Hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2023 với bao kỳ vọng và cả áp lực. Cánh cửa trường Đại học xưa nay vẫn là niềm mơ ước, tự hào của hầu hết học sinh và cả gia đình các em. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, thực tế đang có nhiều thay đổi. Tỷ lệ học sinh lựa chọn không đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Những ngày trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, dư luận xôn xao việc nhiều học sinh ở Hà Tĩnh, trong đó có cả học sinh đạt học lực giỏi, chọn đi xuất khẩu lao động thay vì tiếp tục học lên đại học, cao đẳng. Câu chuyện này vốn dĩ không còn xa lạ. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều học sinh đã lựa chọn xuất khẩu lao động như một hướng đi đầy hứa hẹn để đổi đời. Ngày càng có nhiều gia đình cho con em mình không học đại học, thậm chí đang học ĐH thì bỏ dở để đi nước ngoài lao động. Thực trạng này luôn dấy lên những luồng ý kiến trái chiều và để lại cả những băn khoăn, không biết nên vui hay nên buồn?!

Hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước vừa hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2023. Nguồn ảnh: Báo Lao động

Việc học sinh xác định đại học không phải là con đường duy nhất, biết tùy vào năng lực bản thân để chọn hướng đi phù hợp cho thấy các em đã có cái nhìn thực tế hơn. Điều này cũng chứng tỏ công tác giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường đã có chuyển biến, giúp học sinh thay đổi được quan niệm, nhận thức, không tìm cách học đại học bằng mọi giá. Nó cũng giúp học sinh, đặc biệt là các em có học lực trung bình hoặc dưới trung bình, giảm bớt áp lực trước gia đình trong các kỳ thi.

Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đã thay đổi cuộc đời khi có con em đi xuất khẩu lao động. Nhiều làng quê nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh nay đã có bộ mặt mới với nhà tầng san sát, đời sống người dân được nâng cao. Lực lượng này cũng đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, niềm vui của một số cá nhân, một số gia đình hay địa phương có lẽ không bù đắp được nỗi buồn chung. Thực trạng số lượng lớn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, không làm đúng ngành nghề và làm với mức lương thấp khiến niềm tin về việc cánh cổng đại học có thể thay đổi cuộc đời đã và đang bị lung lay. Bài toán giải quyết việc làm cho thanh niên đến nay vẫn còn thực sự nan giải. Trong khi đó, học phí các trường đại học ngày càng tăng cao, chất lượng đào tạo nhiều trường không đảm bảo. Với chi phí 4 năm học đại học như hiện nay, nhiều gia đình ở nông thôn sẽ rất khó khăn trong việc trang trải.

Đáng buồn hơn, rất nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển hướng không học đại học, đi xuất khẩu lao động là đáng mừng, là đúng đắn. Đáng buồn hơn khi đến các làng, xã phỏng vấn Đoàn thanh niên về hướng giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương thì xuất khẩu lao động vẫn luôn được đề cập như một giải pháp tối ưu và đầy tự hào. Đáng buồn khi điều người ta quan tâm duy nhất hiện nay là làm thế nào để có tiền, để làm giàu.

Xuất khẩu lao động vẫn được xem là giải pháp tối ưu giải quyết việc làm cho thanh niên ở nhiều địa phương

Có lẽ, rất khó để thuyết phục những người đang sống trong một môi trường không giàu có rằng: đừng giáo dục con cái phải cố gắng mọi cách để kiếm tiền, để làm giàu nữa! Bởi khi đó những lời nói ấy sẽ bị cho là viển vông, là không thực tế, là lý thuyết suông. Một xã hội trải qua nhiều biến động, đi lên từ khó khăn thì điều người ta tâm niệm vẫn luôn là chuyện cơm áo gạo tiền, cái ăn cái mặc. Nhưng, càng lăn vào đời và nếm đủ thực tế chúng ta sẽ nhận ra những con người được giáo dục trong một môi trường mà ở đó họ được dạy mục tiêu cuối cùng không gì khác ngoài kiếm tiền, làm giàu sẽ bất hạnh như thế nào (và cả kinh khủng như nào)! Chúng được dạy phải giàu có mà không được dạy sống như thế nào trong điều kiện thiếu thốn. Chúng được dạy phải sống sao cho hơn người khác chứ không phải sống thế nào cho tốt, cho bình yên. Chúng được dạy phải thoát nghèo và kiếm tiền bằng mọi giá, dạy rằng mọi cái đích đến cũng chỉ là để kiếm tiền mà thôi; học cao cũng chỉ để tìm một việc làm kiếm thu nhập… Những tham vọng người khác gieo vào trong quá trình giáo dục ấy sẽ dần huỷ hoại tinh thần, thể chất lẫn nhân cách của trẻ. Vậy nên, không hề viển vông hay giáo điều, không hề mơ mộng hão huyền khi nói rằng phải xác định lại và thay đổi cách giáo dục. Tiền bạc, của cải vật chất là cần thiết và quan trọng cho cuộc sống nhưng đặt nó là mục tiêu trên hết, sau cùng; mục tiêu bằng mọi giá phải có được là điều sai lầm. Mà mục tiêu giáo dục sai sẽ kéo theo vô vàn thứ sai khác. Khi những đứa trẻ cứ lớn lên trong những nhận thức, hiểu biết sai lệch thì hậu quả thật khó lường!

Nếu muốn trả lời câu hỏi: Học sinh chuyển hướng đi xuất khẩu lao động thay vì học đại học là niềm vui hay nỗi đau thì hãy tưởng tượng về đất nước mà ở đó có một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai chỉ có trình độ phổ thông, chỉ biết bán sức lao động rẻ mạt trên xứ người. Hãy thử tưởng tượng về khả năng hiện thực hóa giấc mơ xây dựng nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số khi trong tay chúng ta có một bộ phận người trẻ không màng đến chuyện học lên cao và sẵn sàng làm những công việc tay chân để kiếm tiền. Hãy thử tưởng tượng về một nền văn hóa, giáo dục của hàng chục năm sau nếu chúng ta để tình trạng này tiếp diễn… Khi ấy, ta sẽ có câu trả lời về những gì đang băn khoăn hôm nay, và chắc rằng, đó khó có thể là niềm vui được!

Trang Đoan