Nửa đêm về sáng trời se se lạnh. Ông Thẩm kéo chiếc chăn hoa lên trùm đầu, tập trung tư tưởng theo dõi hơi thở ra vô, miệng niệm a-di-đà, chân tay ông thẳng đơ, bất động như khúc gỗ, hai mắt khép lim dim mong giấc ngủ trở lại. Vậy mà, tiếng gáy con gà trống choai ngoài chuồng trâu vẫn kéo dài dẻo quẹo, len lỏi vào tâm trí ông. Rồi ý nghĩ về vụ kiện cáo xung quanh chuyện đất vườn như đàn ong vù vù bâu quanh. Sáng mai chính quyền sẽ làm việc ấy, bõ công vợ chồng ông trông mong nhưng bây giờ nó đến ông lại thấy ngài ngại. Nhất là cái cô giáo Hường, bị đơn, của nguyên đơn Hoàng Thị Quát, vợ ông – sao mà thấy tồi tội thế nào ấy. Ý nghĩ này như một giọt dầu hỏa nhỏ xuống chậu nước, lan nhanh.

Về miếng đất đang làm tình làm tội ông mấy hôm nay, có câu chuyện buồn rắc rối mà nhiều khi ông không hiểu tại sao nó lại thế. Cách đây ba chục năm, vùng đất nhà ông đang ở vốn là khuôn viên của nhà trẻ thời hợp tác bao cấp. Khi thực hiện khoán ruộng cho xã viên nó bỏ không, xuống cấp, sập sệ như con gà mái ấp. Hợp tác xã Song Thịnh thanh lý bán rẻ cho vợ chồng ông với giá ba tạ thóc, nói là để mở cái quán bán hàng thuốc tây.

Phía đông của nhà trẻ giáp mảnh vườn ấy là căn nhà cấp bốn, lợp ngói vảy nhưng cột chôn của lão Kiệt. Nhà lão không có con trai, cùng đường phải đi ở nhờ con gái út lấy chồng mãi trong Nam. Lão đi rồi, duyên trời cho, vợ chồng ông biến mảnh vườn đó thành đối tượng khai phá, mở rộng lãnh thổ, khi thị trường giá đất đang lên vù vù.

Sau ba năm tích cực khai khẩn, nhất là vào những đêm trăng, vùng đất của ông đã tiến sát cái đốc nhà lợp ngói vảy của lão Kiệt. Chỉ còn cái sân ghép gạch nơi cổng vào nhà lão là chưa thôn tính được. Thành ra vùng đất nhà ông có hình thù giống cái súng lục, mà phần “báng” thuộc đất nhà ông còn phần nòng giáp sân gạch nhà cô giáo Hường.

Cô giáo Hường hỏi mua nhà đất lão Kiệt vì nó gần trường cấp ba huyện Kỳ Lân đóng trên địa bàn. Tìm hiểu khách mua nhà lão, bà Quát biết cô giáo này dạy Văn cấp ba, bị chồng bỏ, nuôi đứa con trai đang học cuối cấp phổ thông. Cô giáo này nghe nói còn theo đòi thơ thẩn. Nói chung là hạng hâm hấp dở người. Ví như bà nghe nói, cô ấy mở lớp bồi dưỡng dạy thêm, gào nói cả ngày mà không thu tiền học sinh nghèo. Lạ lắm, trong nhà ngoài văng, xà treo đầy bằng khen của hai mẹ con nhưng tivi là hãng bét toàn nhấp nháy muỗi. Cũng lạ lắm, bàn trải nilon và luôn có lọ hoa tươi với vô số tranh tượng.

Minh họa của Minh Châu

Theo bà Quát, chị này tỏ ra chơi trội nên thường đóng tiền cho trẻ ăn rằm Trung thu, hay cho các cụ tập múa bằng tiền cả xóm quyên góp. Cô lại có dáng đi xấu, ai đời còn trẻ, chừng ba lăm chứ mấy mà đầu khi đi cứ cúi xuống, đứng ngồi cũng vậy, cô ta hay nhìn ngón chân cái. Dạy Văn giỏi đâu không biết chứ sống với xung quanh láng giềng ai cũng cho là hơi đần, hơi “chập mạch”. Ai bảo gì cũng như cái máy “dạ, vâng ạ”. Bà Quát theo dõi và thấy điều lạ. Mẹ con nhà này ngày ăn mỗi buổi tối, rồi chong đèn đến khuya. Sáng bảnh mắt đã giục nhau lên xe máy rồ đi, mãi đến xẩm tối mới về.

Nhiều lần bà Quát chê bủng chê beo thế, nhưng ông Thẩm vẫn thấy bình thường. Người ta là nhà giáo, là tri thức, người ta có cá tính thế thì đã sao. Hồi trước ông hay giải thích vậy nhưng bà Quát ghen ông, nói ông bênh đàn bà láng giềng không có chồng, nhằm mục đích không trong sáng nên ông không dám nói ra lời. Kệ bà Quát nói thế nào, kệ dân làng nói lung tung, ông vẫn thấy quý con người vô sự, chứ không động tí là quang quác mồm như vợ mình.

Tính vô sự của cô giáo thể hiện rõ, ngay cả vòng đất của cô ngày nào cũng bị lấn chiếm ít một như tằm ăn lá dâu, cô vẫn vô tư như người đến ở trọ. Hai lần bà Quát làm đơn kiện lên trên vu cô giáo lấn đất ở của bà, làm thành cái hình súng lục ai cũng thấy, cô giáo biết tin vẫn im. Đến khi nhà trường cắt danh hiệu cô giáo ưu tú, vì người địa phương tố cáo, cô vẫn như không. Lần này thì khác, có lẽ là lần cuối cùng, xã báo cho gia đình ông và cô giáo sáng mai, tức là buổi sáng ông đang nằm đây, đúng bảy giờ sẽ có địa chính xã về đo đất, coi như lể cái nhọt bọc mưng mủ bấy lâu nay. Chính vì có chút lo ngại ấy mà ông Thẩm không ngủ được đêm qua. Giờ thấy vợ trở mình, biết là bà đã tỉnh giấc, ông liều ướm hỏi:

– Mẹ nó này, thức rồi chứ? Tôi hỏi khí không phải, bà nó thấy ta kiện là chắc thắng chứ?

– “Sao lại không?” Bà Quát tung chăn, ngồi thẳng dậy nói như dao chém đá, “ông không thấy cái sân gạch nhà cô ta lõm vào đất nhà mình đấy à? Đó là chưa nói, trường hợp hạn hữu có đo đạc lại thì thằng Kế con nhà dì Tư lại không “trồng tre che phía” à? Ông thì cứ nhát gan, “lo bò trắng răng” mãi”.

Trước khi dậy khỏi giường chờ đoàn cán bộ đo đất đến nhà cô giáo làm việc với hai nhà, ông hỏi vợ thêm một câu nữa, để vững thêm tinh thần, để biết đàng mà xử lý:

– Mẹ nó cho tôi hỏi một câu tình huống nhé. Giả dụ, đoàn họ đồng ý cắt thẳng cho ta để mảnh đất ta vuông vắn, mà như thế phải cắt cái sân gạch ấy của nhà cô giáo. Nếu người ta bắt ta phải đền bù, nói cách khác là mua cái sân gạch tám mét vuông ấy, chừng mấy chục triệu thì ta chấp nhận?

– Thì đắt mấy cũng mua chứ sao nữa! Tám mét vuông theo giá khởi điểm đất ở trong làng này là mười triệu đồng mỗi mét vuông. Cô ấy có đòi tám mươi triệu đồng chứ hai trăm triệu đi nữa ta cũng chấp nhận. Vì sao à? Vì rằng địa thế đất ta chỉ xây được một nhà. Nếu lấy được cái sân gạch thì đất vuông, ta xây được hai nhà ống cho con trai sắp cưới vợ một nhà nữa. Ông thừa biết lại còn…

Được lời như cởi tấm lòng, ông Thẩm ăn sáng qua loa, uống ly cà phê cho tỉnh táo, rồi ông đi trước bà theo sau, sang nhà cô giáo Hường.

Kết thúc việc đo đạc, đối chiếu bản đồ và thực địa, ba cán bộ trên về yêu cầu vợ chồng ông Thẩm và cô giáo ngồi lại với nhau để bàn việc phát sinh ngoài dự kiến.

Ngay từ khi vào cổng nhà cô giáo Hường, bà Quát nhìn xéo vào gian nhà ngoài của chủ thấy trong ba thằng thì một thằng lạ hoắc, mà không thấy thằng Kế, bà đã giật mình. Bà chua chát chẳng khác công chăm bẵm gà đến hôm đem đi chọi thì lại què. Trong đoàn của xã hôm nay bà thấy mặt anh nào cũng vẻ khó đăm đăm, còn thằng Kế nghe bảo đi họp huyện, bà đã thấy bất lợi. Nhưng một người từng trải, lại hay xem bóng đá ngoại hạng Anh như bà, bà vẫn cố an ủi mình rằng, đến phút tám chín vẫn cứ còn hy vọng. Biết đâu thằng Kế trước khi đi họp huyện đã bố trí đâu ra đấy rồi? Có điều bà vẫn hơi run khi nhìn cái thằng cầm bản đồ to như chiếc chiếu cuộn lại, nghe nói người trên huyện, điệu bộ có vẻ lì lì như con gấu khiến bà cũng kinh kinh. Còn hai thằng đàn em cầm sổ, cầm dây, cầm cọc mắt láo liên hay nhìn trộm bà thì lạ gì. Chúng nó chả đã mấy lần cùng thằng Kế nốc bia với cả rá trứng vịt lộn tại quán bà rồi.

Bà Quát liếc xéo sang chỗ ngồi cô Hường. Cái cô mặc áo dài, chấm hoa nhỏ màu tím hoa cà, trông chẳng khác nàng dâu, chẳng khác mọi hôm đi dạy. Trước lúc có thể nguy mà vẫn thấy tươi vui, mắt đằm thắm, cười cười mới lạ. Hai tay cô luôn chuyền nước, mời mọc ân cần với khách như không. Điệu bộ ấy làm bà Quát thêm quan ngại.

Trái lại, bà nhìn dáng chồng e sợ như kẻ cắp bị bắt quả tang mà phát buồn. Mặt ông nhăn nhúm lo sợ, vẻ lúng túng mất tự nhiên, ngữ ấy là lạy ông tôi ở bụi này. Bà Quát thì trái lại, tự nhủ lòng: thằng cha trưởng đoàn là người ở đâu đến thì cóc biết lịch sử miếng đất này. Còn cô giáo Hường cũng không đáng ngại, trí tuệ văn chương thơ phú giỏi giang đâu không biết chứ kinh nghiệm từng trải và mẹo luật cãi lý thì có mà xách dép cho bà cũng chưa đáng. Chả thế, chiều qua thằng cháu Kế và trưởng thôn báo cho biết, sáng mai cô Hường xin nghỉ dạy một buổi, để ở nhà giải quyết cho xong vụ kiện, cô ta cứ ngơ ngơ:

– Hay là để hôm khác được không hở chú? Ngày mai đội tuyển trường cháu đang bồi dưỡng kiến thức buổi cuối cùng để đi thi.

– “Cô này hay thật”, trưởng thôn quắc mắt quát to, “Chuyện kiện cáo là chuyện pháp luật không phải chuyện chơi nói hoãn là hoãn”.

Cô giáo tần ngần một lúc rồi rụt rè hỏi:

– Vậy, hay là… Đoàn giải quyết sao cháu nghe vậy, được không?

– Cô này dở hơi như người ta nói thật rồi .Chuyện đấu tranh quyền lợi mà cứ dửng dưng…

– Thế thì, thế này vậy, nhờ bác thưa với đoàn tiến hành sớm cho để cháu còn kịp dạy tiết hai được không? Trăm sự nhờ bác, hoàn cảnh cháu…

Ông xóm trưởng lắc đầu quầy quậy:

– Người đâu mà vô tâm vậy, chả trách người ta…

Bây giờ, anh Cường, tổ trưởng tổ đo đạc thay anh Kế, cũng nghe lời ông trưởng thôn, rút ngắn cuộc đàm thoại lại. Anh nhìn lướt một lượt, e hèm, nhổ bãi nước bọt vào góc nhà, nói dằn từng tiếng, vẻ trịnh trọng:

– Thế này nhá, chúng tôi làm nhanh để theo yêu cầu cô giáo kịp đi dạy. Đã bảo xin nhà trường nghỉ một buổi thì có chết ai, vậy mà như mèo cháy l…Xin lỗi!

Thôi thì, ngắn dài là do ở cô ấy mà ra cả. Tôi báo cho cô giáo hay, trước đây cô là bị đơn, bị bà Quát đây kiện là lấn đất bà ấy. Giờ trái lại, đối chiếu bản đồ đo bằng máy lưu lại đây thì cô lại là nguyên đơn. Vì sao à? Vì theo đó thì nhà ông bà Thẩm đã lấn sang đất nhà ông Kiệt, tức bây giờ là đất nhà cô giáo Hường đây, 3 mét rộng, nhân với chiều dài tám mét, vị chi đúng hai tư mét vuông. Bây giờ tùy cô giáo quyết, cô được chọn một trong hai cách. Một là, thỏa thuận giá đền bù diện tích bị ông Thẩm chiếm dụng tính theo giá đất hiện thời. Hai là, ông bà Thẩm cắt trả diện tích đất đó về cho cô giáo. Cô chọn phương án nào cũng được, nói ra để chúng tôi ghi biên bản.

Cô giáo Hường bẽn lẽn đứng lên, mặt cô đỏ bừng như học sinh lên bục giảng không thuộc bài hay phạm lỗi bị phạt. Cô nói lí nhí nhưng về sau cũng rõ ý tứ mong muốn của cô. Đoạn đầu người ta vẫn nghe nhưng không hiểu vì nó ngược với người đời, trái với hai câu hỏi lựa chọn mà trưởng đoàn nêu ra. Bây giờ đoạn sau lại càng trái khoáy:

– Thưa mọi người, cháu đã làm phiền ạ. Nói thật từ lâu cháu thấy nhà bác Thẩm sắp cưới vợ cho con trai, cũng như các bậc làm cha làm mẹ khác muốn cho con yên bề gia thất mà không được, kể cũng tội. Cháu biết hai bác ao ước rằng, giá không có cái sân gạch nhà cháu “nhô sang” phía đông, thì thửa đất nhà hai bác vuông vắn, từ đó xây được hai cái nhà ống, một cho mình, một cho con, đúng không? Cháu biết nhưng không lẽ cháu nói ra mà đợi hai bác ngỏ lời rồi giúp, nhưng không thấy nói gì cả. Cháu đoán do ý định đó mà mà bác gái Quát “sinh sự, sự sinh”…

Càng nghe cô giáo bày tỏ ông Thẩm càng thấy nhà mình dại quá, cả mình cũng ngu hơn con lợn. Người ta tốt thế, nếu mình mở mồm ra thì đã không lâm vào tình huống khó xử, bất lợi hiện giờ. Mình đã kiện cáo, vu khống người ta lấn đất thì, cô giáo cũng sẽ tự ái mà phản công lại. Làm như bà vợ mình lâu nay chẳng khác tự mình lấy ngón tay chọc vào mắt, tránh sao khỏi đau đến mù. Phải mất ít nhất tiền trăm triệu mới khỏi bị đập tường đốc ngôi nhà hai tầng đang ở. Nhưng kìa… tai ông nghe rõ ràng một bất ngờ khác, từ miệng cô giáo:

– “Thưa hai bác, cháu sẵn lòng biếu không hai bác cái sân gạch này để vuông mảnh đất, làm được ngôi nhà nữa giúp bác. Cháu nói thật đó, vì cháu rồi đây cũng chỉ ở có một mình, cháu Nam chắc chắn sẽ đi đại học. Còn khi con cháu về, hai mẹ con ở trong căn nhà ba gian cấp bốn này cũng đủ rộng. Vì sao cháu lại làm thế thưa chú?” Cô Hường nói với cái anh đứng tuổi, lởm chởm râu quai nón, trưởng đoàn, “vì như cháu đã nghĩ và trình bày lúc nãy rồi. Thêm nữa, cháu trộm nghĩ, người ta còn làm từ thiện đến hàng tỷ đồng cho những người xa lạ, thì huống chi cháu chỉ giúp người hàng xóm cạnh nách mình, một thẹo vườn!”

Mọi người đang phân vân sao gió đổi chiều nhanh đến vậy thì cô giáo Hường vừa ngửa tay xem đồng hồ, vừa thông cảm, như muốn chấm dứt câu chuyện:

– Nếu không còn gì nữa thì, xin lỗi, cháu phải dạy tiết hai, không dám để các cháu chờ.

Nói rồi cô ôm cặp, đẩy xe ra sân, ngồi lên yên, phóng nhanh ra cổng.

Vợ chồng ông Thẩm nhìn theo, ngơ ngác. Cửa ngõ cô giáo vẫn mở toang. Cô đi làm vô tư, tin cậy như tấm lòng rộng mở với đời.

Nước mắt bà Quát bỗng ứa ra, bà nhìn ổ khóa, nhìn mọi người, rồi nhìn nhanh xuống nền nhà đất, y như đang muốn tìm một lỗ nẻ để chui xuống.

Hoàng Chỉnh

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 30, tháng 1+2/2023)