LTS: Tiểu thuyết “Tiếng gà làng Mơ” được nhà văn Hoàng Chỉnh viết và hoàn thành trong 2 năm 2022-2023. Tiểu thuyết gồm 5 phần, đầy ắp thông tin, hấp dẫn người đọc bởi những sự kiện gay cấn: có vụ án, có hoàn cảnh điển hình nhân vật điển hình với giọng văn mộc mạc, hài hước, nhiều đoạn phân tích tâm lý nhân vật khá sâu sắc,… phản ánh công cuộc xây dựng nông thôn mới đầy khó khăn ở làng Mơ, xã Tây Sơn, một xã vùng bán sơn địa, trong đó một nửa số thôn trong xã đang hưởng chế độ 135/CP. “Tiếng gà làng Mơ” đã đoạt giải Nhất tại “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” do UBND tỉnh phát động năm 2023. Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu trích đoạn sau.

Tại ngã ba đường vào xã Tây Sơn, nơi giáp giữa cánh đồng và làng xóm tấm biển chăng ngang đường có dòng chữ:“Xã Tây Sơn kính chào quý khách’’. Bên trái đường có cây đa sum suê cành lá, cách đấy khoảng chục mét là bến nước được xây bậc lên xuống bến, bốn cô Xuân Bình, Thu Huệ, Hương Lài, Thanh Nga đang giặt giũ. Đó là bốn cô xinh nhất và cũng tinh nghịch nhất làng, buổi sáng họ thường kiếm cớ để chơi đùa trò chuyện với nhau. Lúc này trên bờ là những thau chậu đựng quần áo, các cô vừa giặt vừa chuyện trò vui vẻ.
Dưới tán đa lão Phèng đang thoăn thoắt vót nan tre. Quanh lão, ngổn ngang những gióng tre vừa pha, những mê thúng, mê rổ vài chiếc lồng gà hom giỏ đã thành phẩm. Tựa vào thân đa có cây nhị cũ kỹ. Một căn nhà nhỏ lợp ngói, tường xây, chỉ độc một gian trông rất đơn côi, đó là nhà lão Phèng nằm bên kia đường. Đầu hồi nhà có cây ổi to chi chít quả. Lũ trẻ con sàn sàn bảy đến mười tuổi, đứa trên cây, đứa dưới đất í ới chỉ trỏ, tranh nhau nhặt ổi, ăn ổi ngon lành.
Từ dưới bến, giọng Xuân Bình vống lên:
– Lão Phèng ơi, nhớ “cà dưới” lắm rồi.
“Cà”, “dưa” là hai nốt tương tự “rề”, “mi” của nhị, lúc chuẩn bị kéo bài hát người ta thường quen tay kéo thử. Nhưng bốn cô quỷ sứ lại nói chệch thành “cà dưới”.Cả bốn cô nhao nhao:
– Lão cho chị em một chầu “cà dưới” đi!
Lão Phèng cười khoái chí:
– Cà dưới hả?
Lão vớ lấy cây nhị, kéo hai dây “rề”, “mi” mấy lần rồi hướng về lũ trẻ gọi:
– Ơi các lũ quỷ sứ trên cây, mau xuống đây ngay, vào giờ thực hành rồi.
Đám trẻ con dạ ran:
– Dạ! Chúng cháu xuống ngay đây ạ.
Khi đám trẻ đã vây quanh lão Phèng, so dây lần nữa. Lão hỏi:
– Đã thuộc bài cũ chưa?
Lũ trẻ đồng thanh gào to, nhịp nhàng:
– Chúng cháu thuộc bài rồi ạ.
Lão Phèng:
– Giỏi lắm, bắt đầu bài mới nào. Lão “mồi” cho chúng câu đầu, mỗi tiếng kèm theo một tiếng nhị: “Làng Mơ, Tây Sơn ta”… Lũ trẻ đồng thanh:
Làng Mơ, Tây Sơn ta
Lắm người lại nhiều ma
Đất đai, con lợn béo
Mèo nhìn lũ kễnh tha…
Câu cuối được lũ trẻ lặp lại ba lần, rõ từng tiếng một.
Thu Huệ, Hương Lài rời bến đi lên, vây quanh lão Phèng từ lúc nào, cũng vỗ tay theo nhịp. Tất cả làm nổ ra một tràng cười hết cỡ.
Họ lại xuống bến nước, vừa giặt vừa trò chuyện. Xuân Bình nói với mấy bạn:
– Lão Phèng suốt ngày quanh quẩn bên gốc đa mà chuyện gì của làng Kiệt cũng biết trước, tài thật.
Cô Thanh Nga bĩu môi:
– Chuyện! Thế người đời mới gọi là là Phèng, Phèng la. Nhưng chuyện đất đai của xã Tây Sơn nhà mình thì lão không phải là người biết đầu đâu, đã rò rỉ lâu nay rồi.
Thu Huệ giờ mới mở miệng:
– Phải nói là nhóm ông Hoàng Văn Bảng, ông Lại Văn Thơm hoành tráng thật, đích danh viết đơn tố cáo.
Thanh Nga đứng dậy vén tóc mai chêm vào:
– Phen này thì món chánh phó chủ tịch có mà chạy đằng trời.
Thu Huệ khoa khoa tay trên mặt nước:
– Nghe nói có cả món huyện, món tỉnh cũng xí phần đấy nhưng mà còn phải xem xem có cầm được đuôi lươn không. Các quan đất thường miệng có gang có thép. Bây giờ họ thành lợi ích nhóm “trên nuôi dưới, dưới nuôi trên” lắm mưu nhiều kế lắm, biến hóa như thần. Có cách thoát hiểm cả đấy!
Xuân Bình cào cào mái tóc đen dài đến khuỷu chân, vung vẩy tóc cười:
– Nói thế thì bố thằng nào cãi được. Thì đấy, Chủ tịch xã Phạm Thậm, buổi sáng vừa lên lớp về “bình đẳng giới” trước hàng trăm chị em, mồm miệng chân thành, cảm động, đến nỗi có bà rơm rớm nước mắt. Thế mà tan họp, về nhà đã kiếm cớ lôi vợ ra – cái bà Xuyến ấy, mắng nhiếc rồi đấm đá, rồi nắm tóc quấn vào chân giường. Mà cấm được kêu một tiếng đâu đấy.
Thanh Nga dề môi:
– Khiếp bà Huệ có nghe không đấy?
Thu Huệ giọng buồn buồn:
– Biết chứ sao không? Nhưng mà khổ nỗi bà Xuyến cứ cắn răng âm thầm chịu đựng. Không dám hé răng thì ông trời cũng chịu chứ nói gì đến Hội trưởng Hội Phụ nữ xã như tôi. Nhiều lần tôi gặp riêng, bà tâm sự, vận động bà nói lên sự thật nhưng… chậc! Mới hôm qua đây thôi, đang giữa bữa ăn, bà Xuyến vô tình nói câu gì đó đến vụ đất đai. Thế là bà ăn ngay một cái tát trời giáng; mâm bát xoong nồi bay xuống sân tất. Cô Xuân Bình lùn tịt, tiếp lời:
– Sao bà ấy nhu nhược thế chứ? Phải tay tớ ấy à, tớ “song phi” một phát cho “đôi hòn” ấy lên cổ nằm chơi. Hì.. hì…
Cả bọn cười ré, đấm vào lưng nhau thùm thụp. Chỉ có Hương Lài nghe họ bình luận về mẹ Xuyến, bố Thậm như thế mà xót ruột. Hình như họ nói xía vào mình. Biết làm sao được. Đôi ấy mẹ thì ác bố thì vũ phu như trâu vô chuồng bò…
Bỗng Thanh Nga chỉ tay theo con đường dẫn về phía cánh đồng. Từ xa, một người đang đạp xe hướng về làng. Cô hốt hoảng:
– Trông kìa, có phải Ngọa cụt đấy không?
Nhiều tiếng nói gấp gáp xô vào nhau:
– Đúng Ngọa cụt rồi. Thì còn ai vào đấy nữa. Chạy nhanh chúng mày ơi. Chạy!
Cả bọn ào lên chạy qua đường vào nhà lão Phèng.
Người có tên Ngọa cụt dáng thấp đậm, đầu trần, mắt ốc nhồi nhơn nhởn lòng trắng mắt, mặt bạnh, da đồng hun cũng vừa đến gốc đa.
Lão Phèng:
-E hèm. Chào anh, à chào chú Ngọa!
Đám con gái thập thò ngó ra. Ngọa dừng lại, vẫn ngồi trên chiếc yên xe, một chân chống đất, đảo mắt liên láo, cười đểu giả:
– Lão Phèng hôm nay lễ phép gớm!
Một thoáng chần chừ, Ngọa hiếng mắt nhìn vào nhà lão Phèng rồi đột ngột dấn xe vẻ vùng vằng, bực bõ đạp xe đi. Đám con gái thở phào ra khỏi nhà lão Phèng dõi mắt nhìn theo Ngọa.
Thu Huệ nói:
– Kể cũng tội!
Hương Lài cãi lại và thủ thỉ kể:
– Tội gì, đáng kiếp dê cụ, lang chạ cho lắm vào. Nghe nói Ngọa bị người nhà ép “tự xử lý” sau khi dại dột, cuồng loạn lên định “tòm tem” với cháu gái – mười bảy tuổi, cô Kiều Sa ấy mà, cái con bé xinh nhất làng, diêm dúa nhất làng; cái con bé hôm nọ theo mẹ, tức bà Huyền Ngân về khai trương dự án khu du lịch, dịch vụ gì ấy mà, bọn bay còn nhớ chứ? – tao thề nói thật – Chính tay lão Ngọa biết lỗi tự chặt cụt “cái của nợ ấy”, nghe nói chặt tận gốc cơ, mới kinh. Nay chỉ còn một mẩu, chiều dài không bằng chiều dài cái cối giã trầu của các bà, tóm lại, chẳng làm ăn gì được. Lão Ngọa xấu hổ bỏ làng cùng chị đi làm ăn mấy năm, nay chị ruột làm dự án to, ai cũng nể mới quay trở lại làng. Bọn bay sợ cứ chạy chứ giả sử… cũng chẳng làm gì được đâu.

Minh họa: Hải Thọ

Mấy cô nghe chuyện, nhìn nhau, lắc đầu, tò mò nhưng chả tin lắm.
Lão Phèng góp chuyện:
– Mà các cô cứ chạy trốn, làm hắn được thể càng làm tới đấy.
Thanh Nga đáp trả giọng chua loét:
– Lão Phèng ơi, không thế hắn điên lên thì bỏ chà gai vô, hắn cũng ôm riết mà vần vò chứ chẳng chơi.
Lão Phèng ngán ngẩm:
– Cũng phải. Chỉ mỗi việc lang thang coi ngó đất đai, hàng quán cho bà Huyền Ngân, ăn uống toàn những thứ bổ dưỡng thì điên lên thật.
Đang nói bỗng mọi người thấy: một cô gái dáng cao, tay xách túi du lịch, khuôn mặt trái xoan, mắt bồ câu, tóc dài, ăn mặc giản dị vẫn gợi dáng vẻ thành phố, từ phía cánh đồng đi tới. Ấy là cô Trần Minh Phượng.
Thu Huệ phát hiện ra Phượng, nói như reo:
– Ôi, Phượng cậu về đó ư? Sao không báo để đi đón?
Phượng vui vẻ:
– Cháu chào lão Phèng. Chào các cô, đông vui quá!
Xuân Bình mau miệng:
– Được mấy năm rồi chị Phượng ơi, sắp hết năm thứ tư rồi đấy nhỉ. Còn năm cuối cùng nữa là xong 5 năm Đại học Kinh tế quốc dân. Nhất chị đấy!
Phượng thanh minh:
– Cũng không mau đâu, ăn hết mấy tấn gạo của ông bà Phương rồi. Đi xa nhà từ cuối năm 2006, nay đã năm 2011. Như vậy em cầm tinh con chuột năm nay là năm con mèo (2011) em vừa hai tám tuổi, gần ba chục cái lá vàng rơi rồi còn mau nỗi gì!
Thu Huệ động viên bạn:
– Cô ả ăn cơm trắng, uống nước máy, nên vẫn còn trẻ chán, trông cứ xinh tươi như cô Kiều Sa con bà Ngân dự án ấy. Bây giờ cậu vào Ủy ban rồi đến nhà mình ngay nhé. Mình còn giặt lâu, đợi cậu.
Bỗng một trận mưa bóng mây ào ào trút xuống, cả bốn cô và Phượng vội quay lại vào nhà lão Phèng trú mưa. Mưa bóng mây mà sân nổi bong bóng, mưa bị gió thổi bạt vào thềm nhà, lũ con gái leo lên ngồi cả giường lão. Huệ kêu:
– Tất cả xuống đất kê dép mà ngồi kẻo sập giường lão bây giờ.
Mấy ả đang ngồi trên giường vội tụt xuống. Lão Phèng đưa ấm nước và hai cái bát đến. Xuân Bình mở đầu cuộc trò chuyện:
– Lão Phèng ơi sao hồi trẻ lão không lấy vợ?
– Có chứ. – Lão phèng vẻ rân rấn nước mắt – Vợ, hai đứa con của lão bị bom bi Mỹ thả vào làng Mơ năm Đinh Mùi làm chết cả, lão đi bộ đội về ở vậy báo nghĩa, giữ tình.
– Làm sao mà lão biết nhiều chuyện làng Mơ thế ạ? – Thu Huệ hỏi.
– Tại vì lão sinh năm Bính Tý, đến năm Tân Mão này là tám mươi tám tuổi, gần ngót một thế kỷ ở làng, làm gì không biết những con người sống ở đây. Hơn nữa lão hay quan tâm, tò mò nên hỏi thì nó ra, vậy thôi.
Hương Lài:
– Cuộc đời lão hay đặt vè làm thơ vậy lão thích nhất nói về gì?
– Nói thật – lão Phèng cười – lão thích nói về “cái ấy” của phụ nữ, về “chuyện ấy” của nam nữ, kiểu bà Hồ Xuân Hương hay ví von hình tượng cho nó vui ấy mà. Suy cho cùng nói những thứ đó, ai cũng biết, cũng thích, lại lành tính, vui vẻ và chính quyền người ta không chấp bắt vạ. Ví dụ à, nhiều lắm, chẳng hạn trong đơn vị có thằng ra câu đối hóc búa, giành giải thưởng cho gói thuốc lào Thống Nhất. Cả đại đội chịu phong lão là trạng nguyên đấy. Thế này nhá, thằng quỷ sứ trong đại đội ra vế: “Trai Hóc Môn, vừa hôn vừa móc”. Hắn chơi chữ. Cả ba ngày tết không ai đối lại được. Họ nhờ đến trạng nguyên đây. Các cô nghe lão đối có ngon không nhá: “Gái Gò Công, vừa gồng vừa co. Cả đơn vị ai cũng phục là đối chuẩn.
Rồi đơn vị kéo gỗ bắc cầu cũng vậy. Cây gỗ làm dầm to nặng và do không đồng sức nên không kéo đi được. Lão ra cầm hiệu, dặn khi ngắt câu hò thì đồng lúc giật dây. Lão hò:
“Cây gỗ hắn nặng chi chi
Nghe nói chuyện nớ hắn đi ào ào! Này dô!…
Mọi người buồn cười giật dây song, kéo gỗ sau tiếng “này”! Và thế là vừa cười vừa chạy băng băng đến bờ suối.
Nhưng chuyện này mới vui. Năm đó sau khi biết xã đội Thậm đè mụ Ngợm, tức bà Huyền Ngân dự án bây giờ, họ vần võ nhau một tiếng rưỡi đồng hồ liền, tại đống rơm nhà Thậm, lão có bài thơ truyền đời. Lão đọc bài đó – bài được làng Mơ phong cho là “thi sĩ dân gian” nhé:
Chuyện xưa nay kể thành vè
Đống rơm nhà vắng, Thậm đè “Ngân” ra
Ban đầu những tưởng qua loa
Ai ngờ hắn bỏ “cái mả cha” hắn vào
Ngân kia cứ để xem sao
(Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng mê).
Hôm sau thợ mộc cút về
Đống rơm lại thấy họ đè nhau ra!
– Quá hay! Nhưng thợ mộc nào đây hở bác? – Xuân Bình hỏi – Lão thử kể cái tích thợ mộc ấy và cuộc đời bà “Ngân dự án” cho chúng cháu nghe với nào.
Lão Phèng vuốt chòm râu bạc, thì thào vẻ bí mật:
– Làng Mơ này vốn thuần nông nhưng bỗng mọc ra một nhà kinh doanh nghề mộc đó là nhà ông Trầm. Ông Trầm chỉ sinh được mỗi một mụn con gái và một thằng con trai hơi cục tính, lại có “máu dê” hệt như ông. (Ông Trầm có ba vợ đều chết trẻ cả). Mãi năm Nhâm Dần (1962) vợ ba của ông mới đẻ được một người con gái có đôi mắt lá răm, lông mày, lông tay đen sì, rậm và hay liếm môi. Ông đặt tên con gái là Tiền (tức Ngân) nhưng con bé xem ra là tướng đàn ông, không biết giữ của.
Từ tuổi đi học vỡ lòng con bé đã nghịch ngợm nên bà con lối xóm đặt tên phụ là “Ngợm”. Người trong xóm kể, ai đời con bé nghịch đến nỗi học lớp một rồi mà còn bắc ghế đẩu ngồi lên miệng chum nhà hàng xóm gần ngõ, trật quần đái tồ tồ vào trong nước ăn người ta. Bảy, tám tuổi Ngợm đã dám trèo lên ngọn cây cau bắt tổ chim rặt rặt. Mười một tuổi cắt te đồng ban đêm ngủ quên giữa bãi tha ma. Mười sáu tuổi thì hai vú ưỡn ra như hai cái giành. Hễ thấy con trai là sấn vào như mèo thấy mỡ.
Con bé phát dục sớm lại liều nên làm khổ tay thợ mộc đẹp trai, bụng chín múi nhà mà ông Trầm thuê đóng giường tủ. Anh thanh niên ấy tên Đại, đêm chốt cửa ngủ thường bị Ngân gõ cửa thức dậy “xin lửa” rồi đêm rét quá xin ngủ với chú luôn cho ấm.
Thằng Ngọa dạo ấy mới mười hai tuổi nhưng bất chấp người cùng lứa cho dù to khỏe hoặc nhiều tuổi hơn nó. Có lần con nghé nhà hàng xóm vào vườn của anh ta, xéo nát mấy luống rau cải, Ngọa sôi máu lên lấy mác chặt đứt hai chân sau con nghé. Hắn cũng như chị, phát dục sớm, thấy con gái làng Mơ ra giếng gánh nước là thình lình chạy đến ôm cứng lấy một o rồi mồm la “cứu cứu”. Đám con gái thường rủ nhau đi vài ba đứa nhưng hễ thấy Ngọa là bứt chạy.
Một hôm thấy chị ăn chanh nhai cả quả, gân cổ nổi lên xanh, Ngọa hỏi chị vì sao. Ngợm nói “Cái chú Đại mất dạy đè chị ra trong xưởng gỗ”. Ngọa xách mác đi tìm tay thợ mộc. May sao hôm đó Đại ra sông tắm.
Ngợm bàn nhỏ với em: “Trong xã có chú Thậm vừa đi bộ đội về, nghe nói đang ưng con Xuyến mà cô này lại yêu tay Thơm, đang bí bách lắm. Chị em mình dùng kế “ăn ốc đổ vỏ”.
Thế là anh Thậm Chủ tịch xã bây giờ sập bẫy ngay. (May được ông Bảng, đảng viên lão thành trình bày với Đảng ủy rằng, cha Thậm là người có công với xã nên vẫn được làm công việc oách nhất xã thời chiến tranh).
Cô Ngợm đến nhà anh Thậm trình bày, mong muốn xã đội đuổi ngay lập tức tay thợ mộc mất dạy. Cô ả trả công bằng cách nhảy lên bá cổ anh xã đội và chịu rên ư ử trong bữa tiệc cuối cùng ngay tại đống rơm.
Sáng hôm sau trời còn mờ sương tên Đại bị trục xuất ngay khỏi làng Mơ, mất oan mấy tháng tiền công, bỏ cả cưa đục mà chạy.

Hoàng Chỉnh