Sáng ngày 25/9, tại Tp. Vinh (Nghệ An), tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kịch hát Nghệ Tĩnh – Xu thế hội nhập và phát triển”.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; TS. Bùi Đình Long – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; TS. nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam; Ths. Trần Thị Mỹ Hạnh – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chào mừng, TS. Bùi Đình Long – Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hội thảo là “hoạt động rất có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 50 năm Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và 65 năm sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh. Qua đó, cùng nhìn lại những thăng trầm của chặng đường 50 năm thể nghiệm và phát triển loại hình Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong nghệ thuật sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và dòng chảy nghệ thuật sân khấu Việt Nam”. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng “với sự gắn bó, tâm huyết, tình yêu dành cho kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và di sản văn hóa xứ Nghệ; sự hiểu biết uyên thâm, trách nhiệm cao của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ và các quý vị đại biểu, hội thảo khoa học “Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh – xu thế hội nhập và phát triển” sẽ là sự tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về giá trị, vai trò của kịch hát dân ca, sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà; hiệu quả của loại hình kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh sau 50 năm hình thành, thể nghiệm và phát triển cũng như thêm nhiều định hướng, nhiều giải pháp hay được đề xuất, chia sẻ, thảo luận để giúp tỉnh Nghệ An tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, phát huy vai trò của kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong xu thế hội nhập, phát triển cùng với các loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc”.

TS. Bùi Đình Long – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu chào mừng

Trình bày báo cáo đề dẫn, Ths. Trần Thị Mỹ Hạnh – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An cho biết: từ những năm 70 của thế kỷ XX, dân ca Nghệ Tĩnh đã được sân khấu hóa theo mô hình kịch hát dân tộc. Trong quá trình 50 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm, kịch hát Nghệ Tĩnh đã có sự kế thừa, sáng tạo, bổ sung, tiếp nối liên tục; từng bước mở rộng đề tài, mở rộng phạm vi phản ánh hiện thực; đặc biệt đã góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ bằng hình thức mới – sân khấu hóa dân ca. Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển kịch hát cũng đặt ra nhiều câu hỏi như: Hướng sân khấu hóa có phải là một xu thế phù hợp vì mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản hay không? Điều này có làm sai lệch di sản như một số ý kiến từng đặt ra hay không? Hướng đi nào cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong giai đoạn mới? Phát huy những đề tài đương đại trên sân khấu truyền thống như thế nào? Trên chặng đường đang đi, còn có vấn đề gì cần phải tiếp tục hoàn thiện trong việc sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh?

Bà khẳng định: “Hội thảo nhằm khẳng định giá trị, đóng góp của sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và hiệu quả của Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh sau 50 năm hình thành, thể nghiệm, phát triển và thực trạng loại hình sân khấu này hiện nay. Đồng thời, đây cũng là một diễn đàn để tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhà quản lý, đề xuất ý tưởng, giải pháp khả thi, hiệu quả để tiếp tục duy trì, xây dựng, phát huy nền Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong xu thế hội nhập và phát triển cùng với các loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc”.

Ths. Trần Thị Mỹ Hạnh – UV BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An trình bày Báo cáo đề dẫn

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận chất lượng, tập trung làm rõ 3 nội dung chính: Giá trị, vai trò, đóng góp của sân khấu cách mạng Nghệ Tĩnh và hiệu quả của loại hình Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh sau 50 năm hình thành, thể nghiệm, phát triển; Thực trạng sân khấu Nghệ Tĩnh và loại hình kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh hiện nay; Định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng, phát huy Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong xu thế hội nhập và phát triển cùng với các loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc.

Trình bày tham luận “Dân ca ví, giặm và Kịch hát Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh góp phần xây dựng văn hóa con người xứ Nghệ”, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đã nêu bật giá trị lớn lao và bền lâu của văn hóa xứ Nghệ và di sản dân ca ví, giặm xứ Nghệ; quá trình sân khấu hóa, kịch hát hóa dân ca ví, giặm với nhiều thành tựu và thăng trầm; vai trò của dân ca ví, giặm và kịch hát dân ca xứ Nghệ trong xây dựng văn hóa, con người Nghệ Tĩnh thời kỳ mới. Trong tham luận của mình ông cũng đã đề xuất nhiều biện pháp để để bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh thời gian tới như: Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, các cơ quan văn hóa, văn nghệ của Trung ương và hai tỉnh cần có đề án mang tầm chiến lược, cần quan tâm xây dựng nhà hát và không gian diễn xướng phù hợp ở trung tâm 2 tỉnh; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhạc công, nghệ nhân; giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ để họ thấy được cái hay, cái đẹp của di sản để từ đó có ý thức gìn giữ, kết thừa, phát huy; coi trọng việc giáo dục, phổ biến dân ca ví giặm trong nhà trường, trên các phương tiện truyền thông; chú trọng số hóa các giá trị di sản; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hành lang pháp lý nhằm khuyến khích phát triển thị trường văn hóa số, văn nghệ số; Đầu tư phát triển một số cơ sở đào tạo năng khiếu về đàn, hát dân ca xứ Nghệ; đầu tư kinh phí hợp lý cho các đoàn nghệ thuật truyền thống của 2 tỉnh và ở các cấp huyện, xã; cân nhắc việc tổ chức lại (thực chất là việc sáp nhập) các đơn vị nghệ thuật của 2 tỉnh; tránh thực hiện máy móc, cơ học.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương trình bày tham luận tại Hội thảo

Với tham luận “Ví giặm – Nhìn từ phương diện đặc trưng văn hóa xứ Nghệ và cách thức mở rộng hình ảnh quốc tế”, TS. Nguyễn Ngọc Chu đề xuất một số cách thức bảo tồn và mở rộng sự phát triển dân ca Ví giặm để giúp ví giặm không chỉ tồn tại phù hợp với thời đại số hóa mà còn có cơ hội quảng bá ra môi trường quốc tế. Theo đó, ông đề xuất: đưa dân ca ví, giặm trở thành một bộ phận của các phong tục, tập quán, của các nghi lễ trong đời sống hàng ngày; Lập dự án xây dựng một số điệu múa kinh điển, đặc trưng cho xứ Nghệ trên nền nhạc có các thành tố làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh; sáng tác những tác phẩm kịch hát vượt thời gian; áp dụng tiến bộ công nghệ để bảo tồn, quảng bá và tạo ra các sản phẩm dân ca ví, giặm đáp ứng nhu cầu trong thời đại mới; không ngừng tìm cách giới thiệu, quảng bá dân ca ví giặm đến bạn bè quốc tế qua nhiều hình thức, phương tiện khác nhau.

TS. Nguyễn Ngọc Chu trình bày tham luận

TS. Phạm Thị Thanh Nga – Trưởng khoa Lý luận trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã chỉ ra thực trạng đào tạo và các giải pháp trong đào tạo nhân lực ngành nghệ thuật biểu diễn dân ca ở trường CĐ VHNT Nghệ An hiện nay. Tham luận đề xuất một số giải pháp như: Cần bố trí nơi ăn ở tốt nhất cho học viên các huyện đến học; tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên, các nghệ sĩ, nghệ nhân giảng dạy và truyền nghề cho học sinh trong quá trình triển khai công tác đào tạo; hỗ trợ tiền ăn, ở bên cạnh việc không phải đóng học phí; các đoàn nghệ thuật cần có cơ chế tuyển dụng diễn viên trẻ và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sinh viên khi ra trường có thể hoạt động để cống hiến tài năng và tồn tại với nghề;….

TS. Phạm Thị Thanh Nga – Trưởng khoa Lý luận trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trình bày tham luận

Từ thực trạng hoạt động xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nghệ An, Th.s Lưu Ngọc Thành – Giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội đã đưa ra một số vấn đề cần quan tâm đối với biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở Nghệ An nhằm hướng tới ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, cần quan tâm đến các yếu tố như: chú trọng về nhân lực vận hành (đào tạo, truyền nghề; chế độ làm việc, đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên); xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống, đầu tư trang thiết bị, công nghệ; đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật… Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần quan tâm đến khán giả vì “nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng, thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ kéo dài trong nhiều năm qua nhưng chưa có cách giải quyết tốt. Khán giả quyết định thành công hay thất bại của nghệ thuật truyền thống được biểu diễn nhưng khán giả hiện tại phần đông chưa bao giờ đến nơi biểu diễn, đây là thách thức không nhỏ đối với đơn vị biểu diễn nghệ thuật hiện nay.

Th.s Lưu Ngọc Thành – Giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội trình bày tham luận

NSND Hồng Lựu – Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã điểm qua hành trình 50 năm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh với nhiều dấu mốc quan trọng, lắm thăng trầm và cũng không ít thành tựu, tiếng vang với những vở diễn, những cái tên đã đi sâu vào lòng công chúng. Bà bày tỏ niềm tự hào khi đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Nghệ đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt; các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị đồng thời bày tỏ nhiều trăn trở đối với việc đào tạo lớp diễn viên trẻ kế cận hiện nay. Nghệ sĩ nhân dân cũng chỉ ra thời kỳ mới đòi hỏi mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong snags tạo nghệ thuật. Nghệ sĩ cần chống lại bệnh “sơ lược, bôi đen, tô hồng, rỗng tuếch về nội dung, cầu kỳ phô trương về hình thức”.

NSND Hồng Lựu – Quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An trình bày tham luận

Sau khi lắng nghe các tham luận, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã có nhiều trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề đặt ra. Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An cho rằng bên cạnh tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới thì rất cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm 50 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Chặng đường đó có nhiều kinh nghiệm hay, nhiều bài học quý giá với nhiều thử nghiệm thành công, đơn cử như việc đưa âm nhạc kịch hát mới vào kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An phát biểu ý kiến

TS, Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai bày tỏ những trăn trở về tình hình kịch hát truyền thống hiện nay, về khó khăn trong phát hiện, bồi dưỡng các diễn viên trẻ ở địa phương; khó khăn của đời sống văn nghệ sĩ; khẳng định cần sớm sửa sai chủ trương sáp nhập các đoàn nghệ thuật biểu diễn hiện nay; khẳng định văn học nghệ thuật có vai trò quan trọng, không thể thay thế, không thể mất đi nên cần phải chút trọng đầu tư mà quan trọng nhất là đầu tư về con người. Trong đó, các tỉnh nên kết hợp với các trường chuyên đào tạo về sân khấu, điện ảnh để tổ chức các lớp học, các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn…

TS, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai phát biểu tại Hội thảo

Nhà biên kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam đã chỉ ra những nét khác biệt, thế mạnh của dân ca Nghệ Tĩnh đồng thời những khó khăn, vướng mắc về thể chế hiện nay dẫn đến tình trạng đang khủng hoảng về nguồn nhân lực cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ông cũng đã đưa ra một số đề xuất để khắc phục tình trạng hiện tại như: Sở VH & TT Nghệ An cần có cơ chế tạo điều kiện cho các nghệ sĩ làm nghề; lãnh đạo nhà hát cần quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần nghệ sĩ; đầu tư kinh phí dàn dựng các tác phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về kịch hát dân ca….

Nhà biên kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam phát biểu ý kiến

Phát biểu tổng kết, TS. Bùi Đình Long đánh giá Hội thảo đã được lắng các ý kiến rất tâm huyết, thể hiện những mối quan tâm, trăn trở của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đối với kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Các tham luận đã đề xuất giải pháp, định hướng để xây dựng kịch hát Nghệ Tĩnh trong xu hướng phát triển, hội nhập. Có 3 nhóm giải pháp: về chủ trương, cơ chế chính sách (đào tạo, đầu tư, chính sách đặc thù thu hút tuyển dụng); nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, trình độ văn nghệ sĩ; nâng cao chất lượng sản phẩm của sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Trong đó, giải pháp thứ nhất thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền; 2 nhóm giải pháp còn lại thuộc trách nhiệm của ngành văn hóa. Ông khẳng địnhnhững bài tham luận, ý kiến tại Hội thảo là nguồn tài liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu, thể nghiệm, phát triển nghệ thuật sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh, đóng góp vào sự hát triển của VHNT tỉnh nhà, phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển và góp phần trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ông giao nhiệm vụ cho Sở VH & TT Nghệ An cùng các thế hệ văn nghệ sĩ nghiên cứu, tham mưu làm thế nào để tiếp tục phát triển kịch hát Nghệ Tĩnh, làm sao để đời sống của văn nghệ sĩ phải tốt nhất, để làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An phải là niềm mơ ước của không chỉ người dân Nghệ An.

Tin & Ảnh: Trang Đoan