Câu văn cổ “Xưa kia trên mặt đất vốn không có đường đi…” phảng phất hình ảnh buổi đầu khai phá, hình thành lịch sử làng. Và rồi người dân làm ra đường làng, cây đa, nhà cửa, ruộng vườn… cùng lúc.

Đầu thiên niên kỉ 2000, một con đường nhựa dài 5km, rộng 8 mét chạy thẳng từ quốc lộ 1A qua làng tôi đến tận chân sóng biển Quỳnh, được dân làng trìu mến gọi là “đường Hồ Đức Việt”. Nó làm thay đổi cảnh quan quê hương, và thúc đẩy phát triển. Nó xóa con đường cũ ngót 600 năm tuổi rồng rắn quanh co, lầy lội nhưng cũng chứa đầy kí ức tuổi thơ. Mùa mưa lụt, đông đảo trẻ con, ông già đào giun bắt dế làm mồi câu lươn, ngồi lũ lượt bên bờ ao, bờ ruộng dọc đường làng với cái rổ lót lá lúa…

Đường làng thuở ấy tôi thường thấy bóng dáng một bà có tuổi, quần áo lụa gió bay thướt tha dịu dàng, mọi người thân mật gọi bà là bà Huyện. Nhưng chuyện gợi nhớ nhiều nhất lại thuộc về một ông già và một cậu thanh niên với nhiều tình tiết vui vẻ trên đường làng.

Ảnh: Võ Khánh

Nhân vật đầu tiên phải kể đến là cố Oanh

Cố tên thật là Hồ Thúc Chinh (em trai cử nhân Hồ Thúc Nhương), học giỏi nhưng không đỗ đạt gì. Người làng gọi là “cố” theo độ tuổi. Cố có vẻ là ông đồ muôn năm cũ cuối cùng của làng. Cố để râu dài, mặc đồ trắng và hơi “bị” hay đi, ham nói chuyện với mọi người! Cố không thích đám thanh nữ cười cợt, nói năng oang oang mất trật tự trên đường làng. “Các o thật là hốc xàng quàng xiên, không coi ai ra gì, còn trẻ con mà đã thích nổi bật vai trò…” Thích nổi bật vai trò thì dễ hiểu. Còn hốc xàng quàng xiên thì không rõ trong Từ điển tiếng Nghệ của ông Thung và ông Đỉnh có ghi hay không. Tôi đôi khi nghe mẹ tôi dùng mấy từ này với cái ý ăn nói ào ào không được nết na nhu mì. Có một lần về hè tôi gặp cố Oanh, bị cố bảo dừng chân lại một tí. “Này, tướng anh rồi sẽ trưởng phòng!” Tôi buồn cười, trưởng phòng phải là cỡ đảng viên kỳ cựu hoặc tù Côn Đảo lâu năm kia chứ. Năm giải phóng miền Nam, tôi làm trưởng phòng của một nhà máy lớn, liền nghĩ tới cố. Rồi lại một lần nữa, chuyện khác, trên đoạn đường giữa làng, nói chuyện với mấy cậu thanh niên choai choai, mà cố hay gọi là các “oắt”. Cố khen mấy đời chủ tịch xã làm việc tốt, nhưng lại gọi họ là “vua” không hiểu với ý gì? Các “oắt” đặt ngay câu hỏi: “Thế ông Thúy Chủ tịch huyện có phải là vua không?” – “Vua!” “Ông Lương Chủ tịch tỉnh có phải là vua không?” – “Vua!” Câu hỏi lưỡng lự cuối cùng: “Ở bậc cao hơn nữa thì thế nào?” Cố cũng lưỡng lự, nghĩ một lát rồi trả lời: “Cũng là vua!” Lúc ấy tôi hơi bị lặng… Đó là cố Oanh tuổi già, còn ngày trẻ rất nhiều người biết và cảm phục cố qua câu chuyện của nhà Quỳnh Đôi học Phan Hữu Thịnh viết về việc cố được cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (thân sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Khắc Viện) khen ngợi. Đại thể: Trước Cách mạng độ vài chục năm, cụ Hoàng Giáp lúc này là Đốc học tỉnh Nghệ An đi thị sát Quỳnh Lưu và có về Quỳnh Đôi. Dân làng dọn dẹp bố trí, hồ hởi đón tiếp nhà khoa bảng nổi tiếng này (18 tuổi đậu Cử nhân, 19 tuổi đậu Hoàng giáp). Khi quan Đốc học vào đến sân đình thì trong đình viên đồn trưởng Cầu Giát đã ngồi tót chễm chệ trên cái ghế dành riêng cho cụ. Lý trưởng, hương hào lúng túng hoảng hốt, thì bỗng một thanh niên chừng tuổi 20 chững chạc nắm cánh tay quan Tây kia và nói bằng tiếng Pháp: “Ici, c’est la place de Son Exellence Đốc học. Voila c’est votre place.” (Thưa ông, quan Đốc học hành lễ ở đây. Chỗ ngồi của ông ở kia). Câu nói hiệu lực ngay. Cả cử tọa thở phào! Quan Đốc học thạo tiếng Pháp, lấy làm ngạc nhiên trước cách xử lý hết ý đó và nói: “Chà, dân làng Quỳnh, hậu sinh khả úy!” Người thanh niên ấy là cố Oanh!

Nhân vật thứ hai là cậu Đức

Cũng là một sự trùng lặp. Theo lứa tuổi, dân làng gọi cậu là “cậu”. Theo thế thứ họ hàng thì tôi cũng gọi cậu là “cậu”. Cậu là Lê Xuân Đức, em mẹ tôi. Ông ngoại tôi (Phó bảng Lê Xuân Mai) có bốn bà vợ, đông con. Bà vợ cuối là con gái Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục, người Diễn Châu. Các cậu Lê Xuân Kiêm (Việt kiều yêu nước), Lê Xuân Tương (tức Lê Huy Bảo, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng), Lê Xuân Bảng (cựu chiến binh, bác sĩ ở Hải Phòng), dì Phổ, dì Huế (ở nước ngoài), dì Lê Thị Hà (vợ Cử nhân Pháp học, luật sư Phạm Đình Tân – hậu duệ gần đời sử gia Phạm Đình Toái) đều là con bà. Cậu Đức là em sát cậu Tương, thuộc lứa thanh niên bạn bè với anh Nguyễn Như Cương (là tình báo nằm vùng, là nhà văn, tác giả nổi tiếng Làng văn hóa Quỳnh Đôi, bút danh Hoài Việt với hàng chục cuốn sách văn thơ, tiểu thuyết, lịch sử,…), với anh Hoàng Thanh Đạm (sử gia, tác giả cuốn Nguyễn Trường Tộ, biên soạn cuốn Thiên thu định luậnLịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Đôi) v.v… Nhưng cậu Đức nổi trội tính năng động và có phần gan góc. Trên đường làng, cậu phóng xe đạp như bay (hồi này cả làng chỉ có vài ba chiếc xe đạp) làm các cô nàng áo trắng, tóc ngang vai khiếp vía! Sau năm 1950, cậu vào Nam, làm dược sĩ, ở nhà ít biết tin tức. Cậu được nhớ tới nhiều từ trận càn đổ bộ của Pháp lên Quỳnh Lưu năm 1949. Lúc này tôi ở Thanh Hóa, sau về nhà được nghe kể nhiều chuyện. Và sau này nữa, Tỉnh đội Nghệ An và Huyện ủy Quỳnh Lưu có vài cuộc hội thảo về sự kiện này, đánh giá ta có phần bị động, còn địch thất bại nặng nề. “Quỳnh Lưu chiến địa, Mai giang huyết hồng” trong ba ngày hỗn loạn, ầm trời tiếng súng tiếng mìn. Dân làng tất tả hốt khoai, gạo, thức ăn băng qua quốc lộ 1A, chạy lên rừng, phía trên xã Quỳnh Hoa. Ông Thủ chú họ tôi, ốm yếu, khá bình tĩnh, khi chạy chỉ mang theo cái nồi, nhờ “tầm nhìn” này mà gần một tuần lễ cả nhà vẫn có cơm ăn đầy đủ! Nhưng trong sự bất ngờ chung, bình tĩnh hơn nữa là cậu Đức, súng đã nổ rền ngay cuối làng rồi mà cậu còn rốn viết khẩu hiệu địch vận trên đốc tường đình làng phía tây. Mới đây, anh Nguyễn Như Vỹ, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nói với tôi có thấy câu tiếng Pháp đó: “Salut les soldats français! Notre village est comme votre ville natale. Vous nêtes pas autorisé à détruire, massacrer” (Hỡi những người lính Pháp! Làng quê của chúng tôi cũng như quê hương của các ông. Các ông không được phá phách, tàn sát.) Có lẽ cậu là người tay không cuối cùng, trên đường làng, tạm rút khỏi làng, lưu lại một dấu tích.

Từ gò đất, vũng lầy, sò điệp,… Câu văn cổ tiếp theo “người ta cứ đi mãi thì thành đường”.

Đường làng một thuở…

Hồ Phi Phục

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 31, tháng 3/2023)