Ở phương Đông, tiểu thuyết lịch sử xuất hiện khoảng vào đời Nguyên – Minh của Trung Quốc (thế kỉ XIV-XVI) với những bộ tiểu thuyết chương hồi như Tam quốc chí của La Quán Trung, Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long, Thủy hử truyện của Thi Nại Am… Các cuốn tiểu thuyết lịch sử cổ điển Trung Quốc luôn được coi là những tác phẩm mẫu mực. Ở Việt Nam, đến cuối thế kỉ XVII tiểu thuyết văn xuôi mới hình thành. Đến ngày nay, chỉ một số ít các công trình văn xuôi viết về đề tài lịch sử thời đó còn được lưu truyền lại. Trải qua hơn ba thế kỉ, hiện giờ tiểu thuyết lịch sử đã có chỗ đứng xứng đáng trong dòng chảy văn học dân tộc, với những thành tựu đáng kể, nhất là từ sau năm 1986.

Bài viết này tổng quan các tài liệu nghiên cứu trong giai đoạn từ 1986 đến nay về tiểu thuyết lịch sử Việt Nam. Năm 1986 không chỉ là dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc mà còn là dấu mốc cho mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Từ sau Đại hội Đảng lần VI năm 1986, tinh thần “đổi mới tư duy” đã tạo điều kiện cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học được phát triển. Đề tài lịch sử “bắt đầu sống lại và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học”[1]. Theo Nguyễn Chương Mỹ Bình, từ sau Đại hội Đảng lần VI, 1986 đến nay, “tiểu thuyết lịch sử là một trong những thể loại đang có nhiều thể nghiệm độc đáo, với sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, nghệ thuật. Nghệ sĩ đã có cơ hội bứt phá khỏi những bó buộc về quan niệm, tự do hơn trong sáng tạo”[2]. Bên cạnh lĩnh vực sáng tác, việc nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử cũng trở nên hết sức sôi động. Các công trình này đã cho thấy nhiều khía cạnh thú vị của thể loại văn học này, trong đó có quan niệm nghệ thuật về con người.

Một số công trình nghiên cứu cho thấy, qua tác phẩm của mình, các nhà văn đã thể hiện những quan niệm nghệ thuật về con người: đó là con người anh hùng, con người chịu trách nhiệm trước xã hội, gánh vác nhiều trọng trách; đó còn là con người của đời thường với những tính cách và cảm xúc giản dị, con người đang được lịch sử nhìn nhận lại một cách khách quan và cởi mở.

Đối tượng quan tâm trước hết của tiểu thuyết lịch sử là con người lịch sử, những con người có mối quan hệ chặt chẽ với dân tộc, với cộng đồng, vì vậy tiểu thuyết lịch sử tập trung ca ngợi những nét tính cách vĩ đại, phi thường ở họ. Tuy nhiên, do đặc trưng của thể loại tiểu thuyết “qua cái vi mô mà làm nổi bật những điều bản chất của cái vĩ mô”, các nhà văn quan tâm đến các mặt đời thường của những con người phi thường ấy. Vậy nên quan niệm về con người trong tiểu thuyết lịch sử độc đáo ở sự chú ý đến những điểm bình dị, đời thường trong những tính cách phi thường, vì thế đề tài lịch sử được các nhà văn khắc họa trở nên sinh động, chân thực.

Các nhà nghiên cứu khẳng định điểm độc đáo trong quan niệm nghệ thuật về con người của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam là “sự quan tâm chú ý đến tính chất bình thường, ở người anh hùng phi thường”[3], là “vượt qua những ràng buộc “kị húy lịch sử” để mang đến độc giả hình ảnh nhân vật lịch sử trong chiều kích của con người bình thường”[4]. Có thể thấy rõ điều này qua một số đặc điểm sau của tiểu thuyết lịch sử:

1. Tiểu thuyết lịch sử chú trọng khai thác con người cá nhân với đầy đủ tính cách phức tạp và đa dạng

Theo các nhà nghiên cứu, một mặt con người làm ra lịch sử nhưng mặt khác cũng là nạn nhân của lịch sử. “Bằng những hành động của mình, con người tạo ra biến cố nhưng trong guồng quay của bánh xe lịch sử nó cũng bị lịch sử quy định”[5], và bên cạnh việc khai thác sử liệu, nhà văn quan tâm đến khám phá cái lịch sử hiện hữu đó bằng sự thấu hiểu từng số phận. Dấu ấn lịch sử in dấu đậm nét trên cuộc đời và số phận con người. Từ tư duy lịch sử này có thể thấy quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn.

Nhiều học giả cho rằng trong các sáng tác của mình, các nhà tiểu thuyết lịch sử đã “nỗ lực hoàn nguyên các giá trị, trả lại cho lịch sử chiều sâu nhân bản cùng những biểu hiện đa dạng, phức tạp của tính người trọn vẹn”[6]. Khẳng định điểm độc đáo trong quan niệm nghệ thuật về con người của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XX là sự quan tâm đến con người bình thường trong người anh hùng phi thường, Bùi Văn Lợi trong “Về một phương diện quan niệm nghệ thuật về con người qua một số tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỉ XX đến 1945” (Nghiên cứu Văn học, số 2/2018) cho rằng con người trong tiểu thuyết giai đoạn này có nhiều mối quan hệ đan xen tạo nên tính phức tạp, đa dạng trong cuộc sống. Theo tác giả, họ đã được khám phá nhìn nhận thiên về góc nhìn đời tư, đó là những suy nghĩ, những lo âu, những trăn trở, buồn vui, hờn giận, những khát vọng cá nhân nhỏ bé. Chính nhờ sự quan tâm đến những mặt bình thường, đời thường ở các nhân vật mà nhà văn đã có một quan niệm chân thực, đa diện và đa dạng về các nhân vật lịch sử, nhân vật anh hùng vốn trước đây được coi là những con người phi thường, siêu phàm trong lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ… Vấn đề này, theo Bùi Văn Lợi, không chỉ là ý đồ nghệ thuật của nhà văn mà nó vốn thuộc một đặc trưng thẩm mĩ của tiểu thuyết với việc hướng tới phản ánh những chuyện đời thường.

Đặc biệt, với tiểu thuyết đương đại nói chung và tiểu thuyết lịch sử đương đại nói riêng, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng các nhà văn lúc này đã tự do, phóng khoáng hơn trong việc dùng ngòi bút khám phá con người cá nhân trong nhiều chiều kích. Với quan niệm mới về nghệ thuật cũng như về con người, họ cho phép ngòi bút của mình được đi sâu vào trong từng ngõ ngách của tâm hồn, chạm đến nhiều nét tính cách đa dạng, phức tạp của con người giữa muôn vàn bộn bề, ngổn ngang của sự kiện lịch sử. Qua khảo sát tài liệu, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu đã đề cập đến việc phản ánh con người cá nhân trong đa dạng các góc nhìn, chiều kích của các tiểu thuyết gia lịch sử trên nhiều phương diện khác nhau. Có người nhấn mạnh đến việc bí ẩn, hư ảo hóa nhân vật, nhằm “soi chiếu từ nhiều chiều”, như Đoàn Thị Huệ đã phân tích nghệ thuật hư cấu motif giấc mơ, hồn ma, điềm báo để thấy rằng “những nhân vật vốn được sùng kính trong lịch sử nay được soi chiếu từ nhiều chiều, hiện lên trong nhiều dáng vẻ”, qua đó cho thấy “tác giả tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại đã tạo nên những góc nhìn mới, rút ngắn khoảng cách sử thi giữa nhân vật lịch sử và con người đời thường”[7]. Có những người, như Bình Nguyên, lại đặt ra vấn đề giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử. Theo nhà nghiên cứu này, các hình tượng người anh hùng vốn được tôn sùng giờ đây đã được tiểu thuyết khoác cho một hình ảnh mới giản dị, gần gũi và rất đỗi đời thường, do đó trở nên sống động, chân thực hơn. Bình Nguyên phân tích khuynh hướng giải thiêng lịch sử, qua đó cho thấy quan niệm nghệ thuật về con người của các nhà văn trong các bộ tiểu thuyết lịch sử được chú ý gần đây như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, Giàn Thiêu của Võ Thị Hảo, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Du, Thông reo ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang, Sương mù tháng Giêng của Uông Triều… Chẳng hạn, trong Sông Côn mùa lũ, người anh hùng Nguyễn Huệ không chỉ hiện lên như một bậc anh hùng có tài cầm quân bách chiến, bách thắng mà cũng là con người có những yêu ghét đời thường, thậm chí có những tình cảm rất giản dị, tha thiết với một người con gái nơi quê nhà. Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết cùng tên thì không chỉ là một con người túc chí đa mưu, một nhân vật đầy uy quyền khi triều Trần đã sắp suy tàn mà ông cũng canh cánh trong lòng những ý định cải cách quốc gia, sự buồn tủi vì không được nhân dân ủng hộ và có cả những đau buồn rất riêng tư với người vợ mà ông yêu quý. Nguyên phi Ỷ Lan trong Giàn thiêu, ngoài những kì tích về tài nhiếp chính, bà cũng có những sai lầm, ghen tuông nhất thời mà đã phải ân hận cay đắng cả đời. Nguyễn Trãi trong Hội thề cũng có bao trăn trở, mâu thuẫn về các phe trí thức, phe võ biền trong hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn. Trần Khánh Dư trong Sương mù tháng Giêng vừa là con người kiêu hùng, dũng mãnh trong chiến trận nhưng cũng là bậc đào hoa trong tình trường, mưu lợi trong việc công tư… Đánh giá về khuynh hướng giải thiêng này, Bình Nguyên nhận định: “Có thể nói, qua những diễn giải mới, cách hiểu mới của các nhà văn, các nhân vật lịch sử đã hiện lên sống động hơn, người hơn. Các anh hùng thời đại đã không hiện ra với một mô típ đơn điệu nhàm chán mà có xương có thịt, có tính cách, có sự yêu ghét, trăn trở như những người thực ngoài đời. Sự giải thiêng với chiều hướng tích cực đã mang lại nhiều cách tiếp cận, cách hiểu lịch sử. Điều đó cũng góp phẩn đẩy lùi được khuynh hướng ca ngợi một chiều, thần thánh hóa quá mức, khiến cho đến các nhân vật lịch sử trở lên nhàm chán, ít mang ý nghĩa giáo dục hay người đọc có thể hoài nghi về sự tồn tại của chính các nhân vật đó. Ngoài ra, đối với nhà văn, khuynh hướng ca ngợi một chiều chính là lực cản, kìm hãm quá trình tìm tòi, sáng tạo”[8].

Viết về hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh, qua đó cho thấy quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn, Đỗ Hải Ninh trong “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh” (Nghiên cứu Văn học, số 2/2009) nhận xét tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh bao gồm một hệ thống nhân vật đông đảo từ những nhân vật có thật trong lịch sử tới những nhân vật hư cấu, từ tầng lớp dân thường vô danh tới nhân vật can dự trực tiếp vào lịch sử, “họ đều bị mắc kẹt trong lịch sử và thực sự mang trên mình ý nghĩa lịch sử” (tr.54). Theo tác giả, với sự thấu hiểu từng số phận, Nguyễn Xuân Khánh đã phản ánh những con người cá nhân với đầy đủ tính cách phức tạp và đa dạng, lý giải cho động cơ sâu xa của những hành động có tính lịch sử của nhân vật. Con người trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh không chỉ khoác bộ áo chính trị mà con người của đời thực, con người của cuộc sống thường ngày. Nguyễn Xuân Khánh quan niệm con người là sinh thể phức tạp, đa diện. Đỗ Hải Ninh nhận định: “Từ việc chọn thời điểm lịch sử không phải là quá khứ hào hùng hay thái bình thịnh trị mà là một giai đoạn rất phức tạp dẫn đến hệ quả là các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh hầu như đều ở trong thế lưỡng cực, đa trị”[9].

Như vậy có thể thấy, với quan niệm nghệ thuật mới về con người, các nhà văn đã góp phần “đánh dấu một bước trưởng thành mới của văn học Việt Nam từ chỗ phản ánh người anh hùng phi thường đến chỗ phản ánh người anh hùng bình thường”[10], như một số nhà nghiên cứu đã nhận định.

2. Tiểu thuyết lịch sử thể hiện tình yêu lứa đôi của con người cá nhân

Thể hiện con người ở những phương diện đời thường, các nhà tiểu thuyết lịch sử viết về tình yêu lứa đôi, những rung động trước người khác giới của con người cá nhân. Theo các nhà nghiên cứu, nếu như trong văn học trung đại, đặc biệt là trong tiểu thuyết lịch sử, việc thể hiện những vấn đề trọng đại của lịch sử, dân tộc được ưu tiên hàng đầu, những nét tính cách, mối quan hệ liên quan đến cộng đồng, quốc gia được khắc họa rõ nét, ít có chỗ cho những tình cảm riêng tư, thì trong giai đoạn sau, từ đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết lịch sử đã khắc phục được hạn chế này. Với việc thể hiện tình yêu lứa đôi của con người cá nhân, theo các nhà nghiên cứu, các nhà văn đã mang lại cho tiểu thuyết lịch sử một luồng gió mới, khiến cho câu chuyện lịch sử trở nên gần gũi, sống động và vì thế mà thuyết phục đối với bạn đọc.

Bùi Văn Lợi trong Luận án Tiến sĩ Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm) (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999) phân tích một loạt tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, qua đó cho thấy các nhà văn đã thể hiện tình yêu lứa đôi một cách mạnh dạn và sáng tạo. Đó là tình yêu ở một số nhân vật lịch sử như Phạm Ngũ Lão với Trần Nguyên công chúa trong Trần Nguyên chiến kỉ, Bích Hà với Phùng Chính trong Lê Đại Hành … của Nguyễn Tử Siêu, giữa An Tư với Trần Thông trong tác phẩm An Tư của Nguyễn Huy Tưởng, giữa Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà trong tác phẩm Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử, giữa Mạc Kính Hoàn và Phương Lan trong tác phẩm Ái tình và sự nghiệp, giữa Vũ Mật và Lan Anh trong tác phẩm Ai lên phố Cát của Lan Khai. Bùi Văn Lợi nhận định: “Một điểm độc đáo khác thể hiện sự chuyển biến, sự đổi mới của tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm về con người đó là việc thể hiện tình yêu lứa đôi của con người cá nhân”, “tiểu thuyết lịch sử thể hiện tình yêu đôi lứa, quan niệm hạnh phúc trong tình yêu là nhằm khẳng định vai trò tích cực của cá nhân, của tình yêu cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng, với đất nước, với vận mệnh nhân dân”, “tình yêu được đưa vào trong tiểu thuyết lịch sử như một tiêu chuẩn nhằm thử thách tinh thần ý chí nghị lực và đạo đức của những con người anh hùng dân tộc”[11].

Đánh giá vai trò của việc thể hiện tình yêu lứa đôi trong tiểu thuyết lịch sử giai đoạn đầu thế kỉ XX, Bùi Văn Lợi cho rằng đây chính là yếu tố hiện đại hóa và lý tưởng hóa nhân vật lịch sử ở giai đoạn này của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng là chỗ đóng góp của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam bằng văn xuôi, chữ Hán và bằng tiếng Việt từ đầu thế kỉ XX đến 1945 đối với quá trình cách tân và hiện đại hóa văn học; nó góp phần vào quá trình chuyển biến văn học từ phạm trù văn học trung đại sang phạm trù văn học hiện đại trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp.

Trong bài viết “Về một phương diện quan niệm nghệ thuật về con người qua một số tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỉ XX đến 1945” (Nghiên cứu Văn học, số 2/2018), Bùi Văn Lợi một lần nữa khẳng định lại điều này. Theo tác giả, ngay từ văn học thế kỉ XVIII-XIX, con người cá nhân đã xuất hiện với nhu cầu hưởng hạnh phúc lứa đôi, đòi giải phóng cái tôi cá nhân trong lĩnh vực tình yêu trước sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến. Bước sang những năm đầu thế kỉ XX, với văn học lãng mạn, cái tôi cá nhân cá thể sinh thành và phát triển mạnh mẽ… Quá trình tìm kiếm cái tôi mới ấy cũng chính là quá trình phá vỡ những khắt khe của chế độ gia đình phong kiến để khẳng định quyền sống của con người cá nhân trước xã hội. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, dòng tiểu thuyết lịch sử cũng thể hiện một quan niệm mới về con người, về tình yêu. Một mặt trong tác phẩm của mình, các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử phản ánh những phẩm chất vốn có của người anh hùng nhưng mặt khác cũng miêu tả những tình cảm rất đời thường của người anh hùng như những giây phút đứng trước người con gái mà mình mến mộ hoặc đã từng trộm nhớ thầm yêu. Tác giả Bùi Văn Lợi phân tích việc nắm bắt, phản ánh nét tâm lý độc đáo của nhân vật Phùng Chính trong Lê Đại Hành của Nguyễn Tử Siêu. Trong Trần Nguyên chiến kỷ, Phạm Ngũ Lão khi gặp Trần Nguyên công chúa cũng xuất hiện những tình cảm nhân bản của con người rất đời thường, bình thường chứ không phải là một Phạm Ngũ Lão phi thường với bao chiến công hiển hách. Trong Cái hột mận, Lan Khai đã đưa nhân vật Ngọa Triều từ địa vị một ông vua trở về con người đời thường với những ham mê tình dục đến điên cuồng và vô cùng tàn nhẫn. Ở bài viết này, tác giả cũng cho rằng “với quan niệm nghệ thuật rộng mở về con người, các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này đã phản ánh những khát vọng đời thường ở con người cá thể, bộc lộ cái tôi cá nhân với những ham muốn, khát khao về phương diện tình yêu”[12].

Sau năm 1986, cùng với việc đổi mới và nâng cao tinh thần dân chủ trong sáng tạo văn học nghệ thuật, các nhà văn đã có những bước tiến quan trọng trong việc dùng ngòi bút để khám phá đề tài thế sự, phản ánh những tâm tư, tình cảm cá nhân của con người, trong đó có tình yêu đôi lứa. Nếu như ở giai đoạn trước, tình yêu được đưa vào trong tác phẩm như một tiêu chuẩn nhằm thử thách tinh thần, ý chí, nghị lực và đạo đức của những con người anh hùng, thì theo Lê Thị Thu Trang, trong tiểu thuyết lịch sử đương đại, tình yêu gắn liền với tính dục, và đó là cái nhìn đầy nhân bản. Trong công trình Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI (Nxb. Huế, 2017), nhà nghiên cứu này cho rằng bằng cách khám phá khát vọng bản năng tính dục của con người một cách thành thực, đôi khi trần trụi, một số tác phẩm của Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Nam Dao, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Hà Văn Thùy đã mang đến cái nhìn chân thực về những phần khuất lấp của con người trong quá khứ.

Cũng từ góc độ phân tích yếu tố tính dục, Nguyễn Văn Hùng cho rằng “rõ ràng, tình yêu, dục cảm tự nhiên trở thành tiếng nói thiêng liêng và sâu thẳm, khiến các nhân vật lịch sử “trở mình” sống lại và hơn nữa, được sống như-là-chính-mình”[13]. Nhà nghiên cứu này phân tích một loạt các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử đương đại để chứng minh cho nhận định đó. Chẳng hạn như trong Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh, tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng hai biểu tượng Lửa và Nước để miêu tả về mối tình oan nghiệt của công chúa nhà Trần An Tư (nước) và hoàng tử thứ chín nhà Nguyên Thoát Hoan (lửa)… Nguồn nữ tính tràn trề, bất tận, dịu dàng (An Tư) đã xoa dịu, hóa giải cái hung tợn, hoang dã, bạo liệt (Thoát Hoan) khiến vị tướng trẻ kiêu dũng nhà Nguyên trở nên yếu đuối, ngờ nghệch, mải mê đáp ứng nhu cầu tình dục của bạn tình; đặc biệt biết rung động cảm xúc trong trẻo, lạ lẫm trước nàng công chúa Đại Việt. Theo Nguyễn Văn Hùng, Trần Thanh Cảnh ở một khía cạnh nào đó đã khai thác thành công đời sống tình dục của nhân vật ở giá trị cứu rỗi, điều hòa, thức tỉnh; đồng thời giải mã hợp lý những điểm mờ mà lịch sử bỏ sót khi chép về cuộc đời và số phận bí ẩn của An.

3. Quan niệm mới về người phụ nữ của tiểu thuyết lịch sử

Nếu như trước đây, trong văn học Việt Nam trung đại, người phụ nữ được khắc họa khá mờ nhạt và nếu có, họ hiện lên trong vai của kẻ bị lép vế, yếm thế do quan niệm “trọng nam khinh nữ”, thì theo các nhà nghiên cứu, trong giai đoạn sau, trong văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử nói riêng, quan niệm về người phụ nữ đã thay đổi. Trong một nghiên cứu công phu về tiểu thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX, Bùi Văn Lợi cho rằng quan niệm nghệ thuật về con người đã thay đổi, trong đó có quan niệm về người phụ nữ. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn của tác giả này, Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm) (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999), cho rằng tiểu thuyết lịch sử nói về nỗi đau xót của người phụ nữ trước nỗi nhục mất nước và nỗi đau của họ khi thấy chồng mình làm những việc phản dân hại nước. Ngoài ra, người phụ nữ trong tiểu thuyết lịch sử còn thể hiện một khát vọng khác nữa, đó là khát vọng được cống hiến, được trực tiếp tham gia công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đòi được bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực này. Tác giả cũng phân tích nhân vật Chí trong Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu để minh chứng cho nhận định này.

Trong bài viết “Yếu tố tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại” (Văn nghệ Quân đội, số 3/2018), Nguyễn Văn Hùng cũng lưu ý đến việc miêu tả nhân vật nữ “bằng vẻ đẹp thân thể, gợi tình, giàu nữ tính” của các nhà văn viết về đề tài lịch sử. Nhà nghiên cứu này cho rằng, các nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Trần Thanh Cảnh… “đã không ngần ngại sử dụng chất liệu thân thể gợi cảm để kiến tạo nên diễn ngôn thân xác”[14]. Nguyễn Văn Hùng phân tích vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ thông qua hình ảnh đôi vú và làn da, một biểu tượng cho vẻ đẹp mỡ màng, phồn sinh phồn thực trong Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, vẻ đẹp của Ngạn La trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, vẻ đẹp tinh khiết vừa e thẹn, vừa bạo dạn cùng mùi hương trinh nữ đầy mê dụ của người con gái hái dâu Quế Lan trong Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh. Bên cạnh việc miêu tả vẻ đẹp thân thể, theo Nguyễn Văn Hùng, các nhà văn cũng nỗ lực nhận diện về con người, trong đó có người phụ nữ, một cách thành thực, trần trụi, không tô vẽ. Tác giả của Mẫu Thượng ngàn được nhà nghiên cứu ca ngợi là đã chiêm nghiệm, lý giải truyền thống trọng nữ một cách sâu sắc và vẹn tròn, khi trong cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất, đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất là những nhân vật nữ. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không chỉ là sự thánh thiện, hoàn mĩ mà còn là vẻ đẹp của sức sống, sự mơn mởn, mang sức cám dỗ, gợi tình mạnh mẽ. Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Văn Hùng đã đẩy hình ảnh người phụ nữ trong thiên truyện của Nguyễn Xuân Khánh lên một tầm cao mới: ở đó ẩn chứa một sức mạnh có thể cảm hóa, thức tỉnh con người.

Như vậy, dù là con người cá nhân với nhiều ngõ ngách thầm kín trong tâm hồn, với đa dạng những nét tính cách, mối quan hệ, dù là tình yêu đôi lứa hay người phụ nữ dám cất lên tiếng nói của chính mình, thì quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt từ thế kỉ XX, đã thay đổi. Theo các nhà nghiên cứu, đó là người anh hùng phi thường với những nét tính cách bình thường, là những con người của đời sống, chân thực, gần gũi, những con người mà mỗi người đọc chúng ta đều có thể thấu hiểu, cảm thông và tìm thấy chính mình trong đó. Chính sự thể hiện con người đời thường, nói như Bùi Văn Lợi, “đã khiến cho tác phẩm tiểu thuyết lịch sử càng có khả năng phản ánh những mặt phong phú, phức tạp của đời sống cá nhân và thực trạng xã hội”, và “bộ phận tiểu thuyết lịch sử này thực sự mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc”[15].

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Chương Mỹ Bình (2009), “Một thể nghiệm nhân sinh mới của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 178.
  2. Nguyễn Văn Dân (2011), “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại – phác họa một số xu hướng chủ yếu”, Thông tin Khoa học xã hội, số 12.
  3. Đoàn Thị Huệ (2018), “Giấc mơ, hồn ma, điềm báo trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại”, Khoa học xã hội, số 5.
  4. Nguyễn Văn Hùng (2018), “Yếu tố tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại”, Văn nghệ Quân đội, số 3.
  5. Bùi Văn Lợi (1999), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), LATS, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Bùi Văn Lợi (2009), “Quan niệm nghệ thuật về con người của tiểu thuyết lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến 1945”, Khoa học xã hội, số 2.
  7. Bùi Văn Lợi (2018), “Về một phương diện quan niệm nghệ thuật về con người qua một số tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỉ XX đến 1945”, Nghiên cứu Văn học, số 2.
  8. Đỗ Hải Ninh (2009), “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh”, Nghiên cứu Văn học, số 2.
  9. Bình Nguyên (2015), “Vấn đề hư cấu và giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử”, http://toquoc.vn, ngày 25/9.
  10. Lê Thị Thu Trang (2017), Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb. Huế.

Chú thích

  1. Nguyễn Văn Dân (2011), “Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại – phác họa một số xu hướng chủ yếu”, Thông tin Khoa học xã hội, số 12, tr.34.
  2. Nguyễn Chương Mỹ Bình (2009), “Một thể nghiệm nhân sinh mới của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 178, tr.24.
  3. Bùi Văn Lợi (1999), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), LATS, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.115.
  4. Nguyễn Chương Mỹ Bình (2009), “Một thể nghiệm nhân sinh mới của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 178, tr.24.
  5. Đỗ Hải Ninh (2009), “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh”, Nghiên cứu Văn học, số 2, tr.54.
  6. Nguyễn Văn Hùng (2018), “Yếu tố tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại”, Văn nghệ Quân đội, số 3, tr.105.
  7. Đoàn Thị Huệ (2018), “Giấc mơ, hồn ma, điềm báo trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại”, Khoa học xã hội, số 5, tr.32-33.
  8. Bình Nguyên (2015), “Vấn đề hư cấu và giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử”, http://toquoc.vn, ngày 25/9.
  9. Đỗ Hải Ninh (2009), “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh”, Nghiên cứu Văn học, số 2, tr.55.
  10. Bùi Văn Lợi (1999), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), LATS, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.107-108.
  11. Bùi Văn Lợi (1999), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), LATS Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.122, 124,125.
  12. Bùi Văn Lợi (2018), (“Về một phương diện quan niệm nghệ thuật về con người qua một số tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỉ XX đến 1945”, Nghiên cứu Văn học, số 2, tr.98.
  13. Nguyễn Văn Hùng (2018), “Yếu tố tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại”, Văn nghệ Quân đội, số 3, tr.109.
  14. Nguyễn Văn Hùng (2018), “Yếu tố tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại”, Văn nghệ Quân đội, số 3, tr.105.
  15. Bùi Văn Lợi (2009), “Quan niệm nghệ thuật về con người của tiểu thuyết lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến 1945”, Khoa học xã hội, số 2, tr.36.

Phạm Quỳnh An – Bùi Đức Mậu