Việc đọc gắn với sự học theo nhau suốt mọi thời, mở ra những chân trời mới hữu ích, giúp mọi người thoát khỏi u tối, thoát khỏi trọc phú, cho dù áo mũ xênh xang. Nhà văn Lỗ Tấn nói: Từ khi loài người có ngôn ngữ văn tự thì quỷ thần trong núi cũng phải run rẩy khóc than! Trước đó, nhà văn M. Gorky đã viết: Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để đi tới gần con người.

Trước Cách mạng Tháng Tám, huyện Diễn Châu có chuyện một cậu bé được mẹ giao cho việc canh giữ sân phơi thóc (canh trời mưa, canh gà vịt, canh người xúc trộm). Không biết là cậu đã “hoàn thành nhiệm vụ” hay đáng bị phê bình chỉ vì ham sách? Cậu bắc ghế ngồi trên hè nhà, hướng ra sân, mải mê đọc. Một lần, trời âm u, rồi mưa, nhưng cậu vẫn không kêu tá điền quét dọn, ướt sạch. Một lần, có anh nhà nghèo trong xóm lại xuất hiện, cậu đang đọc, không ngẩng lên, chỉ bâng quơ hỏi: “Thế cái mủng lúa lấy hôm trước ăn hết rồi à?”. Anh nhà nghèo “tranh thủ” xúc thêm một mủng nữa! Cậu bé đó là giáo sư danh tiếng, nhà đạo học uyên thâm Cao Xuân Huy sau này.

Các em học sinh đọc sách trong ngày Hội sách và văn hóa đọc tại Nghệ An năm 2021. Ảnh, nguồn: laodong.vn

Cũng ở Diễn Châu, một nhà giáo lão thành nói với ông bạn nhà văn: “Tôi có con cháu nội vừa tốt nghiệp đại học, hiện hai chàng trai khá giả theo đuổi, chàng nào cũng khôi ngô. Cháu hỏi tôi nên chọn ai. Tôi chịu. Xin ý kiến anh?”. Nhà văn nói: “Khó thật. Thôi, thế này nhé: anh bảo cháu chú ý cậu nào ít rượu, ham sách báo”. Nhờ “định hướng” này của nhà văn mà nhiều năm sau kết quả thật vui vẻ, rõ ràng!

Dân gian có những tham vọng thật sát sườn: Không ham ruộng cả ao liền, ham vì cái bút cái nghiên anh đồ. Bao đời nay việc đọc, việc học từng cuốn hút không ngừng bao nhiêu tầng lớp. Chuyện vua quan, ông nghè ông cử, sĩ tử và thường dân nổi tiếng qua hôn nhân, qua sự nghiệp,… để rồi đem đến đầy vinh quang phú quý cho gia đình, làng xóm. Nhưng cũng có khi quyền uy vô học mang đến nhiều tai ương cay đắng. Nỗi oan Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ đã là bi kịch đẫm máu đau đớn cho nhiều dòng họ, cho cả dân tộc, người sống và người chết, người xưa và cả người nay!…

Dân Do Thái có hai biệt tài truyền thống: học giỏi và buôn bán giỏi. Nhiều nghĩa địa ở Israel thường được bày các dãy bàn ghế bằng đá bên cạnh phần mộ. Du khách hỏi, và được trả lời: “Để đêm đến, các âm hồn lên ngồi đọc sách.”. Khi cháy nhà thì sách vở là vật được cứu nguy đầu tiên. Nhiều tổng thống các nước văn minh thường trước lúc mãn nhiệm đều để lại cho đất nước những thư viện quý giá… Tuy nhiên, mặt trái của việc đọc vẫn có không ít xù xì, u bướu. Có những nhân vật lý thuyết suông, nói năng tùa trời nhưng không tiêu hóa nổi kiến thức. Sử Tàu từng ghi lại hai nhân vật đại hủ nho là Nễ Hành và Mã Tốc, hai người này được giao đầy quyền lực nhưng làm hỏng việc lớn. Nễ Hành bị Viên Thiệu gạt bỏ không thương tiếc. Còn Mã Tốc, tướng của Lưu Bị thì bị Gia Cát Lượng gạt nước mắt chém đầu!

Thời hiện đại, nhiều nhân vật cỡ lớn có những chuyện đọc sách gây ấn tượng. Năm 1952, trên chiến khu Việt Bắc, tôi có nhận được một bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc sách. Ông đứng bên nhà sàn mờ khói bếp và bên một thân cây mùa rụng lá. Lời đề sau bức ảnh kí tên là Văn hiện có chút phai mờ: “Ở Bắc Sơn, sau một cuộc hội nghị cán bộ để tiến công đường số 4, tôi cố tìm thì giờ nghỉ, đọc sách và chụp tấm ảnh romantique này.” (romantique: lãng mạn). Bức ảnh nên thơ hiện thân một vị tướng hãy còn khá trẻ, một chính khách, một nhà văn hóa. Và sau cái khoảnh khắc Đại tướng đọc sách này, chiến dịch Biên giới lịch sử nổ súng, chiến thắng vang dội. Đúng là các danh tướng thường có phong thái ung dung và tâm hồn nghệ sĩ. Đại tướng Vatutin, Nguyên soái Vôrôsilôp đều cho tìm cuốn “Chiến tranh và Hòa bình” khi đang trên đường hành quân. Thiếu tướng Nguyễn An trân trọng đọc Truyện Kiều cùng đồng đội, ngay trên đỉnh Trường Sơn thời chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày Chiến dịch Biên giới nổ súng

Lại có chuyện nhà báo quân đội, phóng viên chiến tranh Đại Đồng có một bài thơ rất thú vị với đầu đề “Nằm trong hầm Đờ Cát”. Đêm 7-5-1954 sau khi dứt tiếng súng, đại thắng Điện Biên Phủ, ông được nằm trên giường đệm êm của Đờ Cáttơri. Nhưng quên đi 56 ngày đêm bom rơi, đạn réo, ông không ngủ được, mà đọc mê say cuốn Anna Karêninna – cuốn sách của viên tướng xâm lược bỏ lại trên giường của y. Thế là các vị tướng tá mê sách này đều bị L.Tônxtôi cuốn hút!

Việc đọc sách và duy trì đọc sách làm cho người ta ngày càng thông minh, giàu có không ngờ. Nhà văn lớn Italia Umberto Ecô từng gửi một bức thư cho cháu nội. Ông nhấn mạnh lời khuyên đọc sách để luyện rèn trí nhớ, nếu không, não sẽ teo đi và tàn phế trí tuệ, thành người ngu dốt. Ở bộ não người có nhiều kết nối hơn máy tính và ngày càng công năng với những ai biết sử dụng nó. Trong khi máy tính càng dùng càng giảm tốc độ, sau dăm ba năm phải sửa chữa, phải thay. Bộ não người có thể sống xấp xỉ 100 năm. Ở tuổi thọ đó nó sẽ nhớ lại những điều xa xôi với cả những điều vừa mới nhớ. Vô vàn các kí ức lịch sử, các sự kiện xảy ra trong cuộc đời đã đọc là những gì đã xảy ra trước khi người ta chào đời. Để ở thời điểm cuối của cuộc đời việc đọc đã đem đến tổng số ngàn vạn cuộc đời, ngàn vạn sự hiểu biết, sự cảm xúc khổng lồ của trạng thái vô cùng – có nghĩa là từ âm vô cực đến dương vô cực! Đó là gia tài vô giá cho những người đọc sách.

Ngược lại, trên trục thời gian xuyên suốt về hai phía đó, một con người nếu không được đọc sách sẽ chỉ là một điểm, một chấm nhỏ hữu hạn mà khái niệm toán học gọi là vô cùng bé – thể hiện sự đơn điệu, nghèo nàn, đáng thương và lãng phí của những kẻ không có gì đáng bàn. Nhưng nếu chỉ đọc toàn những sách xấu, hoặc đọc sai, đọc ẩu – nghĩa là thẩm thấu những thứ vô ích, thì hậu quả còn tai hại hơn. Máy tính là công cụ giúp con người đắc lực, đặc biệt trong việc lưu giữ các giá trị của nhân loại. Nhưng máy tính cũng là kẻ đã gián tiếp “đánh cắp” của con người nhiều thứ, trong đó có kĩ năng tư duy, cảm xúc,…

Đọc sách theo lối truyền thống vẫn là việc tất cả mọi người nên làm, dù ở thời đại 4.0 hay 10.0.

Hồ Phi Phục

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 21, tháng 3/2022)