Thơ đi với loài người từ thuở hồng hoang, đến thời ta, bỗng  nẩy ra câu hỏi: Thơ tồn tại hay không tồn tại?

Không phải là sự sống đánh mất thơ mà là sự cùn mòn của 5 giác quan nhận thức, 6 giác quan cảm nhận sự sống đang dần dà đánh mất nó.

Như rừng hết cây, như suối cạn nước, hồn người đối diện với sự cạn kiệt của chính nó, do đó, nó phải đối diện với thơ.

Các nhà thơ chúng ta cần liên hiệp lại, cần lên tiếng báo động thơ cấp bách, như tổ chức Hòa bình xanh lên tiếng báo động về môi trường vậy.

Môi trường thơ suy thoái, cũng chính là cái lõi của môi trường sống suy thoái.

Môi trường thơ hiện nay cũng đã là vấn đề toàn cầu, y chang môi trường sống vậy!

Các nhà thơ chúng ta không thể hình dung nổi một sự sống không thơ, một sự sống điều hành rô-bốt mà chính mình cũng thành rô-bốt!

Ngày Thơ Việt Nam tại Nghệ An, 2017. Ảnh Trang Đoan

Không phải riêng tôi nói to lên, phóng đại lên một nỗi lo hão huyền, mà chừng như tất cả các nhà thơ ít nhiều đều có mang trong mình nỗi lo âu phấp phỏng đó.

Các nhà thơ rất nhạy cảm trước các lý do mà thực tế cuộc sống đang buộc thơ phải đối diện.

Thơ là con đẻ của sự tĩnh lặng đồng thời cũng là thiên sứ trở về nhập hồn vào sự tĩnh lặng đó. Tiếc thay, cuộc sống hiện đại không nhiều khoảng trống cho sự tĩnh lặng ấy. Chừng như cái khoảng lặng trong đêm ngón tay “cảo thơm lần giở trước đèn” đã đi qua chúng ta như một hoài niệm để nhường chỗ cho thế giới nghe nhìn, cuống cuồng, nhấp nhoáng và nhộn nhịp trên ti-vi, trên các màn hình vi tính. Các sản phẩm “mì ăn liền” đang khuyến dụ con người vào thế giới tinh thần về sự “ăn liền” rất nhạy cảm của các phản ứng.

Những câu thơ ngân nga ở tầng sâu, ở nơi giáp ranh hư thực, mộng mơ và huyền ảo đang dần dà bị chối bỏ. Văn hóa đại chúng thích hợp với các sáng tạo thị trường. Thơ không thể chỉ căn cứ vào việc nghiên cứu thị trường tiêu thụ, hoặc lấy việc đáp ứng thị hiếu công chúng mà sáng tạo. Làm thế là thơ đã mâu thuẫn với bản chất sáng tạo của nó, và do đó, dần dà thơ sẽ  tự đánh mất mình.

Thơ có thị trường, thị hiếu, nhưng đó là thị trường, thị hiếu có chọn lọc.

Nếu người có cấp người, cấp văn hóa của người thì thơ có cấp thơ, cấp văn hóa của thơ.

Thơ không đồng cấp quân bình với các cấp độ văn hóa người mà nó ở cấp văn hóa cao nhất, siêu việt nhất mà chúng ta có thể hình dung được.

Người xưa nói đến 2 từ “cõi thơ” – cõi thơ ngang cõi niết bàn người ơi.

Không phải chúng ta thổi phồng lên để cao siêu hóa thơ, nhưng thật khó hình dung về sự tầm thường hóa nào đó đối với nó.

Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Nghệ An tổ chức ngày Thơ Việt Nam, 2019. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Trong khi chúng ta muốn thơ đại chúng hóa để có thị trường kinh tế giúp thơ tồn tại thì sẽ gặp phải mâu thuẫn, thơ càng thơ, càng sáng tạo, thị trường thơ càng bị thu hẹp.  Đó là không thể cưỡng lại. Cái lối sống “tử vì đạo” ngỡ đã xa xưa và lỗi thời lắm rồi, nay lại buộc các nhà thơ chúng ta phải vào cuộc thể nghiệm mới: Muốn hay không, các nhà thơ chân chính vẫn cứ phải tiếp tục “uống nước lã” để mà làm thơ, để mà sáng tạo!

Ở thời kinh tế thị trường tồn tai một thứ lao động rất kỳ quái là sản phẩm của thứ lao động ấy làm ra chỉ để cho không, để biếu tặng. Có thứ lao động nào kỳ quặc hơn lao động của các nhà thơ? Vinh quang ở đấy chăng, hay bi kịch chính là ở đấy? Song, đấy cũng là một lý do để người yêu thơ phấp phỏng nỗi lo về sự tồn tại của thơ trong tương lai? Ở đây sẽ xuất hiện một quy luật mới: Không phải còn nhà thơ thì còn bạn đọc, mà ngược lại, còn bạn đọc sẽ còn nhà thơ, theo luật “cung”, “cầu”. Muốn cứu thơ (nếu có thể nói như vậy) thì trước hết phải “cứu” lấy khả năng cảm thụ thơ, tình yêu thơ, trình độ thơ, cái tâm thơ và cái chí hướng thơ ở trong bạn đọc.

Nếu thơ của ngày hôm nay không níu giữ được tình yêu thơ còn sót lại trong lòng bạn đọc thì khó có hy vọng về sự mê thơ, say thơ, hiểu thơ của bạn đọc ở các thế hệ nối tiếp. Có một dấu hiệu báo động (có thể còn bàn thêm) nhưng đã vang lên trong các trường học là học sinh các cấp phổ thông đang chán văn, chán thơ, chán cái môn học nặng nề đầy lo âu trước các câu đố hóc hiểm không mấy dính dáng đến bản chất văn chương của các cuộc thi cử. Làm cho thế hệ trẻ chán văn, chán thơ không phải lỗi riêng của ngành giáo dục, nhưng ngành giáo dục phải có trách nhiệm “ông chủ” trong việc tháo gỡ vấn đề. Các nhà thơ đã lên tiếng, cần tiếp tục lên tiếng, coi việc chán văn thơ của học sinh là nỗi lo lắng nghiêm trang không chỉ của văn học mà tâm hồn các thế hệ trẻ.

Trở lại vấn đề thơ không bán được. Một tập thơ hay (khách quan, sòng phẳng, không lợi dụng quan hệ này quan hệ nọ để tạo ra thị trường ép)  không bán nổi 1000 cuốn, thậm chí không bán được 500 cuốn. Tôi nói thơ hay là nói có căn cứ. Nhà xuất bản Kim Đồng đã tuyển chọn rất khắt khe các bài thơ hay nhất của các tác giả lừng danh nhất, nổi tiếng nhất của nước ta mà thơ cũng không bán hết. Bán để chịu lỗ, bán với giá tiền rẻ hơn bao thuốc một tập thơ! Nhìn tên tuổi các tác giả, nhìn giá tiền, nhìn sự ế sách cũng thật đau lòng: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát…

Nhà thơ Thạch Quỳ tham gia Ngày Thơ Việt Nam tại Nghệ An, 2019. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Rõ ràng là người ta không mua thơ không phải do không có tiền, cũng không phải do thơ không hay, bởi thơ đấy đã là tinh hoa của nền thơ dân tộc. Dấu hỏi “vì sao?” ở đây còn to hơn cả chiếc mỏ neo tàu thủy.  Ai có thể trả lời câu hỏi đó? Sự ế thơ đồng nghĩa với sự ế ẩm của các tâm hồn. Phải chăng khái niệm “tâm hồn” chỉ là một huyền dụ xa xỉ của thời quá khứ ? Phải chăng thơ đang lạc loài và các nhà thơ đang lạc loài không chỗ đứng ở ngày hôm nay?

Tôi cũng biết rằng người yêu thơ ở nước ta đang rất đông đảo, đang rất nhộn nhịp ở các câu lạc bộ thơ phường, khối, xóm, xã…Ngày thơ Việt Nam người tụ về Văn Miếu vẫn đông như hội. Lại thêm nữa, hàng năm vẫn có hàng trăm, hàng ngàn tập thơ được in ra. Trước những “dấu hiệu” nhiều người đánh giá là rất đáng vui mừng ấy, lẽ nào tôi còn khó tính để giữ nguyên một tâm trạng khác, một nhận định khác?

Tôi không muốn thơ bị tán loạn, bị xuống cấp trong các nhận thức giản đơn, bỗ bã, theo chiều hướng tầm thường hóa, đại chúng hóa của số đông.

Chúng ta cần bảo toàn thơ bằng chất lượng chứ không thể bảo toàn nó bằng số lượng. Không thể nhìn vào số lượng tác phẩm để đánh giá một nền thơ cũng như không thể nhìn vào số đông nhộn nhịp để đánh giá trình độ hiểu thơ, biết thơ của một dân tộc.

Trên đây là những phấp phỏng như cơn gió mang bụi bặm đường phố tạt qua tâm hồn tôi, ít nhiều gây ra ở đó những nỗi lo lắng mơ hồ có thể có lý do và không lý do. Nhưng trong suy nghĩ, trong nhận thức của tôi thì thơ bao giờ cũng là đại diện đáng tin cậy nhất ở vế thứ 2 trong câu nói của Goethe, thơ chính là “cây đời” mãi mãi xanh tươi.

Khi toán học chạm trán với định lý bất toàn, triết học chạm trán với hố đen và lỗ thủng, khoa học đã tự nhận thức về giới hạn thì thơ mãi mãi vẫn là “Triết học hồn nhiên của sự sống”. Bản thân thơ không gặp các vấn đề nan giải như các khoa học khác. Nó gặp khó khăn ở đối tượng nhận thức chứ không gặp khó khăn trong bản chất tư duy triết luận t  hể loại.

Một mầm cây mọc lên, một quả trứng nứt vỏ, thơ đồng hành với sự sống, không phải là phương tiện ngợi ca mà chính là bộ phận hữu cơ của sự sống đó. Sự sống tồn tại bằng thơ và thơ tồn tại bằng sự sống. Thơ không triết luận sự sống mà mọc lên cùng sự sống đó. Nói cách khác, khi mắt người nhìn vào một mầm cây thì nhìn thơ mọc lên ở mầm cây đó. Mắt anh ta chạm phải thơ cùng lúc chạm phải mầm cây. Anh ta không nói được bằng thơ nhưng thơ đã tràn ngập tâm hồn anh ta từ phút ấy. Muốn hay không thì thơ vẫn là phương tiện để đồng hóa con người với sự sống.

Thơ vô hình, vô ảnh ràng buộc con người trong cái quan hệ thiên, địa, nhân phi ngôn ngữ.

Chúng ta cần nhận thức về cái vùng thơ phi ngôn ngữ như nhận thức ý nghĩa của từ ngữ trong dạng phi ngữ nghĩa của các mệnh đề. Cần biết cái độc lập tương đối giữa thơ và các phương tiện thơ cần sử dụng để biểu hiện chính nó. Sai số giữa thơ và ngôn ngữ thơ là điều có thật. Làm cho sai số đó hẹp lại, triệt tiêu đi là tài năng của các nhà thơ. Nghề thơ không phải là nghề lắp ráp xác chữ, xác hình mà là cái nghề có phép thần để làm cho hồn chữ, hồn hình hòa đồng với xác mà dựng lên sự sống.

Triết học của sự sống chính là bản thân sự sống – Đó là triết học thơ. Sự sống bí ẩn thế nào, kỳ diệu thế nào thì thơ bí ẩn thế ấy, kỳ diệu thế ấy. Không có thế giới trơ hoẻn của cái đã nhận thức, đã dứt điểm, cũng như không có thế giới tận cùng nơi thơ đã ngự trị bằng vẻ đẹp của nó. Thế giới mở, chính là thế giới bí ẩn. Khám phá bí ẩn là nhiệm vụ của sáng tạo. Bản thân thơ cũng là một bí ẩn cần khám phá. Thái độ không đầu hàng trước các bí ẩn là bản chất hùng vĩ nhất của thái độ sống. Cái đó không riêng của khoa học. Cái đó cũng gọi là thơ. Còn cuộc sống thì còn khoa học và còn thơ. Nhưng, thơ không khám phá thế giới để khuôn bó nó vào các quy tắc, quy luật của sự vận động mà chỉ chiêm nghiệm vẻ đẹp sinh thành của nó, gắn kết sự kỳ lạ của thế giới trong tình yêu sự sống đến mức say mê và cảm động do chính thơ tạo ra.

Thơ không tạo ra thế giới thực, cũng không tạo ra thế giới hoàn toàn ảo. Thơ tạo ra thế giới mang vẻ đẹp hướng tới của khát vọng sống. Có thể nói khát vọng còn thì thơ còn, sự sống còn thì thơ tồn tại. Nói thế, tôi tin rằng đấy không phải là điều ngoa ngôn hoặc nhầm lẫn. Câu hỏi “Thơ tồn tại hay không tồn tại” chỉ nên đáng để ý ở chỗ vì sao ở thời đại chúng ta lại nẩy sinh ra câu hỏi đó? Và đó là một câu hỏi khác. Câu hỏi này rất trang nghiêm, nó là một báo động thơ, báo động về nền văn minh, về sự ô nhiễm môi trường văn hóa trong đời sống tinh thần của cả loài người hôm nay.

Thơ không thể mất nhưng nhân loại có đồng hành với cuộc sống trong cảm giác thiêng liêng và kỳ diệu của thơ hay không lại là chuyện khác…

Thạch Quỳ

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 16, tháng 8/2021)