– Thưa mẹ. Lần này về, con xin phép mẹ, vợ chồng con trở lại Trường Sơn ít hôm.
Trần Hữu Sơn- Phó Giám đốc Sở Điện lực Quảng Trị thưa với mẹ như vậy. Bà cụ Cần nhìn ra ngoài. Đỉnh lèn Kim Nhan nhọn như một ngòi bút khổng lồ in một vệt thẫm lên nền trời chiều vàng ửng.
– Con tìm được mộ bố cái Bống rồi phải không?
  Như có dòng điện ấm chạy qua người, Sơn giật mình: Không có ai hiểu mình bằng mẹ. Mấy chục năm trước, đang học năm thứ ba Đại học Bách Khoa, giữa lúc bom đạn rền trời, anh trở về nhà.
– Con về xin mẹ để đi chiến trường phải không?
– Dạ. Con muốn được nối bước cha con.
Bà nhìn vào mắt anh:
– Cha con đi đánh Pháp đã nằm lại nơi núi rừng Điện Biên, nay Mỹ đến giết hại đồng bào ta, con ra trận là phải. Chỉ mong con hoàn thành nhiệm vụ mà về với mẹ.
Mẹ bằng lòng rồi. Anh rất mừng. Trong ánh chiều chạng vạng, anh chợt thấy trong đôi mắt mẹ hai giọt nước ứa ra.
Ngày nước nhà thống nhất, anh trở về xứ Nghệ với đôi chân khập khiễng, trong mình mang 4 vết thương. Anh sang làng Tiên Điền bên Nghi Xuân trước khi về Anh Sơn với mẹ. Chiều thu sắp tàn. Đến đầu làng, anh hỏi mấy trẻ chăn trâu nhà cô Giang đi Thanh niên xung phong về nay ở đâu. Một cô bé trạc mười hai, mười ba tuổi nói: “Có phải cô Giang tóc dài, có con gái là Thanh Bình phải không?” Anh mừng quá: “Đúng rồi”. Thằng bé bên cạnh nói to: “Đó là đứa con hoang”. Sơn tái mặt, muốn hét lên: “Không phải! Đó là con người anh hùng”. Một người phụ nữ vừa đi tới “Chú đi theo tôi”. Dừng lại trước cổng nhà có hàng râm bụt đầy hoa, người ấy gọi “Thầy Đào ơi. Có chú bộ đội tìm o Giang.”
Cơm nước xong, đêm đã vào sâu. Ông giáo đưa cháu vào nhà trong. Bên chiếc bàn gỗ nhỏ ở gian ngoài, Sơn ngồi đối diện với Giang. Dưới ánh đèn dầu lạc, gương mặt Giang đượm nỗi u buồn nhưng vẫn lộ ra nét đẹp trẻ trung, phúc hậu. Đôi mắt đen ẩn nỗi buồn đau nhìn Sơn, chờ đợi. Anh nói với Giang về đơn vị công binh của mình, từ lúc ở cua chữ A bên cạnh đơn vị Thanh niên xung phong của Giang cho đến những ngày ở mặt trận Khe Sanh cuối 1972. Chưa đầy 2 tháng, đại đội có 97 đồng chí thì 41 người đã hy sinh. Đặng Thăng Long là 1 trong số đó. Hình như đã linh cảm được điều này, Giang cố kìm tiếng khóc. Thế nhưng, khi Sơn mở ba lô của mình, đặt ba lô của Thăng Long lên bàn, rút ra một cây sáo trúc, đầu sáo có chữ Thăng Long, thì Giang bỗng khóc nức lên. “Trước khi mất, Long cố sức, lấy chiếc sáo trong ngực ra đưa cho tôi: “Anh cố giữ cây sáo này, tìm đưa về cho Giang. Em có lời vĩnh biệt”! Sơn dừng lại, nhìn đôi vai gầy của Giang cứ run lên từng chập, anh không biết nói sao. Lát sau, Giang đứng dậy đi vào nhà trong rồi trở ra, tay cầm chiếc sáo khác. Bàn tay thon thả, đặt chiếc sáo xuống cạnh chiếc sáo mà Sơn cầm về. Giọng Giang xa xăm đến não lòng: “Sáo đủ đôi mà sao chỉ còn một mình em, anh Thăng Long ơi”. Đợi cho Giang bình tâm lại, Sơn nhẹ nhàng: “Tôi hơn Long 3 tuổi. Chúng tôi rất thân nhau. Long dạy cho tôi thổi sáo. Long nói cho tôi chuyện của 2 người. Tôi vừa mừng cho Long, vừa lo. Những đêm dài Khe Sanh, Long thường nhắc đến em với bao lo lắng. Chiến sự ngày càng ác liệt, đại đội chúng tôi hơn 4 chục người đã hy sinh. Hình như linh cảm được điều chẳng lành sẽ đến với mình, đêm trước ngày hy sinh, nằm dưới hầm, Long ôm tôi: “Nếu chẳng may em không về, nếu  anh còn sống, lại là người cùng quê, mong anh  chăm sóc cho mẹ con Giang thay em”. Sơn dừng lại. Giang cúi đầu lặng im. Sơn nói tiếp: “Những ngày vắng Long… những ngày bị thương phải về tuyến sau… những ngày dài ở trại an dưỡng, nhớ đến Long tôi nghĩ nhiều đến cảnh ngộ, đến sự mất mát lớn của Giang. Tôi muốn được chia sẻ, được bù đắp cho Giang, cùng nhau tạo dựng cuộc sống mới đáp ứng lời dặn của người em thân thiết. Tôi về đây để nói với Giang điều đó. Mọi việc tùy thuộc vào quyết định của em”. Anh dừng lại. Tiếng đồng hồ tích tắc vang rõ trong đêm. Lát sau, Giang ngẩng đầu lên nhìn Sơn: “Anh Long đã nói cho Giang nghe nhiều điều đáng quý về anh. Em và thầy sẽ suy nghĩ về ý nguyện của 2 anh”.

Minh họa: Hoàng Hải Thọ

Bố con Giang giữ Sơn ở lại thêm 1 ngày. Chiều hôm sau, trong căn nhà ông giáo Đào bổng vang lên tiếng sáo dìu dặt, thiết tha sôi nổi. Không phải tiếng sáo buồn cô lẻ như tiếng sáo của o Giang. Làng Tiên Điền xôn xao: “Chồng o Giang đã về”. Cô bé chăn trâu hôm qua nói với cậu bạn: “Bữa ni không được nói cái Bống (Thanh Bình) là con hoang nữa nhé. Bố bạn ấy là bộ đội”.
Sơn về đến quê nhà Hội Sơn khi chiều tàn. Lèn Kim Nhan in một vệt thẫm trong ráng chiều. Anh ôm chầm lấy mẹ. Làng xóm đến chia vui. Sáng hôm sau, mọi người ra đồng làm việc, nhà vắng, anh thưa với mẹ chuyện anh đã có con với cô gái Tiên Điền, cái Bống đã lên 4. Gương mặt mẹ hoan hỷ nhưng giọng bà có phần nghiêm khắc: “Cuộc chiến sinh tử khôn lường, con làm vậy, nhỡ không về, có phải mình đã làm khổ cả một đời người con gái không”?. “Thưa mẹ. Đó là lỗi của con. Không phải lỗi của Giang…”. Sơn nói cho mẹ nghe quyết tâm nuôi con của Giang. Bà ngồi yên một lúc rồi thong thả: “Chừng ấy tuổi mà sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật, quyết không phá bỏ đứa con mình, đó là người cứng cỏi, phúc hậu, đáng mặt làm vợ, làm mẹ. Con nghỉ ngơi ít ngày cho khỏe, mẹ và bác Lưu sẽ xuống xin ông giáo đón mẹ con cái Bống về”. Sơn mừng quá!
Rồi anh trở lại giảng đường Đại học Bách khoa, Giang vào học trường Sư phạm sơ cấp Nghệ An, Thanh Bình ở nhà quấn quýt bên bà. 2 năm ở Hà Nội mà sao tâm trí Sơn vẫn luôn nghĩ tới Trường Sơn. Âm vang của đạn bom, tiếng gọi của bao đồng đội, tiếng sáo và lời dặn của Thăng Long, cứ vang vọng trong anh. Nhận bằng tốt nghiệp, anh tình nguyện về công tác ở Sở Điện lực Bình Trị Thiên. Còn Giang, về dạy tại xã nhà để tiện chăm sóc mẹ già thay anh. 3 năm sau, Giang sinh được một bé trai. Hỡi ôi, con bị mù ngay từ lúc mới lọt lòng. Anh như rũ xuống. Những tháng dài ở Khe Sanh, chất độc di-ô-xin hủy diệt cả ngàn xanh, anh và bao đồng đội đã nghĩ đến điều này. Giang đờ đẫn, bao đêm thức trắng. “Anh ơi! Dù thế nào, chúng ta cũng phải cứu lấy con”. Giang đã dồn tất cả tâm trí và sức lực cho con. Sơn lao vào công việc. Anh cùng đồng đội lại nhiều lần trở về chiến trường xưa. Mọi việc cứ bình lặng trôi đi. Thế nhưng, lần Giang và Thanh Bình về Tiên Điền, Thanh Hải đã ngủ say, mẹ gọi anh ra nhà ngoài: “Con nói thật cho mẹ biết: Thanh Bình không phải là con của con, phải không”? Anh sững sờ nhìn mẹ. Trên gương mặt dãi dầu nắng gió, đôi mắt mẹ già nhìn anh bình thản mà ăm ắp yêu thương. Đúng là không gì qua được mắt mẹ. Anh thú thật với mẹ tất cả. Bà lặng lẽ một lát rồi nhẹ nhàng nói: “Con quý đồng đội, giữ lời hứa với người đã hy sinh vì nước, là biết trọng chữ Tín. Chấp nhận sống với người con gái vì chiến tranh mà lỡ làng là có lòng Nhân. Sống như vậy là đúng tư cách người lính, phải đạo làm Người. Cha con biết, chắc cũng đồng tình”. Ngừng giây lát, bà nói thêm: “Mẹ con Giang thiệt thòi nhiều. Con đừng làm điều gì để mẹ con nó buồn”. Sơn nghe mẹ nói mà lòng rưng rưng. Anh lại lao vào công việc. Anh cùng đồng chí nhiều lần trở lại Trường Sơn. 11 ngôi mộ của đồng đội được tìm thấy, mới đây nhất là mộ của Đặng Thăng Long. Anh về thăm nhà lần này là vì chuyện đó. Vừa nói, mẹ đã hiểu ra ngay. Anh vội thưa: “Dạ, thưa mẹ. Đúng như rứa ạ”. Bà nhìn anh: “Đưa Giang vào là phải lắm. Nhưng, theo mẹ, các con nên đưa cả Thanh Bình vào. Cháu trưởng thành rồi. Đã đến lúc nên cho cháu biết sự thật. Con người sinh ra phải biết cha mẹ mình là ai. Điều cốt yếu hơn là để cha nhận được con, mát dạ người đồng đội con nơi chín suối mà con trẻ cũng thêm vững lòng”.
Sơn ngước mắt nhìn mẹ, lòng đầy biết ơn: “Dạ. Chúng con xin vâng lời mẹ.”
   ***
Chiếc xe Ford Ranger 6 chỗ rời Đông Hà từ sáng sớm. Phó Giám đốc Sơn ngồi sau tay lái. Anh đưa vợ con lên viếng đồng đội an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Khe Sanh. Xe không đi về hướng Tây mà đi ra phía Bắc. Anh muốn đưa Giang trở lại đường 20 Quyết Thắng xưa, đến cua chữ A- trọng điểm vô cùng ác liệt của những năm dài chiến tranh phá hoại của Mỹ. Nơi ấy, vợ anh đã có những tháng năm ngoan cường giữ cho con đường vận tải Bắc Nam thông suốt, nơi ghi dấu bao kỷ niệm với đồng đội của mình. Đường đã rải nhựa nhưng vẫn còn hẹp, những ổ gà, ổ chó vẫn còn, nên không thể đi nhanh. Đã quá quen thuộc những cung đường này, anh vừa lái xe, vừa quan sát vợ con. Thanh Bình thích thú nhìn cảnh vật. Cô sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách khoa lần đầu tiên được vào vùng này. Còn Giang điềm tĩnh, cố tìm lại những ảnh hình quen thuộc. Gần đến nơi, Sơn cho xe chậm lại. Giang bỗng kêu lên: “Kìa, núi Mạ, núi Con!” Sơn mỉm cười. Tất cả non nước Trường Sơn vùng này vẫn in dấu trong tâm trí vợ mình. Xe dừng lại nơi đỉnh dốc. 3 người xuống xe. Sơn chỉ tay về phía trước nói với Thanh Bình: “Nơi đây là 4 đoạn gấp khúc liền nhau, một bên núi cao, một bên vực thẳm, đường chạy luồn giữa núi Mạ, núi con. Máy bay Mỹ dội bom suốt ngày đêm, ngăn các đoàn xe ta  chở hàng cho Miền Nam. Chỉ tính từ ngày 15-7-1966 đến 21-2-1973 đã có 3020 lần máy bay Mỹ (trong đó có 270 lần máy bay B52 ) dội hàng chục vạn quả bom xuống nơi này. Mẹ Giang con và bố có mặt ở đây từ cuối 1971 đến cuối năm 1972. Đó là những tháng ngày ác liệt nhất.” Anh dắt con đi trước, chỉ cho con nơi đóng quân đơn vị công binh của mình, nơi lán Thanh niên xung phong của mẹ, nơi binh trạm ở, nơi văn công đến hát…cùng bao câu chuyện thời đó….
Giang lặng lẽ đi sau. Lòng bồi hồi. Bao kỷ niệm thức dậy. Dừng lại bên gốc lim già với muôn cành xanh lực lưỡng, Giang đưa mắt nhìn vào bãi rộng. Chỗ này, đêm ấy, dưới anh đèn măng xông đã được che chắn bớt sáng, mấy anh chị văn công về biểu diễn. Đại đội của Giang ngồi kia, đại đội của Sơn ngồi đây. Ca sĩ Quang Thọ hát bài: “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương. Bài hát vừa vang lên, thì ngay cạnh gốc lim này, một chiến sĩ công binh bước ra. Tay cầm sáo đưa lên miệng. Chao ơi! Tiếng hát sôi nổi của ca sĩ và tiếng sáo trong trẻo  của người lính hài hòa, quấn quýt vào nhau như truyền lửa vào trái tim mọi người. Giang lặng đi. Tiếng vỗ tay rào rào át cả tiếng bom rền ở phía mặt đường. Kết thúc buổi diễn, ca sĩ Quang Thọ và người lính nán lại trò chuyện cùng mấy người. Giang đi tới: “Cảm ơn 2 anh đã cho em gặp lại quê nhà.” Anh lính trẻ quay sang. Giang bối rối trước gương mặt thư sinh trắng trẻo đôi mày rậm, đôi mắt sáng, đôi môi thanh tú. “Em là người xứ Nghệ?” Giang vui vẻ “Vâng! Còn anh?” Người lính mỉm cười, quay người bước đi, Giang chạy theo: “Anh gì ơi!” Anh dừng lại: “Gì nữa cô em?”. “Anh có thể cho em nghe bài hát nữa không?” “Bài nào?” “Người con gái sông La.” Hình như điều đó làm anh suy nghĩ. Anh đưa mắt nhìn quanh. Giang mừng quá, chỉ ngay tảng đá phẳng bên bờ sông Son. “Ta xuống đó, đi anh.” 2 người ngồi cạnh nhau. Trăng vàng lửng lơ trên đỉnh núi Mạ. Giang nhẹ nhàng: “Nhà em ở cạnh sông Lam. Những đêm trăng như thế này, bạn bè thường ra bến Giang Đình ngồi đợi trăng lên.” Người lính đưa sáo lên môi. Những âm thanh dìu dặt ngân lên. Giang khe khẽ hát theo tiếng sáo:“Người con gái sông La/ đôi mắt trong tựa ngọc/ đôi giọt nước sông La/ xanh như trời quê ta…” Tiếng sáo ngừng, người lính trẻ nhìn sang, dưới ánh trăng, gương mặt người con gái ngời sáng, đôi mắt nồng nàn. Chưa bao giờ anh thấy ai xúc động về một bản nhạc như thế. “Tiếng sáo của anh mạnh mẽ, sôi nổi mà cũng đằm thắm quá. Ai dạy anh thổi sáo hay đến thế?” Anh lớn lên bên bờ sông Hồng mênh mang. Những chiều hè, anh bị hút hồn bởi những tiếng sáo diều. Lớn lên, anh mê thổi sáo.” Giang ngả đầu lên vai anh, giọng xa xăm. “Hình như ai lớn lên bên những dòng sông đều thích tiếng sáo.” “Có lẽ thế.” 2 người dừng lại. Gió ngàn reo trong thung lũng. Tiếng suối rì rào đâu đó. “Quê em nhiều người thích ví giặm, bẻ Kiều. Cô giáo em giảng thơ Kiều, hay lắm.” Biết cô gái đang nhớ quê nhà, anh lính trẻ đưa sáo lên: “Anh tặng em bản “Vầng trăng xanh màu nhớ” của nhạc sĩ Đào Hữu Trí nhé”. Tiếng sáo ngân lên dìu dặt, mênh mang, những chuỗi âm thanh trầm bổng quấn quýt đuổi theo nhau khôn cùng. Anh lính vừa thổi, vừa cảm thấy mái tóc dài thơm mùi sả trĩu dần trên vai mình. Cánh tay nồng ấm của cô gái ôm ngang lưng anh. Bỗng máy bay ào qua đầu. Tiếng bom rền ở phía mặt đường cung chữ A. Mặc! Tiếng sáo vẫn vút cao…Có tiếng kẻng vang lên phía lán các cô Thanh niên xung phong. Cánh tay rời khỏi lưng anh, cô gái vụt đứng dậy: “Có lệnh rồi. Em phải ra mặt đường ngay.” Giang vội chạy đi. Chợt cô dừng lại nắm chặt tay người lính: “Anh ơi. Anh tên chi?” “Thăng Long, Đặng Thăng Long. Còn em?’’ “Em là Lam Giang, Nguyễn Lam Giang. Đêm mai lại gặp nhau, anh nhé. Nghe tiếng sáo, em sẽ đến.”
“Những ngày ấy thật vất vả, thật nguy hiểm. Mà cũng thật vui.” Giang nghĩ vậy. Chị bước xuống bờ sông Sơn, đặt tay lên tảng đá. Bao kỷ niệm lại ùa về.  Mấy đêm sau, 2 người lại ra đây. Tiếng sáo lại vút lên bao cung bậc bổng trầm. Giang say theo tiếng sáo. “Em tập sáo đi. Tiếng sáo giúp ta đến với mọi người.” Giang thổi được những âm thanh đầu tiên. Họ cũng trao cho nhau nụ hôn ngọt ngào đầu tiên. Bao suy nghĩ thầm kín được giãi bày. Bao ước mơ được nói tới. Đất trời Quảng Bình ngày đêm ầm ào tiếng máy bay gào, tiếng bom rền, nhưng tiếng sáo diệu kỳ vẫn hút 2 người đến với nhau. Những khi không gặp nhau được mà âm thanh tiếng sáo vẫn vang lên trong Giang. Họ càng quý những phút giây được sống bên nhau. Và đêm ấy, Giang ngẩng nhìn mênh mông Trường Sơn xanh…Một đêm cuối tháng không trăng, không sao, tiếng bom vẫn nổ rền, trời đất Bố Trạch vẫn sáng trưng bởi hàng trăm pháo dù sáng của Mỹ. Trên phiến đá vững chãi này, 2 người đã dâng cho nhau niềm hoan lạc cuồng nhiệt đầu tiên của hạnh phúc lứa đôi. Lâu sau, khi lắng lại, Long lo lắng: “ Em ơi! Nhỡ chúng ta có con..” “Đó là điều em mong muốn nhất .” “Đơn vị sẽ kỷ luật em ..”  “Kỷ luật gì em cũng chịu. Chỉ cần em sống để nuôi con của chúng ta!” Giang nhìn thẳng vào mắt Long: “Bao nhiêu đồng chí, đồng bào của chúng ta đã chết vì cuộc chiến này. Chúng ta phải sinh nở để giành lại sự sống, anh ạ!” Long ôm chặt Giang trong một nụ hôn dài…
Những ngày đó Giang lâng lâng như say. Mọi công việc nặng nhọc, hiểm nguy nhẹ nhàng như không. Máy bay địch đánh phá mỗi ngày hàng chục lần. Bom nổ xỏ dày, cuốc xẻng cầm tay, ra ngay trận địa. “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm” “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” Giữa tiếng bom rền chỉ cần nghĩ đến tiếng sáo là Giang thấy mình khỏe lên gấp bội, lòng phơi phới. Cảm thấy trong người hơi khác, Giang nghĩ mình đã có thai, bèn hỏi Long: “Nếu có con, anh sẽ đặt tên con là gì?” “Điều đó do em.” “Anh là bố. Anh phải đặt tên cho con.” “Em là đấng sinh thành và nuôi dưỡng, quyền đó phải thuộc về em.” Giang gối đầu lên đùi Long, đưa mắt nhìn trời. Có tiếng bom rền đâu đó.” Giọng Giang ấm áp: “Nếu sinh con trai, em sẽ đặt tên Tiến Nam, nếu sinh con gái, em sẽ đặt tên Thanh Bình. Phụ nữ chúng em chỉ mong muốn cuộc sống luôn thanh bình thôi.” Long nắm chặt tay Giang. “Đó cũng là khát vọng muôn đời của muôn người, em ạ.”
Giờ đây, nhớ lại những ngày đó, Giang thấy lòng bồi hồi. Và cả nỗi xót xa!

Minh họa: Sưu tầm

      ***
3 người trở lên mặt đường. Thanh Bình bước tới dắt tay mẹ. Giang nói: “Con cứ lên với ba trước đi.” Giang đi mấy bước rồi dừng lại nhìn về phía gốc cây săng lẻ già. Chiều ấy, một chiều Đông lạnh của năm 1972. Đại đội vừa chôn cất cho 8 chị em bị chết trong trận B52. Về nhìn chiếc lán trống vắng nhiều chỗ. Bữa cơm dọn ra, không ai cầm đũa. Bóng tối ùa về, chợt Long đột ngột hiện ra trước cửa. Giang chạy vội ra. “Đơn vị anh phải hành quân vào phía Nam.” Giang như khuỵu xuống. “Bao giờ anh đi?” “Ngay bây giờ!” Long thò tay vào áo trước ngực, rút ra một cây sáo: “Anh gửi em kỷ vật này. Thay anh, truyền lại cho con lời của nước non.” Giang run run đỡ lấy. Long quay người, chạy nhanh về đơn vị. Giang đứng lặng nhìn theo. Không khóc  mà nước mắt cứ trào ra…
Giang lên đến chỗ đỗ xe thì mặt đường đã nóng nắng hầm hập. Nhìn về hang Tám Cô, Giang nói với con: “Ngày hỏa tiễn Mỹ làm sập hang lấp 8 Thanh niên xung phong của Thanh Hóa ở đó, thì ở đây, đơn vị mẹ cũng mất  11 người. Mẹ cũng bị thương phải chuyển về tuyến sau. Đó là ngày 13-11-1972.” Mẹ bị thương ngày ấy, nơi này, giờ đây Thanh Bình mới biết, nhưng thương tật trên mình  mẹ, Bình biết từ lúc mới ra đời: Mẹ chỉ còn một bầu sữa để nuôi Bình lớn lên!
                                                              ***
Đêm hè Khe Sanh lành lạnh. Trời đầy sao. Mẹ và cô chủ nhà đang lúi húi chuẩn bị cỗ để sớm mai lên nghĩa trang viếng đồng đội của bố Sơn.  Bố định đặt cho nhà hàng làm nhưng mẹ muốn tự tay làm lấy. Bố Sơn bảo Bình đưa ghế ra sân chuyện trò. Bố nói về những ngày cuối năm 1972 đơn vị bố từ Quảng Bình vào mặt trận Khe Sanh này. Địch dùng tất cả vũ khí hiện đại quyết chiếm ngự đường 9, cắt đứt sự chi viện lớn của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Mặt đất đêm ngày luôn ầm vang tiếng máy bay, tiếng bom rơi, tiếng pháo gầm. Bộ đội ta xông lên, hy sinh lớp này đến lớp khác, chiếm giữ trận địa…Đơn vị của bố – phần lớn là sinh viên Đại học Bách khoa chiến đấu rất quả cảm. Bố làm Đại đội trưởng, nhắc đến một số người …nói nhiều đến Tiểu đội trưởng Đặng Thăng Long, nhà ở phố Khâm Thiên, nhập ngũ một ngày cùng bố. Long đẹp trai, tài hoa, học giỏi, thổi sáo hay. Chính bố và cả mẹ nữa biết thổi sáo cũng từ mê tiếng sáo của Long. Bố nói về cái trường hợp hy sinh của Long. Em bé Vân Kiều được sống, còn Tiểu đội trưởng Long bị thương nặng và đã hy sinh. Đó là cái chết của một anh hùng, con ạ.
Mẹ thức Bình dậy từ sớm. Lát sau, 3 người lên nghĩa trang. Bố bưng mâm xôi gà đi trước. Mẹ xách làn hoa quả đi sau. Lạ chưa kìa: Hôm nay sao mẹ lại mang cái ba lô thời chiến xa xưa của mẹ. Mà ba lô cũng nhẹ nhàng. Có gì đặc biệt trong đó nhỉ? Qua cổng nghĩa trang, Bình ngỡ ngàng: mộ. Bạt ngàn mộ. Có dễ đến hàng trăm. Không, phải hàng ngàn ngôi, ngay ngắn, thẳng hàng. Mộ nào cũng có tấm bia đính sao vàng trên nền đỏ thắm, có khắc tên, quê quán. Hình như đã quen nơi đây, bố Sơn lặng lẽ đưa 2 mẹ con qua bao hàng, bao lối, bao mộ, rồi dừng lại trước ngôi mộ ở hàng trên phía trái nghĩa trang. Thanh Bình vừa thoáng nhìn được mấy chữ: Liệt sĩ Đặng Thăng Long, quê quán: Khâm Thiên thì mẹ  bỗng đặt giỏ hoa quả xuống, ào tới, ôm lấy mộ chí, khóc òa lên: Anh Long ơi. Bình lúng túng. Bố Sơn lặng lẽ bày lễ. Bình giúp bố cắm hoa. Bày xong, bố Sơn bước tới đỡ mẹ dậy: “Thôi em. Đừng khóc nhiều. Long buồn!” Mẹ đứng dậy, bỏ ba lô trên người xuống, lấy ra một ống tre tròn vàng khươm. Trong ấy đựng cái gì quý mà dễ vỡ chăng? Bình ngạc nhiên thấy mẹ dốc ống, lấy ra 2 chiếc sáo giống hệt nhau. Chiếc sáo có tên mẹ, Bình đã thấy, đã thổi bao lần, bao ngày. Còn chiếc sáo kia của ai? Mẹ cất tự lúc nào? Mẹ nhẹ nhàng đặt đôi sáo cạnh đĩa hoa quả. Bố cầm nắm hương đỏ rực, nghi ngút khói, đứng nghiêm trước mộ. Mẹ và Bình đứng sau. Bố khấn. Giọng trầm và buồn: “Long ơi. Mình đã làm trọn lời ủy thác của cậu, đón mẹ con Giang về. Giờ mình đưa 2 mẹ con đến với cậu đây.” Sao thế nhỉ? Mẹ bỗng sụp xuống. Nức nở. Bố Sơn bước tới đặt tay lên vai Bình: “Con lạy ba con đi. Đây chính là ba đẻ của con.” Bình sững sờ nhìn sang. Mẹ Giang đôi mắt ầng ậc nước, gật đầu. Bình chợt hiểu. Òa khóc. Mẹ ôm Bình vào lòng. 4 mắt đăm đăm nhìn vào mộ. Khói hương cuộn thành từng vòng rồi bung nở ra. Thơm ngào ngạt.
Bỗng một con bướm lớn có đôi cánh màu xanh sẫm với nhiều bông hoa dài màu đỏ từ trên cao hạ xuống đậu trên những bông cúc vàng rực. Bình run lên. Ba Long hiển linh! Ba Long đã về! Mẹ run rẩy chắp tay vái. Bình thầm kêu lên: “Ba ơi! Con đây! Con chào ba!” Bố Sơn ngồi xuống, chậm rãi: “Long ơi! Vợ chồng mình luôn nhớ đến cậu và đồng đội của chúng ta. Thanh Bình đã trưởng thành. Chúng mình đã có thêm một đứa con trai. Nhưng cháu Thanh Hải bị mù ngay từ khi lọt lòng, Long ạ…” Giọng bố Sơn như nghẹn lại. Con bướm từ từ bay lên, đậu vào vai bố Sơn. Mẹ Giang nắm tay bố. Giọng bố Sơn đều đều: “Cảm ơn cậu đã đưa Giang đến cho mình. Giang hiểu tất cả. Giang chịu đựng tất cả. Giang làm tất cả vì con. Giang đã truyền tiếng sáo của cậu, tình yêu của cậu cho Thanh Bình, cho Thanh Hải. Giang đi học cách viết chữ nổi về dạy cho con. Chúng mình quyết bày vẽ để con đứng vững làm người. Dù hoàn cảnh nào, người lính chúng ta cũng không được gục ngã. Ngày trong đạn bom, chúng ta đã nói với nhau như vậy. Bây giờ cũng thế, phải không Long?”
Cánh bướm rời vai Sơn bay lên cao rồi lại sà xuống. Lần này, nó thong thả  đi lại trên đôi sáo, đôi râu rung rung, ngẩng về phía 3 người. “Mẹ ơi. Hình như ba Long muốn nghe tiếng sáo” Mẹ nhìn Bình: “Con thổi cho ba nghe đi. Ba dặn mẹ như vậy mà.” Bình cầm cây sáo lên. “Bài gì đây mẹ?” Giang chưa kịp trả lời thì bố Sơn bảo: “Con thổi bài Chào em cô gái Lam Hồng. Ba mẹ con gặp nhau từ bài ca ấy.” Tiếng sáo tha thiết ngân lên. Cánh bướm  bay lên, vỗ cánh. Tiếng sáo càng dìu dặt bướm nhẹ nhàng đậu lên cánh tay Bình, rồi lại bay lên đậu trên mái tóc xanh. Đôi cánh vỗ mênh mông. Tiếng sáo càng thiết tha bồi hồi. Bản nhạc dừng. Cánh bướm bay lên rồi lại đậu xuống chiếc sáo còn lại. Nó dừng lại đầu sáo, nơi có hai chữ Lam Giang: “Mẹ ơi! Ba muốn nghe tiếng sáo của mẹ.” Giang tần ngần. Rồi cầm ống sáo lên. Bố Sơn nói: “Gắng làm cho Long vui, nghe em!” Tiếng sáo vang lên. Bình nhận ra bài Vầng trăng xanh màu nhớ. Tiếng sáo của mẹ sao mà đắm say. Và cả điều gì thổn thức. Bình nép mình vào bố Sơn. Âm vang của tiếng sáo ngân lên thiết tha như đọng lại, như ngân vang giữa muôn ngôi mộ lặng lẽ. Cánh bướm xanh lại đậu trên vai Giang. Sơn và Bình lặng lẽ nhìn.Tiếng sáo vẫn dìu dặt, thiết tha.
Con bướm từ từ bay lên khi tiếng sáo vừa dứt. Nó lượn 3 vòng trên mộ, rồi đậu lại trên đóa hoa, đầu quay về phía 3 người. Cái đầu và đôi râu hùng dũng cất lên, cúi xuống mấy lần. Ba Long gửi lời chào. Bình nghĩ vậy, chắp tay vái. Rồi cánh bướm bay lên, bay lên cao. 3 người dõi theo cho đến khi màu xanh của cánh bướm hòa cùng màu xanh ngắt của bầu trời Trường Sơn.
   Sơn lại ngồi sau tay lái, đưa vợ con trở lại Đông Hà. 2 ngày, bao nhiêu điều diễn ra, bao nhiêu cảm xúc trào dâng. Mỗi người lặng lẽ đuổi theo những ý nghĩ của mình. Thanh Bình nép vào lòng mẹ, hồi lâu cất tiếng nói: “Bố Sơn ơi. Tháng sau trở lại trường, bố đưa con đến chào ông bà nội nhé!” Sơn cho xe đi chậm lại: “Không còn được nữa, con ạ! Ngay sau khi trở lại Hà Nội, bố đã tìm đến ông bà. Tất cả đã không còn. 22h 47p ngày 26-12-1972 hàng chục máy bay B52 của Mỹ đã rải hàng trăm quả bom xuống Khâm Thiên, 2.000 căn nhà bị sập, trong đó có 532 căn bị phá hủy hoàn toàn, 278 người chết, trong đó có ông bà nội và chú của con!”. 3 người lặng đi. Gió Lào vẫn cuồn cuộn đuổi theo xe. Trong tiếng gió, mọi người vẫn như nghe thấy tiếng gọi ngàn đời của Trường Sơn vọng về. Sơn cố giữ vững tay lái. Xe anh đang đi về phía mặt trời lên.

NGUYỄN THẾ QUANG

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 7/2020)