó đã cạn kiệt.

Ngay đầu làng, một con đường chạy thẳng về phía nam, vuông góc với sông Nông Giang, có cái cầu xi măng được xây từ thời Pháp là nơi trẻ con bơi nhảy suốt ngày. Cách đây vài chục năm vẫn còn. Nhưng bây giờ thì đã khác bởi một dự án nhiều tiền đã làm thay đổi diện mạo, trên dòng nước cũ từ sông Lam chảy về. Từ cầu đi về phía Đồng Bạch (xã Quỳnh Bá hiện nay) độ vài ba trăm mét là Lội Lội. Đoạn đường này thấp, nước ruộng tràn ngang do đất sét trắng ở đây được dân làng và nhiều trường học đào xúc từ lâu. Loại sét trắng này không chỉ làm phấn viết bảng mà còn vắt nặn các loại vật dụng khác.

Anh Hoàng Am (thế hệ tuổi 1920) cũng lấy đất này làm đạn súng cao su. Anh phơi cả góc sân những viên đạn trắng tròn như trứng chim bồ câu. Nói về chuyện súng cao su: súng cao su nghịch ngợm của chúng tôi bé nhỏ so với súng cao su nhà nghề của anh nhiều. Vì vậy, trước ngày thành thợ chữa đồng hồ nổi tiếng, anh đã hạ thủ được đủ loại chim muông như cò, cói, vịt trời, cu xanh,… Một hôm, anh đem một con chim bìm bịp đến nhà tôi để biếu cố (cũng là ông nội tôi). Bìm bịp là một loài chim làm thuốc rất quý. Bà tôi nấu cháo cho ông ăn. Ông đau yếu lâu ngày bỗng khỏe hẳn ra. Sau đó, cuối năm 1946 đã có thể ra Hà Nội gặp Cụ Hồ nêu ý kiến về việc “thiên đô” (lên Việt Bắc) và “độn thổ” (phá đường, vào hang, đào hầm hố). Sự việc này nhiều sách báo đã đưa tin. Tôi nhớ ông bảo bà đưa tiền cám ơn cháu Am.

Minh họa: Hải Thọ

Hồi này tôi là thằng cháu đích tôn 8 tuổi được ở với bà tôi nơi gian nhà phía tây có cửa sổ song sắt sơn xanh và võng gai mắc qua hai cột trong ngôi nhà lim ba gian hai hồi, hướng nam, vừa mới xây sân gạch. Ông tôi ở gian phía đông. Trên hồi nhà có lát một cái sàn gỗ nhỏ để sách báo chữ Hán của ông tôi (ông đậu cử nhân năm 1900, viết cuốn triết học “Nhân đạo quyền hành” đăng tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh trước khi in sách với tên tác giả là Hồ Phi Huyền) và sách vở của chú ruột tôi là Hồ Phi Thức (chú tôi đậu Tú tài Pháp học năm 1939 và mất năm 1942, lúc 24 tuổi). Gian giữa đặt bàn thờ gia tiên, thờ cha mẹ của ông bà mà thế hệ chúng tôi lúc này gọi là cố (cố ông là Cử nhân Hồ Phi Tự, liệt sĩ Cần Vương chống Pháp; cố bà là Văn Thị Nghiên con gái Tiến sĩ Văn Đức Giai, liệt sĩ chống Pháp trước Cách mạng). Tôi đem bức thư trên bàn thờ để ông xem lại. Đây là bức thư viết tay của vị linh mục trẻ (khoảng 25 tuổi) Hồ Sĩ Thuyên đang hành giáo ở La Mã. (Ông Thuyên nổi tiếng thông minh từ bé, học trường Dòng ở huyện rồi cứ học lên mãi. Có thời có tin ông là Hồng y Giáo chủ. Nhưng nhà sử học Hồ Sĩ Giàng cho biết khi đó chưa có lệ phong Hồng y cho người châu Á. Cuối đời ông là Giám mục của một nhà thờ lớn ở Tokyo – Nhật Bản về hưu sống ở Mỹ). Bức thư viết tay của ông Thuyên nói nỗi nhớ quê cha đất tổ: “Mùa xuân, cháu nhớ nhà thờ họ và nhớ hồi nhỏ không gì vui bằng được đi họ tế lễ, ăn cỗ xôi thịt… Cháu nhớ làng ta phía tây từ Cống Đá đến cuối làng là Bờ Re, phía nam là Lội Lội lan ra tận giếng Ông Vũ…”. Nhưng ý chính của bức thư là: “Thưa cố, cháu biết cố đang làm việc làng và còn phải lo việc họ. Cháu thiết tha xin cố đừng gạch tên cháu trong sổ họ…”. Ông tôi cảm động nói: “Có được cái đức đối với tổ tiên như thế, thật là đáng người”.

Một anh trai làng:

Tôi có nhiều dịp gặp anh Hoàng Am. Anh là người yêu đời (tuy cuối đời vất vả vì chị đau yếu lâu ngày), vợ con đề huề, sôi nổi tham gia mọi hoạt động xã hội. Có lần anh mang xe… Phượng hoàng vào Vinh dự một cuộc thi khi tuổi đã cao! Anh chơi sang hàng Pháp: kính nhâm Éttima, bút máy Oatécman và quen thân với đám đàn em trong làng. Một viên đạn súng cao su, một con chim bìm bịp của hiếm,… Lội Lội của chúng tôi là những viên phấn học trò. Lội Lội của anh Am là năng động nhà nghề săn bắn.

Một vị linh mục:

Nếu tôi không nhầm thì làng Quỳnh Đôi ngày ấy và nhiều năm về sau chỉ có một vị linh mục là Hồ Sĩ Thuyên. Anh ruột cùng cha khác mẹ của ông Thuyên là ông Hàn Duyên (cũng không rõ vì lý do gì mà ông Thuyên đi đạo khi cuộc sống gia đình vẫn tình cảm). Ông Hàn Duyên là bố vợ của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ngày cải cách ruộng đất, gia đình ông Hàn Duyên bị bao vây o ép ngặt nghèo. Nhiều giáo dân xã bên thương cảm và lo cho gia đình anh của Đức Cha, đã đêm đêm gan góc quăng khoai sắn vào vườn cứu năm mạng người đang sống thoi thóp… Một bức thư đạo xa xôi nửa vòng quả đất đầy tấm lòng đời: không quên họ đương, không quên Lội Lội. Một mối tình người tử tế giúp nhau vượt qua cái chết, chặn đứng tội ác…

Kí ức làng còn mãi bao điều đáng nhớ, kể cả những điều mỏng manh tưởng chừng đã mất nhưng thật khó quên…

Lội Lội…

Hồ Phi Phục

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 29, tháng 11+12/2022)