Sáng 12/12/2019, tại Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội, Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long” của nhà văn Nguyễn Thế Quang. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ tư của nhà văn Nguyễn Thế Quang, trong đó, tác giả đã chọn đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nguyên mẫu.

Cuộc tọa đàm giới thiệu sách được tổ chức trang trọng tại VOV6, Ban Văn học- nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: P.V

Tham dự buổi tọa đàm, giới thiệu cuốn sách có PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học: Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Thắng, Đinh Trí Dũng…

PGS – TS Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: P.V

Tại cuộc tọa đàm, nhà văn Nguyễn Thế Quang bộc bạch về quá trình viết tiểu thuyết này : “Với tôi, khi chọn đại tướng Võ Nguyên giáp làm nguyên mẫu lịch sử là một áp lực lớn, có thể nói là một thử thách lớn. Bài toán đặt ra là phải nỗ lực thế nào để có thể vừa tái dựng chân dung một nhân vật đã trở nên thân thuộc trong lòng dân, vừa tìm biết để góp phần điều chỉnh những nhận thức chưa đúng cũng như bổ khuyết những nhận thức chưa đủ của nhiều người về đại tướng”.

Nhiều nhà phê bình cùng tham dự buổi tọa đàm, giới thiệu sách đều đánh giá cao công trình này. Ảnh: P.V

Tác phẩm tập trung khai thác những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt nhấn mạnh đến tâm thế của người tìm đường – chọn đường – nhận đường trong thời điểm rất trọng đại của dân tộc. Đánh giá rất cao về tác phẩm này, nhà phê bình Bùi Việt Thắng có bài viết trên báo Người Hà Nội phản ánh kịp thời, cũng trong buổi tọa đàm, ông nhận xét: “Tác giả đã rất khéo léo vượt qua cái ranh giới tưởng như nhất thành bất biến này. Bằng cách như là người trong cuộc, ướm mình vào nhân vật mà viết”.

PGS-TS Đinh Trí Dũng phát biểu: “Các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang đều nhất quán một chủ đề lớn – vấn đề nhận đường của người trí thức. So với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ thì quá trình nhận đường của đại tướng Võ Nguyên giáp diễn ra trong một bối cảnh lịch sử phức tạp hơn nhiều. Và đại tướng không chỉ chọn đường cho riêng mình mà quan trọng hơn là cho dân tộc”.

Bìa cuốn sách “Đường về Thăng Long” của nhà văn Nguyễn Thế Quang. Ảnh: PV

Đúng như những nhận xét hết sức khách quan, thấu đáo, sâu sắc của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Văn Thọ… thì ở tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã dũng cảm làm được nhiệm vụ của một nhà văn tôn trọng sự thật nhưng cũng giàu sức sáng tạo, hư cấu. Chân dung đại tướng Võ Nguyên giáp hiện lên trong sự soi chiếu của các tuyến nhân vật quan trọng khác, ngoài việc làm nổi bật con người hành động Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác về diễn biến tâm trạng, tâm lý nhân vật trong những mối quan hệ với gia đình, người thân, vợ con, bạn hữu, từ đó làm nổi bật con người Võ Nguyên Giáp – một trí thức, người anh hùng đậm chất đời, nhân hâu, gần gũi, ấm áp.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang đang ký tặng sách. Ảnh: P.V

“Đường về Thăng Long” có thể nói là một cuốn tiểu thuyết có sức nặng tư tưởng, thể hiện những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Đây là tiểu thuyết lịch sử mà nhà văn Nguyễn Thế Quang đã dành nhiều tâm huyết và trí tuệ với mong muốn đem đến cho độc giả hiểu sâu sắc thêm về vị đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Nhà văn Nguyễn Thế Quang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Ông vừa vinh dự được nhận Giải thưởng văn học ASEAN  tại Bangkok, Thái Lan cùng với 2 nhà văn Việt Nam khác. Nguyễn Thế Quang cũng là nhà văn đầu tiên của Nghệ An được nhận giải thưởng này.

Vân Khánh