Xứ Nghệ vừa trải qua những ngày liên hoan dân ca ví, giặm với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần. Cũng trong khoảng thời gian này, dư luận rầm rộ câu chuyện nhóm nhạc đình đám của Hàn Quốc Blackpink đến biểu diễn tại Việt Nam. Hai sự kiện tưởng chừng không liên quan đến nhau ấy lại cho chúng ta một góc nhìn, một bài học rất đáng để suy ngẫm.

Khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Xuân Thủy

Sự so sánh nào xét cho cùng cũng là khập khiễng nhưng hãy thử đặt hai câu chuyện này cạnh nhau để xem xét về cách làm văn hóa và ứng xử đối với các giá trị văn hóa. Ví, giặm Nghệ Tĩnh sau gần một thập kỷ được UNESCO vinh danh đã ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, không chỉ riêng xứ Nghệ. Những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị loại hình này bước đầu đã mang lại tín hiệu tích cực và quan trọng hơn, nó giúp chúng ta thấy, trong lòng người dân địa phương ví, giặm luôn có chỗ đứng và sức sống của nó. Tuy nhiên, sự mai một của âm nhạc truyền thống nói chung, ví – giặm nói riêng trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, người trẻ cũng ít mặn mà hơn với các loại hình âm nhạc truyền thống. Có lẽ, câu chuyện đó không phải của riêng quốc gia nào nhưng với Việt Nam, tình trạng này rất đáng phải quan tâm. Trong suốt một tháng các hoạt động liên hoan dân ca ví, giặm; festival ví, giặm; Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền diễn ra tại Nghệ An, lượng khán giả đông đảo nhưng chủ yếu là người dân sinh sống tại nơi sự kiện diễn ra và các hoạt động này đều phục vụ miễn phí. Không ít người đặt câu hỏi liệu tất cả những màn trình diễn được dàn dựng công phu ấy có tính phí thì còn mấy ai sẵn sàng bỏ tiền thưởng thức? Việc góp mặt của các ca sĩ nước ngoài trong chương trình Festival dân ca ví, giặm cũng để lại những ý kiến trái chiều mà có lẽ suy cho cùng ý kiến nào cũng có điểm đúng, điểm chưa hợp lý. Điều quan trọng là qua dư luận và cả cách làm hiện nay cho thấy chúng ta vẫn đang loay hoay với con đường lan tỏa giá trị dân ca ví, giặm. Chúng ta vẫn chưa hiểu một cách thấu đáo thế nào là phát huy, lan tỏa, là xuất khẩu những giá trị văn hóa. Không phải cứ một vài người ngoại quốc tham gia thì được xem là có tính quốc tế. Nhưng cũng không nên dùng con mắt quá khắt khe, cổ hủ để gìn giữ các giá trị truyền thống một cách xơ cứng, không để nó vận động phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Không giống như một số ít ý kiến trái chiều trên đất Nghệ về câu chuyện ví, giặm, sự kiện nhóm nhạc Blackpink biểu diễn tại Việt Nam gây ra một làn sóng dư luận mạnh mẽ. Cộng đồng người Việt không chỉ nóng lên với những lần săn vé, chờ đợi mà còn nóng lên với những cuộc tranh luận không đi đến hồi kết. Một bên ra sức lên án trào lưu thần tượng của giới trẻ là chạy theo những giá trị nhảm nhí, đua đòi… Một bên bênh vực cho nhu cầu giải trí của giới trẻ và sự tiếp cận những giá trị mang tính toàn cầu, là tín hiệu tốt cho ngành giải trí… Rõ ràng, ý kiến nào cũng có điểm hợp lý nhưng điều bài viết này muốn đề cập không phải là tiếp tục sa vào cuộc tranh luận chẳng có hồi kết này mà muốn nói đến một vấn đề lớn hơn là cách chúng ta tiếp cận và đánh giá vấn đề.

Có lẽ sẽ không quá khi kết luận dư luận hiện nay vẫn đang khá cực đoan trong đánh giá và chúng ta chưa có một tư duy mở trong thời đại toàn cầu hóa. Nếu chúng ta cứ khư khư giữ những quan điểm của mình là đúng, phủ nhận sạch trơn mọi giá trị bên ngoài thì sẽ khó có thể phát triển. Tại sao, thay vì lên án, ta không thử đặt câu hỏi xem điều gì khiến người trẻ bỏ thời gian và một lượng lớn tiền bạc để săn vé của đêm nhạc, để mua những đồ lưu niệm liên quan đến nhóm nhạc mà trong mắt nhiều người là vô ích? Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc họ đã tiêu tiền trong hạnh phúc và những giá trị tinh thần là khó có thể đong đếm? Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc định hướng tư duy, giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ để họ biết tiếp cận những giá trị đích thực thay vì lên án họ lệch lạc? Và chúng ta đã làm gì với những giá trị mà mình cho rằng là tốt đẹp, là đáng trân trọng trong suốt thời gian dài? Tại sao chúng ta không nhìn vào và suy ngẫm về những giá trị mà một nhóm nhạc đã mang lại cho nền kinh tế, văn hóa, sức ảnh hưởng của Hàn Quốc?

Nhóm nhạc Blackpink cùng người hâm mộ. Ảnh: Dân Trí

Từ nhóm nhạc Blackpink, điều chúng ta cần nhìn nhận và học tập đó là chiến lược của Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp văn hóa. Để có được điều này họ đã đầu tư rất lớn, khắt khe và có định hướng rõ ràng, bài bản trong nhiều thập kỷ. Làn sóng Hallyu của Hàn Quốc đã lan tỏa khắp toàn cầu với nhiều giá trị: phim ảnh, âm nhạc, trò chơi trực tuyến, ẩm thực,…và mang lại lợi nhuận rất lớn cho quốc gia này. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa của họ nhanh chóng được phổ biến, từ đó gia tăng sức mạnh mềm, tầm ảnh hưởng của quốc gia. Chính vì vậy, năm 2023, Hàn Quốc đã quyết định chi số tiền kỷ lục là khoảng 790 tỷ won cho ngành công nghiệp nội dung nhằm tăng xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc. Những thành công đó là điều chúng ta cần nhìn vào thay vì phủ nhận. Điều chúng ta cần làm là tăng cường hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt là học hỏi cách thức làm việc chuyên nghiệp, cách tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế của họ. Nói cách khác, chúng ta nên xem đây là một cơ hội thay vì chỉ mải mê lên án và chê bai. Chúng ta nên trăn trở làm cách nào để những cái hay, cái đẹp của Việt Nam nói chung; của các làn điệu dân ca như ví, giặm nói riêng cũng có sức lan tỏa như thế, cũng khiến người ta say mê tìm đến và mang về lợi thế nhiều mặt cho quốc gia mình như thế.

Cuồng thần tượng, hay nói như ngôn ngữ giới trẻ là “đu idol” nếu thái quá là điều cần phải chấn chỉnh nhưng đó là câu chuyện và trách nhiệm của giáo dục, định hướng từ nhỏ chứ không phải chỉ ngồi lên án sẽ cải thiện vấn đề. Chúng ta cũng không thể từ sự kiện này để vội vàng kết luận giới trẻ ngày nay chỉ biết mải mê với những giá trị ngoại lai mà lãng quên văn hóa truyền thống. Thực tế cho thấy còn rất nhiều bạn trẻ đam mê với âm nhạc dân tộc và việc họ dành thời gian nhiều hơn cho nhạc trẻ, cho rock, rap,… cũng không đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn lãng quên ví, giặm.

Xét cho cùng, người ta đến với âm nhạc vô tư lắm. Đó là con đường của trái tim. Con người đến với âm nhạc khi buồn, khi vui bởi nó có thể nói hộ tình cảm, tiếng lòng cho họ. Vì thế lên án hay phán xét ai đến với âm nhạc (dù hay hay dở) cũng là điều không hay. Đã bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi vì sao những ca khúc “nhạc trẻ” lại được giới trẻ yêu thích hơn? Chúng ta đã đi sâu vào mặt tâm lý để phân tích nguyên nhân? Các em yêu thích những bài hát ca từ ngô nghê, giai điệu đơn giản bởi vì đâu? Các em không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của dân ca là vì đâu? Bởi họ chưa được trang bị nền tảng kiến thức âm nhạc, chưa được định hướng về giá trị thẩm mỹ. Lỗi đó, trách nhiệm đó thuộc về chúng ta, về những người có thẩm quyền, có chuyên môn. Chúng ta đã không truyền dạy, không định hướng cho các em và rồi giờ đây chúng ta chỉ trích, lên án họ như những đối tượng thiếu văn hóa, phản văn hóa, làm xấu đi hình ảnh dân tộc?! Phải chăng sự thờ ơ hôm nay của một bộ phận không nhỏ giới trẻ đối với âm nhạc dân tộc chính là sự phản chiếu thờ ơ của chúng ta đối với việc bồi đắp, định hướng giá trị thẩm mỹ; giáo dục đạo đức; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho giới trẻ?! Mặt khác, chúng ta không thể bắt ép giới trẻ phải nghe, sáng tác những ca khúc mà ở đó họ không thể hiện được tiếng nói lòng mình. Mỗi cá nhân có một thế giới quan, một tiêu chuẩn thẩm mỹ, sở thích khác nhau. Người thích nhạc buồn, người thích sôi động. Người cho giọng cao là hay, người lại mê giọng trầm, ấm,… Nó muôn hình muôn vẻ như cuộc sống vậy và cũng chính cách đó, âm nhạc sống cùng chúng ta, mang hơi thở của dân tộc và thời đại.

Đưa các bạn trẻ đến với âm nhạc dân tộc, để họ yêu và say mê với những làn điệu dân ca không có nghĩa là bắt họ thờ ơ với nhạc trẻ, nhạc quốc tế bởi lẽ cái hay của âm nhạc chính là phá bỏ mọi giới hạn về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý để đưa con người ta đến gần nhau, cùng hướng đến cái đẹp. Muốn cho thế hệ trẻ đến với âm nhạc truyền thống thì phải để các em được tiếp cận, hiểu và yêu nó. Hiểu và yêu ấy phải được nuôi dưỡng từ ban đầu, không thể vội vàng, không thể ép buộc. Tôn vinh giá trị âm nhạc dân tộc không có nghĩa là phủ nhận, là ngăn cản người đến với những dòng âm nhạc khác. Nó cũng tương tự như tình yêu đôi lứa vậy. Ta không thể ép ai đó yêu một người hoàn toàn xa lạ, không thể ép họ yêu khi không có rung động dẫu rằng người đó rất tốt. Chúng ta hãy để tình yêu với âm nhạc dân tộc tự nó thấm vào hồn các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Hãy để các em yêu nó theo cách của mình bởi đâu phải cứ luôn ồn ào, luôn nói yêu mới thực là yêu. Đừng lên án hay chỉ trích vì các em nghe nhạc trẻ, nhạc nước ngoài hoặc một dòng nhạc nào đó không phải dân ca. Các em có quyền yêu mến tất cả.

Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023. Ảnh: Trang Đoan

Việc sáng tác ca khúc mới dựa trên làn điệu dân ca, hòa âm phối khí làm mới các tác phẩm truyền thống cũng là một điều hay; việc nghiên cứu để đưa những giá trị văn hóa truyền thống ra với thế giới theo cách mới mẻ hơn là nên chứ không đáng để lên án bởi văn hóa, nghệ thuật phải luôn không ngừng sáng tạo, tiếp thu cái mới. Nếu bằng cách đó chúng ta có thể mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với giới trẻ, với bè bạn quốc tế và lưu giữ nó phù hợp với cuộc sống đương đại thì tại sao lại không thể?

Trách nhiệm của chúng ta hôm nay không phải chỉ ngồi lên án và nhìn mọi hiện tượng, sự thay đổi quanh mình bằng con mắt phán xét và tư duy cứng nhắc. Những giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta là tốt đẹp thì điều cần làm là trăn trở tìm cách quảng bá, truyền đạt đến với thế hệ trẻ, để những giá trị đó sống và chảy trong huyết quản các em như tình yêu với tổ tiên, quê hương, nguồn cội; để sau tất cả những cái mới, những ồn ào, họ luôn muốn tìm về như tìm về sự bình yên, sâu lắng nhất của tâm hồn và hãy trăn trở chắp cánh cho những giá trị đó vươn tầm xa nhất có thể. Cuộc sống không ngừng vận động và đổi thay nên sẽ không có chỗ cho những góc nhìn cực đoan và xơ cứng. Hãy bồi đắp trí tuệ của mình, mở mang kiến thức, tư duy của mình và làm giàu thêm những giá trị trong tâm hồn để luôn biết lắng nghe, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều bằng sự thấu cảm và tích cực nhất có thể.

Trang Đoan