LTS: Về huyện, giống như những mẩu ghi chép, hồi ức một thuở của nhà thơ Hồ Phi Phục, nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo rồi Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An. Trước khi “về huyện” thì anh cán bộ kỹ thuật này là cán bộ Nhà máy Cơ khí Vinh. Những bước đường công tác, những “bước ngoặt” số phận… được nhìn lại với thật nhiều cảm xúc. Trong những trang viết tưởng chừng tản mát này, không chỉ thấy câu chuyện “về huyện” riêng tư của một con người, mà chúng ta còn gặp những “người của một thời”, còn thấy hình ảnh của thời đại, của quê hương…

Đầu năm 1964, tôi chuyển công tác từ Xí nghiệp Lò Cao Vinh (thuộc Bộ Công nghiệp nặng) về Nhà máy Cơ khí Vinh (thuộc Ty Công nghiệp Nghệ An). Từ đó phiêu bạt về huyện, rồi lại lên tỉnh.

Lần chuyển thứ hai này, tôi đã viết bài Về nhà máy lúc hiện trạng cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt bắt đầu, bài cũng khá gây ấn tượng. Sau này về huyện công tác lâu (khoảng 15 năm) định viết bài Về huyện, nhưng cứ nấn ná mãi. Về huyện, về quê, về làng xã, nhiều chuyện. Và thực ra thì đã có nhiều mẩu chuyện được viết rồi (Trở lại nguồn, Lội Lội, Đường làng một thuở, Bến quê lưu luyến, Cầu Giát, Hồ Xuân Hương, Hoàng Trung Thông, Hồ Sĩ Giàng, Hoàng Văn Lân…) – hậu duệ lại sinh ra trước tổ đề. Đời ngược!

Năm 1976, sau giải phóng miền Nam một năm, Nhà máy Cơ khí Vinh mới được xây dựng bên quốc lộ 1A cách Ga Vinh một cây số. Các phòng ban ở tầng hai tòa nhà văn phòng, hàng ngày anh em nhìn qua cửa sổ vẫn còn thấy cảnh đi về phía Bắc những chiếc com-măng-ca quân sự xếp đầy hàng miền Nam; những anh bộ đội về phép, giải ngũ hay chuyển ngành thì đi bộ hoặc đi xe đạp cũng mang một cái khung xe đạp, một con búp bê nhựa dài độ 80 phân, là món quà nhỏ suýt làm các anh đổi mạng khi vượt Trường Sơn hay khi bị bom B52 rải thảm, sắp gây mừng rỡ cho gia đình hàng chục năm khốn khổ chờ đợi! Cảnh tượng này còn kéo dài thêm vài năm nữa…

Một chiều, tôi và mấy anh em kỹ thuật trò chuyện ngoài sân nhà máy (Giám đốc Hoàng Đình Hóa, Trưởng ban Kiến thiết nhà máy Đinh Nho Thìn, Trưởng phòng Cơ điện Nguyễn Như Vỹ, Trưởng phòng Kỹ thuật Nguyễn Hồng Châu…) thì chị Châu cán bộ tổ chức cấp trên đến gặp tôi. Hơi bất ngờ, chị nói: “Chị Xường ở Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu đưa công văn vào xin anh về làm Phó Chủ tịch phụ trách công nghiệp huyện điểm”. Cán bộ tổ chức tỉnh lúc này có hai chị Châu, một chị ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy, một chị ở Phòng Tổ chức Ty công nghiệp, tôi không nhớ là chị Châu nào vì hai người cùng cỡ tuổi và dáng dấp giống nhau. “Tôi có nghe phong phanh việc đó, thế này chị ạ, về huyện thì tôi cũng thích vì được gần nhà, còn cái chức vụ chị nêu thì chưa nên nói vì là chuyện bầu bán lôi thôi!”. Thế là chỉ một tháng sau, giữa năm 1976, mang một ba lô nhỏ, tôi đạp xe về huyện nhà với tâm trạng một cán bộ hay được đi thụt lùi (từ Bộ, rồi tỉnh, bây giờ: huyện). Đợt đó cùng về huyện một loạt cán bộ nữa đa số là kỹ sư, đại học đủ vững vàng cho bộ máy Nông – Công nghiệp: Trần Văn Tần (thống kê), Trần Văn Huy (cơ giới), Nguyễn Văn Ý (nông nghiệp), Nguyễn Như Diêu (kế hoạch), Lê Văn Thìn (xây dựng), Phan Văn Nhâm (tài vụ) và mươi người nữa. Trước đó vài năm là anh Phạm Xuân Tùy được tỉnh phái về làm Phó Chủ tịch, phụ trách nông nghiệp… Ai đó nói: “Ông Đợi tha hồ mà điều binh khiển tướng!”.

Tôi đến ngay cơ quan Huyện ủy ở xã Quỳnh Hồng bên rìa đồng lúa. Ngôi nhà thờ lợp ngói ba gian của dân là nơi các đồng chí lãnh đạo làm việc. Phía trước hai bên nhà thờ, hai dãy nhà tạm cơ quan làm vừa là phòng làm việc, vừa là chỗ ở của cán bộ công nhân viên. Chiếc xe đạp của tôi vừa qua cổng thì Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Đợi và một đồng chí nữa ra sân niềm nở gặp gỡ, rồi mời trà; văn phòng bố trí giường chiếu, chăn màn,… Chiều đó, có anh Dũng Trưởng phòng Thực phẩm huyện đến, mang theo gói lòng lợn bọc lá chuối, nên cũng vui! Đó là ấn tượng dễ chịu đầu tiên, bắt đầu một môi trường công tác mới.

Bây giờ, sau nhiều năm rồi, những mẩu chuyện tôi viết về huyện đều lần lượt ra đời theo thứ tự thời gian, cũng có khi theo cảm hứng, không nhớ chính xác ngày tháng. Chuyện viết trước, chuyện viết sau. Lộn xộn.

Nơi tôi làm việc đầu tiên là Phòng Công nghiệp và Thủ công nghiệp do anh Xứng người xã Quỳnh Bá làm Trưởng phòng. Anh to cao khỏe mạnh. Phòng có 5 người, thêm tôi và kiến trúc sư trẻ Lê Văn Thìn vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về nữa là 7. Làm việc, sinh hoạt nề nếp. Sau đó tôi chuyển đến những nơi mới: Ban A, UBND huyện, Huyện ủy – tương ứng với các chức vụ: Trưởng ban, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch huyện, Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện qua các Đại hội Đảng bộ huyện, các kỳ bầu cử HĐND các cấp phân công.

Rồi tôi nhận nhiệm vụ phụ trách Ban A Trạm điện Điêzen. Trạm điện này sẽ cấp điện cho một số cơ sở công nghiệp đã hoạt động hoặc sắp hoạt động và khu trụ sở các cơ quan của huyện. Địa điểm dự kiến được chọn xây phía sau núi đồn Tây Cầu Giát cũ, gần với Xí nghiệp Cơ khí Hùng Lực, Trạm Cơ giới, Trạm Sửa chữa máy kéo, Nhà máy Xi măng. Khi chưa có điện cao thế thì Trạm điện Điêzen này là một ưu tiên đầu tư đáng kể cho huyện điểm. Trạm do Ban Điện Nghệ An và Bộ Công nghiệp nặng đầu tư. Kỹ sư Trần Viết Ngãi được phân công phụ trách theo dõi. Anh Nguyễn Hữu Đợi, Bí thư Huyện ủy rất quan tâm đến Trạm điện Điêzen này, vài lần anh nhắc câu nói của Lênin: “Chủ nghĩa cộng sản là điện khí hóa cộng với chính quyền xô viết.” Anh đích thân cùng chúng tôi xác định địa điểm cụ thể. Gần đường lớn chạy lên phía Quỳnh Châu có một ngọn đồi chóp đỉnh gồ ghề, anh bàn: “Sẽ điều vài tiểu đoàn các xã bên cạnh san bằng nó đi, đặt máy trên đó!”. Tôi nói: “Không cần đâu anh, ta đặt máy ngay dưới chân đồi, độ cao và các điều kiện khác đều tốt, tôi đã làm việc với Trạm Khí tượng Thủy văn”. Thế rồi mấy anh em Ban A khẩn trương hoàn tất nhà lán công trường ba gian để bắt tay vào công việc. Ngoài tôi, có anh Thực (tôi quên họ) kỹ sư xây dựng, người huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, anh Nguyễn Như Diêu cán bộ kế hoạch, cô Phạm Thị Lựu kế toán và vài ba người nữa. Trước ngày động thổ, anh Đợi về để “kiện toàn tổ chức” (một kiểu tổ chức giao thời). Sau khi nghe báo cáo tình hình, anh tuyên bố: “Các đồng chí chuẩn bị nhanh, đúng là vừa hành quân vừa xếp hàng. Tôi phân công đồng chí Phục làm Trưởng ban, đồng chí Thực làm Bí thư Chi bộ, còn nữa ai làm việc nấy. Các đồng chí phải hoàn thành kế hoạch xây lắp đúng kỳ hạn”. Tưởng là xong, chiếc com-măng-ca của anh vừa nổ máy, thì anh Thực đứng dậy: “Báo cáo đồng chí, tôi chưa phải là đảng viên”. “Thế à, phải cố gắng phấn đấu!”. Rồi anh gặp tôi đưa cho tôi 2 tờ giấy “ăng-téc” trắng tinh, có chữ ký của anh và dấu đỏ Huyện ủy: “Anh giữ lấy, khi cần sử dụng”. Đó là một sự ân cần, có lẽ cũng vì mục đích công việc. Tôi biết với cái giấy có chữ ký của anh, các chủ nhiệm hợp tác xã sẽ nhanh chóng cấp ngay một khoản hàng hải sản hoặc gạo nếp kèm theo con lợn dăm chục cân!… Tôi đã lưu giữ cùng một tờ ăng-téc khác nữa anh gửi tôi sau này, khi tôi đi học trường Đảng hai năm: “Chúc mừng đồng chí vào Quốc Tử Giám!”…

Chuyện hoạt động công trường chẳng viết làm gì, đó là “phần cứng” cứ theo lệ mà thôi. Chợt nhớ, một ngày nào một cháu học sinh học bài lịch sử danh nhân thì phải, cháu cứ đọc đi đọc lại câu: “Ông Điêzen bị quăng xuống biển. Ông Điêzen bị quăng xuống biển…”. Còn bây giờ cái máy 4.500KVA mang tên ông ở đây đã nổ! Cũng là yên tâm tình hình chung những ngày này mọi người không đến nỗi bỡ ngỡ, lại có vẻ vui nữa là khác khi sống trong không khí huyện điểm. Nhiều điều không như ở tỉnh. Đợt lao động vét kênh Bình Sơn (tiêu úng) hai ngày, mỗi người đều ngạc nhiên khi được tiểu đoàn trưởng phát cho 2 đồng bồi dưỡng. Ngay ở nhà ăn huyện (anh Triển người Quỳnh Hậu làm quản lý) bố trí chế độ tiểu táo (5 hào một bữa), đại táo (3 hào một bữa) theo chức vụ và bậc lương. Tôi chân ướt chân ráo mới về nhưng thấy được xếp tiểu táo, cũng hơi băn khoăn khi thấy có vài đàn anh ngồi ở mâm đại táo!… Nhiều thuật ngữ, cách làm quân sự hóa của thời ấy: 400 huyện là 400 pháo đài chiến đấu bất khả xâm phạm!

Song cái khoản “phần mềm” rôm rả có phần thú vị hơn. Và nếu tách thành một bài thì có thể dùng đề mục: “Trong lán công trường”. Tôi và anh Nguyễn Như Diêu qua Ban A đã gom nhặt được nhiều chuyện xóm, chuyện làng, thơ ca, thế sự,… Anh Diêu quê cùng xóm với tôi, sinh năm 1928, hơn tôi khoảng 10 tuổi. Anh là chú của anh Nguyễn Như Vỹ (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh). Anh sống ở làng nhiều hơn tôi. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp ở Hà Nội, có nhiều năng lực về nghiên cứu, quản lý, làm thơ, viết truyện, viết hồi ký, phả ký,… Anh từng làm liên lạc (trước 1945) cho các ông bà hoạt động bí mật là Hồ Phi Tường, Hoàng Ngọc Nhân, Dương Ngọc Võ, Dương Thị Hồng Phương,… Tháng 11/1945 được Việt Minh huyện giao làm Đội trưởng Đội Thiếu niên Tuyên truyền Xung phong huyện Quỳnh Lưu, anh Nguyễn Như Cương làm Đội phó.

Biết chuyện này, tôi hỏi ngay anh Diêu: “Chắc là anh biết nhiều về anh Nguyễn Như Cương?”. “Quá gần!”. Tôi quan tâm đến anh Cương vì hồi nhỏ (dưới 10 tuổi, khi còn ở làng), tôi đã nghe nhiều chuyện về anh Cương, sau này qua sách báo tôi cũng qua lại với anh, kể cả một vài tình tiết cuộc sống thân thiết, dù tôi chưa bao giờ gặp anh Cương trực tiếp. Anh Diêu nói: “Cương hơn tôi 1 tuổi, nhưng khôn ngoan và đa tài. Khi chưa vào Đội Thiếu niên Tuyên truyền Xung phong huyện Quỳnh Lưu đi diễn kịch, thơ ca qua các xã để vận động quần chúng ủng hộ chính sách của Chính quyền mới và Mặt trận. Khi đó, Cương đã được ca ngợi với vai diễn cung phi Ngu Cơ trong vở kịch thơ “Tiếng địch sông Ô” bi tráng của Phạm Huy Thông. Trên sân khấu, Cương đẹp lộng lẫy mặn mà như Nam Phương hoàng hậu và giọng ngâm thơ trầm ấm óng ả như đào hát Ái Liên một thuở, làm cho các… chàng trai lịm người! Cương nổi tiếng nhiều mặt: cao hơn mét bảy, phong độ hấp dẫn, sáng tác kịch nhanh và hay, làm thơ khi 9 tuổi, dạy học giỏi, biết nhiều ngoại ngữ… Tôi nói: Nhưng có lẽ anh Cương nổi tiếng nhất là được làm rể thầy Trợ Bích, lấy trưởng nữ của thầy là cô Văn Thị Nương, chị ruột nhà giáo Văn Như Cương lừng danh. Hồi chưa xa quê, tôi đã nghe mọi người nói “Cô Nương đẹp nhất làng”. Khi thuật ngữ “hoa hậu” chưa phổ biến, chỉ một vài tác giả Tự lực Văn đoàn như Khải Hưng, Nhất Linh thỉnh thoảng có dùng từ “hoa khôi” trong các tiểu thuyết của họ. Và hình như danh hiệu độc đáo “Đẹp nhất làng” của cô Nương về sau trong làng không có ai được “phong” nữa, dù không thiếu công, dung, ngôn, hạnh,…

Chuyện khác, một hôm anh Cương từ nhà anh Sơn Tùng ở Hà Nội điện cho tôi, nhờ tôi góp tiếng nói giúp đỡ cho một cháu gái được về nhận chức Phó Giám đốc Nhà hát vì cháu hoàn toàn xứng đáng trong khi Giám đốc ở đây tỏ ý quyết liệt phản đối. Tôi đã có lời nhờ anh Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi ấy xem xét, và nhanh chóng “xong ngay”! Đôi bên đều vui vẻ!

Lại chuyện khác, cái dư luận vào tề (dinh tê) theo địch của anh Cương hồi đầu chống Pháp ồn khắp làng như chuyện vỡ đê, hóa ra không phải. Nghe đâu anh được bố trí tình báo nằm vùng ở Hà Nội. Đời tình báo gian nan trắng đen, úp mở, khi rõ chuyện thì đã biết bao chịu đựng hy sinh cho tình yêu, cho gia đình… Mấy chục năm anh dạy học trong thành và viết hàng chục cuốn sách thơ ca, lý luận phê bình, tiểu thuyết, lịch sử, kịch v.v.. Nhiều tác phẩm có tiếng vang được báo Nhân Dân giới thiệu. Anh gửi tặng tôi gần như đầy đủ. Khi báo Văn nghệ mở mục “Những làng Việt Nam nổi tiếng”, tôi theo dõi, bài anh Hữu Thỉnh cho đăng đầu tiên là bài Làng văn hóa Quỳnh Đôi, viết rất chuẩn, anh kí bút danh Hoài Việt. Mục này được khoảng 30 bài thì không còn tiếp. Trước khi mất, anh là cộng tác viên tích cực viết cho báo “Người đại biểu Nhân dân” của Quốc hội, rất tình cảm chú ý quê hương.

Đó là những chuyện làng, chuyện bạn bè này nọ. Anh Diêu và tôi trao đổi nhiều về đời sống nông thôn, nông nghiệp qua tình trạng quản lý. Nhìn bề ngoài thì thế, bên trong có bao nhiêu việc đáng bàn. Rong công phóng điểm, thu nhập âm, lãn công, lãng phí, nhiều người giàu nhanh bất chính… thì đã rõ. Cứ loay hoay như thế năm này qua năm khác được sao? Một đêm, trời mưa tầm tã, trằn trọc ở lán sau buổi chiều đi các xã xung quanh về, anh Diêu nói: “Mấy cánh đồng phía Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng lúa chín đẹp vàng tươi, thế là mất trắng đấy anh ạ!”. Rồi anh bàn về thay đổi quản lý nông nghiệp, những ý nghĩ này của anh đúng như ở Hải Phòng và Vĩnh Phú làm sau đó, nhưng bị ngăn lại. Khoán 10 thực sự có lợi cho dân, sao lại không dùng? Chưa hẳn là không hiểu điều đó, chúng tôi đều nhận thấy có cái khó của các nhà lãnh đạo khi mà con mắt chính trị của họ đã thấy rõ “ông bạn khổng lồ” trước đó rung chuông…

Quỳnh Lưu còn có một người nữa cũng suy nghĩ như thế. Đó là anh Trần Đình Khuê (nhà thơ Tú Tâm), Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng. Anh Khuê may mắn hơn anh Diêu là có chút quyền lực. Anh phục viên về quê làm việc, làm thơ và học, luôn trăn trở suy nghĩ. Anh lặng lẽ thực hiện suy nghĩ của mình vào cuối nhiệm kỳ của Bí thư Huyện ủy Hồ Xuân Đường, khi tôi sắp kế nhiệm anh Đường. Gần đây, anh Khuê viết bài May mắn trong đời trên Tạp chí Tùng Lĩnh: “Muốn quản lý nông nghiệp tốt phải phát ruộng cho dân làm. Năm 1980 tôi bàn với Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Long là anh Nguyễn Hoài Ngọc trích 20% diện tích đất của Hợp tác xã cho dân để đối chiếu hiệu quả đôi bên. Nghị quyết “chui” này được Thường vụ Đảng ủy xã thông qua và bí mật làm, không cho huyện biết. Có đảng viên mật báo với Bí thư Huyện ủy Hồ Xuân Đường rằng: Phải cảnh giác Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng, có thể là địch gài vào Đảng phá hoại quan hệ sản xuất! Ngược lại, năm ấy Hợp tác xã được mùa to. Dân vui lắm. Tôi viết tường trình với Bí thư Huyện ủy mới, được anh Phục chú ý, cảm động. Anh chuyển ngay tài liệu ấy cho Phó Chủ tịch Huyện phụ trách nông nghiệp Hoàng Văn Bừng theo dõi ủng hộ. Khi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa cứng đờ – bố đẻ của cơ chế bao cấp độc quyền – bị xóa bỏ, tôi mới hoàn hồn…”. Thế là người ta lại sợ cái tài giỏi của người ta! Cụ Nguyễn Du đã kêu lên điều này rất sớm…

Về nhà máy: mấy trăm người làm việc trong khuôn viên vài hécta. Về huyện: con số người hàng chục vạn, ruộng đồng rừng biển mênh mông… Đâu đâu cũng vậy, nhiều người dân có cái đầu riêng, sự suy nghĩ riêng, hướng thiện, nhưng có thể gặp những ngọn đòn cay đắng…

Khi trí tuệ họ có thừa!

Hồ Phi Phục