Ngày 25/7, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói lời từ biệt cuộc đời, chưa đầy một tháng sau khi vợ ông – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra đi. Vẫn biết giờ phút này sớm muộn cũng tới, vẫn biết đó là lẽ thường của đời người, nhưng sao không khỏi thảng thốt, ngậm ngùi khi hay tin và tự mình nhẩm lại câu thơ: “Thời gian sao mà xuẩn ngốc/Mới thôi đã một đời người” (Dù năm dù tháng)…

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhưng cuộc đời, sự nghiệp ông gắn bó máu thịt và đầy duyên nợ với mảnh đất Huế… Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Sài Gòn và Đại học Văn khoa Huế; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và từng giữ nhiều chức vụ như: Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình – Trị – Thiên, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị; Tổng Biên tập của các tạp chí: Cửa Việt, Sông Hương… Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý về văn chương như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1980), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô (1998 – 2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Cuộc đời, sự nghiệp ông gắn bó máu thịt và đầy duyên nợ với mảnh đất Huế, với dòng Hương giang

Trong sự nghiệp của mình, ông để lại một kho tàng tác phẩm phong phú, trong đó nổi bật nhất là thể loại bút ký. Có thể khẳng định Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút ký xuất sắc hàng đầu Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn cho người đọc thấy sức liên tưởng tài tình, sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn; sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất triết lý với trữ tình; giữa trí tuệ sâu sắc và một trái tim đầy nhạy cảm, tinh tế. Tất cả những điều đó được thể hiện qua thứ ngôn ngữ phong phú, biến hóa và đầy chất thơ. Bởi thế mà những trang viết của ông luôn mang vẻ đẹp quyến rũ, huyền hoặc, làm say mê trái tim bao thế hệ; có thể kể đến các tác phẩm như: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế – di tích và con người (1995), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (2005); Miền cỏ thơm (2007)….

Bên cạnh bút ký, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn thực sự là một thi sĩ với nhiều bài thơ đi vào lòng người. Thơ ông mang vẻ đẹp của trí tuệ, của triết lý và luôn thấm đẫm nỗi buồn, day dứt, hoài niệm. Ở đó có nỗi ám ảnh về sự hư vô, phù du của kiếp người “Em dù khát vọng khôn nguôi/Dấu ta thôi cũng mây trôi tuyệt mù/Nửa chừng ngoảnh lại thiên thu/ Người phù du ta phù du với người” (Một chút sương mù trên bàn tay). Ở đó còn có một thế giới nội tâm tĩnh lặng hơn nhưng chất chứa đầy nỗi buồn, sự day dứt; một cái “buồn đứt ruột” (như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét).

“Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi
Mọc lên thật nhiều cây cỏ
Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá
Tôi gập người trên bóng tôi

Không nghe tiếng ai nói cười
Tôi còn ngồi chi đây một mình
Cắn móng tay từng ký ức mong manh
Giống như con châu chấu nọ
Gặm hoài lá cỏ xanh.”  (Cỏ, chim sẻ và châu chấu)

Thơ ông còn đẹp ở tứ thơ, ở những liên tưởng và so sánh độc đáo mà phải có một trái tim thực sự nhạy cảm, một trí tuệ sâu sắc và một khả năng ngôn ngữ tài tình mới viết lên được. Những tập thơ tiêu biểu của ông có thể kể đến: Những dấu chân qua thành phố (1976); Người hái phù dung (1992).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm trọng bệnh nhiều năm nay nhưng ông vẫn can đảm chống chọi; vẫn miệt mài, bền bỉ sáng tạo bên sự chăm sóc của người vợ thân yêu, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Có thể cuộc đời ông còn để lại những tranh cãi, những dấu hỏi nhưng một sự thật không thể nào phủ nhận đó là tài năng, là những trang viết không thể lẫn với bất cứ ai, một chuyện tình đẹp và một trái tim luôn đau đáu với mảnh đất cố đô của ông. Hôm nay, ông đã mang tình yêu, duyên nợ, mang cả những câu hỏi với dòng Hương ra đi, để lại trên văn đàn một khoảng trống khó có thể lấp đầy…

“Có buổi chiều nào như chiều nay”[1], người tự nhận mình là một “người ham chơi” cuối cùng đã thực sự “bỏ vui chơi”[2] để đoàn tụ với vợ ở một khoảng trời khác. Có lẽ, họ đã hẹn nhau cùng bước về miền mây trắng để không còn nỗi đau kẻ ở – người đi; không còn những nhớ nhung khắc khoải: “Hỡi mùi tóc chiêm bao/Ta nhớ người như thế/Hỡi ngọn đồi trăng sao/Ta xa người đến thế” (Một ngày bỗng nhớ một ngày). Ở đó, có lẽ, họ sẽ được cùng “ngủ dưới trăng”[3], để nhìn nhau từ “chỗ vĩnh hằng”[4], để  “bồng bềnh cho tới mai sau”[5].


[1] , [2]: ý thơ từ bài “Dạ khúc” của Hoàng Phủ Ngọc Tường (Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi/Cho tôi chiếc hôn nồng cháy; Có buổi nào như chiều nay/Căn phòng anh bóng tối dâng đầy)
[3] , [4]: Ý từ câu thơ “Tôi về ngủ dưới vầng trăng/Có em từ chỗ vĩnh hằng nhìn tôi” (Địa chỉ buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường)
[5] Tên một bài thơ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Trang Đoan