“Thế giới là để khám phá” của Trần Khoa Văn – Trần Khánh Uyên không phải là cuốn sách quá nổi bật để trở thành một hiện tượng trong dòng sách thiếu nhi nhưng nó lại thu hút sự chú ý của tôi bởi những thông điệp trong đó và bởi không dễ gì tìm được một tác phẩm do cha và con gái viết nên trên thị trường hiện nay.

Bìa sách “Thế giới là để khám phá”. Ảnh: Trang Đoan

Trần Khánh Uyên, cô học sinh lớp 6, đồng tác giả của cuốn sách, đã chia sẻ ấn phẩm này là sự chuẩn bị công phu của hai bố con trong suốt ba tháng. Từng nội dung, từng ý tưởng minh họa,… đều được hai cha con bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng. Cuốn sách, có lẽ bởi thế, vượt lên trên việc là một tác phẩm đơn thuần, nó còn là hình ảnh đẹp của tình cảm gia đình và chứa đựng rất nhiều thông điệp yêu thương.

Đúng như tựa đề, “Thế giới là để khám phá” đưa người đọc bước vào một thế giới với đầy những thắc mắc của trẻ thơ. Ở đó, tất cả các hiện tượng tự nhiên, những sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà người lớn lắm khi cho là hiển nhiên, là bình thường đều “bị đặt nghi vấn”. Tại sao lại có núi? Tại sao ban ngày ta không thấy mặt trăng? Vận tốc của máy bay là bao nhiêu? Tại sao có gió? Tại sao có mây? Tại sao con voi có vòi? Tại sao bầu trời có màu xanh?…

Qua những thắc mắc của “con” và câu trả lời của “ba”, “mẹ”, những kiến thức về tự nhiên, cuộc sống xung quanh dần được hé mở một cách thú vị. Điều đáng nói là tác giả cũng lựa chọn cách trả lời rất hình ảnh, sống động, phù hợp với tâm lý, tư duy trẻ thơ. Các mẩu đối thoại trong sách được giữ tự nhiên nhất có thể, đời thường nhất có thể để khi tiếp cận độc giả sẽ như được tận mắt chứng kiến hay thấy trong đó câu chuyện của chính nhà mình. Có lẽ bởi thế mà nó dễ chạm được đến trái tim người đọc, dễ tìm được sự đồng cảm.

Buổi ra mắt sách “Thế giới là để khám phá” tổ chức tại Tp. Vinh. Ảnh: Võ Khánh

Tuy nhiên, cuốn sách không chỉ dừng lại ở những mẩu ghi chép vụn vặt, ở sự hồn nhiên của tuổi thơ, nó còn khiến người đọc đôi khi không khỏi giật mình bởi cách tư duy của trẻ và cả bởi những điều hiếm khi mình thắc mắc, hiếm khi mình nghĩ đến.

“- Vì răng ta không nhìn thấy Mặt trăng ban ngày hả ba?
– Vì Mặt trời sáng quá nên ta không nhìn được.
– Rứa thì Mặt trời nỏ khi mô gặp được Mặt trăng ba nhỉ?
Không đợi ba trả lời, Thỏ reo lên:
– A, con biết rồi. Cầu vồng là do Mặt trời bắc qua mây để đi gặp Mặt trăng, – và giảng giải: – Mưa là nước mắt của Mặt trời do nhớ Mặt trăng quá khóc nhè đó ba.”

Đọc “Thế giới là để khám phá”, chúng ta thấy được những mối quan tâm của con trẻ, nhu cầu tìm hiểu, chia sẻ của chúng; thấy được vẻ đẹp trong ngần của tuổi thơ, những rung cảm đầy yêu thương không chỉ dành cho người thân mà cả muôn loài. Đọc sách, nhiều khi ta ước mình có thể bé lại hay có thể giữ cách nhìn thế giới như lăng kính của con trẻ: hồn nhiên và đầy yêu thương!

Qua từng câu chuyện giản đơn, Trần Khoa Văn đã gửi vào đó những thông điệp sâu sắc, đã khiến người lớn như chúng ta phải tự nhìn lại mình. Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình, có biết bao câu hỏi đặt ra. Chúng ta đã chịu khó lắng nghe thắc mắc của con mình? Đã đủ kiên nhẫn để giải đáp? Đã hiểu những trăn trở và nghĩ suy của chúng?

Tác giả và các nhà văn, nhà thơ, độc giả trong buổi ra mắt sách. Ảnh: Võ Khánh

Điều quan trọng nhất để giữ yêu thương trong mỗi gia đình là sự thấu hiểu và muốn thấu hiểu chắc chắn cần lắng nghe, cần kiên nhẫn trong những cuộc hội thoại. Hy vọng, sau khi đọc cuốn sách này các bậc phụ huynh sẽ nhìn lại thế giới của mình để đặt xuống những thiết bị điện tử trên tay, để tạm ngưng công việc, ngồi lại bên con mình, lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của con. Đó là món quà lớn nhất mà những đứa trẻ mong chờ, chứ không phải là đồ chơi, quà cáp, hay là những đáp ứng vật chất vô điều kiện.

“Ai cũng từng có tuổi thơ và đó sẽ là thời gian đẹp đẽ nhất của mỗi người nếu chúng không bị đánh cắp” (tr.47). Lời mở đầu của phần II cuốn sách là một thông điệp đẹp mà có lẽ chúng ta cần luôn ghi nhớ. Hãy quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của con trẻ và hãy cho chúng một tuổi thơ thật đẹp!

Trang Đoan